Kiểm toán nhà nước tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 91/2023/QH15 về phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2021

(sav.gov.vn) - Mới đây, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn đã ký Công văn 647/KTNN - TH yêu cầu các Kiểm toán nhà nước (KTNN) chuyên ngành và khu vực tập trung triển khai thực hiện một số nội dung theo Nghị quyết số 91/2023/QH15 ngày 19/6/2023 của Quốc hội về phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2021.  

Công văn 647 nêu rõ, nhằm tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng ý kiến của KTNN về dự toán, quyết toán NSNN làm căn cứ Quốc hội quyết định dự toán, phê chuẩn quyết toán NSNN hàng năm, Tổng Kiểm toán nhà nước yêu cầu thủ trưởng các đơn vị quán triệt, nghiên cứu tổ chức rút kinh nghiệm, thực hiện đầy đủ các nội dung liên quan đến hoạt động kiểm toán tại Báo cáo số 497/BC-UBTVQH15 ngày 18/6/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiếp thu, giải trình về quyết toán NSNN năm 2021, Nghị quyết số 91/2023/QH15 của Quốc hội về phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2021; tập trung thực hiện một số nội dung sau:
 
Về kiểm toán việc quản lý, sử dụng ngân sách và kiểm toán báo cáo quyết toán NSNN, cần lưu ý 5 nội dung:
 
Thứ nhất, tăng cường kiểm toán các khoản chi chuyển nguồn, kiểm toán việc khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp theo Nghị quyết số 94/2019/QH14 của Quốc hội như tại Công văn số 37/KTNN-TH ngày 13/01/2023 của KTNN về hướng dẫn mục tiêu, trọng yếu và nội dung kiểm toán chủ yếu năm 2023.

Đối với chi chuyển nguồn cần xác định rõ số liệu chuyển nguồn và nội dung chuyển nguồn theo đúng quy định tại khoản 3 Điều 64 Luật NSNN và của cấp có thẩm quyền cho phép. Cần lưu ý thực hiện kiểm toán các khoản chi chuyển nguồn năm 2021 sang năm 2022 đối với: Khoản chi chuyển nguồn hạch toán tại tiểu mục “Kinh phí khác theo quy định của pháp luật” tại các địa phương, và kinh phí sự nghiệp môi trường phân bổ dự toán ngân sách Trung ương đợt 2 năm 2021 (Quyết định số 1431/QĐ-TTg ngày 25/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ); đánh giá việc thực hiện và kiến nghị thực hiện nghiêm nội dung Nghị quyết số 91/2023/QH15 của Quốc hội “Hủy bỏ, thu hồi về NSNN các khoản chuyển nguồn không đúng quy định, không có nhu cầu sử dụng hoặc quá thời gian giải ngân theo quy định; thu hồi toàn bộ các khoản ngân sách Trung ương hỗ trợ cho các địa phương năm 2022 và năm 2021 trở về trước quản lý, sử dụng không đúng quy định hoặc hết thời gian giải ngân”, “Không chuyển nguồn sang năm 2023 các khoản ngân sách Trung ương hỗ trợ cho các địa phương quản lý, sử dụng không đúng quy định hoặc hết thời gian giải ngân, phải hủy dự toán, thu hồi về ngân sách Trung ương”.
 
Đối với việc khoanh nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp theo Nghị quyết số 94/2019/QH14 cần đánh giá cụ thể việc thực hiện khoanh, xóa bảo đảm đúng đối tượng, đúng thẩm quyền; lưu ý xác nhận số khoanh, xóa tại thời điểm 31/12/2022 và 30/6/2023 của địa phương, chênh lệch so với số Cục Thuế báo cáo Tổng cục Thuế tại các thời điểm trên (nếu có).
 
Thứ hai, đối với kiểm toán làm rõ số liệu nợ đọng xây dựng cơ bản (XDCB) vốn NSNN lũy kế tại thời điểm ngày 31/12/2022. Cần lưu ý phân định rõ: Nợ đọng XDCB phát sinh trước (nếu có) và từ ngày 01/01/2015 (nêu rõ nợ đọng phát sinh trong năm 2022, phụ lục danh mục dự án phát sinh nợ đọng XDCB, nguyên nhân phát sinh nợ đọng); nợ đọng XDCB theo từng nguồn vốn ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương.
 
Thứ ba, kiểm toán làm rõ các khoản tạm ứng theo chế độ quá thời hạn quy định, đặc biệt các trường hợp kéo dài nhiều năm; các khoản ứng trước dự toán chưa thu hồi để kiến nghị xử lý theo quy định.
 
Thứ tư, kiểm toán làm rõ số liệu nguồn cải cách chính sách tiền lương chưa sử dụng của từng Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương tại thời điểm ngày 31/12/2022.
 
Thứ năm, các kết luận, kiến nghị kiểm toán cần nêu rõ các khoản không đủ điều kiện quyết toán NSNN làm cơ sở cho Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp xem xét, phê chuẩn quyết toán NSNN.
 
Tổ chức thực hiện nghiêm yêu cầu của Tổng Kiểm toán nhà nước tại Công văn số 1179/KTNN-TH ngày 27/10/2022 trong việc gửi kết quả kiểm toán quyết toán ngân sách địa phương đáp ứng mục tiêu cung cấp thông tin, số liệu tin cậy cho Hội đồng nhân dân làm căn cứ phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương.
 
Tổng Kiểm toán nhà nước yêu cầu các KTNN chuyên ngành và khu vực tiếp tục:
 
Tăng cường kiểm tra thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán, trong đó lưu ý việc thực hiện kiến nghị kiểm toán liên quan đến các khoản thu, chi, chuyển nguồn NSNN không đúng quy định theo kết luận, kiến nghị của KTNN trong niên độ NSNN năm 2021 và năm 2020 trở về trước đã được cấp có thẩm quyền phê chuẩn quyết toán NSNN nhưng chưa xử lý theo quy định tại Điều 73 Luật NSNN.
 
Thực hiện công khai kết quả kiểm toán của các cuộc kiểm toán và kiểm toán quyết toán NSNN theo quy định, trong đó lưu ý việc công khai các cuộc kiểm toán đăng ký chất lượng vàng hoặc đề nghị khen thưởng đột xuất theo Chỉ thị số 103/CT-KTNN ngày 22/02/2023 của KTNN; thực hiện số hóa Báo cáo kiểm toán đã phát hành theo đúng hướng dẫn tại Công văn số 467/KTNN-TH ngày 09/5/2023 để cung cấp báo cáo cho Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội theo quy định tại Nghị quyết số 74/2022/QH15; tổ chức theo dõi việc thực hiện kiến nghị kiểm toán bảo đảm tổng hợp đầy đủ, kịp thời, chi tiết danh sách các tổ chức, cá nhân chưa thực hiện kiến nghị kiểm toán để công khai theo yêu cầu tại Nghị quyết số 91/2023/QH15 của Quốc hội./.
 
Ngọc Bích