Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh
(sav.gov.vn) - Tiếp tục Chương trình phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội (UBTVQH), Chiều 12/5/2023, tại nhà Quốc Hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ, sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, UBTVQH cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM). Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung tham dự phiên họp.
Trình bày tờ trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc xây dựng dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM nhằm tạo ra các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội; tạo cơ sở pháp lý hữu hiệu để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá; giải quyết các điểm nghẽn, nút thắt về phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố; góp phần xây dựng và phát triển TPHCM đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 như mục tiêu đã đặt ra tại Nghị quyết số 24-NQ/TW, Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội.
Chính phủ trình UBTVQH, Quốc hội dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định thí điểm 7 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù về: Quản lý đầu tư; tài chính ngân sách; quản lý đô thị và tài nguyên môi trường; thu hút nhà đầu tư chiến lược; quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; tổ chức bộ máy của TPHCM… “Chính phủ trình UBTVQH, Quốc hội xem xét, cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết để xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV theo quy trình thủ tục rút gọn, thông qua tại một kỳ họp” - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, dự thảo Nghị định quy định thí điểm mô hình phát triển đô thị TPHCM theo định hướng phát triển giao thông (TOD); TPHCM được mở rộng lĩnh vực áp dụng đầu tư theo phương thức đối tác “Công-Tư” -(PPP) đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực thể thao, công nghiệp văn hóa, bảo tàng, di tích và di sản văn hóa với quy mô không thấp hơn 100 tỷ đồng. Được áp dụng hợp đồng “Xây dựng - Vận hành - Chuyển giao” (BOT) đối với dự án công trình đường bộ hiện hữu; được thực hiện dự án đầu tư theo Hợp đồng “Xây dựng - Chuyển giao” (BT) thanh toán bằng tiền từ ngân sách thành phố.
Bên cạnh đó, HĐND thành phố quyết định dự toán, phân bổ ngân sách thành phố bảo đảm phù hợp với các định hướng cơ cấu lại ngân sách, phát triển kinh tế - xã hội và các lĩnh vực quan trọng theo quy định của Quốc hội và Chính phủ; quy định TPHCM được tăng tổng mức dư nợ vay không vượt quá 120% số thu ngân sách thành phố được hưởng theo phân cấp.
Báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách (TCNS) của Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai cho biết, Thường trực Ủy ban TCNS tán thành về sự cần thiết ban hành Nghị quyết vì đủ căn cứ chính trị, cơ sở pháp lý và căn cứ thực tiễn. Đa số ý kiến cho rằng, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, để Nghị quyết của Đảng sớm đi vào cuộc sống, trong trường hợp bảo đảm chất lượng soạn thảo thì có thể trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5.
Thường trực Ủy ban TCNS cho rằng, việc ban hành Nghị quyết cần lưu ý một số quan điểm và nguyên tắc: Các quy định cần tháo gỡ kịp thời vướng mắc về thể chế đang cản trở phát triển; phát huy tiềm năng, khắc phục sức ỳ trong thực hiện các định hướng thời gian qua; không lợi dụng việc xây dựng pháp luật để hợp thức hóa sai phạm.
Về quản lý đô thị và tài nguyên môi trường, Thường trực Ủy ban TCNS đề nghị nên giao TPHCM linh hoạt trong bố trí nhà ở xã hội để tạo chủ động, song cần quy định rõ nghĩa vụ của các chủ đầu tư trong xây dựng nhà ở xã hội, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
Về hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, Thường trực Ủy ban TCNS tán thành về chủ trương, song để có căn cứ quyết định chính sách miễn, giảm thuế, bao gồm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, đề nghị đánh giá tác động theo hướng lượng hóa; một mặt thu hút nguồn nhân lực, song không tác động tiêu cực đến NSNN, đảm bảo tính trung lập của thuế.
Thảo luận tại phiên họp, các ý kiến đều thể hiện sự ủng hộ ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM thay thế Nghị quyết 54 và cần mạnh dạn thí điểm đủ mạnh để giúp TPHCM bứt phá đi lên.
