Phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo theo Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030 - Một số vấn đề nhìn từ kết quả kiểm toán

Việt Nam được đánh giá là một quốc gia có tiềm năng to lớn, đa dạng để phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo, với mục tiêu chuyển dịch năng lượng hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Đảng và Nhà nước ta từ lâu đã có những chính sách nhằm thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực này. Chính phủ đã có những chính sách nhằm thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo qua việc ban hành Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phát huy vai trò hỗ trợ Quốc hội trong quyết định các vấn đề lớn có tính chiến lược quốc gia, góp phần ngăn ngừa, khắc phục các tồn tại, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực phát triển năng lượng tái tạo, năm 2022 Kiểm toán nhà nước đã thực hiện cuộc kiểm toán Chuyên đề đánh giá hiệu quả của chính sách ưu đãi và hỗ trợ về thuế, đất đai, bảo vệ môi trường cho phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo theo Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Đoàn kiểm toán 2068). Từ kết quả của cuộc kiểm toán, Kiểm toán nhà nước đã đưa ra một số đánh giá về việc phát triển năng lượng tái tạo từ phạm trù chính sách ưu đãi và hỗ trợ thuế, đất đai và bảo vệ môi trường của nhà nước đối với việc phát triển lĩnh vực năng lượng này.

1. Chính sách phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam và kết quả thực tiễn

Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam
Đánh giá được tầm quan trọng của chính sách phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo, từ lâu Đảng và Nhà nước ta đã có những chính sách nhằm thúc đẩy sự phát triển cho lĩnh vực năng lượng tái tạo. Các chính sách đó đang dần hình thành một chiến lược tổng thể quốc gia về năng lượng nói chung, trong đó năng lượng tái tạo đóng vai trò trung tâm nhằm đáp ứng sự phát triển của nền kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa một cách bền vững. Năm 2003, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 26-KL/TW về Chiến lược và quy hoạch phát triển ngành điện lực Việt Nam trong đó nêu rõ mục tiêu phát triển ngành điện: “Đẩy mạnh nghiên cứu phát triển các dạng năng lượng mới và tái tạo được để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện, đặc biệt đối với các hải đảo, vùng sâu, vùng xa”. Năm 2004, Luật Điện lực được Quốc hội khóa XI ban hành quy định chính sách phát triển điện lực trong đó nêu rõ: Đẩy mạnh việc khai thác và sử dụng các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tại để phát triển Nội dung này tiếp tục được duy trì khi Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung Luật Điện lực vào năm 2012.

Hội nghị Trung ương 7, từ ngày 02 đến 11/5/2013, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã họp Hội nghị lần thứ bảy về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đã yêu cầu: “...chú trọng tới việc phát triển, sử dụng năng lượng tái tạo”.
Nội dung về phát triển năng lượng tái tạo cũng được đưa vào Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2007 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050. Quyết tâm phát triển lĩnh vực này tiếp tục được nhấn mạnh tại Nghị quyết 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trong đã đặt ra mục tiêu: Phát triển đồng b, hp lýđa dng hóa các loi hình năng lượng; ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch; đồng thời, yêu cầu: Xây dựng các cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo nhằm thay thế tối đa các nguồn năng lượng hoá thạch...

Việc hình thành một chiến lược tổng thể quốc gia được thể hiện rõ ràng nhất thông qua việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25/11/2015 Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bên cạnh đưa ra quan điểm, chiến lược, mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo ở nước ta, Chiến lược đưa ra định hướng để phát triển theo từng giai đoạn và từng lĩnh vực, đồng thời đưa ra 10 nhóm giải pháp tổng thể để phát triển lĩnh vực này. Chiến lược chính là tiền đề quan trọng để góp phần thúc đẩy đầu tư, xây dựng, sử dụng năng lượng tái tạo ở nước ta trong thời gian vừa qua.

Tiếp tục đà phát triển năng lượng tái tạo và coi đây là chiến lược dài hạn cho tương lai, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 với mục tiêu giảm cường độ phát thải khí nhà kính, xanh hóa các ngành kinh tế, đến năm 2030; tỷ trọng năng lượng tái tạo trên tổng cung cấp năng lượng sơ cấp đạt 15% đến 20%, đến năm 2050, tỷ trọng năng lượng tái tạo trên tổng cung cấp năng lượng sơ cấp đạt 25% đến 30%.

Dự thảo Đề án quy hoạch Điện VIII Bộ Công thương trình lên Thủ tướng cũng đã dành ưu tiên cao cho phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, thúc đẩy phát triển các dự án điện khí hóa lỏng LNG và từng bước giảm dần việc phát triển các nhà máy sử dụng than trên toàn quốc.

