Hoàn thiện đề tài cấp Bộ “Xây dựng hướng dẫn tổ chức thực hiện kiểm toán chuyên đề của Kiểm toán nhà nước”

(sav.gov.vn)- Sáng 16/5/2023, tại Trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN) - 116 Nguyễn Chánh, Hà Nội, Ban Chủ nhiệm đề tài khoa học cấp Bộ “Xây dựng hướng dẫn tổ chức thực hiện kiểm toán chuyên đề của KTNN” tổ chức Hội thảo xin ý kiến các nhà khoa học, chuyên gia của KTNN để hoàn thiện đề tài.

Đề tài do Ths. Lại Xuân Nghị - Phó Kiểm toán trưởng  khu vực V; Ths. Nguyễn Văn Hiệu – Phó Kiểm toán trưởng KTNN khu vực IX và Ths. Phạm Thanh Sơn  – Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành IV đồng chủ nhiệm.
 
Phát biểu tại Hội thảo, Chủ nhiệm đề tài Ths. Lại Xuân Nghị cho biết, kiểm toán chuyên đề là một trong những hình thức kiểm toán quan trọng của cơ quan KTNN. Hiện nay chưa có một định nghĩa cụ thể về kiểm toán chuyên đề. Tuy nhiên, tựu chung lại từ nhiều cách hiểu khác nhau, kiểm toán chuyên đề là việc thực hiện kiểm toán đối với một lĩnh vực cụ thể có liên quan đến việc sử dụng nguồn lực tài chính công, tài sản công được lựa chọn từ rất nhiều lĩnh vực, chủ đề có thể trở thành đối tượng kiểm toán.
 
Do vậy, đối tượng của một cuộc kiểm toán chuyên đề không phải là các báo cáo tài chính mà là các vấn đề kinh tế - xã hội mang tính thời sự hoặc được đánh giá có rủi ro cao trên phương diện quản lý Nhà nước; vận hành chính sách với phạm vi ảnh hưởng ở nhiều địa phương, Bộ ngành, và nhận được sự quan tâm đặc biệt của Quốc hội, Chính phủ và dư luận xã hội.
 
Trong suốt 30 năm hoạt động và phát triển, KTNN đã thực hiện hàng trăm cuộc kiểm toán chuyên đề, trong đó nhiều cuộc kiểm toán có quy mô lớn, phạm vi kiểm toán rộng, tập trung vào các đối tượng sử dụng nhiều nguồn lực, có tác động lớn đến tình hình kinh tế - xã hội của đất nước. Kết quả kiểm toán đã góp phần phục vụ tốt cho công tác quản lý, điều hành NSNN, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ, giám sát của Quốc hội và HĐND các cấp, đồng thời đáp ứng kịp thời chức năng giải trình của Chính phủ trước đại biểu Quốc hội và cử tri, cung cấp kịp thời thông tin cho các phiên họp của Quốc hội.
 
Việc xác định các nội dung, mục tiêu kiểm toán là hoàn toàn khác biệt đối với từng cuộc kiểm toán chuyên đề do tính đặc trưng của chủ đề, lĩnh vực được lựa chọn kiểm toán và phạm vi kiểm toán thường là một giai đoạn nhất định gắn liền với việc triển khai thực hiện chính sách. Theo đó, kết quả kiểm toán chuyên đề là những đánh giá trên diện rộng về hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước đối với chủ đề được kiểm toán và những kiến nghị cơ quan KTNN. Tuy kiểm toán chỉ trong một mảng lĩnh vực chuyên môn giới hạn nhất định, nhưng sẽ đem lại hiệu quả kinh tế rất lớn nếu xét trên tổng thể cả nền kinh tế, tránh được sự lãng phí đối với việc sử dụng các nguồn lực công tại các đơn vị.
 
Tuy nhiên, chính bởi những đặc trưng riêng biệt của từng chủ đề, lĩnh vực được lựa chọn kiểm toán và việc chưa có quy trình chung về việc tổ chức thực hiện kiểm toán chuyên đề, nên mỗi cuộc kiểm toán chuyên đề tùy thuộc vào phạm vi kiểm toán sẽ được tổ chức thực hiện theo cách thức riêng do một đơn vị thuộc KTNN được Tổng Kiểm toán nhà nước phân công chủ trì xây dựng. Hiện nay KTNN chưa có đề tài nghiên cứu về việc hướng dẫn tổ chức thực hiện cuộc kiểm toán chuyên đề nhằm tạo sự đồng thuận và thống nhất trong toàn Ngành. “Xuất phát từ thực tiễn nêu trên, Ban đề tài đã lựa chọn nghiên cứu Đề tài “Xây dựng hướng dẫn tổ chức thực hiện kiểm toán chuyên đề của KTNN” – Ths. Lại Xuân Nghị cho biết.
 
