Tham dự Hội nghị, về phía KTNN Campuchia có ông Samrit Sat - Phó Tổng Thư ký; cùng đại diện Vụ Quan hệ quốc tế, Vụ Kiểm toán I, Học viện Kiểm toán quốc gia.
Về phía KTNN Lào có ông Khammone Bouaphanh - Kiểm toán trưởng Văn phòng Kiểm toán Trung Lào số 1; ông Intha Leunammachack - Kiểm toán trưởng Văn phòng Kiểm toán khu vực phía Bắc số 2 và đại diện lãnh đạo Vụ Kiểm toán doanh nghiệp, Vụ Kiểm toán các cơ quan nhà nước; Vụ Đánh giá chất lượng kiểm toán, Văn phòng KTNN, Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Kiểm toán Ngân hàng…
Về phía KTNN Việt Nam còn có lãnh đạo Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Tổng hợp, Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán, Vụ Pháp chế, KTNN chuyên ngành VI, KTNN chuyên ngành VII, KTNN Khu vực III…
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Việt Nam Hà Thị Mỹ Dung nêu rõ, từ cuối năm 2019, đại dịch Covid-19 xảy ra trên toàn cầu, tạo nên cuộc khủng hoảng đa chiều, gây tác động, ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực. Trong đó, đại dịch đã định hình lại tương lai của kiểm toán khu vực công, dẫn đến những cải cách mới trong giai đoạn bình thường tiếp theo.
“Thực hiện kiểm toán trong trạng thái bình thường mới” yêu cầu các Cơ quan Kiểm toán tối cao (SAI) cần nghĩ xa hơn các phạm vi cũ bằng cách áp dụng tính linh hoạt, nhanh chóng và khả năng phục hồi để đảm bảo tính liên tục của vai trò và chức năng thiết yếu của SAI trong mọi cuộc khủng hoảng. Do đó, Hội nghị là cơ hội để các SAI hiểu rõ hơn tầm quan trọng của sự kết nối giữa các bên có liên quan để liên tục phát triển nhằm thích nghi với tình hình mới.
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung nhấn mạnh, đại dịch tuy là trở ngại đầy thách thức đối với hoạt động kiểm toán khu vực công nhưng cũng đã tạo ra cơ hội phát triển khi mà tại thời điểm hiện tại, Internet, điện toán đám mây và việc sử dụng phổ biến các thiết bị di động cho phép các kiểm toán viên thực hiện kiểm toán trong môi trường kết nối toàn cầu và hiệu quả kiểm toán có xu hướng được nâng cao, thúc đẩy sự ứng dụng các công nghệ mới như công nghệ chuỗi khối, trí tuệ nhân tạo, máy học trong hoạt động kiểm toán đặc biệt là việc tối ưu hóa các công nghệ kiểm toán từ xa.
Song song với đó, sự thay đổi đáng kể của nguồn lưu trữ, thu thập bằng chứng, sự biến động dòng thông tin khiến xét đoán chuyên môn cần phải cẩn trọng và nhạy cảm hơn... - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Việt Nam nhận định.
Tại Hội nghị, đại diện KTNN Campuchia - Lào - Việt Nam đã lần lượt trình bày tham luận về “Thực hiện kiểm toán trong trạng thái bình thường mới”, trong đó điểm qua những thành tựu nổi bật của mỗi cơ quan KTNN khi thích ứng với tình hình; chỉ rõ những thách thức; gợi mở và đề xuất những giải pháp, hướng đi phù hợp. Đáng chú ý, bài trình bày của đại diện KTNN còn chia sẻ về kinh nghiệm thực tiễn cuộc kiểm toán từ xa tại Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT).
Tham luận tại Hội nghị, bà Kong Leakhena - Vụ trưởng Vụ Kiểm toán I (KTNN Campuchia) cho biết, ứng phó với khủng hoảng Covid-19, Chính phủ Hoàng gia Campuchia đã đề ra các biện pháp và phương hướng để duy trì sự ổn định của nền kinh tế và phục hồi tăng trưởng kinh tế bằng cách áp dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) để quản lý thu và chi, như tiếp tục hoàn thiện Hệ thống quản lý dữ liệu đăng ký thuế và Hệ thống tự động nhập dữ liệu hải quan.
Đồng thời tăng cường triển khai Hệ thống thông tin quản lý nguồn thu phi thuế (NRMIS), tiếp tục đẩy mạnh kết nối và tích hợp đầy đủ các hệ thống liên quan để trao đổi dữ liệu, củng cố và mở rộng triển khai Hệ thống thông tin quản lý tài chính công (FMIS) đến tất cả các Bộ, ngành, sở cấp tỉnh, thành phố và chính quyền địa phương bằng cách triển khai hệ thống tự động hóa chi tiêu.
