Quốc hội thảo luận về 04 nội dung quan trọng trong chương trình nghị sự: Rút ra bài học kinh nghiệm từ quyết toán ngân sách

(sav.gov.vn) - Chiều 1/6/2023, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2021; Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022; Việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022; Việc giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Giao, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2023 của Chương trình mục tiêu quốc gia.

Cần có giải pháp xử lý đối với các đơn vị không thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước

Trong phiên thảo luận, co 19 đại biểu (ĐB) phát biểu tại Hội trường, đa số ý kiến nhất trí với việc đánh giá kết quả thực hiện chính sách tài khóa, quyết toán NSNN năm 2021, kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022, nhất trí về sự cần thiết tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2%, giao danh mục mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế xã hội, giao điều chỉnh bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương (NSTW) giai đoạn 2021-2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn NSTW năm 2023 của Chương trình mục tiêu quốc gia.

Thảo luận về quyết toán NSNN, các ĐB đánh giá cao việc hoàn thành vượt dự toán thu NSNN và việc điều hành ngân sách linh hoạt, phù hợp trong điều kiện đại dịch COVID-19. Các ĐB đề nghị Chính phủ khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, sử dụng NSNN như ước thu, chi NSNN, báo cáo Quốc hội không sát, lập dự toán thu thấp, giải ngân vốn đầu tư công chậm, chi chuyển nguồn lớn, còn chi sai mục đích, nộp thiếu thuế; đề nghị làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân vi phạm, có nhiều tồn tại, hạn chế kéo dài nhiều năm. Các ĐB cũng đề xuất giải pháp cụ thể, thiết thực để đảm bảo kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quyết toán của NSNN.
 
Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (TP.Hà Nội)

Theo ĐB Phạm Thị Thanh Mai (TP.Hà Nội) cần nhìn nhận lại việc quyết toán ngân sách để rút ra bài học kinh nghiệm, đặc biệt là về những nội dung tồn đọng kéo dài trong nhiều năm. “Cần có giải pháp chấn chỉnh, xem xét trách nhiệm, thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật trong thực hiện chính sách của Nhà nước.”- ĐB nhấn mạnh.
ĐB cho biết, năm 2021, trong điều kiện dịch bệnh, quyết toán NSNN đã tăng 17,2% dự toán, chi tăng 0,4% dự toán, dù có những phân tích, đánh giá nguyên nhân trong lập dự toán chưa sát, gây ảnh hưởng đến quá trình điều hành. Tuy vậy, để đạt được kết quả này cũng cần đến nhiều sự nỗ lực của các Bộ, ban, ngành từ Trung ương đến địa phương, sự đồng hành của cả hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp.

Tuy nhiên, khi xem xét báo cáo của Chính phủ trình, đặc biệt là Báo cáo kiểm toán, quyết toán NSNN năm 2021, vẫn còn một số vấn đề chưa được xử lý, còn ở mức độ tương đối nghiêm trọng. Cụ thể, một số nội dung giao dự toán còn chậm, bổ sung điều chỉnh vốn nhiều lần, công tác chuẩn bị đầu tư, đảm bảo đúng thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật không được thực hiện một cách đầy đủ, phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản lớn…

ĐB đề nghị rà soát kỹ lại số liệu nợ đọng xây dựng cơ bản, phân tích các nguyên nhân làm phát sinh lớn số nợ đọng xây dựng cơ bản, có phương án xử lý cũng như làm rõ trách nhiệm đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương khi vi phạm hành vi cấm trong Luật Đầu tư công.

Phát biểu về số chi chuyển nguồn, ĐB Phạm Thị Thanh Mai cho rằng, đây là việc này năm nào cũng nói và nói rất nhiều lần. Dẫn lại Báo cáo của Kiểm toán nhà nước (KTNN), ĐB nhấn mạnh: Trong báo cáo của KTNN đã chỉ ra rất nhiều khoản tạm ứng quá hạn phải thu hồi nhưng nhiều năm qua thì không thu hồi được, một số Bộ, ban, ngành, địa phương cũng báo cáo là nhiều nội dung không thể thực hiện được. Báo cáo của KTNN cũng đã nêu 4 nhóm nguyên nhân và phân tích là thuộc trách nhiệm của các cơ quan. “Chúng tôi đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát chi tiết những số chi chuyển nguồn không đúng quy định và thực hiện đúng, nghiêm Luật Ngân sách Nhà nước, không quyết toán các khoản chi chuyển nguồn không đúng quy định này. Đồng thời, phải có giải pháp cụ thể để chấn chỉnh tình trạng chậm thu hồi các khoản tạm ứng từ các niên độ quyết toán của năm 2020 trở về trước.”- ĐB Phạm Thị Thanh Mai nói.

