Dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi): Tạo hành lang pháp lý vững chắc cho việc số hóa các hoạt động ngân hàng

(sav.gov.vn) - Chính sách số hóa các hoạt động ngân hàng; tình trạng sở hữu chéo, thao túng lợi ích nhóm trong lĩnh vực ngân hàng; bảo mật thông tin cũng như hoạt động của các ngân hàng chính sách… là một trong những nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm trong phiên thảo luận tại hội trường chiều 10/6 về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, tại các phiên thảo luận tại Tổ, đã có 99 lượt ý kiến phát biểu về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Trong phiên thảo luận tại hội trường, có 21 đại biểu phát biểu và 1 đại biểu tranh luận.

Qua thảo luận, các vị đại biểu nhất trí về sự cần thiết phải sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng để khắc phục bất cập, hạn chế của luật hiện hành; thể chế hóa chủ trương của Đảng; đảm bảo an toàn, lành mạnh, ổn định hệ thống các tổ chức tín dụng, tạo cơ sở pháp lý để tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác xử lý nợ xấu, tài sản đảm bảo, tăng cường năng lực quản trị, điều hành, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ, phát triển hệ thống các ngân hàng, các tổ chức tín dụng bền vững, hiệu quả, nâng cao khả năng cạnh tranh phù hợp với biến đổi mạnh mẽ của khoa học, công nghệ, tiếp tục phát huy vai trò là kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế, của các tổ chức tín dụng.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng chỉ ra còn có những điều khoản, nội dung chưa phù hợp, chưa thống nhất với quy định của Hiến pháp và quy định của một số Luật hiện hành có liên quan cả về thẩm quyền và nội dung. Bên cạnh đó, dự Luật cũng còn những quy định chưa đầy đủ, cơ sở chưa rõ ràng, chưa hợp lý, chưa khả thi.
 
Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang

Theo đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Đỗ Thị Việt Hà (Bắc Giang), cần tiếp tục đánh giá kỹ lưỡng tác động, phân tích nhận diện thực trạng hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng; tính bảo đảm an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng nói riêng và hệ thống các tổ chức tín dụng nói chung; công tác phòng ngừa rủi ro, kiểm soát nội bộ của tổ chức tín dụng, kiểm soát đặc biệt cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém, xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu... dưới cả góc độ thực thi và quy định pháp luật, qua đó, làm rõ các vướng mắc, bất cập là do quy định pháp luật hay do tổ chức thi hành pháp luật hay do cả hai. Trên cơ sở đó, tiếp tục rà soát, làm rõ phạm vi các quy định cần sửa đổi, bổ sung và nội dung của dự thảo Luật nhằm bảo đảm đầy đủ cả cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn phù hợp và khả thi. Đại biểu cũng đề nghị rà soát, đánh giá thật kỹ lưỡng toàn bộ nội dung dự thảo Luật với quy định tại các luật có liên quan để hoàn thiện, bảo đảm sự tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.

Một nội dung được nhiều đại biểu quan tâm đến trong dự thảo Luật là chính sách số hóa các hoạt động ngân hàng. Theo ĐBQH Hoàng Minh Hiếu (Nghệ An), các quy định về nội dung này còn tương đối mỏng, tập trung vào 4 điều khoản, gồm: Điều 15, Điều 96, Điều 97, Điều 132. Trong đó, đáng chú ý là nội dung của các điều khoản này chủ yếu dẫn chiếu đến quy định của các dự thảo Luật khác hoặc giao cho Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định chi tiết.
 
Đại biểu Hoàng Minh Hiếu - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An

Nhấn mạnh ngân hàng là một trong những ngành đi đầu, có mức độ số hóa chuyên sâu, đại biểu Hoàng Minh Hiếu đề nghị, cần rà soát, nghiên cứu kinh nghiệm của các nước và Luật hóa các quy định tại các văn bản dưới Luật đã được thực hiện ổn định, hiệu quả, góp phần tạo công cụ pháp lý vững chắc cho các tổ chức tín dụng trong hoạt động số, đặc biệt là phục vụ cho việc xây dựng ngân hàng số.