Góp ý về dự thảo Nghị quyết, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, đa số ý kiến của Đảng đoàn Quốc hội và UBTVQH đồng ý với việc cần mở rộng phạm vi áp dụng PPP cho TPHCM hơn so với nội dung đề xuất. Những gì Luật không quy định, nhưng TPHCM thấy cần thiết thì có thể mở rộng ra.
Về triển khai phương thức BOT trên các tuyến đường hiện hữu, Chủ tịch Quốc hội đồng tình với dự thảo, đồng thời đề nghị Chính phủ và Cơ quan thẩm tra nghiên cứu có thêm quy định có tính chất như "van khóa", quy định về điều kiện, thủ tục thực hiện để hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và chủ đầu tư. Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị TPHCM nên tính toán kỹ phương án tài chính và các cơ chế chính sách kèm theo để đảm bảo hài hòa và hợp lý trong quá trình tổ chức và triển khai.
Về hợp đồng BT, Chủ tịch Quốc hội cơ bản đồng tình với nội dung trình, đồng thời đề nghị có tính toán thêm về cách thức hợp đồng BT, có thể vừa trả bằng đất ở, có thể vừa trả bằng tiền, hoặc khi thanh toán chênh lệch có thể bằng tiền hoặc có thể bằng đất hoặc cả hai để bảo đảm phù hợp với thực tiễn.
Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, hiện nay có các ý kiến đề xuất mạnh dạn nghiên cứu để chuyển Công ty đầu tư tài chính nhà nước TPHCM (HFIC) thành một Quỹ đầu tư của chính quyền địa phương. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan nghiên cứu tính toán thêm đề xuất này.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định sẽ tiếp thu tối đa ý kiến của thành viên UBTVQH, trong đó điều chỉnh rà soát mở rộng hình thức đầu tư các dự án theo phương thức PPP; bỏ giới hạn về tổng mức đầu tư; sửa đổi các hình thức đầu tư theo hình thức BOT. Đồng thời, sẽ rà soát chỉnh sửa các quy định chuyển tiếp; phạm vi về đối tượng doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; việc phân cấp, phân quyền cho Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân… Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với TPHCM, Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội và các Bộ, ngành hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội trong thời gian tới.
Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cảm ơn các ý kiến góp ý tại phiên họp, đặc biệt là ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Các góp ý của Chủ tịch Quốc hội đã hệ thống các vấn đề cũng như đã chỉ rõ những điểm mới quan trọng cần quan tâm.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho rằng, nếu dự thảo Nghị quyết được thông qua, TPHCM sẽ cần chuẩn bị rất nhiều điều kiện để có thể đáp ứng được việc triển khai Nghị quyết này trong thực tế. TPHCM phải có chương trình hành động và kế hoạch củng cố tổ chức bộ máy, nhân lực và kế hoạch giám sát.
Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, TPHCM phân công các cơ quan chuẩn bị thể chế hoá hơn 40 nội dung chính sách mới, sẽ trình HĐND thông qua tại kỳ họp HĐND sắp tới. “TPHCM sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội và các cơ quan có liên quan để hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị quyết trong thời gian sớm nhất; mong muốn dự thảo Nghị quyết sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo và có thể được thông qua tại Kỳ họp thứ 5 sắp tới” - ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Kết lại nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, UBTVQH cơ bản tán thành sự cần thiết, thống nhất trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết; đồng thời đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội và các đại biểu để hoàn thiện. Uỷ ban Tài chính ngân sách cần họp toàn thể để thẩm tra nội dung này.
Đồng thời, cần báo cáo rõ mô hình, hiệu quả hoạt động của các công ty đầu tư tài chính; cân nhắc nghiên cứu mô hình chuyển thành quỹ đầu tư phát triển thành phố, đánh giá kỹ tác động để đảm bảo công khai, minh bạch, hợp lý. Các chính sách mới cần được đánh giá kỹ tác động, tránh dàn trải, thiếu trọng tâm. Cần rà soát lại các chính sách đã được quy định nhưng chưa được thực thi hiệu quả, trường hợp mở rộng thêm chính sách cần đánh giá kỹ tác động để đảm bảo tính thuyết phục./.