Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chỉ đạo các Bộ, cơ quan Trung ương có giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công

(sav.gov.vn) - Tính đến hết quý I/2023, tổng vốn giải ngân đầu tư công của 17 Bộ, cơ quan Trung ương thuộc Tổ Công tác số 3 của Thủ tướng Chính phủ, do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang làm Tổ trưởng là gần 2.100 tỉ đồng, đạt 6,11% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so với mức trung bình của cả nước là 10,35%. Đó là thông tin từ cuộc họp chiều ngày 17/4/2023 với 17 Bộ, cơ quan Trung ương về tình hình giải ngân vốn đầu tư công do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì.

Các Bộ, cơ quan Trung ương thuộc Tổ công tác số 3 gồm: Văn phòng Trung ương Đảng, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Nội vụ, Ủy ban Dân tộc, Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thông tấn xã Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước năm 2023 Thủ tướng Chính phủ giao cho 17 Bộ, cơ quan Trung ương là hơn 34.000 tỷ đồng. Tính đến ngày 17/4/2923, các Bộ, cơ quan đã phân bổ 97,5% tổng số vốn được giao theo kế hoạch, trong đó Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao có tiến độ giải ngân cao nhất, đạt 22,48%. Số vốn còn lại chưa giao kế hoạch thuộc 5 Bộ, cơ quan Trung ương gồm: Bộ Nội vụ, Văn phòng Trung ương Đảng, Tòa án Nhân dân Tối cao, Bộ Tư pháp, Đài Truyền hình Việt Nam, chủ yếu do các dự án chưa hoàn thiện thủ tục quyết định đầu tư.

Tại cuộc họp, Lãnh đạo các Bộ, cơ quan Trung ương đã phản ánh vướng mắc, bất cập liên quan đến các quy định phân cấp thẩm quyền thẩm định dự án đầu tư công sử dụng vốn ngân sách Nhà nước của cơ quan chuyên môn; thẩm quyền kiểm tra điều kiện nghiệm thu công trình các cơ quan Trung ương có ngành dọc như giao thông, nông nghiệp...

Mặt khác, còn có nhiều khó khăn trong tổ chức thực hiện, thủ tục đầu tư các dự án khởi công mới kéo dài từ khâu lựa chọn nhà thầu tư vấn khảo sát, lập thiết kế bản vẽ thi công - dự toán, phê duyệt thiết kế đến bước lựa chọn nhà thầu thi công, nhất là các dự án có tổng mức đầu tư lớn.

Một nguyên nhân lớn khác là năng lực một số nhà thầu tư vấn còn yếu kém, dẫn đến chất lượng công tác tư vấn, hồ sơ còn hạn chế nên khi khảo sát, thiết kế và triển khai thi công thực tế phải dừng để xử lý hoặc điều chỉnh dự án, dẫn đến tỉ lệ giải ngân kế hoạch vốn chậm.

Một số Bộ, cơ quan Trung ương có nhiều dự án đầu tư cơ sở vật chất, trụ sở làm việc của ngành trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố nên thường gặp khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng, giao đất, điều chỉnh quy hoạch cục bộ…

Các dự án mua sắm phần lớn là hàng nhập khẩu, trong đó có những trang thiết bị đặc chủng, thiết bị chuyên dùng có yêu cầu kỹ thuật cao và tính đồng bộ, nên công tác giải ngân sẽ tập trung vào những tháng cuối năm.

Việc triển khai các dự án đầu tư xây dựng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài mất nhiều thời gian do vừa phải tuân thủ quy định của pháp luật trong nước, vừa phải thực hiện quy định của nước sở tại.

17 Bộ, cơ quan Trung ương đều cam kết phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư ngân sách Nhà nước được Thủ tướng Chính phủ giao năm 2023; đồng thời đề nghị UBND các địa phương quan tâm, tạo điều kiện bàn giao đất sạch cho các dự án đầu tư xây dựng trụ sở làm việc ở địa phương.

Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang khẳng định, cuộc họp nhằm trao đổi, nhận diện khó khăn, vướng mắc để sớm có phương án tháo gỡ, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy  phục hồi và phát triển kinh tế.

Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của các Bộ, cơ quan Trung ương tại cuộc họp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đề xuất các giải pháp để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, tránh tình trạng các dự án đầu tư dở dang, đồng thời kiểm soát chặt chẽ các dự án đầu tư để tránh sai phạm, thất thoát trong quản lý đầu tư xây dựng cơ bản. Đối với các dự án đầu tư xây dựng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, cần có cơ chế thuận lợi hơn bởi các dự án này phải đáp ứng tiêu chí kép, vừa tuân thủ pháp luật trong nước, vừa đáp ứng các quy định ngặt nghèo của nước sở tại về quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng./.

Khánh Vy