Đoàn giám sát của Quốc hội về 3 Chương trình mục tiêu quốc gia làm việc tại Quảng Nam
(sav.gov.vn) - Ngày 21/7/2023, Đoàn giám sát của Quốc hội do Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh - Phó Trưởng Đoàn giám sát làm Trưởng đoàn đã có cuộc làm việc với Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về 3 Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh, thành viên Đoàn giám sát cùng dự.
Tiếp và làm việc với Đoàn giám sát có có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Anh Tuấn.
Theo báo cáo tại cuộc làm việc, trong giai đoạn 2021 - 2025 Quảng Nam dự kiến đầu tư hơn 6.251 tỷ đồng để thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia nêu trên. Đến nay, tỉnh cũng đã ban hành trên 600 văn bản tổ chức thực hiện các Chương trình.
Tính đến tháng 6/2023, Quảng Nam có 117/193 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 60,62%; 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mới, 214 thôn được công nhận đạt chuẩn khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu.
Công tác giảm nghèo được tỉnh quan tâm với các giải pháp, cách làm cụ thể, phù hợp với thực tiễn, nguồn lực và thực trạng nghèo của địa phương. Tỷ lệ giảm nghèo đạt và vượt mục tiêu đề ra hằng năm. Năm 2021 giảm 3.156 hộ nghèo/2.000 hộ theo chỉ tiêu giao, vượt 158% so với kế hoạch đề ra; năm 2022 giảm 3.981 hộ nghèo/3.000 hộ nghèo theo chỉ tiêu giao, vượt 132,7% so với kế hoạch đề ra.
Trong 2 năm (2021 - 2022), Quảng Nam đã hỗ trợ, tạo việc làm hơn 19 nghìn lao động, giúp gần 4.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập. Xây dựng, cải tạo hơn 36 nghìn công trình nước sạch hợp vệ sinh… “Với sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị các cấp và sự đồng thuận, chung tay góp sức của Nhân dân trong thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, bộ mặt nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Nam đã thay đổi đáng kể; có những chuyển biến rõ nét trên hầu hết mọi lĩnh vực; kết cấu hạ tầng thiết yếu về giao thông, thủy lợi, văn hóa, y tế, giáo dục… được quan tâm đầu tư, nâng cấp; sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển; nhiều mô hình sản xuất, mô hình liên kết, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ mang lại hiệu quả kinh tế, đời sống vật chất và tinh thần người dân được nâng cao, góp phần rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn” - Báo cáo nêu rõ.
Tuy nhiên, qua triển khai Chương trình đã gặp nhiều khó khăn như, nguồn lực Trung ương bố trí vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của các địa phương. Trong các xã đạt chuẩn nông thôn mới đến năm 2025, phần lớn thuộc các xã đặc biệt khó khăn của Chương trình. Các xã vùng sâu, vùng xa có địa bàn rộng, mật độ dân cư thưa thớt và phân bố rải rác, do đó, rất khó khăn trong đầu tư hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi… Người dân chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số, hộ nghèo chiếm tỷ lệ cao nên việc huy động nguồn lực để thực hiện Chương trình gặp khó khăn, chủ yếu dựa vào sự đầu tư, hỗ trợ từ Nhà nước.
Bên cạnh đó, một số nội dung, tiểu dự án, dự án thành phần chưa triển khai thực hiện được trong năm 2022, như nội dung hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất; đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Việc triển khai dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị còn chậm.
Trước những khó khăn đã và đang gặp phải, tỉnh Quảng Nam kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định giao vốn sự nghiệp trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để UBND cấp tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện cho cả giai đoạn. Đồng thời, đề nghị Bộ Xây dựng sớm ban hành hướng dẫn quy trình, thủ tục quản lý chất lượng thi công, nội dung, định mức chi phí thực hiện công tác bảo trì công trình được đầu tư xây dựng theo cơ chế đặc thù quy định tại Nghị định số 27 (ngày 19/4/2022) của Chính phủ.