Thực tiễn phát triển

Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng to lớn đối với năng lượng tái tạo. Nguồn năng lượng mặt trời phân bổ trên khắp đất nước với bức xạ nắng trung bình là 5kWh/m2/ngày. Mỗi năm Việt Nam có khoảng 2.000 đến 2.500 giờ nắng với mức chiếu nắng trung bình khoảng 150kCal/cm2, tương đương với khoảng 43,9 triệu tấn dầu qui đổi/năm. Nguồn năng lượng gió dồi dào với khoảng 3.400 km bờ biển với tiềm năng cho sản xuất điện có thể đạt 24GWh. Tính chi tiết, trên đất liền, tổng công suất điện gió có thể đạt đến khoảng 800 kWh/m2/năm đến 1.400 kwh/m2/năm. Năng lượng sinh khối quy đổi tương đương khoảng 43 triệu đến 46 triệu tấn dầu (60% đến từ các phế phẩm gỗ). Ngoài ra, sinh khối từ các sản phẩm hay chất thải nông nghiệp tương đương 10 triệu tấn dầu/năm. Các thuỷ điện nhỏ (có công suất dưới 30MW) có tổng công suất tiềm năng hơn 4.000MW…

Trong giai đoạn 2015-2021 đã ghi nhận sự chuyển dịch năng lượng của Việt Nam với bước phát triển đột phá về năng lượng tái tạo. Cơ chế khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo đã tạo động lực mạnh mẽ, thu hút các nhà đầu tư tham gia. Trong giai đoạn này, theo báo cáo của Bộ Công Thương, cả nước có 928 dự án năng lượng tái tạo được bổ sung, điều chỉnh quy hoạch với tổng công suất 31.895MW, 518 dự án được cấp giấy phép hoạt động điện lực. 

Tổng sản lượng điện năng lượng tái tạo thực tế trên toàn quốc trong giai đoạn 2015-2021 là 119.374 triệu kWh đạt 118% so với mục tiêu chiến lược đã đề ra (119.374/101.000 triệu kWh) trong đó: 28.154,5 triệu kWh điện mặt trời, 6.024 triệu kWh điện gió, 12.722,5 triệu kWh điện mặt trời mái nhà, 1.971 triệu kWh điện sinh khối và điện chất thải rắn và 70.502 triệu kWh điện thủy điện nhỏ. Việc các dự án năng lượng tái tạo được phát triển đã góp phần giảm thiểu các tác động đến môi trường (giảm phát sinh khoảng 101.851.236 tCO2 theo hệ số tính lượng phát thải nhà kính do Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Công Thương công bố). Đặc biệt từ năm 2019, Việt Nam đã vượt qua Thái Lan trở thành quốc gia đi đầu ASEAN về công suất lắp đặt điện mặt trời và điện gió.
 
 
 
(Theo số liệu tại Công văn số 645/BC-TC ngày 11/02/2022 của Bộ Công thương gửi KTNN)

Các dự án năng lượng tái tạo nâng cao tỉ lệ tiếp cận nguồn năng lượng sạch và điện năng của người dân khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, giảm lượng phát thải khí CO2 theo cam kết quốc tế tại COP 26 của Việt Nam.

Ngoài ra, việc vận hành các dự án năng lượng tái tạo góp phần tăng thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2015-2021 là 29.007,8 tỷ đồng, trong đó: thuế giá trị gia tăng 23.127,1 tỷ đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp 4.458,9 tỷ đồng, tiền thuê đất, thuê mặt nước 1.407,2 tỷ đồng, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp 14,5 tỷ đồng.

Bên cạnh những thuận lợi và kết quả đạt được, việc thúc đẩy chuyển dịch năng lượng theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững trong thời gian qua còn có thách thức như: Lưới điện truyền tải phát triển chưa đồng bộ với tốc độ phát triển nguồn năng lượng tái tạo; chưa có đủ nguồn dự phòng và hệ thống tích trữ năng lượng để tích hợp năng lượng tái tạo ở quy mô lớn; khó tiếp cận các nguồn vốn rẻ và dài hạn; công tác quản lý, khai thác nguồn tài nguyên năng lượng còn một số hạn chế; hiệu quả khai thác, sử dụng năng lượng còn thấp; cơ sở hạ tầng ngành năng lượng còn thiếu và chưa đồng bộ; thị trường năng lượng cạnh tranh phát triển chưa đồng bộ, thiếu liên thông giữa các phân ngành, giữa phát điện với truyền tải điện; các công ty dịch vụ năng lượng còn yếu, chất lượng tư vấn chưa cao, tiềm lực vốn đầu tư vào năng lượng tái tạo còn hạn chế. Ngoài ra, công tác quản lý nhà nước về phát triển năng lượng tái tạo của các cơ quan có thẩm quyền còn thiếu sự đồng bộ, đặc biệt trong việc quản lý các ưu đãi dành cho phát triển năng lượng tái tạo dẫn đến hiệu quả chính sách còn chưa đạt hiệu quả tối đa.

