Kiểm toán nhà nước tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023: Tập trung hoàn thành tốt kế hoạch kiểm toán năm 2023

(sav.gov.vn) - Chiều 6/7/2023, dưới sự chủ trì của Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bí thư Đảng ủy, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ và công tác Đảng 6 tháng cuối năm 2023. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến đến các điểm cầu KTNN các khu vực.

Dự Hội nghị có các Phó Tổng Kiểm toán nhà nước: Nguyễn Tuấn Anh, Doãn Anh Thơ, Hà Thị Mỹ Dung, Bùi Quốc Dũng và cấp ủy, Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc, các tổ chức đoàn thể thuộc KTNN.

Đảm bảo tiến độ, chất lượng và hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực công tác

Tại hội nghị, trình bày dự thảo Báo cáo đánh giá công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2023, Chánh Văn phòng KTNN Lưu Trường Kháng cho biết: Trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn Ngành đã chủ động, tập trung triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, khắc phục mọi khó khăn hoàn thành toàn diện kế hoạch công tác, đảm bảo tiến độ, chất lượng và hiệu quả.

Trong năm 2023, với phương châm “Chất lượng và đạo đức công vụ”, giảm đầu mối kiểm toán, coi trọng chất lượng kiểm toán, hạn chế tối đa sự xuất hiện các Đoàn kiểm toán trên 01 địa bàn; bố trí nhân sự Đoàn kiểm toán theo nguyên tắc mỗi Kiểm toán viên (KTV) tham gia không quá 02 Đoàn/năm; 01 kỹ sư làm tối đa 06 dự án/năm... theo đó Kế hoạch kiểm toán (KHKT) năm 2023 thực hiện 129 nhiệm vụ, giảm 49 nhiệm vụ (tương ứng 67 Đoàn kiểm toán) so với năm 2022. “Quá trình xây dựng KHKT năm 2023 được chủ động, có sự phối hợp, tham gia ý kiến của các cơ quan có liên quan, đảm bảo tuân thủ pháp luật, minh bạch, tránh chồng chéo, trùng lắp với cơ quan thanh tra, kiểm tra theo đúng tinh thần Nghị quyết 75/2022/QH15”- Chánh Văn phòng KTNN Lưu Trường Kháng nhấn mạnh.

Ngoài việc tăng cường kiểm toán báo cáo quyết toán của Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương và kiểm toán hoạt động theo Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030, KHKT đã lựa chọn kiểm toán các chủ đề lớn gắn với việc quản lý, điều hành ngân sách Nhà nước (NSNN); nhiều chuyên đề có phạm vi rộng, dư luận xã hội quan tâm nhằm đánh giá toàn diện việc thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương, phục vụ tích cực cho các hoạt động của Quốc hội về lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Đặc biệt, để thực hiện Kết luận của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực về kết quả kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, kinh tế, tiêu cực, KTNN đã bổ sung KHKT năm 2023 cuộc kiểm toán “Hoạt động đền bù, giải phóng mặt bằng tại Dự án thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư Cảng hàng không Quốc tế Long Thành; Việc giao đất, thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của một số dự án sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Đồng Nai”. Hiện nay, cuộc kiểm toán đang được tập trung triển khai và thực hiện trong 60 ngày kể từ ngày triển khai kiểm toán.

Với quan điểm xuyên suốt trong chỉ đạo, điều hành hoạt động kiểm toán là nâng cao chất lượng, hiệu lực và hiệu quả hoạt động kiểm toán nhằm đạt được mục tiêu "chất lượng, chất lượng hơn và chất lượng hơn nữa", Tổng Kiểm toán nhà nước đã ban hành và quyết liệt chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp, trong đó: Tập trung nguồn lực, ưu tiên tổ chức thực hiện các nội dung liên quan đến chuyên đề giám sát của Quốc hội, UBTVQH; phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, đặc biệt là HĐND, UBND các địa phương để xác định thời gian tổ chức kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách phù hợp; lồng ghép tối đa các nhiệm vụ để giảm thiểu ảnh hưởng đến hoạt động của đơn vị được kiểm toán; bố trí nhân lực có đủ phẩm chất, đạo đức, năng lực chuyên môn để đảm bảo chất lượng kiểm toán; tăng cường các biện pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán;…

