(sav.gov.vn) - Theo Bộ Tài chính, ước giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm 2023 đạt 215.578,9 tỷ đồng, bằng 30,49% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tăng khá nhiều so với cùng kỳ năm 2022. Tính riêng trong tháng 6/2023, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công tăng trên 8%, cao hơn gần gấp đôi tốc độ giải ngân bình quân những tháng trước của năm 2023.
Cụ thể, giải ngân vốn trong nước là 211.181,9 tỷ đồng, đạt 29,13% kế hoạch và đạt 31,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó, vốn chương trình phục hồi và phát triển kinh tế là 24.281 tỷ đồng, đạt 20,1% kế hoạch giao là 129.560 tỷ đồng; vốn nước ngoài đạt 4.397 tỷ đồng, tương ứng hoàn thành 15,72% kế hoạch, cao hơn đáng kể cùng kỳ năm 2022 đạt chỉ 8,61% kế hoạch.
Có 9 Bộ và 32 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 30% kế hoạch, trong đó có một số Bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân cao như: Tiền Giang (52,81%), Đồng Tháp (50,28%), Long An (48,9%), Ngân hàng phát triển (100%), Ngân hàng nhà nước (47,08%). Dẫn đầu giải ngân vốn đầu tư công trong 6 tháng đầu năm 2023 của cả nước là tỉnh Tiền Giang, ước giá trị giải ngân đạt 2.738 tỷ đồng.
Có 39/52 Bộ và 12/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 20%, trong đó có 37 Bộ và 3 địa phương chỉ giải ngân dưới 15% kế hoạch vốn. Bộ Lao động - Thương binh xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế, Thanh tra Chính phủ... giải ngân vốn đầu tư công rất thấp. Có 03 địa phương chỉ giải ngân dưới 15% kế hoạch vốn là Quảng Trị (13,09%), Tuyên Quang (14,4%), Đà Nẵng (13,97%).
Về nguyên nhân chính làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Bộ Tài chính cho rằng hiện các Bộ, ngành đang tập trung giải ngân nguồn vốn kế hoạch năm 2022 kéo dài sang năm 2023 nên một số dự án chưa kịp giải ngân vốn thuộc kế hoạch năm 2023; một số dự án thuộc lĩnh vực di tích chậm do phải thực hiện các thủ tục chuyên ngành, cần phải xin ý kiến nhiều cơ quan chuyên ngành; các dự án mua sắm trang thiết bị, y tế chậm triển khai bước lựa chọn đơn vị thẩm định giá, hồ sơ mời thầu; nhiều vướng mắc về thủ tục trong thực hiện các dự án công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước; các dự án ODA giải ngân chậm do vừa phải tuân thủ các quy định của nước ngoài vừa phải đảm bảo các thủ tục trong nước…
Để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng còn lại của năm 2023, Bộ Tài chính đề nghị các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công tại Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 23/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ; Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 8/6/2023 Chính phủ về phiên họp thường kỳ tháng 5 năm 2023 trực tuyến với địa phương về giải ngân vốn đầu tư công, về tình hình triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, về công tác quy hoạch.
Đối với kế hoạch vốn kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân năm 2022 sang năm 2023, Bộ Tài chính đã có công văn số 5258/BTC-ĐT ngày 23/5/2023 hướng dẫn các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương thực hiện. Các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương chỉ đạo các chủ đầu tư đẩy mạnh giải ngân kế hoạch nguồn vốn trên đảm bảo đến 31/12/2023 giải hết toàn bộ số vốn đã được thông báo.
Được biết, tổng nguồn vốn kế hoạch đầu tư công nguồn NSNN năm 2023 là 817.307,3 tỷ đồng, trong đó kế hoạch vốn đã giao là 804.420,1 tỷ đồng (vốn trong nước là 772.490,7 tỷ đồng, vốn nước ngoài là 31.929,4 tỷ đồng); kế hoạch vốn chưa giao là 12.887,2 tỷ đồng bao gồm: Vốn trong nước là 11.862,2 tỷ đồng; trong đó: Vốn NSTW không kể CTMTQG là 11.679,0 tỷ đồng; vốn nước ngoài (CTMTQG xây dựng nông thôn mới) là 1.025 tỷ đồng./.
Khánh Vy