Ban hành hướng dẫn phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu đối với kiểm toán báo cáo quyết toán của đơn vị hành chính

(sav.gov.vn) – Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn vừa ký ban hành Quyết định số 863/QĐ-KTNN ngày 16/6/2023 về việc “Ban hành hướng dẫn phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu đối với kiểm toán báo cáo quyết toán của đơn vị hành chính”.

Theo đó, hướng dẫn được áp dụng khi kiểm toán đối với các đơn vị trực thuộc Kiểm toán nhà nước (KTNN), các Đoàn KTNN, các thành viên Đoàn KTNN tham gia hoạt động kiểm toán Báo cáo quyết toán (BCQT) của đơn vị hành chính.

Hướng dẫn phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu đối với kiểm toán BCQT của đơn vị hành chính gồm 4 chương và 15 điều; giúp Kiểm toán viên nhà nước (KTVNN) vận dụng phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu kiểm toán một cách phù hợp khi lập kế hoạch kiểm toán (KHKT); thực hiện kiểm toán, lập biên bản kiểm toán; là cơ sở xem xét khi hình thành ý kiến kiểm toán trong lập Báo cáo kiểm toán (BCKT); hướng dẫn KTVNN đưa ra ý kiến về việc BCQT có được lập và trình bày trung thực, hợp lý trên các khía cạnh trọng yếu, phù hợp với các quy định về lập và trình bày BCQT được áp dụng hay không?

Hướng dẫn giúp KTVNN đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu trong các giai đoạn: Chuẩn bị kiểm toán; thực hiện kiểm toán; hình thành ý kiến kiểm toán; lập BCKT.
Theo Quyết định, khi thiết kế các thủ tục kiểm toán, KTVNN phải xác định phương pháp thích hợp để lựa chọn các phần tử kiểm tra dựa trên cơ sở đánh giá rủi ro kiểm toán và hiệu quả của cuộc kiểm toán. Để có thể chọn phần tử kiểm tra phục vụ cho việc thu thập bằng chứng kiểm toán, KTVNN có thể lựa chọn sử dụng hai phương pháp: Chọn khoản mục kiểm tra 100% các phần tử và lấy mẫu kiểm toán.

Khi lấy mẫu trong quá trình thực hiện thử nghiệm cơ bản, KTVNN cần thực hiện 4 bước: Xác định tổng thể mẫu chọn; lựa chọn các phần tử đặc biệt để kiểm toán; chọn các phần tử cao hơn một giá trị nhất định để kiểm toán 100% ; lấy mẫu kiểm toán với những phần tử thấp hơn giá trị đã lựa chọn kiểm toán 100%.

Khi lấy mẫu trong thử nghiệm cơ bản, KTVNN cần lưu ý đặc điểm của tổng thể; mối quan hệ giữa mẫu với mục tiêu kiểm toán liên quan (cơ sở dẫn liệu của khoản mục); mức trọng yếu và số lượng khoản mục trong tổng thể; rủi ro tiềm tàng về các sai sót có thể xảy ra; tính phù hợp và tin cậy của các bằng chứng thu thập được thông qua các thủ tục không liên quan đến lấy mẫu như: Phân tích, soát xét, các phần tử kiểm toán 100%, các khoản mục đặc biệt (quan trọng hoặc bất thường, có nguy cơ rủi ro cao hoặc đã từng bị nhầm lẫn) và sự đảm bảo từ kết quả kiểm tra các khoản mục liên quan khác; thời gian, nhân sự và chi phí liên quan.

Khi vận dụng trọng yếu kiểm toán trong đánh giá sai sót phát hiện trong quá trình kiểm toán, KTVNN cần lưu ý xem xét các sai sót phát hiện trong quá trình kiểm toán; đồng thời, đánh giá các sai sót phát hiện và ảnh hưởng của các sai sót phát hiện.

Về đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu khi hình thành ý kiến kiểm toán và trong lập báo cáo kiểm toán, hướng yêu cầu:

Trên cơ sở đánh giá các kết luận rút ra từ bằng chứng kiểm toán thu thập được, KTVNN phải đưa ra ý kiến kiểm toán về BCQT, xét trên các khía cạnh trọng yếu, có được lập phù hợp với khuôn khổ quy định về lập và trình bày BCQT được áp dụng hay không?

KTVNN phải xác định xem khuôn khổ được đơn vị áp dụng để lập và trình bày BCQT có phù hợp với quy định pháp luật hiện hành hay không?

Để đưa ra ý kiến kiểm toán về BCQT, trước hết KTVNN phải kết luận liệu đã đạt được sự đảm bảo hợp lý về việc BCQT xét trên phương diện tổng thể, có còn sai sót trọng yếu do gian lận hoặc do nhầm lẫn hay không? Trường hợp các điều kiện trên không được đáp ứng, báo cáo kiểm toán và ý kiến của KTVNN phải đánh giá ảnh hưởng của tình trạng thiếu các thông tin bổ sung đó. Nếu xét thấy nghiêm trọng phải thông báo cho các cơ quan có thẩm quyền liên quan để có biện pháp xử lý phù hợp với quy định.

Trong lập BCKT phải đảm bảo các hướng dẫn tại Chuẩn mực Kiểm toán nhà nước (CMKTNN) về các nguyên tắc cơ bản của kiểm toán tài chính và CMKTNN về hình thành ý kiến kiểm toán và báo cáo kiểm toán trong kiểm toán tài chính.

Hướng dẫn lưu ý, BCKT phải phản ánh đầy đủ, trung thực và khách quan kết quả, kết luận và kiến nghị kiểm toán; đưa ra ý kiến đánh giá, xác nhận tính trung thực, hợp lý của BCQT; BCKT phải tuân thủ các yêu cầu tại CMKTNN các nguyên tắc cơ bản của kiểm toán tài chính; nội dung và kết cấu của báo cáo kiểm toán phải tuân thủ quy định về mẫu biểu hồ sơ kiểm toán của KTNN và hướng dẫn của CMKTNN;  trình bày đoạn “Vấn đề cần nhấn mạnh”“Vấn đề khác” theo quy định tại CMKTNN về đoạn vấn đề nhấn mạnh và vấn đề khác trong kiểm toán Báo cáo tài chính; ý kiến kiểm toán tại đơn vị hành chính Nhà nước áp dụng.

Hướng dẫn này là cơ sở xem xét khi hình thành ý kiến kiểm toán trong lập Báo cáo kiểm toán./.

Thanh Trang