Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương chủ trì buổi làm việc giữa Đoàn giám sát của Quốc hội với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về việc triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia

(sav.gov.vn) - Sáng 4/8/2023, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Thượng tướng, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương – Trưởng Đoàn giám sát, Đoàn giám sát của Quốc hội đã có buổi làm việc với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về việc triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG).

Cùng dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh - Phó trưởng Đoàn giám sát, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm - Phó trưởng Đoàn giám sát; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội là các thành viên Đoàn giám sát, Tổ giúp việc Đoàn giám sát.

Về phía cơ quan báo cáo có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; đại diện Ủy ban Dân tộc, Văn phòng Quốc hội, Kiểm toán nhà nước, Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Chính sách xã hội, các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Thông tin và Truyền thông, Xây dựng, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giáo dục và Đào tạo….

Phát biểu mở đầu buổi làm việc, Thượng tướng, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, Đoàn giám sát sẽ nghe Tổ công tác và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về báo cáo những vấn đề liên quan đến việc triển khai thực hiện các CTMTQG, trọng tâm là CTMTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

Ngoài Báo cáo của Tổ công tác và của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội làm rõ kết quả nổi bật của CTMTQG giảm nghèo bền vững, cụ thể: Thành tích giảm nghèo của các vùng và từng địa phương; Việc thực hiện Chương trình trước khi giám sát và từ khi Quốc hội giám sát tối cao đến nay; Kết quả nổi bật nhất của Bộ và các địa phương; Kết quả tháo gỡ 27 vấn đề của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội theo Công điện 71 của Thủ tướng Chính phủ; Vấn đề triển khai Nghị định 38 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Thông tư hướng dẫn của Bộ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội làm rõ khó khăn, hạn chế, tồn tại cơ bản của CTMTQG giảm nghèo bền vững có liên quan đến 2 Chương trình còn lại; đánh giá lại tính thực chất và tính bền vững, chỉ tiêu nghèo đa chiều; tại sao thời gian qua hộ cận nghèo tăng lên, nguyên nhân của tình trạng này.

Xung quanh vấn đề vốn, làm rõ có hay không câu chuyện cào bằng, sự manh mún, dàn trải của CTMTQG giảm nghèo bền vững; có hay không chưa phân bổ vốn. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, thực tế cho thấy rất khó huy động vốn trong dân, tuy nhiên vẫn có những địa phương huy động vốn rất tốt.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị phân tích làm rõ nguyên nhân chủ quan ngoài những nguyên nhân khách quan; làm rõ có hay không “bội thực văn bản”, có hay không giấy phép con, cát cứ; có hay không tình trạng sợ sai, không dám làm từ Trung ương đến cơ sở; có hay không tình trạng chỉ đạo tháo gỡ tuy cố gắng nhưng chưa quyết liệt và hiệu quả?

Đồng thời đề nghị Bộ Lao động, Thuơng binh và Xã hội làm rõ trách nhiệm của Bộ chủ quản đối với CTMTQG giảm nghèo bền vững và các Chương trình còn lại.
Các đại biểu đã nghe Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Lâm Văn Đoan, Tổ trưởng Tổ Công tác báo cáo một số vấn đề quan tâm liên quan đến việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; nghe Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội báo cáo việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 24/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư CTMTQ giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

Qua thảo luận, thành viên Đoàn giám sát đánh giá cao Báo cáo của Tổ Công tác và Báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về việc triển khai thực hiện CTMTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; đồng thời cho rằng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các Bộ, ngành hữu quan, các địa phương đã nỗ lực triển khai các nhiệm vụ được Quốc hội giao, đạt được những kết quả bước đầu, nhất là ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, hệ thống cơ chế, chính sách khung để thực hiện Chương trình, góp phần thực hiện đạt mục tiêu giảm nghèo đa chiều hằng năm, cải thiện cuộc sống người dân, nhất là hộ nghèo, cận nghèo tại các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo.

