Thực hiện dự án kéo dài, chậm tiến độ
Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Sóc Trăng, Ban Quản lý dự án 1 tỉnh Sóc Trăng (Ban QLDA) và các đơn vị có liên quan đã cơ bản tuân thủ pháp luật, chấp hành chế độ quản lý đầu tư xây dựng công trình, chế độ tài chính - kế toán và các chính sách pháp luật khác. Chủ đầu tư và các đơn vị cũng đã có những cố gắng trong quản lý tiến độ thực hiện dự án, Ban QLDA thường xuyên đôn đốc, theo dõi và cập nhật tình hình thực hiện tiến độ của các gói thầu. Tuy nhiên, KTNN chỉ ra rằng, tiến độ có nguy cơ phải kéo dài so với kế hoạch do một số gói thầu vướng mặt bằng thi công và việc tổ chức triển khai một số gói thầu thi công giai đoạn 2 chậm, như: Gói thầu ST-XL01, ST-XL02, ST-XL05, ST-XL12… Bởi đến thời điểm kiểm toán (tháng 7/2021), Dự án đang triển khai theo kế hoạch được duyệt của cấp có thẩm quyền tại Quyết định số 2756/QĐ-UBND ngày 27/10/2017, theo đó, tiến độ thực hiện Dự án từ năm 2017 đến năm 2022.
Nhưng trên thực tế, Gói thầu ST-XL05 xây dựng đường Vành đai 2 đến thời điểm kiểm toán vẫn chưa được triển khai thi công do vướng mặt bằng, thời gian thực hiện hợp đồng là 17 tháng, nếu hoàn thành theo đúng tiến độ hợp đồng thì đến tháng 12/2022. Đối với Gói thầu ST-XL11 xây dựng cầu Vành đai 2 và Gói thầu ST-XL12 xây dựng cầu Nguyễn Văn Linh, theo Quyết định số 1287/QĐ-UBND ngày 31/5/2021 về việc phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu giai đoạn 2 thì thời gian hoàn thành tới quý III/2023 (do kế hoạch lựa chọn nhà thầu là trong quý III/2021 và thời gian thực hiện hợp đồng là 720 ngày)…
Từ phát hiện kiểm toán, KTNN kiến nghị Ban QLDA phải làm rõ nguyên nhân chậm tiến độ, mức độ ảnh hưởng của từng nguyên nhân và trách nhiệm cụ thể của các bên liên quan để xử lý theo quy định của Hợp đồng và quy định pháp lý khác có liên quan. Đồng thời, phải có biện pháp đẩy nhanh tiến độ nhằm đảm bảo tiến độ Dự án hoàn thành đúng quy định. Liên quan đến vấn đề này, KTNN cũng kiến nghị UBND tỉnh Sóc Trăng chỉ đạo Ban QLDA và các bên liên quan đẩy nhanh tiến độ Dự án, rà soát làm rõ nguyên nhân chậm tiến độ các gói thầu thuộc Dự án để có căn cứ gia hạn tiến độ và xử lý các nội dung liên quan theo quy định.
Bố trí kế hoạch vốn không phù hợp
Trong quản lý chi phí đầu tư, KTNN kết luận, công tác nghiệm thu thanh toán còn giảm trừ 450 triệu đồng, trong đó sai khối lượng 211 triệu đồng và sai khác 239 triệu đồng; giảm giá trị hợp đồng còn lại 1.677 triệu đồng. Các đơn vị cũng chưa kịp thời đôn đốc, thực hiện nộp về Dự án các khoản đã tạm ứng quá thời hạn theo quy định giá trị 3.708 triệu đồng; xuất hoá đơn Giá trị gia tăng (GTGT) của nhà thầu chưa được thực hiện đầy đủ với giá trị 3.995 triệu đồng.
Vấn đề nổi cộm nữa được KTNN chỉ ra là kế hoạch vốn được bố trí chưa phù hợp với tình hình thực tế dẫn đến năm 2019 còn dư; chưa đưa vào cân đối kế hoạch vốn đối ứng là ngân sách trung ương theo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2019-2020. Cụ thể, đối với dự án này, kế hoạch vốn trung ương và địa phương chưa giao chi tiết cho từng dự án thành phần - điều này chưa đúng quy định tại mục 5 Điều 59, mục 3 Điều 67 và khoản c mục 2 Điều 71 Luật Đầu tư công. Việc xác định nhu cầu và đăng ký vốn cũng chưa phù hợp với thực tế nghiệm thu và giải ngân của Dự án theo quy định của Chính phủ và Thông tư hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dẫn đến kết quả giải ngân chưa cao.