Cùng với Chính phủ, KTNN Campuchia cũng đã thích ứng với “trạng thái bình thường mới” trong công việc với mục đích bảo vệ tính mạng và sự an toàn của cán bộ quản lý, công chức và duy trì tính bền vững của các hoạt động thể chế, giúp Chính phủ quản lý các nguồn lực thông qua các cuộc kiểm toán chất lượng, kịp thời và đáng tin cậy - bà Kong Leakhena cho biết.
Đại diện cho KTNN Lào, bà Phetsamone Soukkhaserm - Phó Vụ trưởng Vụ Kiểm toán Ngân hàng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, cần có mô hình tiến hành kiểm toán và thay đổi hình thức kiểm toán nhằm đảm bảo và xử lý các rủi ro bất ngờ có thể ảnh hưởng đến hoạt động kiểm toán.
Do đó, khi lập kế hoạch kiểm toán, nhiều yếu tố đã được KTNN Lào tính đến như: kiểm toán viên, nhà cung cấp, nhà thầu, đối tượng được kiểm toán và gia đình kiểm toán viên. Các yếu tố này được xem xét nhằm đảm bảo việc đánh giá rủi ro được thực hiện một cách phù hợp và đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả của báo cáo kiểm toán.
Từ phía KTNN Việt Nam, ông Trần Văn Hảo - Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VI cho biết, thực hiện Chiến lược phát triển Công nghệ thông tin của KTNN cũng như trụ cột thứ 03 của Tuyên bố Băng Cốc tại Đại hội các Cơ quan kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) lần thứ 15 về chủ đề “SAI và sự chuẩn bị cho trạng thái bình thường mới”, KTNN Việt Nam đã tổ chức triển khai thực hiện thí điểm kiểm toán từ xa tại Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) và đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.
Đây là một cuộc kiểm toán có hình thức rất mới, thực hiện hoàn toàn trên môi trường mạng, sử dụng nguồn dữ liệu dưới dạng điện tử trong công tác kiểm toán, từ đó mở ra một hướng đi mới trong hoạt động kiểm toán của KTNN.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, hình thức kiểm toán từ xa càng trở nên ý nghĩa hơn khi góp phần giải quyết, tháo gỡ được nhiều khó khăn vướng mắc phát sinh do cách ly, giãn cách xã hội - ông Trần Văn Hảo nhấn mạnh.
Thảo luận tại Hội nghị, đại diện của các cơ quan KTNN Campuchia - Lào - Việt Nam đã tập trung chia sẻ, bàn luận sâu thêm về những giải pháp, những vấn đề cần lưu ý khi thực hiện hoạt động kiểm toán trong trạng thái bình thường mới.
Đại biểu mỗi nước đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thu thập thông tin, lập kế hoạch kiểm toán, nhất là những thách thức đặt ra trong việc ứng dụng công nghệ thông tin để thu thập dữ liệu.
Đồng thời, các đại biểu cũng chia sẻ về kinh nghiệm lựa chọn các vấn đề trọng tâm cần kiểm toán; kinh nghiệm xác định trọng yếu và rủi ro kiểm toán, nhất là khi kiểm toán doanh nghiệp nhà nước và kiểm toán các dự án, chương trình có sử dụng vốn vay...
Bế mạc Hội nghị, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung đánh giá cao sự tích cực chia sẻ kinh nghiệm của mỗi cơ quan KTNN, nhất là trong lĩnh vực kiểm toán công nghệ thông tin và hoạt động kiểm toán trong trạng thái bình thường mới. Tại Hội nghị chuyên đề lần này, 3 cơ quan đều thể hiện rõ sự quan tâm làm sao để cùng tìm ra giải pháp và giải quyết được vấn đề thống nhất phương pháp và nội dung kiểm toán nhằm thích ứng với tình hình mới.
Tổng hợp những khó khăn, thách thức trong ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kiểm toán, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung nêu rõ, khó khăn lớn nhất là việc thu thập dữ liệu từ các đơn vị được kiểm toán một cách đầy đủ, cũng như nâng cao năng lực đội ngũ của mỗi cơ quan KTNN trong việc ứng dụng công nghệ thông tin.
Nhấn mạnh những vấn đề này sẽ tiếp tục được chia sẻ trong các hội thảo tiếp theo của ba bên, hoặc thông qua các diễn đàn của ASOSAI, Tổ chức các Cơ quan Kiểm toán tối cao Đông Nam Á (ASEANSAI), Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung bày tỏ mong muốn các Hội nghị chuyên đề sẽ được tổ chức thường xuyên hơn, bên cạnh các hội nghị chuyên môn, hội nghị thường kỳ giữa ba cơ quan KTNN./.
Phúc Khang - Thùy Lê