Kiểm toán nhà nước ban hành Quyết định “Hướng dẫn về việc thực hiện xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Kiểm toán nhà nước”

(sav.gov.vn) - Ngày 02/6/2023, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn đã ký ban hành Quyết định số 811/QĐ-KTNN về “Hướng dẫn về việc thực hiện xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Kiểm toán nhà nước”. Hướng dẫn quy định chi tiết thực hiện việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước theo quy định tại Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước số 04/2023/UBTVQH15 ngày 28/02/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Pháp lệnh số 04/2023/UBTVQH15).

Kèm theo Quyết định 811/QĐ-KTNN là hướng dẫn cụ thể về việc thực hiện xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Kiểm toán nhà nước (KTNN), gồm 4 chương: Quy định chung; Hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN; Thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt, thủ tục xử phạt, thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN; Điều khoản thi hành.
 
Hướng dẫn có 28 điều quy định cụ thể về: Phạm vi điều chỉnh; Đối tượng áp dụng; Nguyên tắc xác định mức phạt tiền; Những trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước; Những hành vi bị nghiêm cấm; Trách nhiệm của Vụ Pháp chế; Trách nhiệm của các đơn vị trực thuộc KTNN; Trách nhiệm của Văn phòng KTNN; Hành vi vi phạm về gửi báo cáo định kỳ quy định tại Điều 8 Pháp lệnh số 04/2023/UBTVQH15; Hành vi vi phạm về cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết để thực hiện việc kiểm toán quy định tại Điều 9 Pháp lệnh số 04/2023/UBTVQH15; Hành vi vi phạm quy định về trả lời và giải trình liên quan đến nội dung kiểm toán quy định tại Điều 10 Pháp lệnh số 04/2023/UBTVQH15; Hành vi không ký biên bản kiểm toán, không chấp hành quyết định kiểm toán quy định tại Điều 11 Pháp lệnh số 04/2023/UBTVQH15; Hành vi mua chuộc, hối lộ Trưởng Đoàn kiểm toán, Phó trưởng Đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán, thành viên Đoàn kiểm toán; cản trở công việc của KTNN quy định tại Điều 12 Pháp lệnh số 04/2023/UBTVQH15; Hành vi che giấu hành vi vi phạm pháp luật về tài chính công, tài sản công, can thiệp trái pháp luật vào hoạt động kiểm toán, kết quả kiểm toán quy định tại Điều 13 Pháp lệnh số 04/2023/UBTVQH15; Hành vi vi phạm quy định về thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN quy định tại Điều 14 Pháp lệnh số 04/2023/UBTVQH15; Thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN; Thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính của Kiểm toán viên nhà nước; Thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính của Tổ trưởng tổ kiểm toán; Thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính của Trưởng đoàn kiểm toán, Phó trưởng Đoàn kiểm toán; Thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính của Kiểm toán trưởng; Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính; Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Trưởng đoàn kiểm toán; Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Kiểm toán trưởng; Giao quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN; Thủ tục xử phạt, thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN; Mẫu biểu sử dụng trong xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN; Áp dụng văn bản quy phạm pháp luật; Trách nhiệm thi hành.
 
Đối tượng áp dụng gồm: Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN;  Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN; Người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN; Tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN.

Nguyên tắc xác định mức phạt tiền cụ thể đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước quy định tại Điều 8, Điều 9, Điều 10, Điều 11, Điều 12, Điều 13 và Điều 14 của Pháp lệnh số 04/2023/UBTVQH15 như sau:

Mức phạt tiền cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính không có tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó.

Nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức phạt tiền có thể giảm xuống nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có tình tiết tăng nặng thì mức phạt tiền có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt.

