Kiểm toán chương trình phục hồi kinh tế: Kiểm toán nhà nước kiến nghị xử lý tài chính 167 tỷ đồng

(sav.gov.vn) - Báo cáo tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 12/10, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ chỉ ra một số tồn tại, bất cập nổi lên qua thực hiện kiểm toán một số nội dung liên quan đến việc thực hiện các chính sách hỗ trợ Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội. Đáng chú ý, qua kiểm toán, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã kiến nghị xử lý tài chính 167 tỷ đồng.

Việc áp dụng cơ chế đặc thù còn bất cập

Khái quát chung về kết quả kiểm toán, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ cho biết, sau gần 2 năm triển khai Nghị quyết số 43, Chính phủ, các Bộ, cơ quan, địa phương đã nỗ lực triển khai quyết liệt các nhiệm vụ được giao. Theo số liệu đến thời điểm tháng 8/2023, các chính sách hỗ trợ đạt khoảng 94,7 nghìn tỷ đồng.

Việc thực hiện Chương trình đã góp phần giúp phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng; góp phần giữ vững ổn định kinh tế vi mô, bảo đảm các cân đối lớn trong trung và dài hạn. 

Tuy nhiên, kết quả kiểm toán cũng cho thấy một số tồn tại, bất cập nổi lên trong thực hiện các chính sách hỗ trợ.

Theo đó, KTNN chỉ ra, việc áp dụng cơ chế đặc thù khi thực hiện Chương trình chưa đồng bộ, kịp thời, ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai các dự án. Đơn cử, trong thực hiện cơ chế đặc thù về chỉ định thầu và khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng, Chính phủ đã ban hành các văn bản triển khai thực hiện chỉ định thầu và khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng tại các dự án tuyến cao tốc. Tuy nhiên, Chính phủ chưa hướng dẫn các Bộ, cơ quan xem xét các trường hợp chỉ định thầu thuộc thẩm quyền của các Bộ, cơ quan theo nhiệm vụ được giao.

 

Toàn cảnh phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: VPQH


Ngoài ra, Nghị quyết 43 cho phép Thủ tướng Chính phủ, người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định chỉ định thầu trong 2 năm 2022-2023 đối với gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư, gói thầu xây lắp của các dự án quan trọng quốc gia, các dự án hạ tầng quan trọng có quy mô lớn, cấp bách về hạ tầng giao thông và y tế thuộc chương trình. Thế nhưng, hệ thống văn bản pháp luật chưa có quy định cụ thể về dự án hạ tầng quan trọng có quy mô lớn về hạ tầng giao thông và y tế, làm căn cứ để người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định các trường hợp chỉ định thầu.

Phân bổ vốn chậm, giải ngân vốn khó khả thi

Liên quan đến chính sách đầu tư phát triển, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước chỉ rõ, lũy kế vốn giải ngân đến 30/6/2023 là 25.570,5 tỷ đồng đạt 14,6% vốn được Thủ tướng Chính phủ giao trong 2 năm 2022, 2023 và đạt 20,5% số vốn hàng năm các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã phân bổ.

“Nếu ngoại trừ số vốn giải ngân năm 2022 thì năm 2023 chỉ đạt 8,02% (đến thời điểm tháng 8 là 8.682/108.216 tỷ đồng). Như vậy áp lực giải ngân số vốn còn lại của Chương trình trong những tháng còn lại của năm 2023 là rất lớn. Việc thực hiện giải ngân toàn bộ vốn theo cam kết của các Bộ, cơ quan trung ương rất khó khả thi” - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ nhấn mạnh.

"Kết quả kiểm toán tổng hợp cho thấy, tiến độ giải ngân của nhiều dự án rất chậm so với yêu cầu tại Nghị quyết số 43. Tại thời điểm kiểm toán (tháng 8/2023) có 21 dự án chưa được các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương phân bổ vốn, 59 dự án chưa được thực hiện giải ngân vốn".

Theo đánh giá của KTNN, việc giải ngân chậm là do các dự án thuộc lĩnh vực y tế mới chỉ xác định được các địa phương, các tuyến y tế cơ sở và y tế dự phòng, trung tâm kiểm soát bệnh tật, bệnh viện cấp trung ương cần đầu tư. Do đó, phải thực hiện rà soát, đánh giá thực trạng để đề xuất danh mục, nên mất nhiều thời gian và chậm ban hành thông báo mức vốn của Chương trình.

Bên cạnh đó, các Bộ, cơ quan trung ương khi đề xuất thì có 255/264 dự án không nằm trong danh mục Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Tuy nhiên, các Bộ, cơ quan chưa có dự báo về những khó khăn trong việc hoàn thiện thủ tục thực hiện chuẩn bị đầu tư để đảm bảo đủ điều kiện được giao vốn đối với những dự án này. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến chậm phân bổ vốn, giải ngân vốn của Chương trình.

Đa số các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương đăng ký các dự án chưa có kế hoạch vốn trong trung hạn nên tính sẵn sàng và khả năng hấp thụ vốn không cao. Một số Bộ, cơ quan trung ương chưa chủ động, tích cực và kịp thời thực hiện các nội dung, nhiệm vụ theo yêu cầu. Các bộ, cơ quan trung ương, địa phương chậm giao vốn, chậm thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, chậm triển khai thi công.

Nhiều dự án chưa được bố trí vốn đối ứng

Qua kiểm toán tại một số cơ quan trung ương cũng cho thấy, do chưa có phương án đề xuất giải pháp để theo dõi riêng số vốn giải ngân nguồn vốn của Chương trình nên việc tổng hợp số vốn giải ngân cho các dự án thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn gặp nhiều khó khăn, do các dự án được giao vốn hòa chung nguồn vốn Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và nguồn vốn được bổ sung từ Chương trình.

