Báo cáo tại phiên họp, Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội Dương Thanh Bình cho biết, cử tri và Nhân dân bày tỏ sự quan tâm, đánh giá cao việc Quốc hội, UBTVQH, Chính phủ, Bộ ngành Trung ương và địa phương tổ chức để Nhân dân tham gia ý kiến vào Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Đến nay, đã có hơn 10,6 triệu lượt ý kiến của các tổ chức, cá nhân góp ý cho dự thảo Luật.
Cử tri và Nhân dân cũng bày tỏ sự quan tâm về Quy định số 96-QĐ/TW ngày 2/2/2023 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị, làm cơ sở cho Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp lấy phiếu tín nhiệm đối với những chức danh, chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp bầu và phê chuẩn. Quy định 96-QĐ/TW cùng với các quy định, kết luận, chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương, của Bộ Chính trị ban hành từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay đã tạo nên những dấu mốc mới trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, lựa chọn đội ngũ cán bộ có tâm, có đức, tạo niềm tin vững chắc trong Nhân dân để phát triển đất nước.
Báo cáo về kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri của cơ quan có thẩm quyền, Trưởng Ban Dân nguyện cho biết, tính đến ngày 07/4/2023, Ban Dân nguyện đã nhận được văn bản trả lời đối với 2.535/2.593 kiến nghị cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 4, Kỳ họp bất thường lần thứ 2 Quốc hội khóa XV. “Đến nay còn 61 kiến nghị chưa được trả lời, Ban Dân nguyện sẽ tiếp tục đôn đốc các cơ quan có thẩm quyền khẩn trương giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri của các cơ quan có thẩm quyền theo quy định” – ông Dương Thanh Bình cho biết.
Theo Trưởng ban Dân nguyện, để phục vụ cho việc xây dựng báo cáo giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi tới Kỳ họp thứ 4 và Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Ban Dân nguyện đã chỉ đạo Vụ Dân nguyện làm việc với Vụ chuyên môn của một số Bộ, ngành về một số hạn chế trong việc giải quyết kiến nghị của cử tri; tham mưu cho Ban Dân nguyện xây dựng báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ và Bộ Công an, trong tháng 3/2023, tình hình công dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có chiều hướng tăng nhiều so với tháng 02/2023. Tình hình khiếu kiện tiếp tục diễn biến phức tạp, có 26 đoàn khiếu kiện đông người, vượt cấp lên Trung ương (tăng 16 lượt đoàn đông người so với tháng 02/2023). Hiện còn 47 công dân của 13 địa phương khiếu kiện kéo dài tại Hà Nội.
Đối với công tác tiếp công dân, tiếp nhận, xử đơn thư, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội đã tiếp 306 lượt người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về 299 vụ việc và có 09 lượt đoàn đông người (giảm 89 lượt người về 95 vụ việc và 07 lượt đoàn đông người so với tháng 02/2023). Qua tiếp công dân, đã chuyển 43 đơn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết; hướng dẫn bằng văn bản 07 vụ việc; đã giải thích, hướng dẫn, thuyết phục công dân chấp hành đúng quy định của pháp luật đối với 206 vụ việc.
Tại phiên họp, Trưởng Ban Dân nguyện đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố chủ động phối hợp và giám sát các cơ quan có thẩm quyền ở địa phương giải quyết dứt điểm đối với các vụ việc cụ thể đã được đề cập tại Báo cáo dân nguyện hàng tháng. Đồng thời đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các Bộ ngành, các địa phương đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành, các địa phương trong thời gian tới.
Cho ý kiến về nội dung này, UBTVQH cơ bản thống nhất với báo cáo được trình bày và cho rằng báo cáo đã tổng hợp cơ bản về công tác dân nguyện của Quốc hội trong tháng qua, từ đó đưa ra những kiến nghị, đề xuất xác đáng, thiết thực để nâng cao hiệu quả công tác này trong thời gian tới.
UBTVQH đề nghị cần phân tích rõ nguyên nhân, nêu rõ trách nhiệm của các đơn vị, cử tri trong việc tiếp nhận, giải quyết khiếu nại tố cáo, để biểu dương, điều chỉnh kịp thời, phù hợp hàng tháng. Bên cạnh đó, báo cáo cần bổ sung nội dung về các vụ việc điển hình, thống nhất số liệu với các báo cáo của Chính phủ, bổ sung thêm số liệu người lao động mất việc làm, các doanh nghiệp giải thể, số lượng rút bảo hiểm một lần… để có góc nhìn tổng quan, toàn diện về tình hình phát triển kinh tế- xã hội.
Các đại biểu cũng đề nghị cần có điều khoản chuyển tiếp cụ thể, đưa ra hướng dẫn rõ ràng đối với việc thi hành Luật Phòng cháy, chữa cháy để không làm đứt đoạn trong điều hành. Đồng thời đề nghị Ủy ban Xã hội phối hợp với các cơ quan hữu quan sớm giải quyết vấn đề xoay quanh việc phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng…
Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Ban Dân nguyện tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu, hoàn thiện báo cáo. Đồng thời, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổng hợp đầy đủ số liệu, chuẩn bị báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri, kết quả giải quyết khiếu nại tố cáo để gửi đến Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội./.
M. Thúy