Giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Kiểm toán nhà nước trong môi trường ứng dụng Công nghệ 4.0
(sav.gov.vn) - Ngày 3/8/2023, tại Trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN) - 116 Nguyễn Chánh, Hà Nội, Ban Chủ nhiệm đề tài khoa học cấp Bộ “Giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của KTNN trong môi trường ứng dụng Công nghệ 4.0” do Ths.Trần Đức Lâm và Ths.Trần Ngọc An đồng chủ nhiệm đã tổ chức Hội thảo xin ý kiến các Nhà khoa học, các chuyên gia có chuyên môn sâu và bề dày kinh nghiệm trong Ngành để hoàn thiện đề tài.
Nguyên Phó Tổng Kiểm toán nhà nước, Phó chủ tịch Hội đồng khoa học KTNN, GS Đoàn Xuân Tiên tham dự hội thảo.
Phát biểu tại hội thảo, Ths.Trần Đức Lâm cho biết, việc ứng dụng giải quyết hồ sơ trên nền tảng điện tử đã được Văn phòng Chính phủ triển khai từ nhiều năm nay với mục tiêu ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), hướng đến “Văn phòng chính phủ phi giấy tờ”; quản lý hành chính Nhà nước đi kèm với ứng dụng CNTT là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, phù hợp với quy luật phát triển xã hội, đã được triển khai, giúp cán bộ công chức có bước nhận thức cơ bản về sự cần thiết của việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào công tác quản lý hành chính Nhà nước.
Tuy nhiên, có rất ít đề tài nghiên cứu khoa học, các bài báo nghiên cứu được đăng trên các ấn phẩm có uy tín về việc sử dụng mô hình chấp nhận ứng dụng sử dụng CNTT trong khu vực công, nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và đặc biệt là các Cơ quan Kiểm toán tối cao.
Do vậy, Kiểm toán nhà nước (KTNN) cần có những nghiên cứu mang tính học thuật và thực tiễn để xác định chiến lược phát triển ứng dụng CNTT trong công tác phát triển nguồn nhân lực chất lượng, toàn diện hơn để bắt kịp với xu thế phát triển trong khu vực và trên thế giới. Trong bối cảnh Luật KTNN sửa đổi có hiệu lực từ ngày 01/7/2020 cho phép KTNN “được truy cập vào cơ sở dữ liệu quốc gia và dữ liệu điện tử của đơn vị được kiểm toán, của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán để khai thác, thu thập thông tin, tài liệu liên quan trực tiếp đến nội dung, phạm vi kiểm toán”. Đây vừa là cơ hội và cũng là thách thức đối với KTNN trong việc thực thi chức trách, nhiệm vụ đã được hiến định trong Hiến pháp, đòi hỏi Kiểm toán viên ngày càng chuyên nghiệp hơn và năng lực triển khai ứng dụng các công nghệ 4.0 cũng cần phải mạnh mẽ hơn.
Với ý nghĩa đó, Ban Chủ nhiệm đã chọn đề tài: “Giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của KTNN trong môi trường ứng dụng Công nghệ 4.0” để nghiên cứu những cơ sở lý luận, thực tiễn cũng như kinh nghiệm nước ngoài nhằm đề xuất các giải pháp ứng dụng các thành tựu khoa học của cách mạng công nghệ (CMCN) 4.0 như Big data, AI, Blockchain... phục vụ việc nâng cao chất lượng, của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, Kiểm toán viên của KTNN.
Ngoài phần Mở đầu, Mục lục, Kết luận, Tài liệu tham khảo, nội dung chính của đề tài được kết cấu thành 3 chương: Chương 1 - Những vấn đề chung về công nghệ 4.0 và nhu cầu phát triển nguồn nhân lực cao của KTNN; Chương 2 - Thực trạng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của KTNN trong môi trường ứng dụng công nghệ 4.0 tại KTNN; Chương 3 - Một số giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của KTNN trong môi trường ứng dụng công nghệ 4.0.
Nhận xét về đề tài, các Nhà khoa học, các chuyên gia đều cho rằng, đề tài “Giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của KTNN trong môi trường ứng dụng Công nghệ 4.0” là một đề tài hay, là công trình nghiên cứu khoa học công phu, phù hợp với thực tiễn (quản lý nguồn nhân lực của KTNN). Đề tài có giá trị khoa học, giá trị tham khảo nhất định trong hoạt động nghiên cứu của Ngành.
Các Nhà khoa học, các chuyên gia đánh gia cao phương pháp nghiên cứu đề tài của Ban đề tài. Theo đó, đề tài đã sử dụng mô hình lí thuyết nghiên cứu định tính và định lượng với các bảng câu hỏi điều tra, khảo sát, phỏng vấn để thu thập số liệu, dữ liệu thông tin về các biến; các nhân tố tác động ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực để phân tích, đánh giá thực trạng, nguyên nhân và đề xuất giải pháp.
Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng đề tài, các Nhà khoa học, các chuyên gia đã tập trung trao đổi về 2 vấn đề chính: Thực trạng nguồn nhân lực chất lượng cao của KTNN trong điều kiện ứng dụng công nghệ 4.0; đề xuất giải pháp để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của KTNN trong môi trường ứng dụng công nghệ 4.0; đồng thời khuyến nghị, Ban đề tài cần tập trung làm rõ và trả lời một số câu hỏi cả về lí luận, lí thuyết và thực trạng như: Tiêu chí, tiêu chuẩn, yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao của KTNN đáp ứng yêu cầu ứng dụng CNTT 4.0 trong hoạt động kiểm toán; nội hàm những yếu tố; thực trạng đội ngũ nguồn nhân lực của KTNN đã đáp ứng được những tiêu chí, tiêu chuẩn nào (số lượng, cơ cấu, kiến thức, trình độ, năng lực, kỹ năng, kinh nghiệm, sáng tạo trong sử dụng công nghệ 4.0); thực trạng cơ chế chính sách tổ chức quản lí, quản trị đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực đội ngũ Kiểm toán viên đáp ứng phục vụ quá trình ứng dụng công nghệ 4.0 trong hoạt động kiểm toán; làm thế nào để KTNN có được đội ngũ nguồn nhân lực đủ về số lượng, cơ cấu hợp lí đáp ứng được yêu cầu ứng dụng công nghệ 4.0 để tiến tới kiểm toán số; giải pháp để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong môi trường ứng dụng công nghệ 4.0…
Bên cạnh đó, Ban đề tài cần tập trung vào các nhóm giải pháp: Xây dựng, phát triển đội ngũ Kiểm toán viên công nghệ về số lượng, cơ cấu hợp lí; ưu tiên bổ sung các Kiểm toán viên chuyên ngành công nghệ làm nòng cốt…
Thay mặt Ban Chủ nhiệm đề tài, Ths.Trần Đức Lâm cảm ơn các Nhà khoa học và các chuyên gia tham dự hội thảo đã góp ý nhiều ý kiến hữu ích cho nội dung nghiên cứu của đề tài. Đồng thời, khẳng định sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến góp ý để chỉnh sửa, hoàn thiện đề tài trước khi trình Hội đồng nghiệm thu./.