Báo cáo nêu rõ, thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã có 2.589 kiến nghị đã được giải quyết trong tổng số 2.593 kiến nghị được tổng hợp chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Trong đó, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đã trả lời 91/91 kiến nghị. Cử tri hoan nghênh, đồng tình với sự đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, hoạt động của Quốc hội ngày càng dân chủ, công khai, minh bạch, gắn bó mật thiết với Nhân dân.
Để nâng cao chất lượng các dự án Luật,trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua, nhằm bảo đảm luật ban hành phù hợp với thực tiễn, đáp ứng nguyện vọng của Nhân dân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã tổ chức Hội nghị ĐBQH chuyên trách, họp chuyên đề về pháp luật. Dưới sự chỉ đạo UBTVQH, hoạt động giám sát của Quốc hội tiếp tục có nhiều đổi mới, chú trọng công tác hoàn thiện thể chế, ban hành các nghị quyết, đề án, kết luận, hướng dẫn về hoạt động giám sát, đổi mới, cải tiến cách thức tổ chức thực hiện trong một số hoạt động giám sát của Quốc hội, UBTVQH.
Những vấn đề được cử tri và Nhân dân quan tâm trong thời gian qua đã được UBTVQH tổ chức chất vấn trực tiếp và trực tuyến tới các Đoàn ĐBQH, gồm: Nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các loại vụ án, nhất là vụ án hành chính, vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng; việc giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong giải quyết các vụ án hình sự, nhất là các vụ án về kinh tế, tham nhũng; không để bỏ lọt tội phạm, làm oan người vô tội…
Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, đã giải quyết và trả lời 2.466/2.469 kiến nghị, đạt 99,9%. Nhìn chung, Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương đã chú trọng nghiên cứu, giải quyết kiến nghị cử tri, thể hiện tính cầu thị khi thực hiện công tác quản lý, điều hành. Nội dung giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri rõ ràng, cụ thể, được cử tri và Nhân dân đồng tình; đối với những kiến nghị cử tri chưa thể giải quyết được, các Bộ, ngành đều ghi nhận, tiếp thu trong quá trình sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật trong thời gian tới.
Một số kiến nghị cụ thể của cử tri đã được Bộ, ngành Trung ương nghiên cứu, đưa ra các giải pháp thiết thực để giải quyết hoặc giải đáp đầy đủ về những vấn đề cử tri quan tâm như trả lời của các bộ: Giao thông, vận tải; Nội vụ; Công an; Y tế; Lao động, Thương binh và Xã hội; Xây dựng; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Tài chính; Tư pháp; Quốc phòng; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Tài nguyên và Môi trường; Giáo dục và Đào tạo.
Việc tiếp thu, nghiên cứu và giải quyết các kiến nghị cử tri đã góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định tình hình trật tự, an toàn xã hội, cải thiện đời sống của Nhân dân, tạo niềm tin cho cử tri và Nhân dân cả nước.
Tòa án Nhân dân tối cao (TANDTC), Viện kiểm sát Nhân dân tối cao (VKSNDTC) đã giải quyết, trả lời 20/20 kiến nghị. Trong đó, TANDTC, VKSNDTC đã trả lời việc hướng dẫn thi hành và nghiên cứu, tham mưu trình Quốc hội sửa đổi một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật tố tụng Dân sự năm 2015.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình đã chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế trong công tác của Quốc hội như: Việc tập hợp, tổng hợp kiến nghị cử tri gửi tới Quốc hội chưa đảm bảo đúng thời hạn theo quy định của pháp luật.
Đối với Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết còn những hạn chế, vướng mắc như:
Thứ nhất, mặc dù quyền lợi của người dân bị ảnh hưởng do cơ quan Nhà nước thực hiện chưa đúng quy định của pháp luật nhưng đến nay kiến nghị cử tri vẫn chưa được giải quyết. Theo đó, cử tri tỉnh Cao Bằng đề nghị giải quyết việc chủ hộ kinh doanh cá thể đã đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc, nhưng chưa được tính thời gian để hưởng chế độ BHXH. Vì vậy, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Lao động và Thương binh Xã hội (LĐTB&XH), BHXH Việt Nam nghiên cứu, rà soát, đánh giá việc thực hiện BHXH bắt buộc với chủ hộ kinh doanh cá thể trên phạm vi toàn quốc, trình Chính phủ phương án giải quyết dứt điểm kiến nghị cử tri; đồng thời chỉ đạo BHXH Việt Nam rút kinh nghiệm, tránh để xảy ra những sai sót khi thực hiện quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Thứ hai, một số kiến nghị cử tri đã được các Bộ, ngành tiếp thu, mặc dù đã triển khai nhiều biện pháp giải quyết nhưng chuyển biến còn chậm nên cử tri vẫn bức xúc, tiếp tục có kiến nghị.
