Nỗ lực hơn nữa để đạt mục tiêu đề ra
Đầu tư công là một trong ba yếu tố cấu thành GDP, lĩnh vực này đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay. Năm 2023 có đặc thù riêng, đó là, sau dịch Covid-19, chúng ta triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Quốc hội. Đây cũng là năm liên quan đến vấn đề giữa hai giai đoạn kế hoạch đầu tư công (ĐTC) trung hạn. Do vậy, kế hoạch vốn của năm 2023 cũng cao hơn nhiều so với những năm trước, bao gồm cả kế hoạch vốn những năm trước chuyển sang. Hơn nữa, xung đột giữa Nga - Ukraine, cạnh tranh giữa các nước lớn, nhiều vấn đề ở trong nước cũng đã tác động tới nền kinh tế. Trong bối cảnh còn nhiều thách thức đó, giải ngân vốn ĐTC có những tín hiệu tích cực khi tỷ lệ giải ngân cả nước 8 tháng năm 2023 đạt 42,35% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn so với cùng kỳ năm trước (39,15%). Có thể thấy, tỷ lệ % cao hơn không nhiều nhưng tính ra số tuyệt đối với quy mô kế hoạch vốn năm 2023 thì đây là sự nỗ lực rất lớn của Chính phủ cũng như các Bộ, ngành, địa phương. Thế nhưng, việc hoàn thành mục tiêu giải ngân 95% kế hoạch vốn sẽ còn nhiều khó khăn và cần có sự nỗ lực hơn nữa.
Một thực tế đã kéo dài nhiều năm là tình trạng giải ngân vốn ĐTC chậm, việc thực hiện kế hoạch vốn hằng năm thấp dẫn đến phải chuyển nguồn. Kết quả kiểm toán những năm qua cho thấy, giải ngân thấp, chậm xuất phát từ vấn đề thể chế cũng như khâu tổ chức thực hiện, từ khâu chuẩn bị đầu tư, bố trí kế hoạch vốn đến giải phóng mặt bằng, tái định cư, thanh quyết toán. Thêm vào đó, có tình trạng dự án chưa chuẩn bị sẵn sàng để tiếp nhận vốn đầu tư nhưng vẫn đăng ký nhu cầu vốn dẫn đến việc phân bổ và giao kế hoạch vốn không phù hợp, phải điều chỉnh kế hoạch vốn.
"Dù chỉ còn hơn 3 tháng nhưng chúng ta vẫn phải tiếp tục rà soát, đánh giá lại những vướng mắc về cơ chế chính sách, nhất là những yếu tố đặc thù dành cho các dự án trọng điểm, chương trình mục tiêu quốc gia. Cùng với đó, bản thân của các đơn vị, chủ đầu tư, ban quản lý dự án và các Bộ, ngành, địa phương cũng phải quyết tâm thực hiện, đưa các chỉ thị, nghị quyết đi vào thực tiễn." - Ông Vũ Ngọc Tuấn - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, KTNN
Rõ ràng, một dự án đã có chủ trương đầu tư, lên kế hoạch thực hiện mà bị chậm thì đương nhiên hiệu lực, hiệu quả của dự án đó sẽ bị ảnh hưởng, thậm chí gây ra những hệ lụy đối với nền kinh tế. Giải ngân không đạt tiến độ dẫn đến chuyển nguồn, hủy kế hoạch vốn, đặc biệt vốn ngoài nước thì không chỉ lãng phí nguồn lực, không đảm bảo tính kinh tế mà còn ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam. Vì vậy, trong những tháng còn lại của năm 2023, trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương, đơn vị là vừa giải ngân, chủ động điều hòa vốn, vừa phải rà soát, đánh giá lại thực trạng, khả năng thực hiện các dự án để báo cáo các cấp có thẩm quyền. Bởi kết quả thực hiện, rà soát này là cơ sở để sắp tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét kế hoạch, dự toán năm 2024.
Kiểm toán ngay từ khi dự án được thiết kế, triển khai thực hiện
KTNN luôn xác định đồng hành với Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, đơn vị được kiểm toán, kết quả kiểm toán không chỉ phát hiện sai phạm mà chủ yếu là ngăn ngừa kịp thời sai phạm. Chính vì vậy, thời gian qua, KTNN đã tổ chức kiểm toán nhiều dự án quan trọng, trong đó có 3 Chương trình mục tiêu quốc gia để phục vụ hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội. Cũng thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN phát hiện những bất cập, vướng mắc về cơ chế, chính sách, phối hợp tổ chức thực hiện, từ đó kiến nghị để các cấp có thẩm quyền điều chỉnh cho phù hợp. Đây chính là giá trị cốt lõi của hoạt động kiểm toán.
"Việc điều chỉnh, điều hòa kế hoạch vốn từ các dự án không có khả năng thực hiện hoặc chậm sang những dự án có khả năng mà đòi hỏi vay vốn kịp thời là giải pháp thường xuyên, đã được thực hiện từ nhiều năm. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là làm sao việc điều chỉnh đó phải chủ động, kịp thời theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước." - Ông Vũ Ngọc Tuấn - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, KTNN.
Thời gian tới, KTNN không chỉ hậu kiểm mà sẽ tổ chức kiểm toán ngay từ khi dự án được thiết kế, đưa vào triển khai thực hiện để kịp thời phát hiện ra những vấn đề còn vướng mắc về cơ chế chính sách, tiêu chuẩn, định mức… Năm 2024, KTNN dự kiến sẽ kiểm toán các dự án quan trọng quốc gia, dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông… Kết quả kiểm toán không chỉ cung cấp thông tin phục vụ hoạt động giám sát của Quốc hội mà còn giúp Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương điều chuyển, nâng cao hơn nữa chất lượng công tác đầu tư cũng như giải ngân vốn, tránh trường hợp vì mục tiêu giải ngân mà bỏ qua các thủ tục, quy định pháp luật./.