Kiểm toán nhà nước – Thiết chế quan trọng của nền quản trị quốc gia

Ngày 11/7 tới đây, Kiểm toán nhà nước (KTNN) sẽ tròn 29 tuổi. So với nền Cộng hòa đã 78 tuổi của chúng ta, thì KTNN là một thiết chế tương đối trẻ. KTNN ra đời như một bước tiến của đất nước theo hướng hiện đại hóa nền quản trị quốc gia và hội nhập quốc tế.

Cũng như ở hầu hết các quốc gia hiện đại trên thế giới, KTNN là phần cấu thành quan trọng của quy trình bảo đảm sự minh bạch, trách nhiệm giải trình và quản trị quốc gia hiệu quả. Dưới đây là những lý do tại sao KTNN lại cần thiết cho đất nước:

Trước hết, KTNN bảo đảm trách nhiệm giải trình về tài chính. Các cuộc kiểm toán chủ yếu là được triển khai để xem xét các chứng từ tài chính, các giao dịch của các cơ quan nhà nước. Bằng cách xem xét, đánh giá việc sử dụng ngân sách, KTNN giúp bảo đảm rằng các nguồn tài chính công được sử dụng hiệu quả, phù hợp với các quy định của pháp luật. Đây cũng chính là cách để bảo đảm trách nhiệm giải trình về tài chính, để chống lại tham nhũng, tiêu cực và lạm dụng công quỹ.

Thứ hai, KTNN giúp bảo đảm việc tuân thủ pháp luật. Các cuộc kiểm toán xem xét, đánh giá việc các cơ quan nhà nước, các tổ chức công đã tuân thủ các quy định của chính sách và pháp luật có liên quan như thế nào; các nguồn tài chính công được sử dụng có tuân thủ các đòi hỏi của pháp luật, có bảo đảm các chuẩn mực về đạo đức và các quy trình, thủ tục đã được xác lập hay không. Những phát hiện về việc không tuân thủ sẽ giúp các cơ quan kịp thời sửa chữa, nhờ đó chất lượng quản trị quốc gia sẽ được nâng cao.

Thứ ba, KTNN giúp đánh giá hiệu quả hoạt động. Các cuộc kiểm toán đánh giá hiệu suất và hiệu quả của các chương trình của Nhà nước và các dịch vụ công. Các cuộc kiểm toán này giúp chỉ ra là mục đích và các mục tiêu đã được đề ra có đạt được hay không và kết quả đạt được có tương xứng với đồng tiền đã bỏ ra hay không. Nhờ các cuộc kiểm toán, những lĩnh vực cần phải được cải thiện cũng được chỉ ra. Đây là cơ sở để nâng cao hiệu quả của các chương trình, các dịch vụ, cũng như để tối ưu hóa việc phân bổ các nguồn lực của quốc gia.

Thứ tư, KTNN giúp bảo đảm sự minh bạch và củng cố lòng tin của công chúng. KTNN có đóng góp quan trọng cho sự minh bạch và công khai trong hoạt động của Nhà nước. Bằng việc cung cấp sự đánh giá độc lập, khách quan về hoạt động của các cơ quan nhà nước, KTNN có thể củng cố lòng tin của công chúng vào nền quản trị quốc gia. Nhờ các báo cáo kiểm toán, công chúng có thể đánh giá rằng đồng tiền thuế của mình được sử dụng phù hợp hay không. Áp lực của công chúng sẽ giúp nâng cao trách nhiệm giải trình và giảm thiểu cơ hội cho tham nhũng.

Thứ năm, KTNN đóng góp cho hoạt động giám sát của Quốc hội. KTNN đóng một vai trò rất quan trọng trong việc trợ giúp hoạt động giám sát của Quốc hội. Các nhà kiểm toán cung cấp cho các vị đại biểu Quốc hội những thông tin đáng tin cậy và cái nhìn từ bên trong về hoạt động của các Bộ, ngành, về việc quản lý tài chính, cũng như việc tuân thủ pháp luật. Điều này giúp các nhà lập pháp thông qua các quyết định có căn cứ, hoàn thiện các chính sách và vận hành chế độ trách nhiệm đối với các cơ quan hành pháp.

Thứ sáu, KTNN giúp quản trị rủi ro. KTNN giúp xác định những rủi ro tiềm ẩn, những lĩnh vực dễ bị tổn thương trong hoạt động của các Bộ, ngành. Bằng cách chỉ ra những điểm yếu, những lĩnh vực cần tăng cường quản lý, KTNN giúp các cơ quan hữu quan xử lý các vấn đề đang được đặt ra và triển khai các chiến lược quản trị rủi ro phù hợp. Điều này giúp giảm thiểu sự thất thoát về tài chính, sự kém hiệu quả trong điều hành, cùng sự tổn thất về uy tín.