2. Kiểm toán về năng lượng tái tạo và các vấn đề đặt ra

Để có thể tổng kết, đánh giá những chính sách ưu đãi nhằm thúc đẩy phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo, làm tiền đề cho các chính sách có tầm nhìn lâu dài, phát huy vai trò hỗ trợ Quốc hội quyết định các vấn đề lớn có tính chiến lược quốc gia, góp phần ngăn ngừa, khắc phục các tồn tại, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực phát triển năng lượng tái tạo, Kiểm toán nhà nước đã tổ chức thực hiện cuộc kiểm toán chuyên đề đánh giá hiệu quả của chính sách ưu đãi và hỗ trợ về thuế, đất đai, bảo vệ môi trường cho phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo theo Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Bộ Công Thương và 10 địa phương. Một số kết quả kiểm toán chủ yếu đạt được rút ra từ cuộc kiểm toán như sau:

Kết quả đạt được
Một là, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành nhiều quyết định về cơ chế chính sách ưu đãi nhằm phát triển điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối và phát triển điện sử dụng chất thải rắn. Một số chính sách cụ thể có thể tính đến bao gồm:

Chính sách ưu đãi và hỗ trợ thuế: Các dự án năng lượng tái tạo được hưởng ưu đãi thuế theo quy định tại Luật Đầu tư được miễn giảm theo quy định của Luật thuế hiện hành. Tổng số tiền thuế, tiền thuê đất được miễn trên toàn quốc là 3.351.459trđ, được giảm là 686.850trđ.

Chính sách ưu đãi và hỗ trợ về đất đai: Các dự án năng lượng tái tạo được hưởng chính sách ưu đãi về đất đai theo Nghị định 46/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước, được sửa đổi tại Nghị định 135/2016/NĐ-CP ngày 09/9/2016, Nghị định số 123/2017/NĐ-CP ngày 14/11/2017. Giai đoạn 2015-2021 các dự án năng lượng tái tạo được giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại 10 tỉnh được kiểm toán với tổng diện tích khoảng 10.393,94ha.

Chính sách bảo vệ môi trường: Các dự án năng lượng tái tạo thực hiện lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường, Kế hoạch bảo vệ môi trường và thực hiện các chính sách khác theo quy định tại Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 và sửa đổi tại Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019.

Hai là, công tác quy hoạch năng lượng tái tạo được thực hiện trên cả phạm vi rộng trên bình diện quy hoạch quốc gia lẫn phạm vi địa bàn các địa phương. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030 tại các Quyết định số 1208/QĐ-TTg ngày 21/7/2011 và Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/3/2016. Sau khi được Bộ Công Thương phê duyệt quy hoạch, bổ sung quy hoạch các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn, Ủy ban nhân dân các tỉnh đã ban hành các quyết định điều chỉnh, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai phù hợp với mục đích sử dụng đất để thực hiện các dự án năng lượng tái tạo.

Ba là, các cơ quan quản lý nhà nước mà chủ trì là Bộ Công Thương đã tổ chức nhiều cuộc họp, hội nghị phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật cho các tổ chức và cá nhân có liên quan về lĩnh vực năng lượng (trong đó bao gồm về năng lượng tái tạo) nhằm cung cấp các thông tin về chính sách cũng như tiếp thu, tham vấn các ý kiến của các tổ chức, cá nhân trong công tác thực thi.

Bốn là, công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách cũng được chú trọng với việc các cơ quan quản lý nhà nước thường xuyên tổ chức các cuộc thanh tra, kiểm tra như thanh tra, kiểm tra chuyên ngành của Bộ Công Thương và các cuộc kiểm tra trong lĩnh vực thuế của các cơ quan quản lý thuế tại các địa phương.

