Chia sẻ kinh nghiệm về các sai sót thường gặp trong hoạt động kiểm toán lĩnh vực ngân sách địa phương
(sav.gov.vn) - Chiều ngày 11/8/2023, tại Hà Nội, Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán (ĐT&BDNVKT) phối hợp với Kiểm toán nhà nước (KTNN) khu vực VI tổ chức tọa đàm với chủ đề ‘Chia sẻ kinh nghiệm về các sai sót thường gặp trong hoạt động kiểm toán lĩnh vực ngân sách địa phương”. Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ, Giám đốc Trường ĐT&BDNVKT Trần Kim Lộc và Kiểm toán trưởng KTNN khu vực VI Vũ Khánh Toàn đồng Chủ trì Tọa đàm.
Tọa đàm diễn ra theo hình thức trực tiếp và trực tuyến đến 13 KTNN khu vực với 121 đại biểu tham dự.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ cho biết, Kiểm toán ngân sách địa phương (NSĐP) là lĩnh vự kiểm toán quan trọng trong kế hoạch kiểm toán thường niên của KTNN và được Quốc hội, Chính phủ đặc biệt quan tâm. Trong kế hoạch kiểm toán trung hạn giai đoạn 2024 - 2026, KTNN vẫn xác định “Kiểm toán NSĐP” là nội dung trọng tâm trong kế hoạch kiểm toán của KTNN.
Theo Phó Tổng Kiểm toán nhà nước, việc đảm bảo thực hiện tốt các khâu liên quan trực tiếp đến hoạt động kiểm toán, từ khâu lập kế hoạch kiểm toán đến việc kiểm tra thực hiện kiến nghị kiểm toán sẽ góp phần quan trọng nâng cao chất lượng cuộc kiểm toán; giúp nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng ngân sách, tiền và tài sản Nhà nước tại các địa phương; phục vụ công tác quản lý, điều hành NSNN, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ, giám sát của Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã tập trung đóng góp ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm về: Kiểm toán chi sự nghiệp môi trường trong kiểm toán NSĐP; kiểm toán và các phát hiện kiểm toán khi kiểm toán công tác lập, phân bổ dự toán; kiểm toán các khoản chi chuyển nguồn ngân sách trong kiểm toán NSĐP; những vấn đề cần lưu ý khi lập kế hoạch kiểm toán tổng quát của Đoàn kiểm toán đối với cuộc kiểm toán NSĐP thông qua công tác thẩm định kế hoạch kiểm toán; thực trạng và khuyến nghị về việc tổng hợp kết quả, kiến nghị và phát hành báo các kiểm toán trong lĩnh vực NSĐP qua công tác phát hành của Vụ Tổng hợp...
Các đại biểu đều cho rằng, việc xây dựng và thường xuyên cập nhật cơ sở dữ liệu về các đơn vị được kiểm toán, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) hỗ trợ công tác khảo sát, thu thập thông tin và lập kế hoạch tổng quát là nhiệm vụ quan trọng, đảm bảo tính chính xác, giảm thiểu chi phí, nâng cao hiệu quả của hoạt động kiểm toán.
Đặc biệt, việc tăng cường ứng dụng CNTT trong công tác tổng hợp kết quả và dự thảo kiến nghị kiểm toán sẽ phục vụ hiệu quả cho công tác tổng hợp, tham mưu cho Lãnh đạo KTNN trong chỉ đạo, điều hành.
Ngoài ra, việc xây dựng cơ sở dữ liệu pháp luật về KTNN và pháp luật liên quan đến các lĩnh vực kiểm toán; việc trang bị các phương tiện tin học hiện đại sex giúp Kiểm toán viên truy cập để cập nhật, áp dụng pháp luật chuẩn xác trong quá trình thực thi công vụ.