Các đại biểu tham dự phiên họp. Ảnh: VPQH


Bên cạnh đó, việc bố trí và thực hiện giải ngân nguồn vốn đối ứng của địa phương chưa phù hợp với tỷ lệ bố trí giải ngân nguồn vốn ngân sách trung ương, thậm chí có dự án chưa được địa phương bố trí vốn đối ứng.

Theo kết quả kiểm toán, đến ngày 30/6/2023, tổng số vốn ngân sách trung ương đã được phân bổ là 81,8 nghìn tỷ đồng (đạt 70%) nhưng tổng số vốn ngân sách địa phương mới chỉ bố trí 422 tỷ đồng/17.436 tỷ đồng, chỉ đạt 2,4%.

“Một số dự án chưa được bố trí vốn đối ứng như Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ, Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 địa phương cam kết là 3.800 tỷ đồng nhưng chưa bố trí đồng nào; Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu địa phương cam kết là 3.270 tỷ đồng nhưng cũng chưa bố trí” - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ dẫn chứng.

Chương trình hỗ trợ lãi suất không đạt mục tiêu

Về các chính sách cụ thể, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước cho biết, đối với chính sách hỗ trợ DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh, hỗ trợ lãi suất 2%/năm, tối đa 40.000 tỷ đồng, qua kiểm toán cho thấy, một số ngân hàng thương mại ban hành văn bản nội bộ hướng dẫn chậm, chưa thực sự chú trọng tập huấn, hướng dẫn, đào tạo nội bộ và không chủ động tiếp cận, đồng hành, hướng dẫn khách hàng hiểu đúng, đủ về chính sách. Văn bản hướng dẫn nội bộ chưa xây dựng tiêu chí để đánh giá khả năng phục hồi của khách hàng làm căn cứ xét duyệt hỗ trợ lãi suất; công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách chưa kịp thời, nội dung tuyên truyền thì không đầy đủ, chưa rõ ràng.

"Đến 31/12/2022, chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ không đạt mục tiêu, kết quả thực hiện rất thấp so với kế hoạch đề ra. Số tiền hỗ trợ lãi suất là 134 tỷ đồng, đạt 0,8% số hạn mức hỗ trợ lãi suất đã đăng ký và được phê duyệt; đạt 0,84% kế hoạch của năm 2022 (16.034 tỷ đồng). Đến 31/3/2023, số lũy kế hỗ trợ lãi suất chỉ đạt 332 tỷ đồng, đạt 0,83% so với gói 40.000 tỷ đồng. Năm 2022 thì có 15/44 ngân hàng thương mại không hỗ trợ lãi suất, 14/44 ngân hàng thương mại hỗ trợ lãi suất dưới 01 tỷ đồng."

Đối với lĩnh vực y tế, việc xác định cơ cấu vốn chương trình 14.000 tỷ đồng, trong đó dành 12.000 tỷ đồng cho y tế cơ sở, y tế dự phòng, 2.000 tỷ đồng cho hệ thống các bệnh viện tuyến trung ương thuộc Bộ Y tế cũng chưa thực sự phù hợp dẫn đến nơi có nhu cầu cao không đủ để đáp ứng, nơi có nhu cầu thấp lại được bố trí vượt.

Đáng chú ý, trong 149 dự án lĩnh vực y tế được duyệt bố trí 14.000 tỷ đồng từ nguồn Chương trình không có dự án nào dành cho Trung tâm kiểm soát bệnh tật cấp vùng theo nội dung chính sách đầu tư phát triển về y tế nêu tại Nghị quyết số 43.

Về đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng hiện đại hóa các cơ sở trợ giúp xã hội, đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm, Chương trình bố trí tối đa 3,15 nghìn tỷ đồng. Qua kiểm toán cho thấy, tổng số vốn được giao của chính sách là 950 tỷ đồng, đạt 30,1% quy mô Chương trình. Tuy nhiên, đến hết tháng 3 mới phân bổ vốn được 3.400 triệu đồng cho 4/5 dự án và tính đến thời điểm kiểm toán, số vốn chưa hoàn thiện đầy đủ thủ tục để giải ngân theo yêu cầu.

Đối với chính sách đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, Chương trình bổ sung tối đa 113.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, một số Bộ chậm giao kế hoạch vốn năm 2023 cho các dự án, dẫn đến nguy cơ không hoàn thành việc giải ngân trong năm 2023 theo yêu cầu của Nghị quyết số 43.

Về chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động có quan hệ lao động, đến thời điểm 31/8/2023, nguồn kinh phí đã bố trí thực hiện chính sách là 4.728 tỷ đồng. Tổng số người lao động được hỗ trợ là 2.981.196 người, trong đó có một số địa phương thực hiện thấp hơn so với nguồn dự kiến, còn dư lớn, như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai, Long An và Bình Dương.

Kết quả kiểm toán cũng chỉ ra, việc thực hiện chính sách này còn một số hạn chế như công tác tham mưu, ban hành văn bản thực hiện chính sách chưa kịp thời, đầy đủ, chưa phù hợp, dẫn đến vướng mắc, lúng túng và khó khăn trong quá trình thực hiện và ảnh hưởng đến tiến độ. Việc thực hiện nhiệm vụ, công tác phối hợp thực thi nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị còn bất cập, chưa kịp thời làm ảnh hưởng đến kết quả thực thi. Công tác quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện chính sách chưa phù hợp về trình tự, thủ tục, hồ sơ.

Đ. Khoa