“Nhìn chung, KHKT được triển khai đảm bảo tiến độ theo phương án tổ chức kiểm toán đã được phê duyệt; KHKT, Báo cáo kiểm toán (BCKT) được phát hành cơ bản đảm bảo chất lượng theo yêu cầu; các cuộc kiểm toán đã kết thúc đều thực hiện đúng mục tiêu, tiến độ đề ra; thành viên Đoàn kiểm toán chấp hành nghiêm Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn KTNN, Quy tắc ứng xử của KTV nhà nước” - Chánh Văn phòng KTNN nêu rõ.

Tính đến 15/6/2023, toàn Ngành đã xét duyệt 89 KHKT, triển khai 76/169 Đoàn kiểm toán, kết thúc 45 cuộc kiểm toán, Lãnh đạo KTNN đã tổ chức xét duyệt 61 Dự thảo BCKT, phát hành 10 BCKT.

Tổng hợp sơ bộ kết quả kiểm toán đối với 51 Dự thảo BCKT, 10 BCKT đã phát hành thuộc KHKT năm 2023, KTNN đã kiến nghị tăng thu, giảm chi NSNN 5.531 tỷ đồng, trong đó tăng thu NSNN 1.501 tỷ đồng, giảm chi NSNN 4.030 tỷ đồng; kiến nghị khác 6.865 tỷ đồng; giảm lỗ của các doanh nghiệp 92 tỷ đồng.

Qua kiểm toán đã phát hiện và kiến nghị chấn chỉnh, xử lý trách nhiệm kịp thời đối với những tồn tại, hạn chế, bất cập trong công tác quản lý, điều hành, sử dụng tài chính công, tài sản công của các đơn vị được kiểm toán.

Cùng với đó, việc công khai, cung cấp thông tin kết quả kiểm toán luôn được Lãnh đạo KTNN quan tâm chỉ đạo thực hiện. Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Tổng Kiểm toán nhà nước trình bày BCKT quyết toán ngân sách năm 2021 trước Quốc hội với nhiều phát hiện, được Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm, đánh giá cao.

KTNN đã cung cấp 83 tài liệu, báo cáo kiểm toán cho Ủy ban Kiểm tra Trung ương; 34 tài liệu, báo cáo kiểm toán cho Văn phòng Quốc hội và đại biểu Quốc hội; 85 tài liệu, báo cáo kiểm toán cho cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an và 12 tài liệu cho các cơ quan khác; cung cấp nhiều kết quả kiểm toán phục vụ hoạt động giám sát của Quốc hội, UBTVQH.

KTNN cũng đã cho ý kiến về chủ trương đầu tư đối với dự án Đường liên vùng kết nối Khánh Hoà, Lâm Đồng, Ninh Thuận  gửi Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trưởng của Quốc hội theo quy định.

Bên cạnh đó, công tác xây dựng văn bản cơ bản đáp ứng yêu cầu. Toàn ngành đã đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động kiểm toán. Toàn Ngành tập trung làm tốt công tác quản lý và kiểm soát chất lượng các cuộc kiểm toán; nghiêm cấm các hành vi tham nhũng, tiêu cực, cố tình bỏ sót thông tin hoặc không báo cáo đầy đủ kết quả kiểm toán; nghiêm cấm hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà đối với đơn vị được kiểm toán.

Ngoài ra, công tác phối hợp giữa Thường trực HĐND và UBND các tỉnh với KTNN cũng được quan tâm đẩy mạnh, đặc biệt trong việc yêu cầu, giao nhiệm vụ kiểm toán hàng năm cho các KTNN khu vực thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động kiểm toán phục vụ HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong thực thi nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND liên quan đến việc quản lý tài chính công, tài sản công.
 
