Đổi mới kiểm toán hoạt động chi ngân sách địa phương lĩnh vực kinh tế

Trong tổng số chi ngân sách nhà nước của một địa phương, chi các hoạt động kinh tế thường chiếm tỷ trọng lớn và có ý nghĩa quan trọng đối với việc thực hiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế của địa phương. Chính vì vậy, chi hoạt động kinh tế là một trong những nội dung trọng yếu trong kiểm toán hoạt động ngân sách địa phương (NSĐP), cần thiết phải có Đề cương kiểm toán.

Theo ThS. Nguyễn Thanh Phương (Kiểm toán nhà nước (KTNN) khu vực IX) và ThS. Đinh Thị Phương Thúy (KTNN khu vực XIII), đối với NSĐP, KTNN đã ban hành hướng dẫn xây dựng mục tiêu, nội dung, tiêu chí kiểm toán hoạt động quản lý, sử dụng ngân sách cấp huyện năm 2015 và tổ chức nhiều cuộc kiểm toán hoạt động quản lý, sử dụng ngân sách cấp huyện. Các cuộc kiểm toán này đã đạt một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, nội dung kiểm toán rộng, bao quát cả thu lẫn chi ngân sách, niên độ ngân sách được kiểm toán chỉ là một năm nên nhiều vấn đề chưa được giải quyết đầy đủ.

Chính vì vậy, việc xây dựng Đề cương kiểm toán hoạt động công tác quản lý và sử dụng chi NSĐP lĩnh vực kinh tế sẽ góp phần đổi mới phương thức tổ chức loại hình kiểm toán hoạt động để có đầy đủ cơ sở, bằng chứng nhằm đưa ra các ý kiến kiểm toán chuyên sâu, mang tính định hướng dựa trên cơ sở đánh giá, tổng kết thực tiễn. Từ đó, KTNN có thể tư vấn điều chỉnh chính sách và cách thức tổ chức thực hiện chính sách ngày càng hiệu quả hơn; góp phần đa dạng hóa các nội dung kiểm toán, từng bước tăng cường các cuộc kiểm toán hoạt động theo Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030.

Đề xuất các giải pháp xây dựng Đề cương kiểm toán hoạt động công tác quản lý và sử dụng chi NSĐP lĩnh vực kinh tế, theo nhóm tác giả, trước hết, KTNN cần nâng cao chất lượng giảng viên và bài giảng tập huấn. Bài giảng phải được xây dựng theo hướng chủ động cho học viên, cập nhật văn bản, chế độ chính sách mới, phải thẩm định kỹ trước khi giảng dạy. Đồng thời, cần tăng cường tính chủ động cho học viên khi tham gia các lớp đào tạo bằng việc tăng cường xây dựng nội dung để học viên trao đổi, qua đó nắm vững kiến thức và kỹ năng để vận dụng vào hoạt động kiểm toán. Công tác kiểm tra, sát hạch kết quả tập huấn, đào tạo cần được tổ chức nghiêm túc, chất lượng. Việc bố trí thời gian đào tạo, tập huấn phải phù hợp với khối lượng kiến thức tập huấn. Cần nhân rộng việc đào tạo, tập huấn chuyên đề từ các kiểm toán viên tham gia tập huấn đến các kiểm toán viên không được tham gia đào tạo.

Đồng thời, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kiểm toán cần được thực hiện với các phương thức: Tăng cường đào tạo trình độ cho kiểm toán viên trong việc khai thác, sử dụng các phần mềm nghiệp vụ của các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị được kiểm toán như: Phần mềm Tabmis, phần mềm kế toán, phần mềm TMS, phần mềm quản lý văn bản… Xây dựng các phần mềm hỗ trợ hoạt động kiểm toán tương thích với quy trình, nhiệm vụ của hoạt động kiểm toán. Các phần mềm hỗ trợ hoạt động kiểm toán phải dễ hiểu, vận dụng linh hoạt và tương thích với các phần mềm nghiệp vụ của các đơn vị, từ đó hỗ trợ kiểm toán viên khai thác, sử dụng dữ liệu nhanh chóng, thuận tiện, giảm tải thời gian thao tác nghiệp vụ cho kiểm toán viên, đồng thời nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán. Tăng cường trang bị các thiết bị công nghệ thông tin hiện đại, tương thích các phần mềm kế toán, kiểm toán, dự toán xây dựng… để kiểm toán viên có điều kiện tốt nhất trong việc sử dụng thiết bị thông tin, từ đó ứng dụng vào hoạt động kiểm toán. Tăng cường bố trí các cuộc kiểm toán sử dụng công nghệ thông tin từ xa; nâng dần các cuộc kiểm toán online, khai thác tài liệu, dữ liệu qua mạng để giảm thiểu thời gian, công thức, chi phí và tăng cường chất lượng hoạt động kiểm toán.

Về công tác tổ chức hoạt động kiểm toán, việc tổ chức các đoàn kiểm toán hoạt động riêng biệt sẽ đạt hiệu quả cao trong việc đánh giá, xác định tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước đối với một lĩnh vực, một địa phương trong một thời kỳ, niên độ. Việc thành lập các đoàn kiểm toán hoạt động quản lý, sử dụng kinh phí chi NSĐP theo một lĩnh vực riêng sẽ giúp công tác kiểm toán được thực hiện theo hướng chuyên sâu hơn, các nội dung kiểm toán bao quát hết các khía cạnh của lĩnh vực, phạm vi kiểm toán không bị giới hạn và ảnh hưởng bởi các yếu tố khách quan và chủ quan. Số lượng nhân sự cho đoàn kiểm toán này không nhiều, thời gian thực hiện kiểm toán phù hợp, hiệu quả công tác kiểm toán sẽ được nâng cao. Vì thế, định hướng tổ chức các cuộc kiểm toán hoạt động quản lý, sử dụng kinh phí chi NSĐP theo một lĩnh vực riêng biệt là cần thiết và phù hợp.

Bên cạnh các nhóm giải pháp nêu trên, KTNN có thể xây dựng quy chế phối hợp với các đơn vị được kiểm toán về việc cung cấp quyền khai thác dữ liệu, tài liệu của các đơn vị; xây dựng cơ sở dữ liệu kiểm toán toàn Ngành; nâng cao chất lượng công tác kiểm soát chất lượng hoạt động kiểm toán và công tác thẩm định kế hoạch kiểm toán, báo cáo kiểm toán.../.
 
Giai đoạn 2023-2025, hằng năm, mỗi KTNN khu vực thành lập từ 1-2 đoàn kiểm toán để thực hiện việc kiểm toán hoạt động quản lý, sử dụng kinh phí chi NSĐP lĩnh vực kinh tế tại các tỉnh được kiểm toán báo cáo quyết toán NSĐP để đánh giá lồng ghép tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, sử dụng kinh phí chi cho lĩnh vực kinh tế và số liệu quyết toán NSĐP. Giai đoạn 2026-2030, các KTNN khu vực thực hiện lồng ghép đoàn kiểm toán quyết toán NSĐP và kiểm toán hoạt động quản lý, sử dụng kinh phí chi NSĐP lĩnh vực kinh tế tại tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, qua đó đánh giá tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả của việc quản lý, sử dụng kinh phí NSĐP trên cả nước.

Thùy Anh
(Báo Kiểm toán số 16/2023)