Kiểm toán nhà nước Việt Nam và  Uỷ ban Kiểm toán Indonesia hội thảo chung về kiểm toán quản lý chất thải

(sav.gov.vn) - Sáng 11/8/2023, tại trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN)Việt Nam - 116 Nguyễn Chánh, KTNN Việt Nam và Uỷ ban kiểm toán (UBKT) Indonesia tổ chức hội thảo chung lần thứ 3 với chủ đề “Kiểm toán quản lý chất thải”. Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn và Chủ tịch UBKT Indonesia Isma Yatun đồng chủ trì hội thảo.


Hội thảo có sự tham dự của Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Indonesia Denny Abdi tại Việt Nam; Bí thư thứ nhất Yati Marlinawati - Đại sứ quán Indonesia.
 
Về phía KTNN Việt Nam có sự tham gia của Vụ trưởng các Vụ: Hợp tác quốc tế (HTQT), Tổng hợp, Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán (CĐ&KSCLKT), Pháp chế; Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành III, KTNN khu vực VII; một số Kiểm toán viên và chuyên viên Vụ HTQT.
 
Về phía UBKT Indonesia có sự tham dự của: Vụ trưởng Vụ Quan hệ công chúng và Hợp tác quốc tế; một số Kiểm toán viên và chuyên viên cao cấp.
 
Phát biểu khai mạc, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, KTNN Việt Nam đánh giá cao sự ủng hộ và hỗ trợ của UBKT Indonesia dành cho KTNN Việt Nam thời gian qua, đặc biệt là trong việc nâng cao năng lực cho KTNN Việt Nam về kiểm toán môi trường, kiểm toán điều tra. Thời gian qua, hai Cơ quan đã thường xuyên phối hợp tổ chức thành công nhiều hoạt động thiết thực và có ý nghĩa như: Trao đổi các Đoàn công tác; cử chuyên gia và Kiểm toán viên tham gia hoạt động kiểm toán thực địa tại hai nước; chia sẻ thông tin và ủng hộ lẫn nhau trong các diễn đàn đa phương; bước đầu duy trì hội thảo chung thường niên về những chủ đề mà hai Bên cùng quan tâm. “Những hoạt động này không chỉ giúp tăng cường năng lực cơ quan KTNN hai nước mà còn thúc đẩy mối quan hệ hợp tác hữu nghị tốt đẹp giữa KTNN Việt Nam và UBKT Indonesia” – Tổng Kiểm toán nhà nước Việt Nam phát biểu.
 
Tổng Kiểm toán nhà nước Việt Nam nhấn mạnh, KTNN Việt Nam đặc biệt đánh giá cao sự ủng hộ và hỗ trợ của UBKT Indonesia dành cho KTNN Việt Nam trong lĩnh vực kiểm toán môi trường (KTMT). Năm 2018, trong khuôn khổ Dự án GIG do Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ- USAID  tài trợ, các chuyên gia của UBKT Indonesia đã hỗ trợ KTNN Việt Nam về kỹ thuật kiểm toán hoạt động và kiểm toán môi trường, phục vụ cuộc kiểm toán “Công tác quản lý môi trường đối với các Khu công nghiệp tại tỉnh Bắc Ninh”, trong tất cả các giai đoạn của cuộc kiểm toán. Năm 2020-2021, UBKT Indonesia tiếp tục cử chuyên gia hỗ trợ đào tạo Kiểm toán viên một số Cơ quan Kiểm toán tối cao tham gia cuộc kiểm toán hợp tác do KTNN Việt Nam chủ trì về chủ đề quản lý nguồn nước lưu vực sông Mê Kông gắn với việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
 
Tổng Kiểm toán nhà nước Việt Nam cho biết, tiếp nối thành công hai cuộc hội thảo thường niên đã được 02 Cơ quan phối hợp tổ chức: Hội thảo chung trực tuyến lần thứ 1 năm 2021 với chủ đề “Quản lý đào tạo nguồn nhân lực”; Hội thảo chung lần thứ 2 năm 2022 tại Indonesia về “Kiểm toán công tác ứng phó với đại dịch Covid-19” và “Vai trò của SAI trong phòng, chống tham nhũng”, hai Cơ quan tiến hành tổ chức hội thảo lần thứ ba, tập trung vào một vấn đề thiết thực cùng quan tâm là “Kiểm toán quản lý chất thải”.

