Khẳng định dấu ấn kiểm toán nhà nước cùng sự phát triển đất nước

Trong bối cảnh Kiểm toán nhà nước (KTNN) được giao nhiều nhiệm vụ nặng nề với những yêu cầu ngày càng cao, song với sự quyết tâm, nỗ lực của tập thể lãnh đạo, công chức, kiểm toán viên, toàn Ngành đã nỗ lực thực hiện tốt các nhiệm vụ đặt ra. Bên cạnh việc chú trọng thực hiện nhiệm vụ kiểm toán phục vụ hoạt động của Quốc hội, KTNN tiếp tục đồng hành, chia sẻ với các địa phương, đơn vị được kiểm toán. Đây cũng là những dấu ấn nổi bật trong hoạt động của KTNN 6 tháng đầu năm 2023.

Ưu tiên nguồn lực kiểm toán phục vụ hoạt động của Quốc hội

Năm 2023, bên cạnh các nhiệm vụ kiểm toán thường xuyên, theo định hướng Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030, KTNN đã bám sát các định hướng lớn của Đảng, Nhà nước, của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí và các vấn đề được dư luận xã hội quan tâm; thực hiện kiểm toán các chủ đề lớn, tăng cường kiểm toán để xác nhận quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) hằng năm của các Bộ, ngành, địa phương. Đặc biệt, KTNN đã tập trung nguồn lực tốt nhất để thực hiện kiểm toán chương trình, dự án phục vụ hoạt động giám sát của Quốc hội, UBTVQH.

Trong những tháng đầu năm, KTNN đã hoàn thành cuộc kiểm toán quyết toán NSNN năm 2021. Kết quả kiểm toán đã được Tổng Kiểm toán nhà nước báo cáo trước Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, phục vụ cho Quốc hội phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2021. Báo cáo của KTNN được Quốc hội, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao. Trên cơ sở kết quả kiểm toán, Quốc hội yêu cầu Chính phủ thực hiện các biện pháp quyết liệt, đồng bộ để tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, quản lý, sử dụng, quyết toán NSNN, không lặp lại các tồn tại, hạn chế kéo dài nhiều năm. Đồng thời, khẩn trương thực hiện các kết luận, kiến nghị của KTNN; xử lý, thu hồi về NSNN các khoản thu, chi, chuyển nguồn không đúng quy định theo kết luận, kiến nghị của KTNN; không trình và xét duyệt quyết toán NSNN hằng năm đối với các khoản thu, chi đã được KTNN kết luận, kiến nghị xử lý…

Đến nay, nhiều đơn vị kiểm toán cũng đã hoàn thành việc kiểm toán Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; kiểm toán một số chương trình, dự án theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; chuyên đề việc đầu tư mua sắm, ứng dụng phần mềm công nghệ thông tin, các hoạt động thuê dịch vụ công nghệ thông tin giai đoạn 2020-2022 tại một số Bộ, ngành, địa phương…

Thực hiện chỉ đạo của Tổng Kiểm toán nhà nước, các đoàn kiểm toán đã tập trung đánh giá hiệu lực, hiệu quả cơ chế, chính sách, đặc biệt là chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách có ảnh hưởng rộng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, nhằm phát hiện các bất cập, vướng mắc để kiến nghị hoàn thiện hệ thống pháp luật đảm bảo chặt chẽ; tăng cường pháp chế, kỷ luật, kỷ cương; sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính công, tài sản công…

Qua tổng hợp sơ bộ kết quả kiểm toán cho thấy, nhiều đoàn kiểm toán có kết quả nổi bật về xử lý tài chính, kiến nghị với các Bộ, cơ quan trung ương hoặc phát hiện kiểm toán quan trọng, như: CTMTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; Chuyên đề việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động có quan hệ lao động, đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 tại Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội và một số địa phương.

Qua kiểm toán, KTNN đã kiến nghị Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành nghiên cứu, sửa đổi, hủy bỏ nhiều văn bản; kiến nghị xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với nhiều tập thể, cá nhân... Đặc biệt, kết quả này sẽ là những thông tin tổng quan có ý nghĩa, giá trị quan trọng phục vụ cho công tác giám sát chuyên đề việc triển khai thực hiện 3 CTMTQG đang được Đoàn giám sát triển khai và kết quả giám sát sẽ được báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023). Đồng thời là thông tin đầu vào quan trọng phục vụ kịp thời giám sát chuyên đề về thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023 - sẽ được Quốc hội tiến hành giám sát trong năm 2024.
 