Năm 2019, kế hoạch vốn ODA được giao 50.484 triệu đồng, giá trị giải ngân chỉ đạt 19.103 triệu đồng, bằng 37,8% kế hoạch vốn giao. Vốn đối ứng ngân sách địa phương là 62.400 triệu đồng, giá trị giải ngân cũng chỉ đạt 2.795 triệu đồng, bằng 4,5% kế hoạch vốn giao. Năm 2020, tình hình giải ngân được cải thiện đáng kể, nhưng vẫn không đạt kế hoạch. Cụ thể, kế hoạch vốn ODA được giao là 67.160 triệu đồng, giá trị giải ngân đạt 58.293 triệu đồng, bằng 86% kế hoạch. Vốn đối ứng ngân sách địa phương là 82.504 triệu đồng, giá trị giải ngân đạt 59.826 triệu đồng, bằng 72,5% kế hoạch vốn giao. KTNN đánh giá, một trong những nguyên nhân dẫn đến tồn tại trên là do việc lập kế hoạch vốn chưa phù hợp với tình hình thực tế (giải phóng mặt bằng chậm), dẫn đến năm 2019 còn dư kế hoạch vốn ODA tới 31.381 triệu đồng, phải điều chỉnh kế hoạch vốn sang năm 2020 là 16.200 triệu đồng.
Trong chấp hành chế độ quản lý tài chính, kế toán, KTNN phát hiện việc ghi thu - ghi chi của Ban QLDA và các bên liên quan chưa thực hiện kịp thời theo Thông tư số 111/TT-BTC ngày 30/6/2016 của Bộ Tài chính. Đến thời điểm kiểm toán, nguồn vốn ODA đã được giải ngân, thanh toán nhưng chưa được các bên liên quan thực hiện ghi thu - ghi chi với giá trị 10.276 triệu đồng. Nguyên nhân do Ban QLDA chưa kịp trình Kho bạc Nhà nước tỉnh Sóc Trăng để xác nhận. Tuy nhiên, cập nhật kết quả, KTNN cho biết, đến ngày 16/7/2021, Ban QLDA đã điều chỉnh, thực hiện ghi thu - ghi chi theo quy định.
Cùng với đó, KTNN yêu cầu Ban QLDA phối hợp với Kho bạc Nhà nước để thu hồi hoàn trả 3.072 triệu đồng vốn đã tạm ứng quá hạn cho ngân sách nhà nước đối với Gói thầu XT-X1 05 (Xây dựng đường Vành đai 2) và 636 triệu đồng đối với chi phí giải phóng mặt bằng. Đối với Cục Thuế TP. Hà Nội, TP. Sóc Trăng và Chi cục Thuế quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ, KTNN kiến nghị phải kiểm tra, rà soát tình hình phát hành hóa đơn GTGT và kê khai, thực hiện nghĩa vụ thuế GTGT đối với giá trị khối lượng đã được nghiệm thu, thanh toán. Cụ thể, tổng giá trị nghiệm thu thanh toán chưa xuất hóa đơn được KTNN xác nhận là 43.952,1 triệu đồng; tổng số tiền thuế GTGT tương ứng là 3.995,6 triệu đồng./.
Qua kiểm toán Tiểu dự án TP. Sóc Trăng, KTNN kiến nghị Ban QLDA điều chỉnh sổ kế toán, báo cáo tài chính theo kết luận của KTNN. Đồng thời, kiến nghị xử lý tài chính tổng số tiền 6.124 triệu đồng. Trong đó, thu hồi nộp ngân sách nhà nước hơn 82,5 triệu đồng; giảm trừ giá trị thanh toán hơn 368,17 triệu đồng; giảm giá trị hợp đồng còn lại hơn 1.677,6 triệu đồng và tăng thu ngân sách nhà nước về thuế GTGT 3.995,6 triệu đồng. |
Phúc Khang
(Báo Kiểm toán số 17+18/2023)