(sav.gov.vn) - Kiểm toán nội bộ (KTNB) là tuyến thứ ba trong mô hình quản lý rủi ro môi trường, xã hội và quản trị (ESG). Một kế hoạch KTNB có tích hợp đánh giá ESG là bước quan trọng để các tổ chức tiến tới con đường minh bạch, bền vững hơn.
Kiểm toán nội bộ - tuyến thứ ba trong mô hình quản lý rủi ro ESG
Các tổ chức phải đối mặt với nhu cầu ngày càng tăng về tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và sự đảm bảo liên quan đến cách thức quản lý các vấn đề về ESG. Người tiêu dùng, nhà đầu tư, nhân viên và các bên liên quan khác đang đặt ra yêu cầu doanh nghiệp tích hợp ESG vào hoạt động kinh doanh cốt lõi. Trong khi đó, các cổ đông và cơ quan quản lý đưa ra yêu cầu cao hơn về việc xây dựng và tích hợp các chỉ số về hiệu suất và khả năng phục hồi ESG vào báo cáo của doanh nghiệp. Để hoàn thành nhiệm vụ này một cách hiệu quả, các tổ chức cần khai thác khả năng và sự thành thạo của KTNB.
Theo các chuyên gia của Deloitte, việc quản lý rủi ro ESG và thực hiện các mục tiêu đề ra cần sự tham gia của toàn bộ tổ chức, bao gồm: KTNB, lãnh đạo hội đồng quản trị và điều hành, nhóm rủi ro, tuân thủ, pháp lý, nhân sự, tài chính, truyền thông… với các vị trí, vai trò, trách nhiệm khác nhau. Hội đồng quản trị, giám đốc điều hành và ban quản lý đặt ra một tầm nhìn và chiến lược ESG rộng lớn, thúc đẩy tính cấp bách cũng như trách nhiệm giải trình, đây là tuyến đầu tiên trong mô hình quản lý rủi ro ESG. Các bộ phận chức năng có thể trở thành tuyến thứ hai bằng cách quản lý, giám sát và giảm thiểu rủi ro ESG. Đây là nhóm sở hữu dữ liệu và duy trì trách nhiệm đối với các quy trình, biện pháp kiểm soát, chính sách hiệu quả hỗ trợ báo cáo và quản lý rủi ro ESG.
KTNB với tư cách là tuyến thứ ba, tập trung vào việc tích hợp các cân nhắc về tuân thủ và rủi ro ESG vào kế hoạch kiểm toán, đồng thời thúc đẩy kỷ luật và kiểm soát đối với các rủi ro ESG trọng yếu. Vai trò của KTNB là chịu trách nhiệm thử nghiệm các biện pháp kiểm soát và rủi ro có liên quan, tư vấn về báo cáo ESG và xác nhận các hoạt động giảm thiểu rủi ro. Các kiểm toán viên cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc tư vấn cho tổ chức về các khả năng quản lý rủi ro rộng lớn hơn cũng như dự đoán và điều chỉnh các kế hoạch, chiến lược, mục tiêu của tổ chức về ESG mới nổi.
Các nhà lãnh đạo KTNB sẽ được giao nhiệm vụ đảm bảo rằng ESG là một phần của cuộc thảo luận về rủi ro trên toàn doanh nghiệp, kết hợp ESG vào kế hoạch kiểm toán và thực hiện kiểm toán để đảm bảo rằng môi trường kiểm soát là lành mạnh.
Nhiều cách tiếp cận để tích hợp ESG vào kế hoạch kiểm toán
Theo nghiên cứu của Deloitte, khi bắt đầu kiểm toán ESG, các kiểm toán viên nội bộ cần xác định rõ dữ liệu ESG mà tổ chức hiện đang báo cáo và báo cáo cho ai; nơi chứa dữ liệu; mức độ phức tạp của dữ liệu và số liệu có tương xứng với yêu cầu báo cáo hay không. KTNB cũng nên xem xét việc theo dõi các biện pháp kiểm soát, quy trình hỗ trợ dữ liệu được báo cáo và thông tin đó phù hợp như thế nào với kế hoạch kiểm toán.
Ngoài ra, các kiểm toán viên có thể sử dụng nhiều cách tiếp cận để tích hợp các hoạt động ESG vào kế hoạch KTNB dựa trên sự trưởng thành của tổ chức và các quy trình, địa điểm, ngành, cũng như chiến lược và đặc tính riêng của rủi ro ESG. Các tổ chức có chương trình quản lý ESG chuyên nghiệp có thể tiến hành một cuộc kiểm toán độc lập để có cái nhìn khách quan về cách thức điều hành và các nguồn lực cần thiết dành cho quản lý ESG. Các đánh giá này tập trung vào lĩnh vực ESG mà các bên liên quan quan tâm và rủi ro mới nhằm cung cấp thông tin chi tiết thông qua việc chọn mẫu cỡ lớn hơn trong một khoảng thời gian dài. Các kiểm toán viên nội bộ sẽ sắp xếp các trọng tâm kiểm toán để đảm bảo kế hoạch kiểm toán ESG được thực hiện đầy đủ và từng vấn đề được khắc phục hiệu quả.
Với các tổ chức có chương trình quản lý ESG còn non trẻ, nội dung về ESG sẽ là một phần trong các cuộc KTNB nhằm đảm bảo rằng các hoạt động liên quan đến ESG được xác định một cách thích hợp, có đánh giá và ghi chép lại. Kế hoạch KTNB hoặc danh mục các nội dung kiểm toán sẽ được bổ sung thêm câu hỏi về ESG, từ đó đánh giá rủi ro và cơ hội tiềm ẩn nằm ở đâu trong toàn tổ chức. Khi nói đến ESG, chỉ kiểm toán tuân thủ thôi là chưa đủ, các tổ chức có thể hưởng lợi từ việc mở rộng tầm nhìn và suy nghĩ dài hạn về cách ESG đang định hình lại ngành, mô hình kinh doanh và tương lai của họ.
Một kế hoạch KTNB có tích hợp đánh giá ESG là bước quan trọng để tiến tới con đường minh bạch, bền vững hơn. Tuy nhiên, các tổ chức cũng nên xem xét việc tiến thêm một bước nữa là kết nối ESG với việc tạo ra giá trị lâu dài, tức là không chỉ đưa nội dung về ESG vào các báo cáo mà còn cam kết thực hiện với một tầm nhìn lớn hơn, linh hoạt hơn và có khả năng mang lại giá trị tài chính lâu dài./.
Thuỳ Lê, Báo Kiểm toán