Năm là, cơ quan thuế các địa phương đã phối hợp với sở tài nguyên và môi trường trong việc thẩm định, phê duyệt các hồ sơ được hưởng các chính sách ưu đãi thuế, đất đai đối với các tổ chức, cá nhân đầu tư, kinh doanh, khai thác trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, xác định đơn giá thuê đất và ban hành Thông báo đơn giá thuê đất để sở tài nguyên và môi trường ký hợp đồng thuê đất. Số tiền được ưu đãi, miễn, giảm cho các dự án năng lượng tái tạo theo số liệu của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan bao gồm: Thuế thu nhập doanh nghiệp được miễn 1.956.102trđ, được giảm 686.844trđ; tiền thuế sử dụng đất phi nông nghiệp được miễn 9.975trđ, được giảm 5,2trđ; tiền thuê đất, thuê mặt nước được miễn 1.385.582trđ; miễn, giảm thuế nhập khẩu phục vụ các dự án năng lượng tái tạo 1.030.016trđ.

Sáu là, Ủy ban nhân dân các tỉnh được kiểm toán theo phân cấp đã ủy quyền cho sở tài nguyên và môi trường thẩm định, phê duyệt báo cáo tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường đối với các dự án phát triển năng lượng tái tạo theo quy định từ đó tạo ra khuôn khổ pháp lý cho các tổ chức, cá nhân thực hiện nhằm hạn chế các tác động tiêu cực đến môi trường khi thực hiện các dự án về năng lượng tái tạo.

Các bất cập, tồn tại qua kiểm toán chuyên đề năng lượng tái tạo

Mặc dù việc ban hành và triển khai thực hiện Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo đã đạt được nhiều thành quả, nhưng trong công tác quản lý và thực hiện các ưu đãi về thuế phí và hỗ trợ đất đai còn có những vấn đề tồn tại, hạn chế như sau:

Một là, trong công tác ban hành văn bản quy định pháp luật, xây dựng cơ chế chính sách của các cơ quan có thẩm quyền còn một số hạn chế như: Ban hành kế hoạch hành động, cơ chế khuyến khích còn chậm, các văn bản khác nhau nhằm hướng dẫn thực hiện các chính sách còn thiếu đồng bộ dẫn tới làm giảm hiệu quả chính sách. Quy định về định giá cụ thể từng mức giá đối với các dự án năng lượng tái tạo theo cơ chế khuyến khích cố định chưa phù hợp với quy định khung giá đối với giá bán buôn điện theo quy định của Luật Giá 2012. Trong một số trường hợp những hạn chế này còn dẫn tới thực trạng các tổ chức, cá nhân đầu tư điện mặt trời mái nhà lợi dụng chính sách để chia nhỏ dự án nhằm tránh các quy định về quy hoạch và được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực. Tại một số địa phương được kiểm toán đã bổ sung quy hoạch quá nhiều dự án riêng lẻ dẫn tới vượt tổng công suất quy hoạch quốc gia về năng lượng tái tạo. Còn hiện tượng bổ sung dự án điện mặt trời vào quy hoạch phát triển điện lực của địa phương trong khi đã hết chu kỳ thực hiện. Một số địa phương không tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch phát triển các nguồn năng lượng tái tạo cấp tỉnh, trình Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt.

Hai là, hoạt động cấp phép và vận hành các dự án năng lượng tái tạo còn một số vấn đề như hồ sơ thẩm định cấp phép hoạt động điện lực chưa hợp lý. Việc phê duyệt, bổ sung các dự án vào quy hoạch phát triển điện VII, điện VII, điều chỉnh, quy hoạch phát triển điện lực tỉnh phải vận hành giai đoạn 2015-2021 nhưng đến thời điểm tháng 5/2022 chưa được cấp chủ trương đầu tư. Trong quá trình quản lý vận hành các dự án năng lượng tái tạo còn một số các dự án đã vận hành nối lưới nhưng chưa được cấp có thẩm quyền nghiệm thu. Nhiều thỏa thuận đấu nối vượt quá công suất theo đề nghị của khách hàng.

Một số dự án Nhà máy điện mặt trời, tại thời điểm lập báo cáo tài chính chưa đảm bảo quy định về tỷ lệ vốn chủ sở hữu. Một số dự án chậm và không đúng tiến độ so với quyết định chủ trương đầu tư, quy hoạch được duyệt.

Ba là, bất cập trong chính sách ưu đãi và hỗ trợ đất đai: Công tác thi công, vận hành, nghiệm thu để thực hiện chứng nhận vận hành thương mại (COD) khi chưa thực hiện thủ tục giao đất, ký hợp đồng cho thuê đất. Có một số dự án năng lượng tái tạo chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất trồng cây hằng năm, đất trồng cây lâu năm sang đất nông nghiệp khác không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hằng năm. Một số dự án năng lượng tái tạo dự án nằm trong vùng quy hoạch khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia. Bên cạnh đó, còn có hiện tượng thực hiện giải phóng mặt bằng đối với rừng phòng hộ không thuộc phạm vi đất được giao, vượt ra ngoài mốc tọa độ của dự án. Nhiều dự án năng lượng tái tạo thi công, vận hành trước khi ký hợp đồng thuê đất.

