Triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia

(sav.gov.vn) - Chiều 24/7/2023, tại tỉnh Cao Bằng, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương - Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội, Đoàn giám sát của Quốc hội đã làm việc với UBND tỉnh Cao Bằng về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn về xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 - 2025; phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2030.

Báo cáo kết quả thực hiện Ba chương trình mục tiêu quốc gia tại Cao Bằng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng Nguyễn Trung Thảo cho biết, các Chương trình mục tiêu quốc gia đã mang lại hiệu quả tích cực trong phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống người dân; bộ mặt nông thôn ở nhiều địa phương đã từng bước thay đổi; chất lượng đời sống văn hóa tinh thần của người dân, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được nâng cao; cơ sở hạ tầng vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được hoàn thiện; tỷ lệ hộ nghèo giảm hàng năm của tỉnh đạt trên 4%, đạt kế hoạch đề ra; điều kiện về y tế, giáo dục, văn hóa được cải thiện; các mô hình về phát triển sản phẩm OCOP, sản phẩm du lịch cộng đồng từng bước phát triển, góp phần hỗ trợ người dân cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập...

Giai đoạn 2021 - 2025, tổng vốn ngân sách Nhà nước thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn là hơn 6.624 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư ngân sách Trung ương (NSTW) hơn 4.706 tỷ đồng, vốn đối ứng từ ngân sách tỉnh hơn 253 tỷ đồng. Nguồn vốn này phân bổ cho Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng vào dân tộc thiểu số và miền núi hơn 2.815 tỷ đồng, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững hơn 1.724 tỷ đồng, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới hơn 419 tỷ đồng.

Giai đoạn 2021 - 2023, việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia đã đạt được một số kết quả nổi bật, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. GRDP bình quân đầu người là 39,84 triệu đồng, 48,2% lao động được qua đào tạo, 92% dân cư nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh. Cuối năm 2022, toàn tỉnh còn 37.409 hộ nghèo chiếm 28,94%, giảm 4,29% so với đầu kỳ rà soát; có 19.084 hộ cận nghèo, chiếm 14,76%.

Từ nguồn vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia, tỉnh đã đầu tư, hoàn thiện hơn 50 km đường giao thông liên xã, đường từ huyện đến trung tâm xã được nhựa hóa/bê tông hóa mặt đường; trên 150 km đường liên xóm được nhựa hóa/bê tông hóa mặt đường; thêm 2 trường và trên 20 trạm y tế được xây dựng kiên cố; thêm 1% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp; hơn 1.600 hộ đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

Các mục tiêu về giáo dục, y tế, chăm sóc phụ nữ và trẻ em  đều có bước phát triển. Công tác bảo tồn, phát triển các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tiếp tục được quan tâm. Việc đào tạo, quy hoạch, xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số tiếp tục được thực hiện. Mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững, giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn; phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa của nhân dân trong tỉnh được cải thiện rõ rệt.

Tuy vậy, việc triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia tại tỉnh Cao Bằng còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần được khắc phục. Bên cạnh đó, việc phân bổ NSTW còn chậm, thiếu, chưa đáp ứng nhu cầu của tỉnh. Công tác xây dựng kế hoạch của một số địa phương chưa được chuẩn bị tốt từ khâu xây dựng, lựa chọn danh mục. Công tác chuẩn bị đầu tư của một số dự án chậm, khảo sát chưa kỹ, chất lượng hồ sơ chưa đảm bảo, quá trình thực hiện phải điều chỉnh nhiều lần. Một số dự án gặp vướng mắc về giải phóng mặt bằng, vướng thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, thiếu nguồn cung vật liệu xây dựng... ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Bên cạnh đó, kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh còn cao, vẫn còn có hộ tái nghèo. Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới chỉ đạt 12,2%; Cao Bằng chưa có xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu; chưa có đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và có tới 82% số xã chỉ đạt dưới 15 tiêu chí; cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, sản xuất hàng hóa trong lĩnh vực nông lâm nghiệp chưa xứng với tiềm năng của tỉnh...