Theo Tổng Kiểm toán nhà nước Việt Nam, đây sẽ là diễn đàn khoa học để công chức, Kiểm toán viên hai Cơ quan học hỏi lẫn nhau trong lĩnh vực nêu trên thông qua kinh nghiệm và hoạt động thực tiễn của mỗi Bên.
 
Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch UBKT Indonesia Isma Yatun cho biết, thách thức liên quan đến phát thải và ảnh hưởng đến môi trường được các nước trên thế giới rất quan tâm; liên quan mật thiết tới việc xây dựng nền kinh tế bền vững. Tại Indonisia, vấn đề quản lý chất thải là ưu tiên hàng đầu, thể hiện cam kết của quốc gia hướng tới nền kinh bền vững và bảo vệ môi trường. Để theo đuổi sứ mệnh này, UBTK Indonesia đã tiến nhiều cuộc kiểm toán khác nhau về quản lý chất thải tại Indonesia. “Tại hội thảo này, chúng tôi rất mong muốn chia sẻ kinh nghiệm đồng thời học tập kinh nghiệm từ KTNN Việt Nam trong lĩnh vực KTMT. Đây là cơ hội để hai Bên tăng cường năng lực, từ đó đóng góp vào sự phát triển bền vững của hai quốc gia” - Chủ tịch UBKT Indonesia phát biểu.
 
Chủ tịch UBKT Indonesia Isma Yatun phát biểu
 
Hội thảo đã nghe Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành III Lê Tùng Lâm trình bày tham luận về quản lý chất thải tại Việt Nam và vai trò của KTNN, bao gồm các nội dung: Cơ sở pháp lý về quản lý chất thải tại Việt Nam; Tổ chức bộ máy về quản lý chất thải; Thực trạng quản lý chất thải tại Việt Nam và sức ép tới môi trường; Các vấn đề về quản lý chất thải phát hiện qua hoạt động kiểm toán của KTNN; Kiến nghị nâng cao hiệu quả kiểm toán quản lý chất thải.
 
Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành III cho biết, hiện nay, KTNN Việt Nam cơ bản đã hoàn thiện bộ máy, tổ chức để thực hiện KTMT; xây dựng và ban hành Hướng dẫn KTMT, Tài liệu đào tạo KTMT; tổ chức các lớp bồi dưỡng, đào tạo về KTMT, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức về môi trường, KTMT với sự tham gia của chuyên gia môi trường; tăng cường hoạt động hợp tác quốc tế với các cơ quan KTNN có thế mạnh về KTMT như UBKT Indonesia, KTNN Ấn Độ, Quỹ Kiểm toán và Trách nhiệm giải trình Canada CAAF...; đồng thời từng bước hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về KTMT và đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin cùng các phương pháp kiểm toán hiện đại vào hoạt động kiểm toán. “Trên cơ sở kết quả đạt được, năm 2020 đánh dấu lần đầu tiên vai trò, chức năng, nhiệm vụ của KTNN Việt Nam về thực hiện kiểm toán trong lĩnh vực môi trường được quy định tại Luật BVMT năm 2020” – Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành III cho biết.
 
Đối với lĩnh vực quản lý chất thải, KTNN Việt Nam luôn xác định đây là một trong những nội dung trọng tâm của KTMT. Trong giai đoạn 2016 - 2023, KTNN đã triển khai nhiều cuộc kiểm toán quản lý chất thải dưới cả 3 loại hình kiểm toán hoạt động, tài chính và tuân thủ. Các chủ đề kiểm toán đều là các vấn đề môi trường “nóng”, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tác động tiêu cực môi trường được xã hội quan tâm, đồng thời đã được KTNN rà soát, thu thập thông tin, đánh giá một cách kỹ lưỡng trước khi đưa vào kế hoạch thực hiện nhằm đảm bảo tối đa hóa các tác động và giá trị gia tăng mà cuộc kiểm toán có thể đem lại.
 