Bốn là, các tồn tại về ưu đãi trong các khoản thu thuế, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất: Một số địa phương chưa thực hiện xác định giá đất cụ thể đối với trường hợp phải xác định giá đất; chưa kịp thời đề nghị sở tài nguyên và môi trường, ban quản lý khu kinh tế phối hợp để lập hồ sơ tính tiền thuê đất đối với đất thuê hệ thống đường dây truyền tải điện. Ngoài ra, thời gian giải quyết hồ sơ nhiều dự án còn chậm, một số dự án chưa đủ điều kiện hưởng ưu đãi về thuế, tiền thuê đất do nằm trên khu vực dự trữ khoáng sản. Nhiều đơn vị đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện kê khai ưu đãi miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp nhưng chưa được cấp phép đầu tư theo quy định.

Năm là, bất cập trong chính sách bảo vệ môi trường: Nhiều dự án lập, gửi báo cáo công tác bảo vệ môi trường về Bộ Tài nguyên và Môi trường chậm, việc thông báo kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường còn chậm. Ngoài ra, các quy định hướng dẫn việc xử lý rác thải từ các dự án năng lượng tái tạo như các tấm quang điện mặt trời khi hết tuổi thọ hoặc kết thúc vòng đời dự án vẫn chưa được ban hành vào thời điểm kiểm toán. Môt số địa phương trình Bộ Công Thương phê duyệt vị trí quy hoạch thực hiện dự án nhà máy điện mặt trời có một phần diện tích trùng với quy hoạch rừng.

Một vài bài học rút ra

Một là, lĩnh vực năng lượng tái tạo là lĩnh vực mới và khó cả về công nghệ, chính sách và tài chính đòi hỏi sự quyết tâm vào cuộc cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương. Trong giai đoạn tới, cần tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị, Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. Hoàn thiện thể chế về phát triển năng lượng tái tạo trong đó có các chính sách về cơ sở hạ tầng năng lượng, các chính sách về tiếp cận nguồn vốn, ứng dụng khoa học công nghệ, quy hoạch quốc gia và các địa phương...

Hai là, các cơ chế hỗ trợ, ưu đãi về thuế và đất đai đã góp phần không nhỏ trong việc thu hút đầu tư đối với lĩnh vực năng lượng tái tạo và cần tiếp tục được duy trì, phát huy. Tuy nhiên, cần khắc phục những vấn đề, tồn tại trong công tác ban hành các văn bản hướng dẫn, các kế hoạch thực hiện chiến lược, quy hoạch đất đai và quy hoạch ngành năng lượng, các hoạt động cấp phép...

Ba là, các cơ quan quản lý nhà nước cần chấn chỉnh các hạn chế trong quản lý, điều hành, tăng cường khả năng phối hợp giữa các bên liên quan, nắm bắt được các khó khăn, thách thức mà các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, phát triển năng lượng tái tạo phải đối mặt và tìm phương án giải quyết phù hợp.

Bốn là, bên cạnh các ưu đãi về thuế và đất đai, cần sớm hoàn thiện cơ chế mua, bán điện, nâng cao khả năng đấu nối và tiếp nhận của hệ thống. 
Năm là, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc và theo dõi việc thực hiện đầu tư xây dựng các công trình năng lượng; kịp thời chỉ đạo giải quyết những khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư xây dựng các dự án năng lượng.

Tóm lại, tăng cường, đầu tư phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo là chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội bền vững và xu hướng phát triển của thế giới. Với nhiều tiềm năng về năng lượng tái tạo, nước ta có nhiều triển vọng để đưa năng lượng tái tạo trở thành trung tâm trong chiến lược phát triển năng lượng quốc gia. Tuy nhiên, để phát huy những thành quả đạt được, nước ta cần tiếp tục hoàn thiện chính sách, triển khai thực thi có hiệu quả, giải quyết các khó khăn, thách thức đặt ra trong thực tiễn. Kiểm toán nhà nước đóng vai trò quan trọng nhằm đảm bảo các chính sách được thực hiện hiệu quả, đúng định hướng đặt ra.           
 
Lê Thị Hồng Hạnh – Phó Kiểm toán trưởng Kiểm toán nhà nước chuyên ngành II
(Tạp chí Nghiên cứu khoa học kiểm toán tháng 5/2023)