Trình Quốc hội Dự án Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ

(sav.gov.vn) - Sáng 13/4/2023, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét, cho ý kiến về việc trình Quốc hội quyết định bổ sung vào Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh đối với 02 dự án Luật: Luật Đường bộ, Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ.

Trình bày Tờ trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, việc hoàn thiện thể chế pháp luật trong lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt, thống nhất của Đảng, Nhà nước trong thời gian qua, là sự cụ thể hóa Hiến pháp để giải quyết những vấn đề thực tiễn về trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới. 

Tình hình trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong những năm qua tuy đã có những chuyển biến, nhưng chưa thực sự căn bản, vững chắc, còn nhiều diễn biến phức tạp; tai nạn giao thông vẫn ở mức cao và nghiêm trọng, nhất là số người chết, luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn cho người, phương tiện khi tham gia giao thông. Một trong những nguyên nhân cơ bản của tình trạng trên là do Luật Giao thông đường bộ năm 2008 được xây dựng và ban hành trên cơ sở sửa đổi Luật Giao thông đường bộ năm 2001, trong bối cảnh hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ còn hạn chế, phương tiện chủ yếu là mô tô, xe gắn máy,… 

Ban hành Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ (TTATGTĐB) với mục tiêu xây dựng thói quen, ý thức tự giác và hình thành văn hóa giao thông hiện đại, đề cao bảo vệ tính mạng, tài sản, quyền con người khi tham gia giao thông; với mục tiêu phát triển hạ tầng giao thông, quản lý vận tải, thích ứng với sự thay đổi, phát triển nhanh của kinh tế, xã hội, khoa học, kỹ thuật, hướng tới phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, vận tải hiện đại, đồng bộ, chất lượng.

Việc xây dựng Luật nhằm tạo cơ sở pháp lý về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe cho người tham gia giao thông, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, góp phần bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên... 
Qua rà soát, cho thấy các quy định trong dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ thống nhất với quy định của các văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật hiện hành của Nhà nước ta; đồng thời phù hợp với các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, như: Công ước quốc tế năm 1968 về Giao thông đường bộ và Công ước quốc tế năm 1968  về Biển báo - Tín hiệu đường bộ; Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966,...

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, dự án Luật đã được Chính phủ chỉnh lý, hoàn thiện trên cơ sở đã tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV. Theo đó, Chính phủ đã có Tờ trình số 83/TTr-CP ngày 18/3/2022, Tờ trình số 96/TTr-CP ngày 24/3/2022 và Báo cáo số 469/BC-CP ngày 27/11/2022 báo cáo UBTVQH về dự án Luật. Vì vậy, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV.

Về dự án Luật Đường bộ, việc xây dựng dự án Luật này là hết sức cần thiết nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; phương tiện giao thông đường bộ; vận tải đường bộ; tăng cường quản lý Nhà nước, thể chế hoá chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Việc xây dựng và ban hành hai Luật trên là đòi hỏi tất yếu, khách quan, cấp bách của thực tiễn, phù hợp với quy luật phát triển, phù hợp với xu hướng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam trong điều kiện xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, góp phần tạo cơ sở pháp lý đầy đủ hơn để thúc đẩy, nâng tầm cả hai lĩnh vực đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Thường trực Ủy ban Quốc phòng an ninh (UBQPAN) của Quốc hội cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật Đường bộ và Luật TTATGTĐB, cho rằng việc xây dựng hai Luật sẽ quy định đầy đủ, chuyên sâu về cả kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ (GTĐB) và trật tự, an toàn GTĐB, khắc phục những bất cập, khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước, xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành...

Đa số ý kiến thành viên UBTVQH tán thành, hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Đường bộ và Luật TTATGTĐB cơ bản bảo đảm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, quyết định đưa vào Chương trình xây dựng luật pháp lệnh 2024 và điểu chỉnh chương trình năm 2023. UBTVQH đánh giá cao sự cầu thị của Chính phủ trong chỉ đạo, tiếp thu ý kiến của Đại biểu Quốc hội khóa 14, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ Chính trị, Đảng đoàn Quốc hội, UBTVQH để giải trình, chỉnh lý, bổ sung dự thảo Luật. Đề nghị hồ sơ chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, tập trung vào các chính sách lớn, việc giải trình có tính thuyết phục, bảo đảm thống nhất khi trình ra Quốc hội.

Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, đa số ý kiến của UBTVQH nhất trí với hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Đường bộ và dự án Luật TTATGTĐB cơ bản bảo đảm quy định tại Điều 37, Điều 64 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Hồ sơ hai dự án Luật đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, quyết định đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023./.

Thanh Trang