Kiểm toán nhà nước đồng hành cùng các địa phương nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nguồn lực công

(sav.gov.vn) - “Sau nhiều năm thực hiện, Quy chế phối hợp công tác giữa Kiểm toán nhà nước (KTNN) với Thường trực Hội đồng nhân dân (HĐND), Ủy ban nhân dân (UBND) 4 tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Phước và Bình Thuận đã đi vào thực chất, phát huy được hiệu quả công tác, giúp các cơ quan hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ chính trị được giao.” là khẳng định của Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn tại Hội nghị sơ kết và ký quy chế phối hợp công tác (QCPHCT) với Thường trực HĐND, UBND 4 tỉnh được tổ chức vào ngày 29/6/2023 tại trụ sở KTNN khu vực XIII, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Tham dự Hội nghị, có Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh; Thủ trưởng các đơn vị tham mưu của KTNN; Lãnh đạo KTNN khu vực XIII.

Về phía các địa phương, tỉnh Đồng Nai có các đồng chí: Cao Tiến Dũng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Thái Bảo - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh.

Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có các đồng chí: Phạm Viết Thanh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Thị Yến - Phó Bí thư thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh; Nguyễn Văn Thọ - Uỷ viên Ban thường vụ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.

Tỉnh Bình Phước có các đồng chí: Nguyễn Mạnh Cường - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Huỳnh Thị Hằng - Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Tuệ Hiền - Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.

Tỉnh Bình Thuận có các đồng chí: Dương Văn An - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Hoài Anh - Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đoàn Anh Dũng - Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.

Dự Hội nghị còn có các đồng chí lãnh đạo đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND, UBND; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành của 4 tỉnh.

Quang cảnh hội nghị

Báo cáo về kết quả thực hiện Quy chế phối hợp công tác giữa KTNN với Thường trực HĐND, UBND 4 tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Phước và Bình Thuận, Kiểm toán trưởng KTNN khu vực XIII Trần Minh Khương cho biết, công tác phối hợp được thực hiện trên nhiều mặt, với nhiều kết quả rất tích cực, cụ thể:

Trong xây dựng kế hoạch kiểm toán (KHKT), hằng năm, KTNN đã phối hợp chặt chẽ với 4 tỉnh trong công tác khảo sát, thu thập thông tin về danh mục đầu mối kiểm toán, nhằm phục vụ công tác lập KHKT theo định hướng của Ngành. 

Thường trực HĐND, UBND 4 tỉnh luôn quan tâm phối hợp, chỉ đạo các cơ quan tổng hợp và các đơn vị có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu đầy đủ, kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu thập thông tin lập KHKT. “Việc gửi văn bản lấy ý kiến về đầu mối kiểm toán trong các KHKT giữa KTNN với Thường trực HĐND, UBND 4 địa phương và cơ quan thanh tra, kiểm tra đã góp phần hạn chế sự trùng lắp, chồng chéo giữa hoạt động kiểm toán và hoạt động kiểm soát nội bộ của địa phương như thanh tra, kiểm tra, giám sát các cấp đã tạo được sự đồng thuận cao trong hoạt động kiểm toán” - Kiểm toán trưởng Trần Minh Khương khẳng định.

Trong quá trình kiểm toán, 4 tỉnh luôn phối hợp kịp thời và tạo điều kiện thuận lợi để Đoàn kiểm toán thực hiện chức trách, nhiệm vụ theo kế hoạch được giao; các đơn vị có liên quan thường xuyên quan tâm, nắm bắt thông tin về hoạt động kiểm toán, chỉ đạo cung cấp hồ sơ tài liệu, kịp thời giải trình, đảm bảo cho hoạt động của Đoàn kiểm toán được thực hiện theo đúng kế hoạch.

Bên cạnh đó, KTNN khu vực XIII luôn trao đổi với Thường trực HĐND, UBND 4 tỉnh về tiến độ kiểm toán; những vướng mắc phát sinh, cùng phối hợp xử lý có hiệu quả; tổ chức hội nghị thông qua kết quả kiểm toán để cùng thảo luận về kết quả kiểm toán, nhằm nâng cao chất lượng, đảm bảo tính khả thi của các kết luận, kiến nghị kiểm toán.