Trường hợp có nhiều tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ được áp dụng theo nguyên tắc sau đây: Khi xác định mức phạt tiền đối với tổ chức, cá nhân vi phạm vừa có tình tiết tăng nặng, vừa có tình tiết giảm nhẹ, thì được giảm trừ tình tiết tăng nặng theo nguyên tắc một tình tiết giảm nhẹ được giảm trừ một tình tiết tăng nặng; Trong trường hợp có từ 02 tình tiết giảm nhẹ trở lên, thì áp dụng mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có từ 02 tình tiết tăng nặng trở lên, thì áp dụng mức tối đa của khung tiền phạt.

Tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng được thực hiện theo quy định tại Điều 9, Điều 10 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
 
Không xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN đối với các trường hợp:

Thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong tình thế cấp thiết; Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do sự kiện bất ngờ; Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do sự kiện bất khả kháng; Người thực hiện hành vi vi phạm hành chính không có năng lực trách nhiệm hành chính.

Những hành vi bị nghiêm cấm gồm: Giữ lại vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để xử lý vi phạm hành chính; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, đòi, nhận tiền, tài sản của người vi phạm; dung túng, bao che, hạn chế quyền của người vi phạm hành chính khi xử phạt vi phạm hành chính; Không xử phạt vi phạm hành chính, không áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả; Xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả không kịp thời, không nghiêm minh, không đúng thẩm quyền, thủ tục, đối tượng quy định tại Pháp lệnh số 04/2023/UBTVQH15; Xác định hành vi vi phạm hành chính không đúng; áp dụng hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả không đúng, không đầy đủ đối với hành vi vi phạm hành chính; Can thiệp trái pháp luật vào việc xử lý vi phạm hành chính; Không theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, tổ chức cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả; Giả mạo, làm sai lệch hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính; Xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người bị xử phạt vi phạm hành chính, người bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử lý vi phạm hành chính; Chống đối, trốn tránh, trì hoãn hoặc cản trở chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
 
Người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN quy định tại Điều 15 của Pháp lệnh số 04/2023/UBTVQH15, bao gồm: Kiểm toán viên nhà nước; Tổ trưởng tổ kiểm toán; Phó trưởng đoàn kiểm toán; Trưởng đoàn kiểm toán; Kiểm toán trưởng.

Trường hợp người đang thi hành nhiệm vụ kiểm toán, kiểm tra thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán, nhiệm vụ tiếp nhận báo cáo cáo định kỳ hoặc nhiệm vụ khác mà không phải là người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, nếu phát hiện hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN thì phải lập biên bản làm việc để ghi nhận sự việc và chuyển ngay biên bản làm việc đến người có thẩm quyền để lập biên bản vi phạm hành chính theo quy định. 

Thủ tục xử phạt, thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN được thực hiện theo quy định tại Mục 1 và Mục 2 Chương III Phần thứ hai của Luật Xử lý vi phạm hành chính; và các Điều 12, Điều 13, Điều 14, Điều 15, Điều 16, Điều 17, Điều 18, Điều 19, Điều 20, Điều 21, Điều 22, Điều 27, Điều 28 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP.
 
Hướng dẫn quy định cụ thể về mẫu biểu sử dụng tong xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN, được thực hiện theo quy định tại Điều 41 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP.

Các mẫu biên bản gồm: Biên bản vi phạm hành chính lĩnh vực KTNN; Biên bản làm việc; Biên bản phiên giải trình trực tiếp; Biên bản xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính lĩnh vực KTNN; Biên bản về việc không nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực KTNN; Biên bản bàn giao hồ sơ vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự; Biên bản chuyển hồ sơ và quyết định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực KTNN để tổ chức thi hành.

Các mẫu quyết định gồm: Quyết định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực KTNN không lập biên bản; Quyết định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực KTNN; Quyết định chuyển hồ sơ vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự; Quyết định về việc giao quyền xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực KTNN; Quyết định chấm dứt việc giao quyền xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực KTNN.
 
Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành (khu vực) có trách nhiệm tổ chức thực hiện, kiểm tra việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao.

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các đơn vị kịp thời phản ánh về Vụ Pháp chế để tổng hợp, báo cáo Tổng Kiểm toán nhà nước xem xét, giải quyết.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký./.


Khánh Vy