Ở khía cạnh khác, ĐBQH Nguyễn Lâm Thành (Thái Nguyên) cho biết, dự thảo Luật chưa có nội dung cụ thể hóa quan điểm đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ số trong lĩnh vực ngân hàng và phát triển các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại nhằm cung ứng dịch vụ ngân hàng cơ bản một cách thuận tiện, chi phí thấp với người dân không có tài khoản ngân hàng ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Trong khi đó, thực tế hiện nay ở vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn, miền núi thì các ứng dụng dịch vụ ngân hàng rất kém phát triển.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành đề nghị, dự thảo Luật cần quy định nội dung, cơ chế khuyến khích, ưu tiên, quy định trách nhiệm xã hội của các tổ chức tín dụng, nhất là các tổ chức tín dụng lớn để phát triển các dịch vụ ngân hàng, nhất là ngân hàng số nhằm giúp người dân tiếp cận công bằng, bình đẳng các dịch vụ ngân hàng.

Cho rằng, tình trạng sở hữu chéo, thao túng lợi ích nhóm trong lĩnh vực ngân hàng vẫn là vấn đề đáng lo ngại, đặc biệt là huy động vốn với doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái đối với tập đoàn tư nhân, ĐBQH Nguyễn Hải Trung (TP. Hà Nội) cho rằng việc dự thảo Luật sửa đổi, điều chỉnh giảm tỷ lệ sở hữu của các cá nhân, tổ chức tăng tính đại chúng của các tổ chức tín dụng và mở rộng thêm các diện đối tượng liên quan là cần thiết. Điều này giúp cơ cấu cổ đông của ngân hàng có độ phân tán lành mạnh hơn, tránh tập trung quyền tự quyết vào một ông, bà chủ nào đó, từ đó hạn chế hành vi điều hành tổ theo hướng phục vụ cho các công ty sân sau, lợi ích của các cổ đông lớn, làm tổn hại đến lợi ích của ngân hàng, các cổ đông khác.

ĐBQH Nguyễn Hải Trung cũng lưu ý, không thể phủ nhận thực tế có những cổ đông lớn đứng danh hoặc không đứng danh hội đồng quản trị, ban điều hành, nắm cổ phần chi phối, điều hành hoạt động của ngân hàng. Do vậy, theo đại biểu, các giải pháp nêu trong dự thảo Luật chỉ là giải pháp kỹ thuật, cần bổ sung thêm các quy định, tăng cường vai trò của Ngân hàng Nhà nước để hạn chế hành vi lạm quyền cổ đông lớn, quyền quản trị điều hành để thực hiện thao túng hoạt động của tổ chức tín dụng. Đồng thời, cần nghiên cứu, đề xuất thêm các biện pháp, giải pháp để quản lý, kiểm soát việc lách luật, sử dụng nhiều cá nhân pháp nhân khác đứng tên cổ phần tạo nhóm cổ đông lớn để điều hành các tổ chức tín dụng.

Cùng chung mối quan tâm về vấn đề tỷ lệ sở hữu cổ phần, ĐBQH Trần Chí Cường (Đà Nẵng) đánh giá cao sự cố gắng của cơ quan soạn thảo nhằm mục tiêu hạn chế vấn đề thao túng hoạt động ngân hàng, hạn chế tình trạng sở hữu chéo. Dự thảo luật đã sửa đổi, bổ sung quy định về giới hạn góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng. So với luật hiện hành, dự thảo luật có điều chỉnh tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông là cá nhân, cổ đông là tổ chức, cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó tương ứng từ không vượt quá 5%, 15%, 20% xuống còn 3%, 10% và 15%. Tuy nhiên, theo đại biểu Trần Chí Cường, trong trường hợp này thực tế có thể phát sinh việc thuê, nhờ người khác đứng tên sở hữu cổ phần để gián tiếp gia tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần nhằm chi phối, kiểm soát tại một số tổ chức tín dụng. Đại biểu Trần Chí Cường đặt câu hỏi: Vấn đề này sẽ được giải quyết ra sao trong thực tiễn? Có giải quyết được tính căn cơ khi giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần? Do vậy, đại biểu đề nghị cần có đánh giá, làm rõ nguyên nhân sở hữu chéo xuất phát từ quy định của pháp luật hay do trong tổ chức thực thi.

Mặt khác, đại biểu Trần Chí Cường cũng lưu ý, nếu như dự thảo Luật được Quốc hội đồng ý thông qua thì sẽ xử lý như thế nào với những cổ đông đang hiện hữu có số vốn cao hơn quy định mới? Các cá nhân này có thực hiện thoái vốn hoặc quy định không áp dụng hồi tố để bảo đảm lợi ích nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư chiến lược có tâm huyết? Các vấn đề này đều được nghiên cứu, đưa vào điều chỉnh tại dự thảo Luật.