Từ Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, đến nay, cử tri tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị Bộ Giao thông vận tải (GTVT) chỉ đạo sửa chữa, hoàn trả lại các tuyến đường dân sinh đã được sử dụng để vận chuyển vật liệu xây dựng trong quá trình thi công dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Do vậy, Trưởng Ban Dân nguyện kiến nghị Bộ GTVT chỉ đạo giải quyết dứt điểm kiến nghị cử tri trong năm 2023.
Thứ ba, một số kiến nghị cử tri chưa được kịp thời giải quyết do công tác phối hợp giữa các Bộ, ngành hoặc giữa Bộ, ngành với địa phương có lúc còn chưa chặt chẽ. Cụ thể, cử tri các tỉnh Lào Cai và Hà Tĩnh đề nghị Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính đối với Quỹ phòng, chống thiên tai. Trưởng Ban Dân nguyện kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính và Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, rà soát quy định về mô hình tổ chức và hoạt động của Quỹ Phòng chống thiên tai tại Nghị định số 78 để trình sửa đổi, bổ sung, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Bên cạnh đó, cử tri tỉnh Quảng Ngãi và một số địa phương phản ánh về việc người nhận khoán chăm sóc, bảo vệ rừng chưa được chi trả tiền khoán chăm sóc, bảo vệ rừng năm 2021. Ngoài cử tri tỉnh Quảng Ngãi còn có cử tri tỉnh Bình Định và Lào Cai cũng phản ánh về việc chưa được bố trí đầy đủ kinh phí để chi trả cho người nhận khoán chăm sóc, bảo vệ rừng năm 2021. Đây là vấn đề cần được quan tâm giải quyết để bảo đảm quyền lợi cho người dân. Do đó, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT, Ủy ban Dân tộc, Ủy ban nhân dân các địa phương có liên quan kiểm tra, rà soát việc phân bổ kinh phí và giải quyết chi trả cho người nhận khoán chăm sóc, bảo vệ rừng.
Thứ tư, một số quy định của Luật mặc dù đã được Quốc hội thông qua từ nhiệm kỳ trước nhưng vẫn chưa được triển khai do một số Bộ chậm trình ban hành văn bản hướng dẫn; cá biệt có trường hợp đã tham mưu ban hành văn bản hướng dẫn nhưng lại để xảy ra sai sót nên quy định không được tổ chức thực hiện.
Cụ thể, cử tri thành phố Hồ Chí Minh phản ánh về việc Luật Công nghệ cao được ban hành từ năm 2008 nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn thi hành Luật. Do đó, Trưởng Ban Dân nguyện kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì phối hợp chặt chẽ với các Bộ liên quan khẩn trương rà soát, nghiên cứu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản hướng dẫn theo quy định của Luật Công nghệ cao.
Từ những hạn chế nêu trên, Trưởng Ban Dân nguyện kiến nghị các cơ quan của Quốc hội tiếp tục tăng cường hơn nữa hoạt động giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật (QPPL), nhất là việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, chất lượng của hệ thống pháp luật, kịp thời phát hiện các sai sót để kiến nghị hoàn thiện. Các Đoàn ĐBQH, ĐBQH tiếp tục nâng cao chất lượng tổng hợp, phân loại, xử lý kiến nghị cử tri; đảm bảo tiến độ, thời gian gửi báo cáo tổng hợp kiến nghị cử tri theo quy định.
Đồng thời đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành giải quyết những tồn tại hạn chế như đã nêu trong báo cáo; rà soát giải quyết dứt điểm các kiến nghị đang trong quá trình giải quyết, đảm bảo đúng lộ trình để báo cáo với cử tri.
Ngoài ra, cần nâng cao chất lượng công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; bảo đảm tính thống nhất trong các văn bản quy phạm pháp luật do các Bộ ban hành hoặc xây dựng trình ban hành; kiểm điểm trách nhiệm cá nhân, cơ quan, đơn vị thiếu trách nhiệm để xảy ra các sai sót trong ban hành và sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật cũng như văn bản hướng dẫn./.
Ngọc Bích