Những vấn đề nổi bật từ kết quả kiểm toán
Kết quả kiểm toán những năm qua đã chỉ ra những khoảng cách nhất định giữa quy định pháp luật và thực tiễn trong công tác mua sắm TSC. Cụ thể như các vấn đề xây dựng và phê duyệt dự toán mua sắm không sát với nhu cầu thực tế; tài sản mua về không sử dụng được, hoặc chưa thực sự cần thiết dẫn đến để tồn kho gây lãng phí; việc kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chủ quản chưa tốt nên có tình trạng nơi thừa, nơi thiếu; còn phổ biến tình trạng chia nhỏ gói thầu để chỉ định thầu; tài sản không đủ chứng minh về nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng tài sản không đảm bảo...
Bên cạnh đó, KTNN đã chỉ ra nhiều sai phạm liên quan đến công tác lập kế hoạch mua sắm gói thầu và phê duyệt chủ trương lựa chọn nhà thầu. Đối với công tác đấu thầu, kết quả kiểm toán cho thấy, kinh phí tiết kiệm qua đấu thầu không cao, thậm chí nhiều gói thầu có giá trị trúng thầu bằng giá kế hoạch; chứng từ lưu giữ chưa đầy đủ, chưa có yêu cầu làm rõ đối với một số vấn đề tại hồ sơ mời thầu, chưa cung cấp được hợp đồng tương tự về cung cấp máy móc, thiết.
Công tác chấm thầu chưa chặt chẽ dẫn đến đánh giá đạt đối với nhà thầu chưa chứng minh đầy đủ năng lực, chưa đủ tiêu chuẩn kỹ thuật của máy móc theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu. Hồ sơ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của thiết bị còn chưa đầy đủ; các biên bản bàn giao trang thiết bị không ghi rõ số seri máy để làm cơ sở đối chiếu với các tài liệu có liên quan.
Nhiều báo cáo kiểm toán cũng chỉ ra tình trạng sử dụng tài sản mua sắm từ nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) hiệu quả thấp, không được sử dụng đúng mục đích, hoặc không được đưa vào sử dụng gây lãng phí, hỏng hóc do xác định nhu cầu không phù hợp. Gần đây, kết quả kiểm toán chuyên đề việc quản lý, sử dụng các nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19 giai đoạn 2020-2021 cũng cho thấy, công tác mua sắm thiết bị không còn phù hợp với chủ trương ban đầu. Một số đơn vị bảo quản, lưu kho các thiết bị phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 do chưa có cơ chế cho phép sử dụng vào mục đích khác.
Hoàn thiện hành lang pháp lý và hướng dẫn kiểm toán
Mặc dù hoạt động kiểm toán đã góp phần quan trọng trong việc kịp thời chỉ ra những sai phạm trong công tác mua sắm TSC, nhưng vẫn còn một số mặt KTNN chưa thực sự đi sâu, đánh giá hết tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả của công tác này. Thực tiễn kiểm toán, một số tổ khảo sát chưa thu thập đầy đủ thông tin về các gói thầu mua sắm dẫn đến phải điều chỉnh kế hoạch kiểm toán. Phương pháp thu thập bằng chứng kiểm toán chưa thực sự đa dạng, chủ yếu sử dụng các phương pháp truyền thống như: Phân tích số liệu, thực hiện lại, so sánh, thống kê, phỏng vấn..., chưa thực hiện linh hoạt các phương pháp như: Quan sát hiện trường, thuê chuyên gia bên ngoài giám định chất lượng tài sản.
Kết quả kiểm toán công tác mua sắm TSC từ nguồn NSNN đôi khi chưa đạt như kỳ vọng do nội dung kiểm toán này thường được lồng ghép vào các cuộc kiểm toán báo cáo tài chính, chưa có nhiều chuyên đề kiểm toán trọng tâm đi sâu vào kiểm toán công tác mua sắm TSC. Việc sử dụng chuyên gia hoặc trang thiết bị chuyên dụng để kiểm tra chất lượng tài sản còn hạn chế dẫn đến chưa có nhiều phát hiện mang tính đột phá.
Trong khi đó, một số đơn vị được kiểm toán chưa nhận thức được đầy đủ và toàn diện trách nhiệm của mình trong quá trình phối hợp với các đoàn kiểm toán. Ý thức thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của một số đơn vị chưa đảm bảo dẫn đến tình trạng nhiều kiến nghị kéo dài rất nhiều năm chưa được thực hiện.
Để nâng cao chất lượng kiểm toán hoạt động mua sắm TSC, KTNN cần kiến nghị cấp có thẩm quyền hoàn thiện hành lang pháp lý phục vụ công tác kiểm toán; ban hành hướng dẫn đánh giá tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả nói chung và kiểm toán các gói thầu mua sắm TSC nói riêng. Bên cạnh đó, KTNN cần tập trung thực hiện kiểm toán chuyên đề công tác mua sắm tài sản từ nguồn NSNN, đặc biệt là những vấn đề nóng như: Mua sắm trang thiết bị y tế, thiết bị trong lĩnh vực giáo dục, các gói thầu mua sắm trong các dự án đầu tư công…
Các đoàn kiểm toán cần áp dụng phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu nhằm giảm bớt thời gian, nhân lực, nâng cao hiệu quả kiểm toán. Cùng với đó, tăng cường kiểm soát chất lượng kiểm toán, bảo đảm tính toàn diện, tập trung, kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm, tăng cường tính công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình.
Ngoài ra, KTNN tăng cường đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng nghề nghiệp theo hướng “cầm tay chỉ việc” cho kiểm toán viên. Đồng thời, tổ chức các buổi tọa đàm trao đổi kinh nghiệm kiểm toán, dành thời lượng tối đa để thảo luận, chia sẻ những vấn đề nổi bật hoặc còn vướng mắc, lựa chọn và phân tích các chủ đề được dư luận quan tâm./.
THÙY LÊ