Hoàn thiện dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)

(sav.gov.vn) – Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), sáng 17/8/2023, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, UBTVQH cho ý kiến về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) (sửa đổi).


Trình bày tờ trình về dự án Luật BHXH sửa đổi, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Đào Ngọc Dung cho biết, mục tiêu của việc sửa Luật nhằm bảo đảm an sinh xã hội của người dân dựa trên quyền con người; sửa đổi căn bản các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn; mở rộng, gia tăng quyền, lợi ích để thu hút người lao động tham gia bảo hiểm xã hội.
 
Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) cụ thể hóa quy định các nội dung lớn như: Bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống BHXH đa tầng; mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc; bổ sung quyền lợi hưởng các chế độ ốm đau, thai sản đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn; bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện…
 
Dự thảo Luật đã giảm điều kiện về số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu hằng tháng từ 20 năm xuống 15 năm; quy định hưởng BHXHmột lần; bổ sung quy định quản lý thu, đóng BHXH nhằm xử lý tình trạng trốn đóng BHXH; căn cứ đóng BHXH bắt buộc; sửa đổi các quy định gắn với tiền lương khu vực Nhà nước phù hợp với định hướng của Nghị quyết số 27-NQ/TW; sửa đổi, bổ sung về đa dạng hoá danh mục, cơ cấu đầu tư quỹ BHXH theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả; chi phí quản lý BHXH.
 
Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã bổ sung 5 nhóm tham gia BHXH bắt buộc gồm: Chủ hộ kinh doanh (có đăng ký kinh doanh); người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn Nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương; người lao động làm việc không trọn thời gian (người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt); người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố tương tự như đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; trường hợp không giao kết hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên phù hợp với Bộ luật Lao động năm 2019.
 
Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trình bày tờ trình

Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH cho biết việc quy định thời gian đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu là phải đủ 20 năm như hiện hành đã gây khó khăn, giảm cơ hội được hưởng lương hưu của một số đối tượng do không đóng BHXH đủ 20 năm. Do vậy, Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã sửa đổi theo hướng quy định người lao động khi đủ tuổi nghỉ hưu mà có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm trở lên thì được hưởng lương hưu hằng tháng. Quy định này nhằm tạo cơ hội cho một số nhóm đối tượng bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội muộn (45-47 tuổi mới bắt đầu tham gia) hoặc tham gia không liên tục hoặc làm công việc đặc thù có thời gian làm nghề ngắn dẫn đến khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng BHXH cũng có cơ hội được hưởng lương hưu hằng tháng và được bảo đảm bảo hiểm y tế.

Cũng theo Bộ trưởng, quy định này cũng góp phần giảm số người hưởng BHXH một lần do đủ điều kiện hưởng lương hưu. Đối với người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội dài hơn thì vẫn được hưởng lương hưu với tỷ lệ hưởng lương hưu cao hơn không thay đổi so với quy định hiện hành…
 
Thay mặt cơ quan thẩm tra dự án Luật BHXH (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh, thường trực Ủy ban Xã hội cơ bản nhất trí với mục tiêu và các quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Luật đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ lưu ý Luật BHXH phải phản ánh được tính lịch sử; tâm lý xã hội; dân số; sức khỏe nhân dân, dựa trên những căn cứ khoa học, tính thực tiễn, đánh giá kỹ lưỡng, tính toán cụ thể, tính dự báo cao và pháp điển hóa những quy định về chính sách, pháp luật về BHXH.
 
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, cần có những đổi mới căn bản để xử lý những tồn tại, hạn chế trong thực tiễn; phân tích rõ tính ưu việt của các chính sách sửa đổi, bổ sung và tính đến những tình huống phản ứng chính sách của người lao động, người sử dụng lao động và các đối tượng chịu sự điều chỉnh của dự án Luật; các tác động đến tình hình chính trị, kinh tế - xã hội, dư luận xã hội.
 
Để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, tính tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ đánh giá cụ thể, đầy đủ về mối quan hệ giữa Luật BHXH và các Luật có điều chỉnh về các chính sách vể BHXH và cập nhật tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TW về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020. Ngoài ra, Chính phủ cần giải trình rõ hơn sự tương thích với Công ước 102 của Tổ chức Lao động quốc tế về an sinh xã hội dự kiến sẽ trình Quốc hội phê chuẩn trong thời gian tới; tương thích với các quy định có liên quan trong các hiệp định song phương, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
 
Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị Cơ quan soạn thảo đánh giá cụ thể hơn đối với từng chính sách để bảo đảm tính khả thi của việc giải quyết vấn đề giới trong dự thảo Luật; đồng thời bổ sung giải trình về việc bảo đảm chính sách dân tộc trong dự án Luật; quy định các nguyên tắc, nội dung liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số về các chính sách BHXH đặc thù.
 