Đồng hành thúc đẩy phục hồi phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch

Không chỉ thực hiện tốt kế hoạch kiểm toán (KHKT), KTNN còn khẳng định vai trò đồng hành, hỗ trợ địa phương, đơn vị nhằm phục hồi và phát triển kinh tế, sau 2 năm chịu ảnh hưởng của đại dịch. Điều này được thể hiện rõ nét thông qua việc KTNN đã chủ động đổi mới hoạt động kiểm toán, hạn chế gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của địa phương, đơn vị được kiểm toán.

Trên quan điểm tạo điều kiện tối đa cho công tác quản lý, điều hành, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, KTNN đã giảm đầu mối, thời gian và quy mô cuộc kiểm toán. Đặc biệt, nhằm tránh chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán cũng như hạn chế ảnh hưởng tới hoạt động bình thường của đơn vị được kiểm toán, KHKT năm 2023 đã giảm 49 nhiệm vụ so với KHKT năm 2022. Mỗi kiểm toán viên thực hiện không quá 2 đoàn kiểm toán/năm (trừ trường hợp đặc biệt). Một số cuộc kiểm toán chuyên đề được thực hiện lồng ghép để hạn chế tối đa sự xuất hiện nhiều đoàn kiểm toán trên địa bàn 1 tỉnh. Riêng đối với cuộc kiểm toán 3 CTMTQG, chỉ lựa chọn những huyện không thực hiện kiểm toán ngân sách địa phương.

Theo Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Vũ Ngọc Tuấn, KHKT năm 2023 đã giải quyết cơ bản sự chồng chéo, trùng lặp giữa các đơn vị trong Ngành. Trong quá trình triển khai thực hiện KHKT, Tổng Kiểm toán nhà nước đã chỉ đạo các đơn vị kiểm toán cắt giảm đầu mối song vẫn phải đảm bảo chất lượng, hiệu quả kiểm toán, không bỏ lọt sai sót trong quá trình kiểm toán. “Thực hiện yêu cầu này đòi hỏi các đơn vị kiểm toán, các đơn vị có liên quan phải tăng cường đổi mới công tác tổ chức, sắp xếp nguồn lực để đảm bảo chất lượng kiểm toán được tốt nhất” - ông Tuấn cho biết, đồng thời nhấn mạnh áp lực sẽ gia tăng trong bối cảnh KTNN ngày càng nhận được sự kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và công chúng.

Từ góc nhìn của chuyên gia nhiều năm theo dõi hoạt động của KTNN, TS. Vũ Đình Ánh cho biết, công chúng đang kỳ vọng rất lớn vào hoạt động của KTNN. Theo ông Ánh, điều này là dễ hiểu, khi KTNN đang tạo dựng được lòng tin của xã hội, thông qua việc đưa ra những đánh giá kiểm toán vừa thẳng thắn chỉ ra bất cập, thiếu sót, vừa kiến nghị sửa đổi, bịt lỗ hổng chính sách…, từ đó góp phần vào sự phát triển bền vững của địa phương, quốc gia.

Trong khi đó, TS. Nguyễn Minh Phong cũng cho rằng, việc điều chỉnh KHKT theo hướng tăng chất lượng, giảm số lượng và lắng nghe ý kiến đa chiều của các địa phương, đơn vị cũng chính là biểu hiện thiết thực về vai trò đồng hành của KTNN với sự phát triển của địa phương, với đất nước. “Điều này thể hiện bước chuyển rất lớn của KTNN, với sự trưởng thành rõ rệt, khi thể hiện vai trò trên nhiều lĩnh vực hoạt động kiểm toán cho đến tư vấn, hỗ trợ cơ quan, địa phương trong công tác quản lý, điều hành” - ông Phong nhấn mạnh./.
 
Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị trọng tâm với chủ đề “Chất lượng và đạo đức công vụ” trong điều kiện nguồn lực có hạn, các đơn vị kiểm toán phải chú trọng đổi mới, đảm bảo nguồn lực tốt nhất cho hoạt động kiểm toán, đặc biệt là các nhiệm vụ kiểm toán phục vụ hoạt động giám sát của Quốc hội. Trong quá trình kiểm toán, hạn chế tối đa việc gây ảnh hưởng đến địa phương, đơn vị được kiểm toán.
 
N. LỘC - N. HỒNG
(Báo Kiểm toán số 27+28)