Lãnh đạo 4 tỉnh luôn phối hợp chặt chẽ với Đoàn kiểm tra của KTNN khu vực XII thực hiện công tác kiểm tra thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán; giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán.  

Ngoài ra, công tác phối hợp giữa các bên trong các hoạt động giám sát, thẩm tra, quyết định dự toán và phê chuẩn quyết toán ngân sách, quản lý và điều hành ngân sách địa phương; giám sát hoạt động của Đoàn kiểm toán và của Kiểm toán viên nhà nước; bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kiến thức về lĩnh vực tài chính, ngân sách cho đại biểu dân cử; xây dựng, sửa đổi, bổ sung, tuyên truyền các dự án Luật, văn bản quy phạm pháp luật, văn bản về chính sách, chế độ có liên quan đến hoạt động của KTNN và của HĐND, UBND… đều được triển khai nghiêm túc, đầy đủ và đạt những kết quả tích cực.

“Kết quả đạt được của hoạt động phối hợp đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác của mỗi Bên. Qua hoạt động kiểm toán đã tư vấn và giúp HĐND 4 tỉnh hoàn thiện hơn trong công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý, sử dụng ngân sách; phòng chống tham nhũng, lãng phí, phát huy vai trò giám sát của nhân dân đối với hoạt động của các cơ quan Nhà nước, tổ chức và cá nhân được giao quản lý, sử dụng tiền và tài sản công. Đồng thời, sự phối hợp tích cực và hiệu quả, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các hoạt động KTNN khu vực XIII, của HĐND, UBND 4 tỉnh đã góp phần giúp KTNN hoàn thành tốt KHKT hằng năm” – Kiểm toán trưởng Trần Minh Khương nhấn mạnh.

Trên cơ sở những kết quả đạt được cũng như rà soát, đánh giá những bất cập so với yêu cầu thực tiễn sau thời gian thực hiện QCPHCT. Tại hội nghị, KTNN đã tiến hành ký QCPHCT giữa KTNN với Thường trực HĐND, UBND 4 tỉnh. Quy chế lần này được điều chỉnh, bổ sung một số điều và nội dung nhằm phù hợp với các quy định và tình hình mới, phù hợp với định hướng xây dựng Chính phủ điện tử, Luật Ngân sách Nhà nước và Luật Kiểm toán nhà nước sửa đổi bổ sung; giảm thiểu sự trùng lắp về kế hoạch kiểm toán với kế hoạch thanh tra, kiểm tra, giám sát tại địa phương.

Cụ thể: Điều chỉnh, bổ sung về căn cứ pháp lý; bố cục, tên gọi các chương; phạm vi, nguyên tắc, nội dung, phương thức phối hợp; quy định về trách nhiệm của các bên và hiệu lực thi hành.

Một số nội dung phối hợp được xác định trên các mặt: Phối hợp trong xây dựng KHKT; trong thực hiện kiểm toán; trong thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán; trong hoạt động giám sát, thẩm tra, quyết định dự toán, phê chuẩn quyết toán ngân sách, quản lý và điều hành ngân sách địa phương;…

Đặc biệt, một số nội dung mới được bổ sung là các Bên tăng cường phối hợp trong việc giám sát hoạt động kiểm toán và Kiểm toán viên nhà nước; trong công tác bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kiến thức về lĩnh vực tài chính, ngân sách cho Đại biểu HĐND; phối hợp trong việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung, tuyên truyền các dự án Luật, văn bản quy phạm pháp luật, văn bản về chính sách, chế độ có liên quan đến hoạt động của KTNN, của HĐND và UBND các tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ đã được pháp luật quy định; phối hợp trong công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, kinh tế tiêu cực.

Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai Thái Bảo phát biểu tại hội nghị

Tại hội nghị, đại diện Lãnh đạo các địa phương đều đánh giá cao quá trình thực hiện QCPHCT với KTNN với nhiều kết quả thiết thực, trọng tâm, trọng điểm; hạn chế được sự chồng chéo giữa hoạt động kiểm toán và hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nội bộ tại địa phương; từng bước góp phần thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan, đơn vị. Các ý kiến cũng thống nhất cao với các nội dung, phương thức phối hợp được quy định trong Quy chế, đặc biệt với các nội dung mới được sửa đổi bổ sung đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn.

“Việc triển khai Quy chế đã góp phần tăng cường mối quan hệ công tác giữa KTNN với Thường trực HĐND, UBND các tỉnh được thường xuyên, chặt chẽ, kịp thời, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong thực hiện quản lý, điều hành ngân sách Nhà nước (NSNN), trong hoạt động giám sát của HĐND, trong hoạt động thẩm tra quyết định dự toán và phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước ở địa phương.”- Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Nai- Thái Bảo, nhấn mạnh trong bài phát biểu trao đổi về tình hình thực hiện QCPH giữa KTNN và các địa phương. 

Đại diện Lãnh đạo 4 tỉnh cũng đề nghị KTNN tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Thường trực HĐND, UBND 4 địa phương từ khâu xây dựng, triển khai KHKT; BCKT nên tập trung đánh giá thêm về nội dung năng lực điều hành của các địa phương; nghiên cứu và hướng dẫn địa phương trong thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán; có cơ chế xử lý những vướng mắc, tồn đọng kéo dài trong thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán. Bên cạnh đó, quan tâm, hỗ trợ Thường trực HĐND, UBND 4 tỉnh triển khai bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về tài chính - ngân sách cho các đại biểu dân cử và các cấp chính quyền để đảm bảo quá trình vận hành, giám sát hoạt động tài chính - ngân sách đạt hiệu quả cao nhất.

Để thực hiện tốt QCPH, Lãnh đạo 4 địa phương cam kết sẽ tập trung phối hợp tốt với KTNN một số nội dung: Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về KTNN; nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành ở địa phương về vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của KTNN; thường xuyên trao đổi thông tin với KTNN để đảm bảo việc xây dựng, triển khai thực hiện tốt các KHKT trên địa bàn; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của tỉnh, huyện tạo điều kiện tốt nhất cho các Đoàn kiểm toán trong việc khai thác, trao đổi, chia sẻ thông tin, truy cập vào dữ liệu điện tử của các đơn vị được kiểm toán, phù hợp với quy định của Luật KTNN; rà soát các kiến nghị kiểm toán còn tồn đọng để kịp thời tháo gỡ, xử lý…

Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn khẳng định, sau nhiều năm thực hiện, Quy chế phối hợp công tác giữa KTNN với Thường trực HĐND, UBND 4 tỉnh đã đi vào thực chất, phát huy được hiệu quả công tác của mỗi Cơ quan. “Sự phối hợp chặt chẽ giữa HĐND, UBND các tỉnh với KTNN là rất cần thiết và quan trọng nhằm giúp các cơ quan hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ được giao” - Tổng Kiểm toán nhà nước khẳng định. 

Chia sẻ về những khó khăn, thách thức mà các địa phương phải đối mặt trong thời gian qua do biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh Covid 19; lạm phát tăng lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ ở nhiều quốc gia...Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cho rằng Tỉnh ủy các tỉnh đã có sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt; sự giám sát chặt chẽ của HĐND tỉnh, sự quản lý, điều hành, sử dụng tài chính, tài sản công với trách nhiệm cao của UBND tỉnh và nỗ lực của các ngành, các cấp nên nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội quan trọng của 04 tỉnh vẫn đạt và vượt kế hoạch; công tác điều hành NSNN; cân đối thu, chi ngân sách được đảm bảo, cơ bản đáp ứng được các nhiệm vụ chi phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội của 4 tỉnh; công tác quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công cơ bản tuân thủ quy định, góp đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả.