Cũng theo ĐB, việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của KTNN mặc dù có tiến bộ so với các năm về trước nhưng vẫn còn rất nhiều các kiến nghị tồn đọng. Vì vậy, các Bộ, ban, ngành trung ương, các địa phương cần tiếp tục rà soát và báo cáo với Chính phủ để có những giải pháp xử lý, đặc biệt là đối với nhóm được đánh giá là “không thực hiện được”.
 
Tình trạng lãng phí trong chậm, nợ ban hành văn bản quy phạm pháp luật kéo dài nhiều năm

Về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTKCLP), các ĐB tham gia nhiều ý kiến về kết quả đạt được cũng như bất cập, hạn chế trong công tác này; đồng thời đề nghị Chính phủ nghiên cứu cụ thể hóa hơn các giải pháp để đẩy mạnh THTKCLP, bám sát các quy định trong Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, các kiến nghị của các cơ quan thẩm tra, các kiến nghị của Nghị quyết số 74 của Quốc hội để khắc phục bất cập, hạn chế, đảm bảo công tác THTKCLP thực chất, hiệu quả hơn. Các ĐB lưu ý một số vấn đề THTKCLP trong quản lý tài chính, tài sản công, trong đầu tư công, trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và đặc biệt lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính.

Thảo luận về nội dung này, ĐB Trần Thị Thanh Lam (Bến Tre) đề nghị khắc phục tình trạng lãng phí trong chậm, nợ ban hành văn bản quy phạm pháp luật. ĐB chỉ ra rằng, đây là tình trạng đã kéo dài nhiều năm, qua nhiều nhiệm kỳ, mặc dù đã được cải thiện dần nhưng chưa đạt như mong muốn, dù cả Quốc hội và Chính phủ luôn đặt trọng tâm ưu tiên về công tác hoàn thiện thể chế.

Theo ĐB Trần Văn Khải (Hà Nam), vẫn còn tình trạng lãng phí trong việc phân bổ vốn đầu tư công và chậm giải ngân vốn đầu tư công. Bên cạnh đó, lãng phí trong cải cách thủ tục hành chính, các địa phương, Bộ ngành phát sinh thủ tục mới. ĐB cũng nhấn mạnh đến việc lãng phí niềm tin của Nhân dân đối với cơ quan công quyền trong giải quyết công việc để phục vụ Nhân dân. “Rõ ràng với những tồn tại này, với những sợi dây kinh nghiệm vô tận thì Nhân dân sẽ mất niềm tin đối với cơ quan công quyền của chúng ta”- ĐB Trần Văn Khải nói.
 
Đại biểu Trần Văn Khải (Hà Nam)


ĐB đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc (UBTVQH) hội giao Ủy ban Pháp luật của Quốc hội chủ trì với các cơ quan của Quốc hội ngay trong năm 2024 thực hiện giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách pháp luật của cán bộ, công chức theo Luật cán bộ, công chức trong năm 2022” trên phạm vi cả nước. ĐB cũng đề nghị Quốc hội, HĐND các cấp tăng cường thực hiện chức năng giám sát, chất vấn, tái chất vấn và yêu cầu giải trình nhằm nâng cao trách nhiệm cá nhân của cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo.

ĐB Trần Văn Khải kêu gọi toàn thể các công chức trên cả nước hãy chuyển biến thật nhanh, theo kịp tình hình, bằng tác phong phục vụ hãy hành động bằng mong muốn, khát khao đưa bộ ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương, quê hương mình phát triển đột phá cùng đất nước vượt qua khó khăn, phát triển nhanh và bền vững.
 
Cân nhắc mở rộng phạm vi đối tượng được giảm thuế giá trị gia tăng

Tham gia ý kiến về việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết 43 của Quốc hội, ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (tỉnh Hải Dương) bày tỏ đồng tình với sự cần thiết ban hành Nghị quyết tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng nhằm giúp doanh nghiệp và người dân tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, ổn định cuộc sống trong khi kinh tế gặp nhiều thách thức. Bên cạnh đó, ĐB đề nghị rà soát, cân nhắc mở rộng phạm vi đối tượng được giảm thuế giá trị gia tăng.