Đề tài được nghiên cứu với mục tiêu: Nghiên cứu cơ sở lý luận chung về kiểm toán chuyên đề; Phân tích, đánh giá thực trạng công tác tổ chức thực hiện kiểm toán chuyên đề của KTNN; Xác định các vấn đề, nội dung cần làm rõ trong việc xây dựng Hướng dẫn tổ chức thực hiện kiểm toán chuyên đề của KTNN; Xây dựng Hướng dẫn tổ chức thực hiện kiểm toán chuyên đề và đề xuất phương thức tổ chức thực hiện kiểm toán chuyên đề của KTNN.

Ngoài phần mở đầu, kết luận, tài liệu tham khảo, Đề tài được kết cấu gồm 3 chương:

Chương 1: Hệ thống hóa và trình bày những vấn đề lý luận chung về kiểm toán chuyên đề từ cơ sở của kiểm toán chuyên đề (khái niệm, vai trò, yêu cầu, loại hình…), đặc điểm của cuộc kiểm toán chuyên đề (lựa chọn chủ đề, mục tiêu, phạm vi, đối tượng được kiểm toán…) và các giai đoạn của cuộc kiểm toán chuyên đề.
 
Chương 2: Trình bày thực trạng về ban hành các quy định về kiểm toán chuyên đề của KTNN; phân tích các mô hình, phương thức tổ chức thực hiện kiểm toán chuyên đề đang được KTNN áp dụng đối với các cuộc kiểm toán chuyên đề có phạm vi toàn Ngành; đánh giá thực trạng về tổ chức, chất lượng và kết quả các cuộc kiểm toán chuyên đề của KTNN từ 2015 đến nay, trong đó tập trung phân tích, đánh giá những hạn chế, khó khăn và nguyên nhân của những tồn tại trong công tác tổ chức kiểm toán chuyên đề; nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực kiểm toán chuyên đề của các cơ quan kiểm toán tối cao trên thế giới và bài học đối với việc phát triển kiểm toán chuyên đề tại KTNN.
 
Chương 3: Hướng dẫn tổ chức kiểm toán chuyên đề của KTNN. Trình bày nguyên tắc, định hướng xây dựng Hướng dẫn tổ chức thực hiện kiểm toán chuyên đề, trên cơ sở đó xây dựng Hướng dẫn gồm các nội dung: Phạm vi; đối tượng áp dụng; tiêu chí lựa chọn chuyên đề; xây dựng đề cương kiểm toán; lựa chọn cách thức tổ chức thực hiện cuộc kiểm toán chuyên đề và tổ chức thực hiện kiểm toán chuyên đề. Chương này cũng đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tổ chức thực hiện kiểm toán chuyên đề của KTNN.
 
Toàn cảnh Hội nghị
 
Đánh giá kết quả nghiên cứu, các ý kiến đánh giá cao kết quả nghiên cứu của Đề tài về giá trị khoa học và thực tiễn, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay chưa có khái niệm cụ thể về kiểm toán chuyên đề, KTNN chưa có hướng dẫn riêng về việc tổ chức kiểm toán đối với các cuộc kiểm toán chuyên đề; trong khi đó các cuộc kiểm toán chuyên đề đều có các nội dung, mục tiêu và đặc trưng riêng biệt.
 
Góp ý hoàn thiện đề tài, các ý kiến cho rằng, Ban chủ nhiệm đề tài cần: Đi sâu tập trung vào nhóm giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tổ chức thực hiện để hoàn thiện tổ chức kiểm toán chuyên đề của KTNN; Cần xem lại khái niệm về kiểm toán chuyên đề tại Chương 1 do kiểm toán chuyên đề vẫn có nội dung đánh giá, xác nhận về số liệu, thông tin tài chính; Đảm bảo tính logic trong việc trình bày các nhóm giải pháp tại chương 3 với đánh giá tại chương 2; Xem xét bổ sung nhóm giải pháp liên quan đến công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán từ khâu lập kế hoạch kiểm
 
Một số ý kiến cũng đề nghị Ban biên tập cân nhắc biên tập  tính cấp thiết của vấn đề nghiên cứu theo hướng khái quát về tình hình nghiên cứu trong và ngoài nước liên quan đến chuyên đề nghiên cứu. Từ đó làm nổi bật sự cần thiết phải nghiên cứu, phạm vi nghiên cứu. Mục đích yêu cầu của chuyên đề cần phải bám sát mục đích yêu cầu của đề tài để khi nghiệm thu sản phẩm cần đối chiếu kết quả đạt được với mục đích yêu cầu đã đề ra.
 
Thay mặt Ban Chủ nhiệm đề tài, Ths. Lại Xuân Nghị cảm ơn các ý kiến góp ý;  khẳng định sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học để chỉnh sửa, hoàn thiện đề tài trước khi trình Hội đồng nghiệm thu. Ths. Lại Xuân Nghị cũng cho biết trên cơ sở đề tài, Ban Chủ nhiệm Đề tài mong muốn xây dựng được Hướng dẫn tổ chức thực hiện kiểm toán chuyên đề và đề xuất phương thức tổ chức thực hiện kiểm toán chuyên đề của KTNN để ứng dụng trong thực tiễn hoạt động của Ngành./.
 
Ngọc Bích