KTNN góp phần vào sự phát triển bền vững của địa phương
Trải qua gần 1/3 thế kỷ, KTNN không ngừng phát triển, đội ngũ kiểm toán viên ngày càng chuyên nghiệp, các thiết chế liên quan đến tổ chức và hoạt động KTNN từng bước hoàn thiện. Để có được kết quả đó, ngoài sự cố gắng của tập thể lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động KTNN còn phải kể đến sự phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả của các Bộ, ngành, địa phương, nhất là các đơn vị đã ký quy chế phối hợp với KTNN.
Theo Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Vũ Ngọc Tuấn, nội dung quy chế phối hợp của KTNN đã bao hàm các vấn đề có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của KTNN, cũng như các địa phương theo luật định; trong đó, trọng tâm phối hợp là trong hoạt động kiểm toán, với sự xuyên suốt từ các khâu chuẩn bị kiểm toán, thực hiện kiểm toán và đôn đốc thực hiện kiến nghị sau kiểm toán.
Trong suốt 10 năm triển khai thực hiện, sự quan tâm phối hợp của các địa phương với KTNN ngày càng chặt chẽ, chủ động, qua đó cho thấy tác động của hoạt động kiểm toán đến sự phát triển của địa phương. Là một trong những địa phương đã có quy chế phối hợp với KTNN và triển khai thực hiện tốt công tác này, Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND)tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn cho biết, qua công tác phối hợp nói chung, hoạt động kiểm toán nói riêng, KTNN đã giúp các cơ quan chức năng của tỉnh xem xét, nhìn nhận các vấn đề được chỉ ra, từ đó giúp địa phương hoàn thiện, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên địa bàn.
"KTNN sẽ tiếp tục đồng hành cùng các địa phương nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nguồn lực công, góp phần vào công cuộc xoá đói giảm nghèo, chuyển đổi cơ cấu kinh tế ở địa phương, phát triển kinh tế bền vững và hy vọng sự phối hợp công tác giữa KTNN và các địa phương ngày càng chặt chẽ, thiết thực hơn nữa" - Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn. |
Trên cơ sở nhìn nhận rõ vị trí, vai trò của KTNN, thời gian qua, theo chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân (HĐND), UBND tỉnh đã thực hiện tốt công tác phối hợp với KTNN trong thực hiện nhiệm vụ kiểm toán cũng như các nội dung công tác có liên quan. Cụ thể, trong quá trình kiểm toán, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị được kiểm toán phối hợp chặt chẽ và tạo điều kiện về thời gian, cơ sở vật chất làm việc cho đoàn kiểm toán; cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, tài liệu đảm bảo hoạt động của đoàn kiểm toán đúng mục tiêu và kế hoạch. Trong quá trình thực hiện kiểm toán, một số khó khăn vướng mắc trong việc tổ chức quản lý điều hành ngân sách cũng như các lĩnh vực đã được HĐND, UBND tỉnh kiến nghị với đoàn kiểm toán để đề xuất với Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành nghiên cứu, điều chỉnh một số Luật như: Luật Đầu tư công; Luật Ngân sách nhà nước; Luật Tổ chức chính quyền địa phương… HĐND, UBND tỉnh đã thực hiện công khai kết quả kiểm toán, các kết luận, kiến nghị, tạo điều kiện cho đại biểu HĐND và nhân dân thực hiện quyền giám sát theo quy định của pháp luật. Về kết quả thực hiện kiến nghị của KTNN, hằng năm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch rà soát các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội và thực hiện kiến nghị của KTNN trên địa bàn tỉnh Yên Bái; chỉ đạo UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm túc các kết luận, kiến nghị của KTNN, từ đó góp phần nâng cao kết quả thực hiện công tác này.
Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ thẳng thắn cho biết, qua công tác kiểm toán, KTNN đã chỉ ra một số nội dung còn hạn chế, giúp địa phương hoàn thiện hơn trong việc quản lý ngân sách, quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. “KTNN đã thường xuyên lắng nghe, chia sẻ, cùng địa phương rà soát, nghiên cứu quy định để thống nhất trong việc xử lý các kiến nghị tồn đọng theo đúng quy định của pháp luật” - ông Thọ nói.
Ở chiều ngược lại, các KTNN khu vực cho biết, thực hiện nhiệm vụ được giao, đơn vị đã chú trọng đến việc phối hợp với các địa phương và coi đây là giải pháp quan trọng để thúc đẩy hoạt động kiểm toán được thuận lợi, cũng như nâng cao kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán. “Nhìn chung, các đoàn kiểm toán nhận được sự phối hợp tốt từ địa phương, đơn vị, qua đó tạo thuận lợi trong công tác kiểm toán” - Kiểm toán trưởng KTNN khu vực VII Ngô Minh Kiểm đánh giá.
Đảm bảo tính độc lập, liêm chính của KTNN trong quan hệ phối hợp
Có thể nói, với tinh thần chủ động phối hợp, dựa trên cơ sở Luật KTNN, Luật Ngân sách nhà nước và quy định pháp luật có liên quan, hoạt động trao đổi giữa KTNN và các địa phương đã có tác dụng tích cực giúp các cấp chính quyền địa phương xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; đồng thời, qua phối hợp đã góp phần giúp KTNN hoàn thành tốt kế hoạch kiểm toán hằng năm.
Các đơn vị kiểm toán cũng cho rằng, trong quá trình phối hợp, một mặt các đoàn kiểm toán được tạo thuận lợi trong việc tiếp cận thông tin, tài liệu phục vụ kiểm toán, nhưng mặt khác luôn chú trọng đảm bảo nguyên tắc độc lập trong việc xem xét, đánh giá dựa trên bằng chứng, căn cứ pháp luật; không chịu bất cứ tác động nào gây ảnh hưởng đến kết luận, kiến nghị kiểm toán.
Tham dự hội nghị sơ kết và ký quy chế phối hợp giữa KTNN với các địa phương vừa qua, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn khẳng định, kết quả đạt được của hoạt động phối hợp đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác của các bên. Trên cơ sở đánh giá, sửa đổi quy chế phối hợp cho phù hợp với tình hình mới, Tổng Kiểm toán nhà nước đề nghị các địa phương tiếp tục tăng cường phối hợp, góp phần thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan.
Là cơ quan hiến định độc lập trong Hiến pháp, với chức năng kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, trong đó nhấn mạnh đến yêu cầu bảo đảm tính độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Trải qua nhiều thời kỳ lịch sử, KTNN đã chủ động phòng ngừa, thường xuyên phối hợp loại bỏ các nguy cơ gây ảnh hưởng đến tính độc lập trong việc đánh giá, ra kết luận. Do đó, Tổng Kiểm toán nhà nước yêu cầu các đơn vị kiểm toán phải tuân thủ nghiêm các nguyên tắc này, tuyệt đối không để xảy ra sai sót, gây ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của Ngành.
Để đảm bảo thực hiện tốt yêu cầu này, Tổng Kiểm toán nhà nước cũng đề nghị lãnh đạo các địa phương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc tạo điều kiện tốt nhất cho đoàn kiểm toán trong việc khai thác, trao đổi, chia sẻ thông tin phù hợp với Luật KTNN; chỉ đạo thực hiện nghiêm các kết luận, kiến nghị kiểm toán. Đồng thời, giám sát chặt chẽ hoạt động kiểm toán của kiểm toán viên trên địa bàn và phản ánh kịp thời để KTNN xử lý nghiêm những hành vi vi phạm, đảm bảo việc thực thi nhiệm vụ theo đúng quy định của pháp luật và giữ vững giá trị cốt lõi “Độc lập - Liêm chính - Chuyên nghiệp - Uy tín - Chất lượng”./.
Nguyên Vũ
(Báo Kiểm toán 27+28)