Bảo mật thông tin là một trong những nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm trong phiên thảo luận. ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh) cho biết, theo thông lệ quốc tế, thông tin của khách hàng trong một số ngành nghề được bảo vệ rất nghiêm ngặt như ngành ngân hàng, luật sư…

Tuy nhiên đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho biết, nội dung liên quan đến quy định bảo mật thông tin khách hàng tại Điều 14 của dự thảo Luật chưa thật sự đầy đủ. Cụ thể dự thảo Luật này đang quy định, nhân viên, người quản lý, người điều hành của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được tiết lộ bí mật kinh doanh của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải bảo đảm bí mật thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định của Chính phủ. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cung cấp thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc được sự chấp thuận của khách hàng.

Theo đại biểu, mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân với gia đình. Thông tin về đời sống riêng tư cá nhân hoặc gia đình được pháp luật bảo đảm theo Hiến pháp, trừ trong các trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội… Vì vậy, đại biểu đề nghị sửa lại Điều 14 theo hướng chỉ cung cấp thông tin khách hàng theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) và các luật có liên quan; đồng thời đề nghị chỉ yêu cầu cung cấp thông tin đối với những khách hàng có liên quan đến vụ án được khởi tố, điều tra…

Phát biểu tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu nêu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cảm ơn các ý kiến góp ý tại buổi thảo luận Tổ và thảo luận tại hội trường trên tinh thần trách nhiệm, thẳng thắn, sâu sắc. Ban soạn thảo tiếp thu tối đa ý kiến của đại biểu, hoàn thiện dự thảo Luật.

Báo cáo về một số vấn đề lớn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, đối với vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm liên quan đến giảm giới hạn về sở hữu của cổ đông và người có liên quan, giới hạn về cấp tín dụng cho một khách hàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định, dự thảo Luật thiết kết như vậy nhằm mục đích hướng đến là hạn chế việc chống thao túng và sở hữu chéo trong hoạt động ngân hàng.
 
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng phát biểu tiếp thu, giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu

Cũng tại quy định này có khái niệm “người có liên quan”, dự thảo Luật đã mở rộng phạm vi người có liên quan so với những quy định về người có liên quan quy định tại Luật Doanh nghiệp. Thống đốc khẳng định, với tính chất đặc thù của ngành ngân hàng, Ban soạn thảo xây dựng theo hướng mở rộng người có liên quan.

Thống đốc nhấn mạnh, đi đôi với thực hiện quy định trong luật, khâu tổ chức thực hiện rất quan trọng. Thực tế, quy định về sở hữu cổ đông, sở hữu chéo không cho phép và trên thực tiễn, tỷ lệ sở hữu, sở hữu chéo cơ bản được khắc phục. Nhưng trong thực tiễn có tình trạng cổ đông nhờ người có liên quan đứng tên nhưng ngân hàng không thể nắm được, đòi hỏi rất nhiều công cụ và giải pháp và từ nhiều cơ quan khác nhau, như minh bạch hóa cơ sở dữ liệu các giao dịch của dân cư, cơ sở dữ liệu các giao dịch về vốn, các giao dịch của các doanh nghiệp… “Ban soạn thảo sẽ tiếp tục rà soát để quy định làm sao cho phù hợp và đảm bảo nguyên tắc không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân nhưng vẫn đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng.”- Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nói.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phát biểu làm rõ hơn về các nội dung, như: Quy định về can thiệp sớm, một điểm mới của dự thảo Luật, được Ban soạn thảo xây dựng trên cơ sở thực tiễn những vướng mắc trong quá trình tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém thời gian qua, cũng như thực tiễn từ sự kiện rút tiền hàng loạt SCB tháng 10/2002; hay vấn đề về Luật hóa Nghị quyết 42, nhằm tăng cường trách nhiệm trả nợ của người đi vay, tăng tính kỷ luật trong hoạt động đi vay và cho vay…
 
Phát biểu kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiên cứu ý kiến phát biểu tại hội trường và các ý kiến thảo luận tại Tổ để tiếp thu hoàn chỉnh dự án luật trình Quốc hội xem xét./.

Phương Ngọc