Báo chí - cầu nối thông tin giữa Kiểm toán nhà nước và công chúng
Báo chí, truyền thông và cơ quan kiểm toán có mối quan hệ mật thiết, bởi lẽ, KTNN là 1 trong 3 trụ cột về minh bạch tài chính quốc gia. Minh bạch tài chính quốc gia đồng nghĩa với việc sẽ công khai, minh bạch các hoạt động quản lý tài chính công, tài sản công cũng như kết quả kiểm toán và trách nhiệm giải trình của các cơ quan quản lý sử dụng đến công chúng và dư luận. Các thông tin của KTNN để đến được với công chúng, dư luận và cơ quan dân cử, cần thông qua cầu nối là báo chí và truyền thông. Cầu nối này không thể thiếu được. Thông qua báo chí, các nhà chính trị cũng kịp thời nắm bắt được thông tin, từ đó tác động đến việc điều chỉnh chính sách cũng như có cách thức quản lý kịp thời.
Thực tế cho thấy, quan hệ giữa KTNN và báo chí, truyền thông đã được thiết lập ngay từ khi KTNN được thành lập và hai bên đã thực hiện rất tốt mối quan hệ này. Điều này thể hiện ở chỗ, trong gần 30 năm hình thành và phát triển KTNN, quan hệ giữa truyền thông, báo chí với KTNN ngày càng tốt hơn. Tuy nhiên, lâu nay, các nhà báo thường khai thác những chủ đề mà nhà báo coi là “hot”, hoặc chỉ đưa tin về những con số tăng thu, tiết kiệm chi từ báo cáo kiểm toán. Việc nhà báo khai thác những thông tin này là tốt. Tuy nhiên, các báo cáo kiểm toán chủ yếu đề cập đến hàm ý chính sách nhưng vấn đề này chưa được báo chí khai thác. Báo chí cũng chưa “biến” những thông điệp, những vấn đề KTNN phát hiện trong báo cáo kiểm toán thành tác phẩm báo chí.
Thực ra, báo cáo kiểm toán mang tính chuyên môn rất cao, việc chuyển từ ngôn ngữ chuyên môn về kiểm toán sang ngôn ngữ báo chí để thông tin kiểm toán đến với công chúng, dư luận và các cơ quan dân cử là một quá trình. Nói cách khác, từ những thông tin trong báo cáo kiểm toán, nhà báo viết thành tác phẩm báo chí sinh động, hấp dẫn là một thách thức. Tuy nhiên, nếu KTNN và cơ quan truyền thông có sự kết nối chặt chẽ thì việc chuyển tải thông tin kiểm toán thông qua các tác phẩm báo chí sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa rất tốt. KTNN cần có bộ phận giúp báo chí làm tốt vai trò này. Cơ quan kiểm toán phải có những thông điệp gửi đến báo chí để họ đăng tải và cũng phải để nhà báo hiểu được cơ chế vận hành của cơ quan kiểm toán, từ đó, họ mới chuyển tải thông tin đúng mục đích. Nếu sự phối hợp này được thực hiện một cách tích cực hơn, tốt hơn thì điều đó sẽ tác động đến hoạt động của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cũng như chuyển tải đến công chúng những vấn đề chính sách, tạo ra dư luận, từ đó góp phần thiết lập hệ thống chính sách tốt hơn.
Có chuyên gia nước ngoài từng nói, các nghị sĩ thường đọc báo hơn là đọc báo cáo kiểm toán. Điều này có nghĩa là các đại biểu Quốc hội không thể đủ thời gian để đọc tất cả báo cáo kiểm toán. Do vậy, từ những vấn đề KTNN phát hiện, nhà báo cần biến thành những tác phẩm báo chí, chuyển tải đến các đại biểu dân cử và công chúng. Khi đại biểu quan tâm đến vấn đề nào đó, đội ngũ chuyên gia sẽ giúp họ tìm hiểu sâu về những vấn đề được nêu trong báo cáo kiểm toán, từ đó có phản ứng tới chính sách. Điều này rất tốt cho việc quản trị nền tài chính quốc gia. |
Để thông tin kiểm toán đến với công chúng nhanh và hiệu quả nhất
Đặc biệt, một cơ chế mà chúng ta ít sử dụng đến, đó là từ ngôn ngữ kiểm toán đến ngôn ngữ báo chí cần được “phiên dịch” bởi các chuyên gia về kiểm toán, chuyên gia về tài chính. Các chuyên gia sẽ “mềm hóa” ngôn ngữ kiểm toán vốn được coi là khô khan để các nhà báo hiểu rõ và chuyển tải đến công chúng. Đây là vấn đề mà KTNN đã đặt ra. Thực tế những năm qua, KTNN cũng đã tổ chức tập huấn, trao đổi giữa nhà báo và các chuyên gia KTNN. Tuy nhiên, việc này chưa triển khai được nhiều và sẽ phải đẩy mạnh.
Để có những phát hiện qua kiểm toán, kiểm toán viên phải lao tâm khổ tứ, dày công nghiên cứu và làm việc. Đằng sau những con số kiến nghị tăng thu, tiết kiệm chi là cả một câu chuyện dài và rất nhiều quy trình nghiệp vụ cũng cần được các cơ quan báo chí phản ánh. Mong rằng tới đây, KTNN và các cơ quan báo chí sẽ tìm được tiếng nói chung trong việc chuyển tải thông tin cũng như các phát hiện của KTNN đến với công chúng và cơ quan dân cử một cách hiệu quả nhất và nhanh nhất.
Để đạt được điều này, báo chí, truyền thông và KTNN cần tạo dựng được mối quan hệ chặt chẽ, tức là cần có những thông tin chính thống từ những phát ngôn viên của KTNN. Thông tin từ những câu chuyện đời thường cũng như những vấn đề trong hoạt động kiểm toán cần được các chuyên gia, kiểm toán viên cung cấp và trao đổi. Trong quá trình này, hai bên cần lưu ý những thông tin kiểm toán được quản trị theo chế độ mật, tuyệt mật, tối mật, những thông tin công khai.
Chúng tôi rất mong các nhà báo hãy từ những thông tin của kiểm toán, những vấn đề mà kiểm toán viên đã phát hiện, đôi khi chỉ từ vài dòng kết luận, kiến nghị kiểm toán, triển khai thành những chuyên đề, “biến” thành một tác phẩm báo chí sinh động, hấp dẫn. Điều đó sẽ định danh được nhà báo. Công chúng, dư luận cũng như các nghị sĩ rất cần những tác phẩm báo chí như vậy./.
Thùy Anh
(Báo Kiểm toán số 24/2023)