Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh

(sav.gov.vn) - Sáng ngày 26/5/2023, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày thẩm tra dự thảo Nghị quyết.

Trình bày dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Nghị quyết hướng đến xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm tạo cơ sở pháp lý để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn về phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, góp phần xây dựng và phát triển Thành phố Hồ Chí Minh như mục tiêu đã đặt ra tại các Nghị quyết của Bộ Chính trị và Quốc hội. Chính phủ đề xuất thí điểm 7 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù về Quản lý đầu tư; Tài chính ngân sách; Quản lý đô thị và tài nguyên môi trường; Thu hút nhà đầu tư chiến lược; Quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; Tổ chức bộ máy của TP; Tổ chức bộ máy TP.Thủ Đức.
 
Cụ thể, trường hợp Thành phố dự kiến có nguồn thu ngân sách địa phương để bố trí tăng chi đầu tư phát triển trong kế hoạch đầu tư công trung hạn thì Thành phố được thực hiện trước việc phân bổ nguồn thu này cho các dự án mới, bổ sung vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn, làm cơ sở bố trí vốn hằng năm và báo cáo Quốc hội vào năm cuối kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn. Thành phố được sử dụng vốn đầu tư công của ngân sách Thành phố ủy thác cho Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam thực hiện cho vay hỗ trợ giảm nghèo, giải quyết việc làm.

Thành phố được áp dụng thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD): Sử dụng ngân sách địa phương để triển khai dự án đầu tư công độc lập để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án đầu tư vùng phụ cận các nhà ga thuộc tuyến đường sắt, vùng phụ cận các nút giao thông dọc tuyến đường Vành đai 3 để thu hồi đất, thực hiện tái định cư tại chỗ và tạo quỹ đất để đấu giá lựa chọn nhà đầu tư các dự án phát triển đô thị.

Dự thảo Nghị quyết cũng quy định về các điều kiện cần đáp ứng đồng thời để tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất. Thành phố được mở rộng lĩnh vực áp dụng đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực thể thao và văn hóa và được chủ động quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của các dự án PPP này. Thành phố được áp dụng hợp đồng xây dựng-vận hành-chuyển giao (BOT) đối với dự án công trình đường bộ hiện hữu với các điều kiện thực hiện bảo đảm lợi ích của người dân; được thực hiện dự án đầu tư theo Hợp đồng xây dựng- chuyển giao (BT) thanh toán bằng tiền từ ngân sách Thành phố.

Dự thảo Nghị quyết quy định Ủy ban nhân dân quận được bố trí khoản chưa phân bổ từ 2% đến 4% tổng chi ngân sách quận để thực hiện chi các nhiệm vụ cần thiết mà chưa được dự toán. Thành phố được sử dụng ngân sách địa phương để thực hiện dự án, công trình giao thông đường bộ có tính chất vùng, liên vùng; hỗ trợ các địa phương khác trong nước và một số địa phương tại nước khác.

Dự thảo quy định các cơ chế, chính sách khơi thông nguồn lực cho công ty đầu tư tài chính nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh (HFIC) bao gồm tăng vốn điều lệ từ nguồn thu từ cổ phần hóa các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thuộc Thành phố, từ nguồn lợi nhuận còn lại của HFIC sau khi trích lập các quỹ. Thành phố được bố trí vốn đầu tư công để hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư được HFIC cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố.

Thành phố được thu tiền duy tu, tái tạo cơ sở hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất từ các doanh nghiệp trong khu và ban hành Quy chế thu, chi, đảm bảo tính minh bạch. Cho phép thí điểm cơ chế tài chính thực hiện biện pháp giảm phát thải khí nhà kính theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon; tín chỉ các-bon được giao dịch với các nhà đầu tư trong nước, quốc tế; nguồn thu từ giao dịch tín chỉ các-bon là nguồn thu ngân sách Thành phố hưởng 100%.

Dự thảo Nghị quyết cho phép sử dụng các mái nhà của các trụ sở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công của các cơ quan trên địa bàn Thành phố để lắp đặt hệ thống điện mặt trời để cung cấp điện phục vụ cho hoạt động của trụ sở. Quy định cụ thể các trường hợp về lợi ích quốc gia, lợi ích cộng đồng khi điều chỉnh quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị.

Dự thảo Nghị quyết quy định chính sách về xây dựng nhà ở xã hội, theo đó nhiệm vụ quy hoạch chi tiết được lập đồng thời với việc lập đồ án quy hoạch chi tiết; được bố trí quỹ đất nhà ở xã hội trong phạm vi dự án nhà ở thương mại hoặc phê duyệt quy hoạch, bố trí quỹ đất nhà ở xã hội ở vị trí khác tương đương về quy mô, ngoài phạm vi dự án nhà ở thương mại; quy định các loại đất cụ thể để phát triển nhà ở xã hội; quy định về điều kiện chung cấp giấy phép xây dựng có thời hạn các công trình công cộng (nhà, sân bãi để xe; nhà vệ sinh công cộng) trên đất do nhà nước quản lý.
 
Trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách (UBTCNS) của Quốc hội Lê Quang Mạnh nêu rõ, chính sách mới để Thành phố Hồ Chí Minh phát triển cần mang tính đột phá, vượt trội, khả thi, có trọng tâm, không dàn trải, tránh lợi dụng chính sách gây thất thoát, lãng phí. Việc có chính sách vượt trội là cần thiết không chỉ đối với Thành phố mà cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả đất nước.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày báo cáo thẩm tra
 
Theo Chủ nhiệm UBTCNS Lê Quang Mạnh cho biết, Ủy ban tán thành về sự cần thiết ban hành Nghị quyết, dự thảo Nghị quyết đã bảo đảm tính kế thừa Nghị quyết 54, tích hợp một số chính sách tương đồng với các địa phương có cơ chế đặc thù.

“Thực hiện thành công các chính sách trong Dự thảo sẽ tạo tiền đề quan trọng cho bước phát triển mới” - ông Lê Quang Mạnh nhấn mạnh.

Để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, để nghị quyết của Đảng về phát triển TPHCM sớm đi vào cuộc sống, UBTCNS khẳng định, dự thảo Nghị quyết đủ điều kiện trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5. “Việc ban hành Nghị quyết cần thực sự mang tính lan tỏa, tác động sâu rộng không chỉ đối với TPHCM, mà cần mang lại hiệu ứng tích cực đối với vùng miền và đất nước, giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực đến vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương” – ông Lê Quang Mạnh nói.

Đi đôi với tăng cường phân cấp, phân quyền, UBTCNS cho rằng cần đề cao trách nhiệm; đồng thời rất cần một cơ chế bảo vệ, khuyến khích người nhiệt huyết, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Liên quan đến quản lý đô thị và tài nguyên môi trường, pháp luật hiện hành quy định dự án xây dựng nhà ở thương mại phải dành 20% tổng diện tích đất để xây dựng nhà ở xã hội. Tại tờ trình này, Chính phủ đề xuất Thành phố Hồ Chí Minh không nhất thiết áp theo quy định này mà có thể quyết định linh hoạt trong việc quy hoạch bố trí nhà ở xã hội phù hợp thực tiễn.

Để tạo tính chủ động, UBTCNS tán thành thí điểm giao  linh hoạt trong bố trí nhà ở xã hội, song cần quy định rõ nghĩa vụ của các chủ đầu tư trong xây dựng nhà ở xã hội, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
 
Do phạm vi chính sách được đề xuất là khá rộng, trên nhiều lĩnh vực; một số chính sách mới, tác động trực tiếp đến ngân sách Nhà nước, đời sống, xã hội và chứa đựng nhiều quy định khác với pháp luật hiện hành. Do đó, để có căn cứ vững chắc cho việc quyết định, UBTCNS đề nghị Báo cáo đánh giá tác động cần cụ thể cả về mặt tích cực và cả những thách thức, những tác động không thuận khi triển khai; chi tiết hơn về kết quả đầu ra; nhất là các chính sách tác động đến thu chi ngân sách Nhà nước, đến nguồn lực thực hiện.

UBTCNS lưu ý, việc ban hành Nghị quyết cần lưu ý, các quy định cần tháo gỡ kịp thời vướng mắc về thể chế đang cản trở phát triển, phát huy tiềm năng, khắc phục sức ỳ trong thực hiện các định hướng thời gian qua; song tuyệt đối không lợi dụng xây dựng pháp luật để hợp thức hóa sai phạm. Đồng thời, phải thực sự mang tính lan tỏa, tác động sâu rộng không chỉ đối với Thành phố mà cần mang lại hiệu ứng tích cực đối với vùng miền và đất nước, giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực đến vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương.

Tuy nhiên, để tiếp tục hoàn thiện, UBTCNS cho rằng, Chính phủ cần làm rõ với phạm vi chính sách như trong dự thảo thì đã đủ để tháo gỡ vướng mắc về thể chế đang cản trở tiến trình phát triển hay chưa. Xét về số lượng chính sách là tương đối rộng, do vậy, cần có sự lựa chọn, có trọng tâm, tránh dàn trải để mỗi chính sách đều có cơ hội đi vào cuộc sống. Cần chú trọng hơn nữa những chính sách thực sự đột phá, tạo bước chuyển mới trong khai thác tiềm năng theo đúng Nghị quyết 31, tránh nhiều về số lượng nhưng hạn chế về sức nặng. Cần rà soát lại các chính sách có tác động trực tiếp đến ngân sách Trung ương như các đề xuất miễn, giảm thuế để phù hợp với bối cảnh hiện nay, nhất là khi chuẩn bị áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu./.
 
Khánh Vy