Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải chủ trì làm việc với Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ

(sav.gov.vn) - Sáng 27/7/2023, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải - Trưởng Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021" đã chủ trì cuộc làm việc giữa Đoàn giám sát với Kiểm toán nhà nước (KTNN) và Thanh tra Chính phủ.

Tham dự buổi làm việc có các Ủy viên Trung ương Đảng: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường - Phó Trưởng Đoàn giám sát; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy - Phó Trưởng Đoàn Thường trực Đoàn giám sát; Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn.

Cùng dự còn có lãnh đạo Thanh tra Chính phủ, Ban Kinh tế Trung ương; đại diện các Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn và doanh nghiệp; đại diện các Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Dầu khí Việt Nam, Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam…

Tại buổi làm việc, Đoàn giám sát đã nghe Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn và Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Sỹ Bảy trình bày các báo cáo tổng hợp kết quả và kiến nghị kiểm toán, thanh tra liên quan đến việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 – 2021.  

Qua xem xét báo cáo của KTNN, Thanh tra Chính phủ, các thành viên Đoàn giám sát đánh giá, trong thời gian qua, Thanh tra Chính phủ, KTNN đã rất cố gắng, nỗ lực trong việc thực hiện nhiệm vụ; kết quả thanh tra, kiểm toán ngoài việc ghi nhận các kết quả đạt được cũng chỉ ra nhiều bất cập, hạn chế, sai phạm trong việc triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về năng lượng, kiến nghị xử lý tài chính, đất đai, xử lý và kiến nghị xử lý trách nhiệm để chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương trong lĩnh vực năng lượng, góp phần phát triển năng lượng quốc gia, ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh đất nước và an sinh xã hội.
Các thành viên Đoàn giám sát cũng nêu một số nội dung cụ thể cần tiếp tục hoàn thiện tại báo cáo của KTNN và Thanh tra Chính phủ gồm: đánh giá sâu hơn việc thực hiện, chức năng, nhiệm vụ của KTNN và Thanh tra Chính phủ liên quan đến lĩnh vực năng lượng; rà soát lại các kết quả thanh tra, kiến nghị, kết luận thanh tra, kiểm toán; bổ sung các kết quả về thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm toán. Một số ý kiến cũng lưu ý, cần cập nhật thêm thông tin sát với tình hình thực tiễn; bổ sung các kiến nghị nhằm bảo đảm an ninh năng lượng, phát triển bền vững lĩnh vực năng lượng trước mắt và lâu dài.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường ghi nhận, qua thực hiện nhiệm vụ, KTNN và Thanh tra Chính phủ đã góp phần nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật, bảo đảm kỷ cương trong lĩnh vực năng lượng. Các báo cáo đã chỉ ra những hạn chế, tồn tại cần phải khắc phục trong thời gian tới, đưa ra nhiều kiến nghị cụ thể, đặc biệt báo cáo của KTNN được chuẩn bị kỹ lưỡng, là chất liệu rất tốt để giúp Đoàn giám sát xây dựng báo cáo giám sát và nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cũng đề nghị, cần làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng; nghiên cứu thanh tra, kiểm toán chuyên sâu vấn đề về giá điện, công khai minh bạch để báo chí, cử tri hiểu rõ hơn về vấn đề này; phân tích sâu hơn những bất cập, vi phạm, chỉ rõ địa chỉ tổ chức, cá nhân vi phạm. 

Tại buổi làm việc Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn và Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Sỹ Bảy đã giải trình những vấn đề được các thành viên Đoàn giám sát quan tâm.
 
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải chủ trì làm việc với Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ


Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, việc tham gia tích cực của Thanh tra Chính phủ và KTNN là một trong những đổi mới trong hoạt động giám sát của Quốc hội; kết quả kiểm toán và kết quả thanh tra cung cấp những bằng chứng tin cậy về kết quả đạt được cũng như những bất cập, hạn chế trong thực hiện chính sách, pháp luật về năng lượng; là căn cứ quan trọng để Đoàn Giám sát xây dựng Báo cáo và Nghị quyết về giám sát năng lượng.

Từ các kết quả thanh tra, kiểm toán, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, Thanh tra Chính phủ và KTNN bổ sung các nội dung được thành viên Đoàn giám sát đề cập về kết quả đạt được cũng như bất cập, hạn chế, yếu kém, nguyên nhân và trách nhiệm trong thực hiện chính sách pháp luật về năng lượng thời gian qua và các nhiệm vụ, giải pháp để khắc phục. Các cơ quan cần thống kê và xây dựng Danh mục các văn bản quy phạm pháp luật cần hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới (tên văn bản; nội dung sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới; lý do sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới; thời hạn thực hiện, cơ quan chủ trì); Danh mục các dự án năng lượng trọng điểm chậm tiến độ, có khó khăn, vướng mắc, sai phạm nếu có (tên dự án, nội dung cơ bản về dự án, cơ quan chủ trì, mục tiêu, thời hạn thực hiện, tiến độ, nội dung khó khăn, vướng mắc, đề xuất giải pháp tháo gỡ).

Hà Linh