Tỉnh cũng kiến nghị các Bộ, ngành Trung ương khi xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách giai đoạn 2021 - 2025 cần phân cấp mạnh cho UBND tỉnh trong thực hiện và chịu trách nhiệm. Đối với các văn bản hướng dẫn sử dụng vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, Trung ương cần hướng dẫn sử dụng vốn thuận lợi, chỉ quy định khung chung, tạo chủ động cho cấp cơ sở và người dân, rút ngắn thủ tục nhằm tạo điều kiện cho các địa phương trong thực hiện...
Tỉnh kiến nghị Ban Chỉ đạo Trung ương có ý kiến chỉ đạo các Bộ, ngành sớm có hướng dẫn thực hiện đánh giá các tiêu chí nông thôn mới cấp xã, huyện đối với các nội dung nâng cao, kiểu mẫu để tạo điều kiện cho địa phương tổ chức đánh giá, xét công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Cùng với đó, các Bộ, ngành cần hướng dẫn rõ nội dung không chồng chéo, trùng lặp về phạm vi, đối tượng, nội dung giữa các Chương trình mục tiêu quốc gia để tỉnh có điều kiện xây dựng cơ chế lồng ghép. Đồng thời, hướng dẫn sử dụng mã số các Chương trình mục tiêu quốc gia khi lồng ghép nguồn các Chương trình vào một công trình, dự án…
Cho rằng các Chương trình mục tiêu quốc gia đã góp phần xóa đói, giảm nghèo tăng thu nhập trên địa bàn Quảng Nam. Đoàn giám sát ghi nhận, tỷ lệ giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm của Quảng Nam đạt 3%, riêng năm 2022 là 10,04%. Tuy nhiên, các ý kiến cũng chỉ ra, hầu hết các xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2021 không bảo đảm duy trì các tiêu chí đạt chuẩn. Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tỷ lệ giải ngân của Quảng Nam đạt rất thấp, đặc biệt là nguồn vốn sự nghiệp. Tỷ lệ hộ nghèo giảm, nhưng tỷ lệ hộ cận nghèo tại 5/6 huyện nghèo tăng, cho thấy kết quả giảm nghèo chưa thật sự bền vững…
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Uỷ viên Trung ương Đảng - Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thuý Anh khẳng định ý nghĩa của các Chương trình mục tiêu quốc gia. “Đây là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống tinh thần, vật chất của người dân, đặc biệt là người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi” - Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội nói.
Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội hoan nghênh Quảng Nam đã có sáng kiến thành lập Văn phòng điều phối chung các Chương trình mục tiêu quốc gia cấp huyện. Đây là kinh nghiệm hay cần được xem xét, phát huy. Tới đây, Quảng Nam cần khẩn trương chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện Nghị định số 38/2023/NĐ - CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 27/2022/NĐ - CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu gia.
Qua kiểm tra, khảo sát ở huyện Phước Sơn và Đông Giang, Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội ghi nhận những nỗ lực của chính quyền Quảng Nam và sự đồng lòng của người dân trong thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh Quảng Nam cần lưu ý một số nội dung sau: Tập trung, khẩn trương nghiên cứu các văn bản liên quan để nắm rõ nội dung, nhiệm vụ của các Chương trình trong giai đoạn mới; Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia; Làm rõ hơn những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện nguồn vốn đối ứng; Sớm có cơ chế huy động các nguồn lực khác để thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Đồng thời, làm rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan về tiến độ thực hiện các Chương trình để có giải pháp khắc phục. Có biện pháp quyết liệt, cho các tổ công tác trực tiếp xuống địa bàn cơ sở hướng dẫn triển khai các dự án, tiểu dự án, đặc biệt là Chương trình phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Trong quá trình triển khai phải đảm bảo tính hiệu quả, tránh lãng phí, thiếu tập trung. Đẩy mạnh phân cấp phân quyền; nâng cao nhận thức cho người dân, cán bộ về thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia…/.