Bên cạnh những kết quả đạt được, các ý kiến Đoàn giám sát cho rằng, nhiều văn bản của 03 CTMTQG, trong đó có CTMTQG giảm nghèo bền vững ban hành chậm, nội dung ban hành còn có vướng mắc, bất cập cả ở cấp Trung ương và địa phương, do đó việc triển khai thực hiện còn có hạn chế, nhất là các quy định tại Nghị định 27/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý tổ chức thực hiện các CTMTQG.

Nguồn vốn từ ngân sách Trung ương vẫn giữ vai trò chủ đạo trong thực hiện Chương trình. Đến năm 2023, nguồn vốn sự nghiệp Trung ương, nguồn vốn đối ứng từ ngân sách địa phương và huy động hợp pháp khác tuy đã bố trí song tỷ lệ còn thấp so với kế hoạch vốn quy định tại Nghị quyết số 24. Do đó, Đoàn giám sát đề nghị cần sớm có giải pháp thúc đẩy việc bố trí, huy động các nguồn vốn này đạt kế hoạch đã đề ra.

Đồng thời, cần phân tích, đánh giá, làm rõ hơn hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo địa phương của các CTMTQG trong việc quản lý, tổ chức và điều hành các CTMTQG; hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan chủ quản thực hiện 03 CTMTQG, giữa các cơ quan chủ quản Chương trình với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài Chính; trách nhiệm và sự chủ động, tích cực của các cơ quan chủ quản thực hiện Chương trình (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), người đứng đầu các Bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai CTMTQG giảm nghèo bền vững.

Thảo luận nội dung này, Đại biểu Trần Văn Tiến - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trả lời - đến ngày 30/6/2022 có những văn bản nào liên quan đến giảm nghèo bền vững chưa được ban hành ở các Bộ, ngành ở Trung ương; đến ngày 15/6/2023 còn những văn bản nào chưa được sửa đổi, bổ sung theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội làm rõ thêm về tỉ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số trên tỉ lệ hộ nghèo trong thời gian qua biến đồng như thế nào? đồng thời cho biết nguyên nhân, giải pháp để đạt được các chỉ tiêu về giảm nghèo cũng như các giải pháp để giải ngân hết số vốn giai đoạn 2021-2023. Đại biểu Trần Văn Tiến cũng đề nghị Bộ cho biết thêm thông tin về tình hình vốn đối ứng của các địa phương và vốn huy động từ các nguồn hợp pháp khác cho CTMTQG giảm nghèo bền vững.
 
Cũng tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã giải trình làm rõ các vấn đề mà Đoàn giám sát quan tâm về: Tính bền vững của CTMTQG giảm nghèo; về nguồn vốn, về tình trạng manh mún, đầu tư dàn trải, phân tán…

Đại diện Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội và Kiểm toán nhà nước cũng giải trình làm rõ một số nội dung liên quan.
 
hượng tướng, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội làm rõ kết quả nổi bật của CMTQG giảm nghèo bền vững


Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội nhấn mạnh: Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội là Bộ rất tích cực trong việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong việc trả lời Công điện 71 của Thủ tướng Chính phủ. Thời gian qua, kết quả giảm nghèo nhanh - đây là kết quả đạt được mà nhân dân đồng tình và Liên hợp quốc đánh giá cao. Do đó, đề nghị Báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cần làm rõ những điểm sáng nổi bật trong thực hiện CTMTQG giảm nghèo bền vững.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội làm rõ một số tồn tại, hạn chế cơ bản của CTMTQG giảm nghèo bền vững như tình trạng cào bằng, đầu tư manh mún, dàn trải; tình trạng “giấy phép con”, cát cứ; việc phối hợp với các Bộ, ngành chưa đồng bộ, khó huy động vốn đối ứng; các vấn đề về thực tiễn năng lực của cán bộ các cấp, tâm lý sợ sai, tính bền vững của Chương trình…, từ đó, đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sớm có giải pháp tháo gỡ các vướng mắc, tồn tại nêu trên. Qua cuộc làm việc này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Tổ Công tác có văn bản gửi Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội để Bộ sớm hoàn thiện báo cáo bổ sung thêm gửi Đoàn giám sát./.

Hà Linh