Chuyển cơ quan điều tra, xử lý gần 1.200 vụ việc có dấu hiệu tội phạm
Những năm qua, công tác đấu tranh PCTNTC được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện quyết liệt, toàn diện, đi vào chiều sâu với quyết tâm chính trị cao. Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán không ngừng được đổi mới. Nhiều vụ việc tham nhũng nghiêm trọng được phát hiện, xử lý, trong đó có cả cán bộ cấp cao đương chức hoặc đã nghỉ hưu. Công tác điều tra, truy tố, xét xử được thực hiện nghiêm minh, đúng pháp luật, với tinh thần “không ngừng, không nghỉ”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”, “làm rõ đến đâu, xử lý đến đó” như chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC.
Theo thống kê của các cơ quan chức năng, từ năm 2012 đến nay, 2.740 tổ chức đảng và hơn 167.000 cán bộ, đảng viên bị xử lý, kỷ luật, trong đó có hơn 190 cán bộ diện Trung ương quản lý (4 Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; 36 Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương; hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang); qua kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, các cơ quan chức năng đã kiến nghị xử lý trách nhiệm gần 44.700 tập thể, cá nhân, chuyển cơ quan điều tra, xử lý gần 1.200 vụ việc có dấu hiệu tội phạm… Những con số nêu trên cho thấy quyết tâm chính trị và hành động quyết liệt của Đảng và Nhà nước ta trong phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực. Có thể nói, cuộc đấu tranh PCTNTC đã huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Trong giai đoạn hiện nay, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng đã ban hành hơn 250 văn bản về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và PCTNTC. Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành cũng tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành hàng nghìn văn bản quy phạm pháp luật, khắc phục những sơ hở, bất cập làm phát sinh tham nhũng, tiêu cực. Tuy nhiên, công tác PCTNTC vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra. Thực tế cho thấy, một bộ phận cán bộ, công chức đã làm ngơ, dung túng, tiếp tay, bao che, đồng phạm, thậm chí là chủ mưu trong những vụ việc, vụ án tham nhũng; có sự móc nối, liên kết ở quy mô rộng lớn, cả lĩnh vực công và lĩnh vực tư. Điều này cho thấy cơ chế, chính sách pháp luật, công tác tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát, xử lý chưa kịp thời, nghiêm minh; cơ chế kiểm soát quyền lực chưa hiệu quả.
Thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp
Để nâng cao hiệu quả công tác PCTNTC trong tình hình mới, nhiều ý kiến đề xuất, trước hết, cần nâng cao bản lĩnh chính trị, trau dồi đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Các cấp ủy đảng cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục lý tưởng cách mạng, tư tưởng liêm chính, chí công vô tư của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tạo sức đề kháng mạnh mẽ cho mỗi cán bộ, đảng viên, tránh bị sa ngã trước những cám dỗ vật chất. Cùng đó, các cấp ủy đảng, chính quyền nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách để cán bộ, đảng viên không thể tham nhũng; rà soát các quy trình trong công tác cán bộ, đảm bảo công khai, minh bạch, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có năng lực và bản lĩnh vững vàng.
Ngoài ra, cần xây dựng các quy định, quy chế về công tác cán bộ, nhất là quy định kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ. Người được giao chức vụ, quyền hạn phải không ngừng tu dưỡng đạo đức, thường xuyên tự soi, tự sửa; đồng thời tăng cường giám sát, kiểm soát có hiệu quả việc thực thi quyền lực của người có chức, có quyền. Gắn công tác PCTNTC với xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Mặt khác, phải nêu cao vai trò lãnh đạo của Ban Thường vụ cấp ủy, Ban cán sự đảng các ngành, trước hết là người đứng đầu trong công tác PCTNTC. Nêu cao vai trò phát hiện tham nhũng, tiêu cực của các cấp ủy đảng ở cơ sở. Quan tâm phát huy vai trò của quần chúng nhân dân trong việc tham gia các kế hoạch, chương trình PCTNTC tại địa phương. Thực hiện nghiêm quy định về người đứng đầu cấp ủy, đơn vị không phải là người địa phương. Tiếp tục kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo PCTNTC tại các tỉnh, thành phố.
Đặc biệt, để góp phần hoàn thiện cơ chế phòng, chống tham nhũng, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội được giao nhiệm vụ chủ trì tham mưu, giúp Đảng đoàn Quốc hội xây dựng Dự thảo Quy định của Bộ Chính trị về “Kiểm soát quyền lực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật” dự kiến sẽ trình Bộ Chính trị xem xét trong năm 2023. Góp ý cho Dự thảo, nhiều ý kiến cho rằng, cần nhận diện rõ “lợi ích nhóm” trong xây dựng pháp luật và xây dựng cơ chế thực chất, hiệu quả để phòng, chống lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực trong công tác này.
Ngoài ra, tại cuộc họp mới đây, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã quyết định lập 5 đoàn kiểm tra của Bộ Chính trị, 5 đoàn kiểm tra của Ban Bí thư trong năm 2023 do các Ủy viên làm trưởng đoàn. Các đoàn của Bộ Chính trị sẽ kiểm tra việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác cán bộ; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Các đoàn của Ban Bí thư sẽ kiểm tra việc chỉ đạo thực hiện đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; trong đó, tập trung đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực./.
Giai đoạn 2012-2022, thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát mới chỉ đạt 61.000 tỷ đồng, đạt 34,7%. Như vậy, còn khoảng hơn 120.000 tỷ đồng chưa được thu hồi; trong đó, riêng các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC theo dõi còn gần 70.000 tỷ đồng cần được thu hồi. Đây cũng là một trong những thách thức mà Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới đang phải đối mặt khi giải quyết vấn nạn tham nhũng. |
Lê Hòa
(Báo Kiểm toán số 15/2023)