Trên cơ sở các kết quả kiểm toán, KTNN Việt Nam đã đưa ra các cảnh báo về nguy cơ, rủi ro ô nhiễm môi trường cùng với hàng loạt các giải pháp hữu ích, có tính khả thi cao nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế và tăng cường tính hiệu quả, hiệu lực trong công tác quản lý chất thải như: Những vấn đề còn bất cập, vướng mắc trong hệ thống cơ chế, chính sách, quy hoạch về quản lý chất thải; những cảnh báo, khuyến nghị đối với các rủi ro ô nhiễm môi trường trong hoạt động quản lý, xử lý chất thải; phát hiện và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm các cơ sở hoạt động chưa tuân thủ đầy đủ các quy định về quản lý chất thải; chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện thẩm định, phê duyệt các thủ tục, hồ sơ môi trường như báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép xả nước thải...
 
Theo ông Lê Tùng Lâm, trong thời gian tới, KTNN Việt Nam đã bám sát các quan điểm, mục tiêu và trụ cột phát triển đã được phê duyệt theo Chiến lược phát triển KTNN Việt Nam đến năm 2030 nhằm tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động phát triển, tăng cường năng lực cho hoạt động KTMT thông qua những biện pháp như sau: Nghiên cứu, xây dựng Kế hoạch chiến lược, lộ trình phát triển KTMT trong ngắn hạn, trung hạn, dài hạn của KTNN; tập trung tăng cường năng lực về KTMT nói chung và kiểm toán quản lý chất thải nói riêng; đẩy mạnh việc áp dụng các phương pháp kiểm toán hiệu quả trong lĩnh vực kiểm toán quản lý chất thải như sử dụng chuyên gia tư vấn, kiểm tra hiện trường, áp dụng công nghệ thông tin; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về KTMT, kiểm toán quản lý chất thải một cách đầy đủ, chính xác và khoa học; từng bước mở rộng phạm vi lựa chọn những chủ đề kiểm toán quản lý chất thải mới đang được quan tâm như ứng phó biến đổi khí hậu thông qua việc giảm phát thải khí nhà kính; các giải pháp hạn chế sử dụng và phát sinh rác thải nhựa; việc quản lý, sử dụng tài chính công cho các dự án năng lượng xanh, các dự án tái chế, tài sử dụng, xử lý chất thải; tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế về lĩnh vực KTMT, kiểm toán quản lý chất thải; tham gia tích cực và có hiệu quả các chương trình hợp tác về KTMT...
 
Toàn cảnh buổi Hội thảo
 
Đại diện cho UBKT Indonsia, Kiểm toán viên cao cấp Normas Andi Ahmad đã trình bày bài tham luận, chia sẻ kinh nghiệm về hoạt động kiểm toán quản lý chất thải của UBKT Indonsia.
 
Ngoài việc chia sẻ tổng quan chất thải nói chung và quản lý chất thải tại Indonesia, ông Normas Andi Ahmad tập trung chia sẻ về các cuộc kiểm toán đã được thực hiện bởi UBKT Indonesia liên quan đến chủ đề quản lý chất thải; các lĩnh vực cần cải thiện và bài học từ các cuộc kiểm toán.