Quang cảnh hội nghị

Tăng cường theo dõi, xử lý vướng mắc trong thực hiện kiến nghị kiểm toán

Bên cạnh việc triển khai hoạt động kiểm toán, Tổng Kiểm toán nhà nước tiếp tục chỉ đạo các đơn vị tăng cường theo dõi, xử lý vướng mắc trong thực hiện kiến nghị kiểm toán để kịp thời giải quyết. Ngay từ đầu năm, KTNN đã ban hành công văn về lập và gửi Báo cáo tổng hợp kết quả việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán năm và tổng hợp danh sách các tổ chức, cá nhân chưa thực hiện kiến nghị kiểm toán.

KTNN đã phát hành và công khai Báo cáo tổng hợp kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán năm 2022; thực hiện công khai danh sách các tổ chức, cá nhân chưa thực hiện kiến nghị kiểm toán theo yêu cầu tại Nghị quyết số 53/2022/QH15 ngày 15/6/2022 của Quốc hội trên Cổng thông tin điện tử của KTNN. Đến thời điểm 15/6/2023, các đơn vị trong Ngành đang tích cực rà soát việc thực hiện kết luận, kiến nghị KTNN đến hết niên độ NSNN năm 2021 để phục vụ phiên giải trình theo yêu cầu của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội.

Công tác xây dựng và phổ biến pháp luật được tích cực triển khai, trong 6 tháng đầu năm toàn Ngành đã ban hành 13 văn bản, 03 văn bản đang gửi lấy ý kiến các đơn vị trong ngành, 22 văn bản đang xây dựng dự thảo. Đặc biệt, ngay sau khi Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thông qua có hiệu lực thi hành từ ngày 01/5/2023 và được Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 10/3/2023, KTNN đã kịp thời tổ chức 03 Hội nghị trực tuyến và trực tiếp tuyên truyền, phổ biến Pháp lệnh; ban hành Hướng dẫn về việc thực hiện xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN; ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của một số văn bản quy phạm pháp luật do Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành cho phù hợp với Pháp lệnh.

Ngoài ra, KTNN cũng tích cực tham gia thẩm định, góp ý văn bản, trong 06 tháng, KTNN đã tham gia góp ý vào 109 lượt dự thảo văn bản do các đơn vị gửi lấy ý kiến đảm bảo chất lượng, tiến độ; tham dự một số cuộc họp cho ý kiến đối với dự án Luật, văn bản QPPL có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của KTNN.

Bên cạnh đó, các mặt công tác: Tổ chức cán bộ và đào tạo; Hợp tác quốc tế; Nghiên cứu khoa học và thông tin khoa học; CNTT; Văn phòng và các mặt công tác khác được quan tâm chỉ đạo, đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần vào những kết quả chung của toàn Ngành trong 6 tháng đầu năm 2023.

Nổi bật, KTNN đã tổ chức thành công các đợt đánh giá việc cập nhật kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ trong hoạt động kiểm toán của KTNN năm 2023 với số lượng KTV tham dự là 552 người, 100% KTV đạt yêu cầu; đặc biệt, đã tổ chức 03 lớp bồi dưỡng kỹ năng nắm bắt tâm lý đối tượng kiểm toán khi thực hiện nhiệm vụ kiểm toán và 05 lớp bồi dưỡng, cập nhật các quy định pháp luật về đạo đức, kỷ luật công chức công vụ và những quy định liên quan của Đảng đối với Đảng viên.

Cùng với đó, KTNN luôn quan tâm đến công tác an sinh xã hội và tổ chức thực hiện có hiệu quả, thiết thực. Trong 6 tháng đầu năm, các tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên KTNN đã tích cực triển khai các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, từ thiện với số tiền quyên góp, ủng hộ hơn 2 tỷ đồng.

Lãnh đạo hoàn thành kế hoạch kiểm toán 6 tháng cuối năm

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ còn lại của 6 tháng cuối năm 2022, toàn Ngành cần phát huy những ưu điểm đã đạt được, khắc phục hạn chế, tồn tại trong 6 tháng đầu năm, tập trung thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu.
 
Cụ thể, về hoạt động kiểm toán, toàn Ngành tập trung triển khai thực hiện kế hoạch công tác 6 tháng cuối năm 2023 đảm bảo tiến độ, chất lượng và hiệu quả, đặc biệt là cuộc kiểm toán “Hoạt động đền bù, giải phóng mặt bằng tại Dự án thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư Cảng hàng không Quốc tế Long Thành; Việc giao đất, thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của một số dự án sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Đồng Nai” theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đồng thời tập trung triển khai một số nội dung theo Nghị quyết của Quốc hội về phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2021.