Thứ bảy, KTNN giúp cải thiện liên tục chất lượng quản trị quốc gia. KTNN quan tâm không chỉ đến việc phát hiện các vấn đề, mà còn đến việc đề xuất các giải pháp để cải thiện tình hình. Các nhà kiểm toán cung cấp góc nhìn từ bên trong, những kinh nghiệm tiên tiến, những kiến nghị để nâng cao hiệu lực, hiệu quả và bảo đảm sự tuân thủ. Các kiến nghị của KTNN là nền tảng để tiến hành các biện pháp sửa sai và hoàn thiện liên tục các hoạt động quản lý, điều hành.

Vai trò của KTNN quan trọng như vậy, nên trong thời gian vừa qua, Đảng và Nhà nước ta đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi để thiết chế này có thể vận hành hiệu quả. Tuy nhiên, để KTNN hoàn thành tốt hơn nữa vai trò của mình, có lẽ, chúng ta vẫn cần quan tâm hơn đến những điều kiện sau đây:

Điều kiện thứ nhất là bảo đảm tốt hơn nữa vị thế độc lập của KTNN. Vị thế độc lập của KTNN đã được khẳng định trong Hiến pháp, Luật KTNN. Vấn đề là các quy định của Luật phải được tất cả các thiết chế của hệ thống thấu hiểu và tuân thủ. KTNN cần phải được hoạt động một cách độc lập và không bị ảnh hưởng hoặc can thiệp của bất kỳ một cơ quan nào khác. Điều này sẽ giúp bảo đảm sự khách quan, công tâm trong quá trình kiểm toán. KTNN cần có được sự bảo vệ về pháp lý trên thực tế và cần có thẩm quyền đầy đủ trong việc tiếp cận thông tin, tiến hành kiểm toán và báo cáo các phát hiện mà không sợ bị ảnh hưởng tiêu cực.

Điều kiện thứ hai là tính chuyên nghiệp và trình độ chuyên môn. Các kiểm toán viên cần phải được đào tạo rất cơ bản, phải có kỹ năng và trình độ chuyên gia trong lĩnh vực kiểm toán, kế toán, quản lý tài chính và các lĩnh vực chuyên môn cần thiết khác. Sự phát triển liên tục về nghề nghiệp và các chương trình đào tạo phải được thiết kế để các kiểm toán viên được cập nhật với những kinh nghiệm và chuẩn mực tiên tiến.

Điều kiện thứ ba là KTNN cần xác lập ưu tiên dựa vào việc đánh giá mức độ rủi ro. Hoạt động kiểm toán cần ưu tiên triển khai trong những lĩnh vực có nhiều rủi ro về tham nhũng, về sai phạm và thiếu tuân thủ trong quản lý tài chính. Điều này giúp cho các nguồn lực của KTNN được phân bổ hiệu quả và hoạt động kiểm toán được hướng vào những rủi ro lớn nhất đối với tài chính và tài sản công.

Điều kiện thứ tư là cần xây dựng và triển khai một chiến lược truyền thông hiệu quả. KTNN cần truyền thông một cách hiệu quả các phát hiện, các kết luận và khuyến nghị của mình tới các đối tượng có liên quan, bao gồm: Các cơ quan được kiểm toán, Quốc hội và công chúng. Các báo cáo kiểm toán cần phải súc tích, sáng tỏ và cần phải được ban hành kịp thời với những thông tin dễ hiểu, dễ hành động...

Điều kiện thứ năm là cần xây dựng cơ chế theo dõi hậu kiểm toán. Một hệ thống kiểm toán có hiệu quả phải bao gồm cơ chế theo dõi việc các khuyến nghị kiểm toán được tiếp nhận và thực hiện như thế nào. Các cơ quan được kiểm toán phải có trách nhiệm thực thi các kiến nghị của KTNN và khắc phục những thiếu sót đã được chỉ ra. Các cuộc kiểm toán hậu kỳ cũng cần được quan tâm triển khai để đánh giá việc triển khai thực hiện các kiến nghị của KTNN.

Điều kiện thứ sáu là cần tăng cường hợp tác. KTNN cần tăng cường hợp tác với các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan kiểm tra - giám sát khác. Chia sẻ thông tin và phối hợp hành động sẽ giúp tăng cường trách nhiệm giải trình và chất lượng quản trị quốc gia.

Điều kiện thứ bảy là cần nâng cao nhận thức và đẩy mạnh sự tham gia của công chúng. Cần có những cố gắng để nâng cao nhận thức của công chúng về vai trò và tầm quan trọng của KTNN. Công chúng cần được tạo điều kiện để tiếp cận các báo cáo kiểm toán nhiều hơn nữa. Đây là cách để KTNN nước có thể tạo ra hiệu ứng rộng lớn trong xã hội, nhờ đó trách nhiệm giải trình cũng sẽ được nâng cao.

Cuối cùng, 29 tuổi là tuổi của một thanh niên đã đủ trưởng thành và đủ sức mạnh cả về thể lực cũng như trí lực. Với sức mạnh đó, KTNN chắc chắn sẽ đóng góp nhiều hơn nữa cho nền quản trị quốc gia và cho sự thịnh vượng của đất nước./.

Ts. Nguyễn Sĩ Dũng - Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội
(Báo Kiểm toán 27+28)