Theo đó, trong năm năm qua, UBKT Indonesia đã thực hiện một số cuộc kiểm tra về các chủ đề quản lý chất thải: Kiểm toán công tác kiểm soát và quản lý ô nhiễm đầu nguồn lưu vực sông Citarum quý II năm 2018 nhằm đánh giá những nỗ lực của Chính phủ trong việc kiểm soát ô nhiễm ở lưu vực sông Citarum, một trong những con sông quan trọng nhất ở Indonesia; Kiểm toán công tác quản lý chất thải nguy hại năm 2020 nhằm đánh giá những nỗ lực của Chính phủ trong việc quản lý chất thải nguy hại từ các nguồn công nghiệp và y tế, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 khiến nhu cầu khám chữa bệnh gia tăng đột biến khiến lượng chất thải y tế tăng theo; Kiểm toán công tác quản lý chất thải rắn đô thị tại các địa phương năm 2022 nhằm đánh giá những nỗ lực của Chính phủ trong việc quản lý chất thải rắn đô thị. Đây là cuộc kiểm toán chuyên đề được thực hiện đối với 20 chính quyền địa phương trên khắp các tỉnh ở Indonesia.
 
Các phương pháp được UBKT Indonisa sử dụng khi tiến hành kiểm toán: Phỏng vấn, xem xét tài liệu, tham quan thực địa; phân tích trong phòng thí nghiệm; thuê chuyên gia để đưa ra ý kiến. UBKT Indonesia tiến hành phân tích cơ sở dữ liệu để xác định các nguồn gây ô nhiễm hoặc sản xuất chất thải; khảo sát các bên liên quan; tổ chức thảo luận nhóm tập trung với tất cả các bên liên quan thích hợp để thảo luận về việc thực hiện chương trình, những thách thức hoặc những thay đổi tiềm năng của chương trình.
 
Chia sẻ về những bài học từ các cuộc kiểm toán, đại diện UBKT Indonexia cho biết, việc sử dụng chuyên gia trong từng giai đoạn kiểm toán là rất có lợi để tạo ra kết quả kiểm toán chất lượng cao. Do cuộc kiểm toán có sự tham gia của nhiều bên liên quan nên điều quan trọng là phải cải thiện sự phối hợp liên ngành trong từng giai đoạn của cuộc kiểm toán. Để thu thập và phân tích một lượng lớn dữ liệu cũng như phân tích chúng, việc sử dụng công nghệ là rất quan trọng để vượt qua những khó khăn.
 
Sau khi nghe phần trình bày của hai Bên, các thành viên tham dự hội thảo đã thảo luận, làm rõ hơn những nội dung được trình bày; cũng như bàn các giải pháp để tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động KTMT nói chung, kiểm toán chất thải nói riêng của hai bên.
 
Phát biểu bế mạc Hội thảo, Tổng Kiểm toán nhà nước Việt Nam Ngô Văn Tuấn, cảm ơn những ý kiến phát biểu thẳng thắn, sôi nổi, nhiều kiến thức có giá trị khoa học và thực tiễn của các chuyên gia, các đại biểu tham dự. “Diễn đàn khoa học này mang lại cho KTNN Việt Nam những kiến thức, kinh nghiệm thực tế quý báu. Những thông tin tham khảo hữu ích được đúc kết từ hoạt động kiểm toán quản lý chất thải của cơ quan KTNN Indonesia sẽ được nghiên cứu, vận dụng trong quá trình tổ chức thực hiện kiểm toán cũng như trong quá trình đổi mới, nâng cao năng lực hoạt động kiểm toán của KNTN Việt Nam” – Tổng Kiểm toán nhà nước Việt Nam nhấn mạnh.
 
Theo Tổng Kiểm toán nhà nước Việt Nam, sau Hội thảo này, nếu hai bên cần trao đổi, làm rõ thêm thông tin về các nội dung liên quan đến chủ đề thảo luận, hai bên sẽ tiếp tục phối hợp, trao đổi thông tin, tài liệu tham khảo thông qua Vụ HTQT của hai Cơ quan.
 
Tổng Kiểm toán nhà nước Việt Nam mong muốn trong thời gian tới, hoạt động hợp tác giữa hai Bên sẽ tiếp tục hiệu quả và đi vào chiều sâu hơn nữa thông qua việc phối hợp tổ chức tọa đàm, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về những chủ đề, lĩnh vực mà hai Bên cùng quan tâm, qua đó nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng và hiệu lực kiểm toán của mỗi Cơ quan./.
 
Ngọc Bích