Chia sẻ về việc tổng hợp kết quả, kiến nghị và phát hành báo cáo kiểm toán, TS. Lê Hoài Nam - Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp cho rằng, KTNN cần đẩy mạnh phân cấp việc kiểm tra, rà soát việc phát hành báo cáo kiểm toán cho các KTNN chuyên ngành, khu vực theo hướng: Kiểm toán trưởng và Đoàn kiểm toán chịu trách nhiệm về việc rà soát ý kiến tham gia của các đơn vị tham mưu, đơn vị được kiểm toán và trình bày đầy đủ các nội dung thay đổi chính trên dự thảo báo cáo kiểm toán. Vụ Tổng hợp chịu trách nhiệm rà soát và tham mưu Lãnh đạo KTNN về các nội dung thay đổi chính được nêu trong tờ trình phát hành báo cáo kiểm toán.
Bên cạnh đó, KTNN nghiên cứu bổ sung hướng dẫn về xác định nguyên nhân (khách quan, chủ quan) và trách nhiệm của Kiểm toán viên, Tổ kiểm toán, Đoàn kiểm toán trong trường hợp phải điều chỉnh đánh giá, kiến nghị kiểm toán tại các dự thảo báo cáo kiểm toán, đặc biệt là việc điều chỉnh do không thu thập đủ bằng chứng kiểm toán dẫn đến đưa ra nhận định, đánh giá sai...Để báo cáo kiểm toán đạt chất lượng, đúng thời hạn, theo ông Lê Hoài Nam, các Đoàn kiểm toán phải thu thập bằng chứng kiểm toán hợp lý, hợp lệ, cơ sở pháp lý chắc chắn để củng cố cho các kết quả và kiến nghị kiểm toán. Hồ sơ phát hành đảm bảo đầy đủ, logic đòi hỏi công tác tổng hợp, hoàn thiện phải được theo dõi, cập nhật thường xuyên các thay đổi.
Thảo luận về giải pháp khi lập kế hoạch kiểm toán tổng quát của Đoàn kiểm toán NSĐP, đại diện Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán cho rằng, KTNN khu vực cần phối hợp chặt chẽ với Vụ Tổng hợp trong việc xây dựng kế hoạch kiểm toán (KHKT), dự kiến phương án kiểm toán hàng năm, định hướng các trọng yếu liên quan đến từng cuộc kiểm toán để chủ động thu thập thông tin đầy đủ phục vụ công tác lập KHKT tổng quát đạt chất lượng. Chú trọng hơn nữa công tác khảo sát thu thập thông tin phục vụ lập KHKT tổng quát, trong đó dành thời gian thỏa đáng, bố trí nhân sự có kinh nghiệm, có chuyên môn sâu thực hiện từ khâu khảo sát thu thập thông tin đến việc khâu lập KHKT tổng quát; thu thập toàn diện các thông tin về các đơn vị trực thuộc và các dự án đầu tư dự kiến đưa vào đầu mối kiểm toán nhằm đảm bảo thông tin được đầy đủ, chính xác, hạn chế việc điều chỉnh nội dung, đầu mối khi lập KHKT tổng quát cũng như phải điều chỉnh trong quá trình thực hiện kiểm toán.
Về kiến nghị về cơ sở pháp lý cho các kết luận, kiến nghị kiểm toán, đại diện Vụ Pháp chế cho rằng, các đơn vị cần nâng cao kiến thức và trình độ hiểu biết pháp luật cho đội ngũ Kiểm toán viên; hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn, văn bản quản lý điều hành liên quan đến lĩnh vực NSĐP, cụ thể như: Luật Ngân sách Nhà nước; hệ thống văn bản điều hành ngân sách thuộc trách nhiệm các Bộ, ngành, địa phương; hệ thống các quy định, hướng dẫn điều hành quản lý ngân sách hằng năm; hệ thống văn bản hướng dẫn, chỉ thị quy định về điều hành ngân sách, kế hoạch vốn trong niên độ thực hiện.
Kết thúc tọa đàm, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ ghi nhận và cảm ơn sự đóng góp rất tích cực của các đại biểu tham dự tọa đàm. Để thực hiện tốt kế hoạch đề ra, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước đề nghị các Vụ Tổng hợp, Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán, Pháp chế trên cơ sở nội dung tọa đàm, tiếp tục nghiên cứu và có những giải pháp để nâng cao chất lượng kiểm toán quyết toán ngân sách, kiểm toán tài chính công, tài sản công đối với NSĐP./.