Ủy ban Tài chính – Ngân sách họp thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh
(sav.gov.vn) - Sáng 16/5/2023, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội đã tổ chức phiên họp thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai chủ trì điều hành phiên họp.
Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Trần Chí Trung, Phó Kiểm toán trưởng KTNN khu vực IV Vũ Đình Tuấn dự phiên họp.
Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung nêu rõ: Nghị quyết được hướng tới mục tiêu xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm tạo cơ sở pháp lý hữu hiệu để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn, nút thắt về phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, góp phần xây dựng và phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 như mục tiêu đã đặt ra tại Nghị quyết số 24-NQ/TW, Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội.
Theo đó, Nghị quyết quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Tp. Hồ Chí Minh về quản lý đầu tư; tài chính, ngân sách Nhà nước; quản lý đô thị và tài nguyên môi trường; ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào Thành phố; quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; tổ chức bộ máy của chính quyền Thành phố và thành phố Thủ Đức.
Theo dự thảo Nghị quyết, Hội đồng nhân dân Thành phố được phân bổ nguồn tăng thu ngân sách địa phương cho các chương trình, dự án, nhiệm vụ mới sau khi bố trí đủ vốn ngân sách địa phương cho các chương trình, dự án, nhiệm vụ trong tổng số vốn đầu tư công trung hạn ngân sách địa phương; bố trí vốn đầu tư công để hỗ trợ giảm nghèo, giải quyết việc làm…
Dự thảo Nghị quyết cũng quy định thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD); quy định mở rộng lĩnh vực được áp dụng đầu tư theo phương thức đối tác công tư đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực thể thao, công nghiệp văn hóa, bảo tàng, di tích và di sản văn hóa; quy định Thành phố được áp dụng hợp đồng BOT đối với dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu…
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu cơ bản tán thành với dự thảo Nghị quyết, đồng thời khẳng định, việc có chính sách vượt trội là cần thiết, không chỉ đối với Thành phố mà cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả đất nước.
Cho rằng phạm vi chính sách được đề xuất là khá rộng, trên nhiều lĩnh vực, một số chính sách mới, tác động trực tiếp đến ngân sách, đến đời sống, xã hội và chứa dựng nhiều quy định khác với pháp luật hiện hành, các đại biểu đề nghị: Để có căn cứ vững chắc cho việc quyết định, cần có báo cáo đánh giá tác động cần cụ thể cả về mặt tích cực và cả những khó khăn, thách thức, những tác động không thuận khi triển khai. Đồng thời, cần chi tiết hơn về kết quả đầu ra, nhất là các chính sách tác động đến thu chi ngân sách; đến nguồn lực thực hiện.
Các đại biểu cũng nhấn mạnh rằng các chính sách mới cần “mang tính đột phá”, “vượt trội" theo đúng tinh thần Nghị quyết 24-NQ/TW, Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội, song cũng cần khả thi, có trọng tâm, không dàn trải; tránh lợi dụng chính sách gây thất thoát, lãng phí.
Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách Lê Thanh Vân, dự thảo Nghị quyết lần này đã hướng đến nhiều nhóm chính sách đột phá trong các lĩnh vực đầu tư, tài chính ngân sách, quy hoạch và nhân sự nhưng chưa thực sự toàn diện. Đại biểu đề nghị cần phải phân loại các nhóm chính sách trong đó tập trung vào những chính sách thực sự đột phá, những nội dung chưa có trong Luật.
Đại biểu Lê Thanh Vân cũng cho rằng các chính sách về tổ chức bộ máy nhân sự chưa cởi trói được cho Thành phố. Điều đột phá là cho Thành phố tự tổ chức bộ máy chuyên môn phục vụ chính quyền địa phương, nhất là bộ máy quản lý liên quan đến các ngành kinh tế tạo điều kiện cho Thành phố có thẩm quyền chủ động tổ chức bộ máy bên trong, điều chỉnh chức năng nhiệm vụ một cách phù hợp.
Phát biểu thảo luận tại phiên họp, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai cho rằng, cần phân cấp mạnh mẽ hơn nữa cho Thành phố, tăng quyền quyết định cho Thành phố với giới hạn tối đa trên địa bàn; tăng cường hơn nữa vai trò của Thường trực Hội đồng nhân dân. “Dự thảo Nghị quyết cần bổ sung thêm thẩm quyền của Thường trực Hội đồng nhân dân để giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh của Thành phố” – đại biểu Phạm Thị Thanh Mai nói.
Cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Khánh Hòa Lê Hữu Trí đánh giá, những nội dung chính sách đề xuất chưa đạt mục tiêu đề ra, nhất là những chính sách áp dụng tương tự như các địa phương khác sẽ không thực sự tạo ra được sự khác biệt mà chủ yếu giải quyết một số ách tắc của Thành phố.
Đại biểu Lê Hữu Trí cho rằng các chính sách được đề xuất chưa thực sự bám sát để thực hiện các mục tiêu mà Nghị quyết 31-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 81/2023/QH15 đề ra như phát triển Thành phố trở thành đầu tàu về kinh tế số, xã hội số; đủ sức cạnh tranh, hội nhập khu vực và quốc tế…
Rút kinh nghiệm từ việc triển khai thực hiện Nghị quyết 54/2017/QH14, việc chậm ban hành các văn bản hướng dẫn làm ảnh hưởng đến tiến độ, hiệu quả của việc thực hiện các chính sách, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân – Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh đề nghị lần này Nghị quyết cần quy định rõ giới hạn thời gian hoàn thành việc ban hành đồng bộ các văn bản hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết; đồng thời cần có yêu cầu về việc định kỳ báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện hàng năm và việc sơ kết triển khai.
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị quyết, đồng thời, cho biết cơ quan thẩm tra sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan trình và cơ quan hữu quan để hoàn thiện hồ sơ, tài liệu, dự thảo Nghị quyết.
Bà Vũ Thị Lưu Mai cũng lưu ý Chính phủ cần tiếp tục rà soát để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết để có những chính sách thực sự đột phá, bảo đảm tính hợp lý, khả thi, bảo đảm tính thống nhất với các văn bản trong hệ thống pháp luật theo hướng không cần quy định lại những nội dung đã có trong luật, đối chiếu với các nội dung có trong các dự án Luật đang được sửa đổi, bổ sung./.