Phân định nhiệm vụ hoạt động kiểm toán tại Kho bạc Nhà nước

Việc phân định nhiệm vụ kiểm toán tại Kho bạc Nhà nước (KBNN) giữa Kiểm toán nhà nước (KTNN) chuyên ngành và KTNN khu vực nhằm xác định rạch ròi phạm vi kiểm toán của mỗi bên, từ đó phối hợp hiệu quả trong kiểm toán nghiệp vụ KBNN. Kết quả kiểm toán cung cấp thông tin tin cậy cho Bộ Tài chính, KBNN trong quản lý, điều hành KBNN; phát hiện những bất cập, góp phần xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, nâng cao năng lực quản lý, quản trị tài chính, tài sản công.

Nội dung kiểm toán tại Kho bạc Nhà nước còn trùng lặp

Cử nhân Vũ Mỹ Thuần - Vụ Pháp chế và ThS. Nguyễn Thị Vân - KTNN chuyên ngành II, KTNN - cho biết, KTNN chuyên ngành II và một số KTNN khu vực đã cùng thực hiện kiểm toán tại KBNN các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hậu Giang, Hà Giang, Sơn La. Các cuộc kiểm toán này tuy không trùng thời gian kiểm toán nhưng trùng một số nội dung kiểm toán, đặc biệt là việc kiểm toán công tác kiểm soát chi đầu tư xây dựng cơ bản và kiểm soát chi thường xuyên nguồn kinh phí ngân sách cấp tỉnh hỗ trợ đối với các đơn vị dự toán thuộc các Bộ, ngành Trung ương.

Nguyên nhân là do hệ thống KBNN được tổ chức theo ngành dọc từ Trung ương đến địa phương. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của KBNN cấp tỉnh do Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của KBNN cấp huyện do Tổng Giám đốc KBNN quyết định. Kinh phí hoạt động của KBNN các cấp được cấp từ nguồn kinh phí của KBNN cấp trên trực tiếp. Tuy nhiên, chức năng, nhiệm vụ của KBNN cấp tỉnh, huyện gắn với việc điều hành, quản lý, sử dụng ngân sách địa phương và chịu sự kiểm tra, giám sát của ủy ban nhân dân cùng cấp.

Mặt khác, tại KTNN, chức năng, nhiệm vụ của KTNN chuyên ngành II và KTNN khu vực có sự giao thoa, trong đó, KTNN chuyên ngành II có quyền và trách nhiệm tổ chức kiểm toán nghiệp vụ tại KBNN, KTNN khu vực có quyền và trách nhiệm kiểm toán KBNN cấp tỉnh.
 
Tránh trùng lặp, đảm bảo thống nhất về kết quả kiểm toán

Từ thực trạng trên, Nhóm tác giả đề xuất: Một là, đối với năm KTNN chuyên ngành II thực hiện kiểm toán nghiệp vụ KBNN (2 năm kiểm toán 1 lần), khi xây dựng kế hoạch kiểm toán năm, KTNN chuyên ngành II lựa chọn KBNN tỉnh không thuộc địa phương được KTNN khu vực lựa chọn kiểm toán ngân sách địa phương. Khi đó, KTNN chuyên ngành II có thể đưa vào kế hoạch kiểm toán toàn bộ nội dung kiểm toán nghiệp vụ KBNN (kể cả công tác kiểm soát thu, chi, quản lý quỹ ngân sách địa phương); KTNN khu vực thực hiện kiểm toán các nội dung nghiệp vụ KBNN trong phạm vi ngân sách địa phương.

Hai là, trừ các địa phương qua quá trình khảo sát, KTNN chuyên ngành II xét thấy có nhiều nội dung nghiệp vụ KBNN trọng yếu cần kiểm toán mà không thuộc phạm vi kiểm toán của KTNN khu vực thì có thể lựa chọn kiểm toán, bố trí thời điểm kiểm toán không trùng với thời điểm kiểm toán của KTNN khu vực.

Ba là, giao KTNN chuyên ngành II chủ trì và phối hợp với các KTNN khu vực trong việc tổng hợp kết quả kiểm toán để kết quả kiểm toán nghiệp vụ KBNN toàn diện hơn.

Để kết quả kiểm toán nghiệp vụ KBNN của KTNN chuyên ngành II và KTNN khu vực được thống nhất và tránh trùng lặp, cần phối hợp, trao đổi thông tin thường xuyên giữa hai bên. Muốn việc trao đổi thông tin thuận lợi, KTNN cần xây dựng hạ tầng kỹ thuật phục vụ quá trình chuyển đổi số, tích hợp, chia sẻ dữ liệu đảm bảo thông suốt giữa các hệ thống trong nội bộ KTNN và giữa KTNN với các cơ quan, tổ chức. Xây dựng hệ thống nền tảng và tích hợp, kết nối, chia sẻ dữ liệu với các cơ sở dữ liệu quốc gia và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành có liên quan đến hoạt động kiểm toán...

Cùng với đó, phát triển các hệ thống thông tin, phần mềm ứng dụng; xây dựng, nâng cấp các phần mềm ứng dụng hỗ trợ hoạt động quản lý điều hành trên môi trường web và trên thiết bị di động; xây dựng các công cụ hỗ trợ khai thác, trích xuất, phân tích dữ liệu nhằm hỗ trợ kiểm toán viên tác nghiệp kiểm toán; phát triển các công cụ dự báo, phân tích dữ liệu dựa trên dữ liệu lớn, hỗ trợ thực hiện phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu... Xây dựng, triển khai các giải pháp an toàn thông tin, hệ thống giám sát, đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng tập trung. Đào tạo, phát triển đội ngũ cán bộ công nghệ thông tin của KTNN có đủ năng lực chuyên môn; đào tạo “kỹ sư phân tích dữ liệu” để khai thác và đủ khả năng quản lý, vận hành và phát triển hệ thống công nghệ thông tin của KTNN; đào tạo công chức, kiểm toán viên sử dụng thành thạo các phần mềm ứng dụng của KTNN và an toàn bảo mật thông tin trên mạng…

Trước khi triển khai kiểm toán, Tổng Kiểm toán nhà nước có thể cử kiểm toán viên thuộc KTNN khu vực tham gia đoàn kiểm toán tại KBNN do KTNN chuyên ngành II tổ chức trên cơ sở đề xuất của KTNN chuyên ngành II.

Ngoài ra, hằng năm, KTNN chuyên ngành II cần tổ chức đào tạo, trao đổi kiến thức chuyên môn nghiệp vụ về ngân sách địa phương và nghiệp vụ KBNN, đặc biệt là kiến thức về nghiệp vụ kế toán ngân sách nhà nước và Hệ thống Thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS). KTNN cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về đánh giá, kết luận, kiến nghị kiểm toán nói chung và lĩnh vực nghiệp vụ KBNN nói riêng. Đồng thời, cập nhật thường xuyên những thay đổi về cơ chế, chính sách của Nhà nước và những đổi mới của KBNN trong việc cải cách, hiện đại hóa chức năng quản lý quỹ ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước, quản lý ngân quỹ nhà nước, huy động vốn và tổng kế toán nhà nước, chuyển đổi phương thức quản lý và cung cấp dịch vụ kho bạc để hỗ trợ kiểm toán viên nâng cao hiệu quả kiểm toán nghiệp vụ KBNN./.

Thùy Anh
(Báo Kiểm toán số 19/2023)