ĐB Nguyễn Thị Việt Nga cũng đề nghị áp dụng mức thuế xuất 8% đối với mặt hàng ô tô, bao gồm cả dòng xe dưới 24 chỗ để thúc đẩy lĩnh vực sản xuất và kinh doanh ô tô trong nước, từ đó đảm bảo nguồn thu ngân sách của nhà nước từ lĩnh vực này.

Theo ĐB, việc áp dụng thuế VAT 8% mặc dù gây hụt thu ngân sách 2% so với hiện hành nhưng ô tô là mặt hàng chịu thuế cao, cùng với nhiều loại thuế, vì vậy nếu kích cầu từ việc giảm này tổng mức thuế thu được từ chiếc xe sẽ vượt mức 2% giảm thuế VAT.

Việc giảm thuế, phí trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh ô tô cho thấy sự tác động tích cực và mạnh mẽ của các chính sách ưu đãi đến việc kích cầu và phát triển ngành này. Vì vậy, ĐB Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị mở rộng phạm vi đối tượng được giảm thuế gia trị gia tăng, áp dụng mức thuế suất 8% đối với mặt hàng ô tô (bao gồm cả đối với các dòng xe ô tô dưới 24 chỗ) để kích cầu tiêu dùng, giúp doanh nghiệp ô tô tháo gỡ khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh, đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động, góp phần tạo đà tăng trưởng cho ngành công nghiệp ô tô, qua đó tiếp tục đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước cũng như phát triển nền kinh tế.

Đồng tình quan điểm trên, ĐB Mai Thị Phương Hoa (tỉnh Nam Định) cho biết, việc linh hoạt thực hiện chính sách thuế đã góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, kích cầu tiêu dùng, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước. ĐB bày tỏ nhất trí việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022.

Tuy nhiên, ĐB cho rằng, phương án của Chính phủ là kéo dài đến hết 31/12/2023 là quá ngắn. Khó khăn thách thức trong thời gian tới là khá lớn, đại biểu cho rằng, để sự hỗ trợ này có hiệu quả hơn, đủ thời gian để chính sách phát huy trong thực tế, cần kéo dài chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng đến hết năm 2025 hoặc ít nhất đến năm 2024. Cần kịp thời hướng dẫn các hồ sơ xem xét xin hoàn thuế giá trị gia tăng một cách nhanh chóng, hiệu quả cho người dân và doanh nghiệp. Ngoài ra, cần nghiên cứu các chính sách vượt tiền lệ như yêu cầu lãi suất cho vay giảm xuống dưới 9%, thay đổi các điều kiện cho vay thông thoáng, khả thi và hợp lý để hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp.

Về việc giao danh mục, mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án từ các nguồn vốn, các ĐB tham gia ý kiến về nguyên tắc, tiêu chí phân bổ, tính hợp lý, phù hợp, khả năng giải ngân của dự án dự kiến được phân bổ vốn; thời hạn giải ngân vốn của Chương trình phục hồi; điều chỉnh, điều hòa vốn giữa các dự án, giữa các nguồn vốn; vấn đề phân cấp ngân sách, phân quyền; số vốn đề nghị hủy bỏ hoặc chuyển vào dự phòng chung. Đồng thời, đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương rút kinh nghiệm trong việc chậm trễ trình UBTVQH, Quốc hội xem xét, cho ý kiến quyết định phân bổ vốn; đề nghị quyết liệt hơn và có giải pháp thiết thực để giải ngân vốn đầu tư công, sử dụng hết số vốn Quốc hội đã giao, đảm bảo tiết kiệm và hiệu quả.
 
Điều chuyển cán bộ có tâm lý né tránh, đùn đẩy trách nhiệm

Phát biểu giải trình, làm rõ các nội dung liên quan, các Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và Bộ trưởng Bộ Tài Chính Hồ Đức Phớc gửi lời cảm ơn các ĐB Quốc hội, cử tri và nhân dân cả nước đã quan tâm, góp ý thẳng thắn, chân thành để ngành tiếp tục vươn lên thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, góp phần xứng đáng vào quá trình phục hồi, phát triển kinh tế của đất nước, thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Đảng, Nhà nước đã đặt ra.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng phát biểu làm rõ về phát triển năng lượng tái tạo và cơ chế xác định giá cho điện gió, điện mặt trời ở Việt Nam, Bộ trưởng khẳng định, ở Việt Nam, điện than, điện dầu, điện khí sinh khối, thủy điện cũng được xem là điện nền. Bởi vậy, dù có đắt hơn, phát thải cacbon có nhiều hơn, trong ngắn hạn chúng ta chưa có nguồn, giải pháp khác thay thế, thì các nguồn điện truyền thống vẫn được duy trì để bảo đảm an toàn hệ thống điện. Còn về lâu dài, năng lượng tái tạo sẽ là nguồn rẻ nhất nếu chưa tính chi phí truyền tải, lưu trữ điện.