Tổng Kiểm toán nhà nước cũng cho biết, trong khoảng thời gian khó khăn đó, KTNN đã đồng hành cùng các địa phương, trên quan điểm ưu tiên, tạo điều kiện tối đa cho công tác phòng, chống dịch, cắt giảm đầu mối, thời gian và quy mô cuộc kiểm toán. Đặc biệt, nhằm tránh chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán cũng như hạn chế ảnh hưởng tới hoạt động bình thường của đơn vị được kiểm toán, KTNN đã giảm đầu mối kiểm toán, mỗi Kiểm toán viên thực hiện không quá 02 Đoàn kiểm toán/năm; tập trung kiểm toán các chuyên phục vụ chuyên đề giám sát của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; kiểm toán các chủ đề lớn gắn với quản lý, điều hành NSNN, những vấn đề dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, những vấn đề quan trọng của đất nước và dư luận xã hội quan tâm.

Đánh giá cao công tác phối hợp giữa KTNN khu vực XIII với 4 địa phương trong thực hiện kiểm toán và thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN với tỷ lệ thực hiện hàng năm luôn đạt trên 88%, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn yêu cầu KTNN khu vực XIII, các Vụ chức năng của KTNN tiếp thu đầy đủ các ý kiến của địa phương và thực hiện tốt một số nhiệm vụ, đặc biệt trong xây dựng KHKT, cần phối hợp với các địa phương lựa chọn đúng, trúng các chủ đề, vấn đề mà các Bên quan tâm, những vấn đề nổi cộm trong xã hội nhằm phục vụ HĐND trong giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương; đồng thời, tăng cường kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương nhằm đánh giá và xác nhận tính đúng đắn, trung thực, đầy đủ của Báo cáo quyết toán NSNN; phát hiện những tồn tại, hạn chế trong quản lý, điều hành NSNN để kiến nghị biện pháp khắc phục, hoàn thiện từ cơ chế chính sách đến tổ chức quản lý, thực hiện, làm cơ sở để Quốc hội xem xét, phê chuẩn quyết toán NSNN hàng năm.

Đặc biệt, KTNN khu vực XIII cần lựa chọn, bố trí công chức có phẩm chất, đạo đức, năng lực chuyên môn để đảm nhiệm các vị trí công tác; chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm hay của các địa phương khác về các vấn đề liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công cũng như những sai sót được phát hiện qua kiểm toán để các tỉnh tham khảo trong quá trình thực hiện.

Tổng Kiểm toán nhà nước đề nghị các địa phương quan tâm tuyên truyền các dự án Luật, văn bản quy phạm pháp luật, văn bản về chính sách, chế độ có liên quan đến hoạt động của KTNN và của HĐND, UBND theo chức năng, nhiệm vụ đã được pháp luật quy định; đồng thời  thực hiện giám sát chặt chẽ hoạt động kiểm toán trên địa bàn, đảm bảo việc thực thi nhiệm vụ được thực hiện chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng kiểm toán, góp phần phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Bên cạnh đó, Tổng Kiểm toán nhà nước chỉ đạo các bộ phận chức năng của KTNN rà soát các kiến nghị kiểm toán còn tồn đọng để kịp thời xử lý; phối hợp rà soát, kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét, sửa đổi, bổ sung các văn bản còn bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn để bổ sung, hoàn thiện.

“KTNN sẽ tiếp tục đồng hành cùng các địa phương nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nguồn lực công, góp phần vào công cuộc xoá đói giảm nghèo, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế địa phương bền vững” - Tổng Kiểm toán nhà nước nhấn mạnh.

Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn tặng Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp KTNN" cho Lãnh đạo tỉnh, Lãnh đạo các sở, ban, ngành của 04 tỉnh

Tại hội nghị, KTNN đã trao tặng kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Kiểm toán nhà nước” cho 10 Lãnh đạo tỉnh, Lãnh đạo các các sở, ban, ngành của 4 tỉnh có công lao đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển KTNN trong công tác phối hợp triển khai thực hiện nhiệm vụ chuyên môn./.

Phương Ngọc