Xây dựng KHKT trung hạn 2024-2026 và KHKT năm 2024; trình ý kiến của KTNN về dự toán NSNN năm 2024; thực hiện tổng hợp kết quả kiểm toán toàn ngành đối với chuyên đề, chủ đề đảm bảo tiến độ, chất lượng.

Tổ chức kiểm tra, đôn đốc, cập nhật tình hình thực hiện kiến nghị kiểm toán năm 2023 đối với niên độ ngân sách 2022 và các năm trước; phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội về thực hiện phiên giải trình về thực hiện kiến nghị của KTNN.

Tổ chức công khai kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán và kết quả kiểm toán của các cuộc kiểm toán theo quy định.

Xây dựng Báo cáo công tác năm 2023 của Tổng Kiểm toán nhà nước và Báo cáo dự kiến KHKT năm 2024 của KTNN; các báo cáo chuyên đề giám sát theo các nghị quyết của Quốc hội để gửi Quốc hội, UBTVQH và đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV theo quy định.

Thực hiện Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý năm 2023 của KTNN đảm bảo chất lượng, tiến độ; tiếp tục thực hiện luân chuyển, điều động cán bộ, công chức; thực hiện các hoạt động song phương, đa phương, hợp tác quốc tế theo kế hoạch; đẩy mạnh các hoạt động hướng tới kỷ niệm 30 năm thành lập KTNN theo Kế hoạch của các Tiểu ban.

Kết luận Hội nghị, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn khẳng định lại những kết quả đạt được của Ngành trong 6 tháng đầu năm 2023, tập trung ở các mặt công tác: Xây dựng KHKT; rà soát, đánh giá việc thực hiện kiến nghị của KTNN; xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý của KTNN; cán bộ, đào tạo…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Tổng Kiểm toán nhà nước đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế, bất cập của các đơn vị trong quá trình triển khai nhiệm vụ, đồng thời yêu cầu các đơn vị trong toàn Ngành phải kiên quyết khắc phục những hạn chế, tồn tại, tập trung hoàn thành tốt các nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm với tinh thần “Phải hoàn thành với chất lượng cao nhất trong điều kiện có thể”- Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn nói.

Đặc biệt, Tổng Kiểm toán nhà nước đề nghị, toàn Ngành cần tập trung thực hiện tốt 4 nhiệm vụ trọng tâm, gồm: Hoàn thành nhiệm vụ kiểm toán còn lại theo KHKT năm 2023; chuẩn bị tốt nội dung giải trình trước Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội về kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán; chuẩn bị tốt ý kiến của KTNN đối với dự toán NSNN năm 2024; chú trọng công tác chuẩn bị, xây dựng KHKT năm 2024.

Tổng Kiểm toán nhà nước nhấn mạnh, trong quá trình kiểm toán, cần tăng cường trao đổi, chia sẻ với các đơn vị được kiểm toán trên tinh thần thượng tôn pháp luật và phản ánh được thực tiễn, nhằm nâng cao chất lượng, đảm bảo tính khả thi của các kết luận, kiến nghị kiểm toán; qua đó phát hiện những lỗ hổng trong cơ chế, chính sách để kiến nghị thay đổi cho phù hợp với thực tiễn.

Tổng Kiểm toán nhà nước cũng yêu cầu các đơn vị kiểm toán cần quan tâm hơn đến chất lượng kiểm toán, từ khâu lựa chọn vấn đề kiểm toán, trong đó chú ý lựa chọn các vấn đề quan trọng của quốc gia; những vấn đề "nóng", được dư luận xã hội quan tâm…

Nhân kỷ niệm 29 năm ngày thành lập KTNN (11/7/1994-11/7/2023), Tổng Kiểm toán nhà nước bày tỏ mong muốn toàn Ngành tiếp tục đoàn kết thống nhất, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ đươc giao cũng như ngày càng khẳng định được vai trò, vị thế của Ngành trong xã hội./.

Phương Ngọc