Về cơ chế tính giá năng lượng tái tạo, cơ sở pháp lý là căn cứ vào luật Điện lực, luật Giá và các nghị định của Chính phủ. Bộ trưởng khẳng định cơ chế giá cho các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp như khung giá hiện hành là phù hợp với giá thế giới và thực tiễn kinh tế xã hội trong nước.

Giải trình vấn đề đại biểu nêu về giải ngân vốn đầu tư công Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ đã nhận diện những tồn tại, hạn chế trong quá trình giải ngân vốn đầu tư công. Trong đó, chất lượng chuẩn bị dự án chưa tốt, giải phóng mặt bằng chậm, thời gian điều chỉnh dự án lâu, điều chỉnh nhiều lần; năng lực của Ban quản lý dự án, năng lực nhà thầu cũng như trách nhiệm và sự vào cuộc của người đứng đầu còn hạn chế.

Bộ trưởng nêu một số giải pháp như rà soát lại quy định pháp luật, trong đó có Luật Đầu tư công và các nghị định hướng dẫn, khâu nào có thể đẩy nhanh và rút ngắn, sẽ kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; đẩy mạnh hoạt động của các tổ công tác; đẩy nhanh tiến độ công việc liên quan đến kiểm đếm, giải phóng mặt bằng; kịp thời rà soát, điều chuyển vốn dự án triển khai chậm sang dự án triển khai nhanh; điều chuyển cán bộ có tâm lý né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Bộ trưởng cũng đề nghị đại biểu Quốc hội tăng cường công tác giám sát tại địa phương mình, ngành mình, giúp Chính phủ trong thời gian tới.
 
Liên quan đến đề xuất giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT), Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết phương án trình đã được Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội thẩm tra và được UBTVQH cho ý kiến trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp này. Trước ý kiến một số đại biểu đề nghị kéo dài thời gian thực hiện chính sách, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết thêm Nghị quyết 43 chỉ có hiệu lực cho đến hết năm nay, nhất là 6 tháng nữa. Phương án trình phù hợp với cân đối cân đối ngân sách và mục tiêu chính sách nhằm kích cầu tiêu dùng và giải quyết khó khăn một cách tức thời, tức là trong giai đoạn hiện nay.

Liên quan đến đề xuất đưa ô tô vào diện được giảm thuế VAT 2%, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, ô tô là đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, không thuộc phạm vi của Nghị quyết 43. Ô tô không nằm trong diện được giảm thuế là do chính sách này tập trung giảm thuế cho những lĩnh vực thiết yếu.

Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh, vấn đề là phải làm mọi cách để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, tăng cường năng lực của doanh nghiệp, tăng năng lực của nền kinh tế. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có hiệu quả bằng việc tháo gỡ những vướng mắc, tháo gỡ những khó khăn tạo ra một thị trường tốt hơn sẽ có tác dụng lớn hơn việc giảm thuế.

Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng có báo cáo làm rõ về việc triển khai các dự án ODA của 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long; về giao vốn chậm bổ sung nhiều lần chuẩn bị đầu tư dài, chuyển nguồn lớn; vấn đề tồn dư ngân sách; vấn đề mua sắm tập trung, mua sắm phương tiện, sử dụng kinh phí thường xuyên để chi cho mua sắm…

Bộ trưởng Bộ Tài chính đề nghị hoàn thiện pháp luật ở một số lĩnh vực như đầu tư công hay ngân sách phải linh hoạt hơn, chủ động hơn.
 
Phát biểu kết luận Phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, UBTVQH sẽ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến phát biểu tại hội trường và các ý kiến thảo luận tại Tổ để xây dựng báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội; hoàn chỉnh nghị quyết về phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2021, nghị quyết về giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; giao điều chỉnh bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn NSTW giai đoạn 2021-2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn NSTW năm 2023 của Chương trình mục tiêu quốc gia và đưa các nội dung quan trọng của công tác THTKCLP năm 2022; các nội dung về tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 43 vào nghị quyết chung của kỳ họp trình Quốc hội xem xét thông qua./.

Phương Ngọc