Trình bày Tờ trình về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBTVQH, Tổng Thư ký Quốc hội đã chỉnh lý dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV và gửi xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội; gửi văn bản đề nghị các cơ quan hữu quan hoàn thiện hồ sơ tài liệu của Kỳ họp thứ 5 để gửi đại biểu Quốc hội đúng thời gian quy định. Đến nay, Tổng Thư ký Quốc hội đã nhận được ý kiến góp ý của 63 Đoàn đại biểu Quốc hội và một số đại biểu Quốc hội. Các ý kiến cơ bản nhất trí với dự kiến chương trình.
Theo ông Bùi Văn Cường, sau khi Chính phủ có đề nghị, UBTVQH cho ý kiến, Tổng Thư ký Quốc hội đã bố trí vào dự kiến nội dung, chương trình kỳ họp một số nội dung về: Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh; Việc tiếp tục phân bổ vốn đầu tư công trung hạn và vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Giảm thuế giá trị gia tăng; Điều điều chỉnh bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.
Đối với 3 dự án: Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Đường bộ đã được UBTVQH cho ý kiến tại phiên họp chuyên đề tháng 4/2023 và thấy rằng hồ sơ tài liệu cơ bản đảm bảo theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023. "Nội dung này đang chờ xin ý kiến Bộ Chính trị. Trên cơ sở ý kiến của Bộ Chính trị, UBTVQH sẽ trình Quốc hội xem xét, quyết định. Nếu Quốc hội đồng ý bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, tại Kỳ họp thứ 5, thì UBTVQH sẽ bổ sung vào chương trình kỳ họp trình Quốc hội. Do đó, trong dự kiến chương trình kỳ họp trình Quốc hội thông qua tại phiên họp trù bị chưa thể hiện 3 dự án Luật này" - ông Bùi Văn Cường báo cáo.
Trên cơ sở nghiên cứu các ý kiến góp ý, căn cứ tình hình thực tế, cân nhắc thời gian, cách thức tiến hành kỳ họp và yêu cầu riêng đối với một số nội dung, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội dự kiến tiếp thu, điều chỉnh thứ tự, thời điểm, thời gian xem xét một số nội dung cho phù hợp. Trong đó tăng thời gian trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) từ 20 phút lên 25 phút; bố trí phát thanh, truyền hình trực tiếp trên Truyền hình Quốc hội 03 nội dung về dự kiến Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023; dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024; kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 3 và thứ 4 của Quốc hội...
Bên cạnh đó, đề nghị giữ thủ tục trình bày tờ trình, báo cáo để bảo đảm thực hiện đầy đủ quy trình, thủ tục theo quy định của pháp luật; bố trí kỳ họp thành 02 đợt với dự kiến tổng thời gian làm việc là 22 ngày theo hình thức họp tập trung tại Nhà Quốc hội; giữ nguyên thời gian chất vấn là 2,5 ngày như thông lệ tại các kỳ họp trước... Theo dự kiến nội dung chương trình, ngay trong ngày làm việc đầu tiên của Kỳ họp thứ 5, Quốc hội sẽ họp riêng để quyết định công tác nhân sự.
Kỳ họp thứ 5 dự kiến sẽ khai mạc vào ngày 22/5/2023 và bế mạc vào ngày 23/6/2023. Quốc hội sẽ họp tập trung tại Nhà Quốc hội, tiến hành theo 2 đợt: Đợt 1 diễn ra trong 17 ngày (22/5-10/6/2023) và đợt 2 là 5 ngày (từ 19/6- 23/6/2023). Trong trường hợp 3 dự án: Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Đường bộ được trình Quốc hội thì thời gian của Kỳ họp thứ 5 sẽ được bố trí dài hơn.