Vụ Pháp chế Kiểm toán nhà nước tập huấn về Quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng
(sav.gov.vn) - Sáng ngày 27/7/2023, tại trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN) - 116 Nguyễn Chánh, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội, Vụ Pháp chế tổ chức lớp đào tạo, bồi dưỡng nội bộ đợt 2 năm 2023.
Theo kế hoạch, nội dung đào tạo, bồi dưỡng gồm 4 chuyên đề, tập trung vào việc phổ biến, tập huấn nội dung các văn bản mới ban hành của KTNN.
Cụ thể, Quyết định số 07/2023/QĐ-KTNN ngày 16/5/2023 của Tổng Kiểm toán nhà nước về Quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng; Quyết định số 09/2023/QĐ-KTNN ngày 02/6/2023 của Tổng Kiểm toán nhà nước về Sửa đổi, bổ sung một số điều của một số văn bản quy phạm pháp luật do Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành, hướng dẫn về việc thực hiện xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Kiểm toán nhà nước; Quyết định số 811/QĐ-KTNN ngày 02/6/2023 của Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành Hướng dẫn về việc thực hiện xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Kiểm toán nhà nước; Quyết định số 10/2023/QĐ-KTNN ngày 05/7/2023 của Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành Quy định về khiếu nại, kiến nghị và khởi kiện trong hoạt động kiểm toán.
Lớp tập huấn diễn ra trong ngày 27 và 28/7/2023. Tại buổi tập huấn sáng 27/7/2023, Phó Trưởng phòng Pháp luật, Vụ Pháp chế Lê Thị Huyền đã chia sẻ nội dung Chuyên đề 1 - Quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, ban hành theo Quyết định số 07/2023/QĐ-KTNN ngày 16/5/2023 của Tổng Kiểm toán nhà nước.
Theo bà Lê Thị Huyền, Luật Phòng, chống tham nhũng đề cao vai trò và quy định rõ trách nhiệm của KTNN trong phòng, chống tham nhũng thông qua việc thực hiện chức năng kiểm toán.
Luật cũng quy định cụ thể, rõ ràng về trách nhiệm của KTNN trong phòng, chống tham nhũng. Theo đó, KTNN được xác định là một trong những cơ quan trực tiếp có trách nhiệm phát hiện và phối hợp xử lý tham nhũng.
Cùng với đó, Luật KTNN năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN năm 2019 quy định về trách nhiệm của Tổng Kiểm toán nhà nước: “Ban hành Quy trình kiểm toán các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng để quy định trình tự, thủ tục tiến hành kiểm toán, việc xác minh, làm rõ vụ việc tham nhũng, việc công khai báo cáo kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng”.
Khoản 5 Điều 5 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định về trách nhiệm của cơ quan nhà nước, tổ chức và cá nhân trong đấu tranh phòng, chống tội phạm quy định: “Cơ quan thanh tra, KTNN có trách nhiệm phối hợp với cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong việc phát hiện và xử lý tội phạm. Khi phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì phải chuyển ngay các tài liệu, đồ vật có liên quan và kiến nghị Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát xem xét, khởi tố vụ án hình sự.”
Cũng theo bà Huyền, việc triển khai thực hiện các luật trên, tạo cơ sở pháp lý và hướng dẫn thực hiện kiểm toán các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng theo quy định của pháp luật, tăng cường trách nhiệm của KTNN trong công tác phòng, chống tham nhũng, việc xây dựng “Quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng” là cần thiết. Quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng quy định về trình tự, thủ tục tiến hành kiểm toán, việc xác minh, làm rõ vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được phát hiện trong quá trình kiểm toán.
Trên cơ sở các quy định của Luật KTNN, Luật Phòng, chống tham nhũng, Quy trình quy định rõ việc kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được phát hiện trong quá trình kiểm toán được thực hiện gồm 03 bước: Phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng; xác minh, làm rõ vụ việc có dấu hiệu tham nhũng; xử lý vụ việc có dấu hiệu tham nhũng.
Quy trình cũng quy định rõ, trường hợp phát sinh các trường hợp khác ngoài quy định của Quy trình này thì thành viên Đoàn kiểm toán phải báo cáo Thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán trình Tổng Kiểm toán nhà nước xem xét, quyết định.
Theo Quy trình, Báo cáo kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng phải được công khai theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng. Việc công khai Báo cáo kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được thực hiện theo quy định của KTNN về công khai kết quả kiểm toán, kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán./.