Ngoài nguyên nhân chủ quan do điều kiện địa hình miền núi, trình độ nhận thức nhân dân còn hạn chế, cơ sở hạ tầng kỹ thuật yếu kém còn có nguyên nhân do công tác ban hành văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện của Bộ, ngành Trung ương chưa được kịp thời, đồng bộ; một số văn bản hướng dẫn chưa rõ ràng nên địa phương lúng túng trong quá trình tổ chức thực hiện; việc giao cấp xã chủ đầu tư một số dự án còn gặp vướng mắc do năng lực cán bộ cấp xã hạn chế; một số địa phương triển khai còn thụ động và phân bổ nguồn lực chưa hợp lý.

Để thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, tỉnh Cao Bằng cũng đưa ra một số kiến nghị như: Tiếp tục quan tâm hỗ trợ tỉnh Cao Bằng về nguồn vốn đầu tư phát triển; các Bộ, ngành sớm có hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về quy định của các văn bản quy phạm pháp luật; có cơ chế cho người dân tại các xã đặc biệt khó khăn sau khi đạt chuẩn nông thôn mới tiếp tục được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về thẻ bảo hiểm y tế, chính sách hỗ trợ học sinh bán trú, miễn giảm học phí...

Qua thảo luận, các thành viên Đoàn giám sát nhận thấy, báo cáo của tỉnh Cao Bằng đã liệt kê rất cụ thể các công việc đã làm được trong các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần của các Chương trình mục tiêu quốc gia. Tuy nhiên, đề nghị cần làm rõ hơn tác động của các Chương trình với tỷ lệ giảm nghèo rất nhanh của tỉnh (năm 2022 giảm 4,29% so với đầu kỳ rà soát). Trong khi đó, năm 2021 chưa bố trí cho vốn năm 2022, tỉ lệ giải ngân thấp; năm 2022, Cao Bằng không có thêm xã nào đạt chuẩn nông thôn mới. Đồng thời, các thành viên Đoàn giám sát đề nghị cần đánh giá cụ thể về khả năng hoàn thành chỉ tiêu, mục tiêu các Chương trình đến năm 2025.
 

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương - Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội phát biểu kết luận buổi làm việc


Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Thượng tướng Trần Quang Phương ghi nhận những nỗ lực của tỉnh Cao Bằng, khẳng định các cấp, ngành của tỉnh đã vào cuộc nỗ lực, quyết tâm cao, có trách nhiệm, có một số sáng tạo. Qua đó, đời sống nhân dân tỉnh Cao Bằng đã được nâng lên, cơ sở hạ tầng được đầu tư nâng cấp tốt hơn trước nhiều, các mục tiêu văn hóa xã hội đều tăng trưởng.

Để đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công, tỉnh cần chuẩn bị sẵn sàng để khi có vốn về sẽ thực hiện ngay, không chờ đến khi có nguồn vốn về mới làm các thủ tục. Đồng thời, tỉnh cần có biện pháp quyết liệt hơn trong chỉ đạo điều hành triển khai thực hiện giải ngân đầu tư công, như thành lập các tổ công tác, nhóm chuyên gia để tỉnh hỗ trợ cho huyện, huyện hỗ trợ cho xã theo phương thức "cầm tay chỉ việc", cho đến khi cấp dưới có thể hoàn thành nhiệm vụ. Ngoài ra, tỉnh tập trung vốn cho các công trình trọng điểm, giải quyết dứt điểm từng vấn đề, tránh đầu tư dàn trải gây kém hiệu quả, lãng phí.

Tỉnh cần tăng cường học tập, chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay cho các đơn vị, từ đó nâng cao trình độ, khắc phục tâm lý e ngại, né tránh, sợ sai của đội ngũ cán bộ; nghiên cứu, kiến nghị các giải pháp điều chỉnh các tiêu chí cho phù hợp với từng vùng miền, địa phương để Trung ương xem xét; làm rõ những khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư công...

Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, việc triển khai thực hiện ba chương trình mục tiêu quốc gia có ý nghĩa đặc biệt quan trọng góp phần thúc đẩy đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội cho tỉnh nói chung, đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng. Tỉnh cần tranh thủ nguồn lực từ ba chương trình này để thúc đẩy kinh tế - xã hội ở các địa phương./.

Thanh Trang