Thường trực Ủy ban Xã hội đánh giá Hồ sơ dự án Luật cơ bản đáp ứng yêu cầu theo quy định tại Điều 64 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, Luật, Báo cáo đánh giá tác động chính sách, Báo cáo việc rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến dự án Luật còn chưa đầy đủ, chưa toàn diện; chưa có giải trình, thuyết minh, thông tin dữ liệu liên quan đến các chính sách, nhất là các chính sách mới, quy định phát sinh so với đề xuất xây dựng dự án Luật; Tờ trình chưa giải trình việc thay đổi bố cục dự thảo Luật; dự thảo các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành chưa được rà soát, cập nhật theo dự thảo Luật trình UBTVQH.
 
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, các Cơ quan chủ trì soạn thảo, thẩm tra rất khoa học, nghiêm túc. Chính phủ và cơ quan chủ trì là Bộ LĐTB&XH chuẩn bị dự án Luật kỹ. Dự án Luật bám sát Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH, trong đó cũng giải quyết hài hòa nhiều mối quan hệ, trách nhiệm của quỹ, cơ quan BHXH, các bộ, về cơ bản theo đường hướng khung chiến lược, trên cơ sở đó hoàn thiện cụ thể hơn, thiết kế chính sách cụ thể. 

Cho ý kiến về việc giảm thời gian đóng BHXH theo Nghị quyết của Trung ương, Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu, tích hợp, sử dụng những mặt tốt nhất của hai phương án đưa ra. Theo đó, với những người tham gia BHXH sau khi Luật này có hiệu lực thì không được rút BHXH một lần khi đang trong độ tuổi. Còn với người tham gia trước khi Luật có hiệu lực thì vẫn được rút BHXH một lần nhưng chỉ được rút một phần, phần còn lại được tích lũy, lưu lại trong hệ thống BHXH. Như vậy, người lao động vừa giải quyết được khó khăn trước mắt, vừa có thể quay trở lại hệ thống và tham gia đóng BHXH, để mạng lưới an sinh không bị thủng...
 
Phát biểu kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, UBTVQH ghi nhận sự nỗ lực của Chính phủ trong việc chuẩn bị Hồ sơ dự án Luật; đánh giá cao sự chuẩn bị từ sớm, từ xa của Cơ quan chủ trì thẩm tra và sự tham gia thẩm tra, góp ý có trách nhiệm của các cơ quan liên quan.
 
UBTVQH nhất trí về sự cần thiết xây dựng dự án Luật, nhưng đề nghị Chính cần tiếp tục đánh giá đầy đủ, đưa ra căn cứ khoa học, thực tiễn, đánh giá tác động đối với từng nội dung sửa đổi để tăng tính thuyết phục và đồng thuận. Đồng thời, bổ sung những nội dung các báo cáo thành phần như ý kiến phát biểu tại phiên họp.
 
Về các nội dung cụ thể, dự án Luật BHXH (sửa đổi) lần đầu báo cáo UBTVQH, vì vậy đề nghị các cơ quan tiếp tục họp bàn, thảo luận, từng bước hoàn thiện. Ngoài ra là việc đánh giá tác động, cân nhắc kỹ lưỡng việc thay đổi Hội đồng quản lý quỹ; rà soát để đầy đủ hơn trong việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm bắt buộc; về quản lý thu Quỹ Bảo hiểm xã hội; quyền của cơ quan bảo hiểm xã hội; trợ cấp hưu trí; về xác định hành vi chốn đóng, chậm đóng bảo hiểm và mức xử phạt; quy định về bảo hiểm thất nghiệp và nhiều vấn đề khác.
 
UBTVQH giao Ủy ban Xã hội tiếp tục thẩm tra dự án Luật, Thường trực Ủy ban Xã hội chủ động tiếp tục tổ chức tọa đàm, hội thảo lấy ý kiến rộng rãi để nắm bắt dự luận đối với dự án Luật…. bảo đảm trình Quốc hội dự án Luật có chất lượng. Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục tham gia thẩm tra...
 
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của UBTVQH, ý kiến của cơ quan thẩm tra, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan có liên quan; hoàn thiện Hồ sơ, bảo đảm các chính sách được giải trình thấu đáo, có cơ sở vững chắc, có tính thuyết phục cao. Đối với các nội dung có sự tác động lớn, nhạy cảm, cần xem xét báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét trước khi trình Quốc hội. UBTVQH sẽ nghe Chính phủ báo cáo lại trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 diễn ra vào tháng 10/2023./.
 
Ngọc Bích