Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung và Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân đồng chủ trì Hội thảo.
Tham dự Hội thảo có các đại biểu: Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Vũ Chí Giang, Đại sứ Indonesia tại Việt Nam Denny Abdi.
Dự Hội thảo còn có đại diện các Bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương, đại diện các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương; đại diện Đại sứ quán Vương quốc Campuchia; các tổ chức quốc tế; các diễn giả; nhà khoa học; đại diện các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp; các công ty kiểm toán quốc tế tại Việt Nam.
Phát biểu khai mạc, đề dẫn Hội thảo, thay mặt Lãnh đạo KTNN và đơn vị đồng chủ trì tổ chức Hội thảo, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung gửi lời cảm ơn sâu sắc đến các đồng chí đại biểu, các chuyên gia, nhà khoa học, các đồng chí đại diện các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã quan tâm, sắp xếp thời gian tham dự Hội thảo.
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước cho biết, là một quốc gia có diện tích đất tự nhiên trên đầu người vào loại thấp của thế giới (chỉ đạt khoảng 3.400 m2/người), việc quản lý và sử dụng đất đai đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm, bền vững vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường ở nước ta. Các nội dung liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai luôn là những vấn đề “nóng”, có ảnh hưởng sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân và hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế.
Thời gian qua, việc quản lý và sử dụng đất đai đã tạo dựng được nguồn lực to lớn cho xây dựng và phát triển hạ tầng, đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, là động lực quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội.
Cùng với quá trình đô thị hóa, việc vốn hóa đất đai, phát triển thị trường bất động sản được thực hiện mạnh mẽ. Đơn cử, từ năm 2017 đến năm 2021, nguồn thu từ đất đai luôn đóng góp từ 12% đến 14% tổng thu ngân sách nhà nước. Tại nhiều địa phương, số thu từ đất đai chiếm tới trên 30% ngân sách địa phương và là nguồn vốn chính cho đầu tư công.
Đất đai cũng là điều kiện vật chất hàng đầu để thực hiện thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong phát triển công nghiệp, dịch vụ. Trong lĩnh vực nông nghiệp - mà đất đai là tư liệu sản xuất chính, chúng ta cũng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong thời gian dài vừa qua. Hiện, nông nghiệp cũng đang là trụ cột chống đỡ chính của kinh tế trong giai đoạn khó khăn.
Song, bên cạnh những kết quả đạt được, qua kết quả kiểm toán cho thấy, trong thời gian qua, việc quản lý, sử dụng đất đai còn một số vấn đề bất cập, hạn chế, vướng mắc, như:
Thứ nhất, chưa tạo dựng được một hành lang pháp lý rõ ràng cho công tác quản lý, sử dụng đất đai, nhất là sử dụng cho phát triển kinh tế.
Thứ hai, công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch xây dựng chưa đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, tính ổn định lâu dài.
Thứ ba, thu hồi đất khi chưa đảm bảo các điều kiện và trình tự, thủ tục theo quy định; giá bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất còn thấp, chưa sát với giá thị trường.
Thứ tư, việc áp dụng các phương pháp định giá đất trong thực tiễn còn bất cập.
“Xuất phát từ bối cảnh đó, KTNN quyết định lựa chọn vấn đề “Quản lý đất đai và xác định giá đất - Những bất cập qua thực tiễn và hoạt động kiểm toán của kiểm toán nhà nước”là một trong ba chuyên để thảo luận chính của Diễn đàn “Thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - Những nút thắt và vai trò của KTNN” - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung nhấn mạnh.
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước khẳng định, với tinh thần thực sự cầu thị, mong muốn được góp phần cùng các cơ quan Trung Ương và các địa phương nhận diện đầy đủ các tồn tại, hạn chế và các nguyên nhân để từ đó đề xuất giải pháp tháo gỡ, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội; Hội thảo mong muốn lắng nghe được những ý kiến, trao đổi, thảo luận thẳng thắn, đa diện, có chất lượng và thiết thực, tập trung vào 02 câu hỏi lớn sau:
Một là, thực trạng công tác quản lý, sử dụng đất đai và định giá đất hiện nay từ kết quả kiểm toán và thực tiễn tại các địa phương: những khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân chủ yếu cản trở việc huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế.
Hai là, đề xuất các giải pháp chủ yếu để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.
“Đến dự Hội thảo hôm nay có các đại diện của các cơ quan quản lý, hoạch định chính sách, các cơ quan Trung ương, các địa phương, các chuyên gia, các nhà khoa học. Ban Tổ chức tin rằng từ những ý kiến phát biểu, những chia sẻ từ thực tiễn, kinh nghiệm quý báu của các đồng chí sẽ là chìa khóa, sẽ tạo động lực để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc quản lý đất đai và xác định giá đất, trở thành động lực quan trọng trong công cuộc phục hồi và phát triển kinh tế” - Lãnh đạo KTNN tin tưởng.
Theo kế hoạch, Hội thảo sẽ nghe 3 tham luận: Thực trạng việc quản lý, sử dụng đất đai và xác định giá đất và giải pháp hoàn thiện; công tác quản lý, sử dụng đất đai và xác định giá đất tại địa phương - Thực trạng và giải pháp; hiện đại hóa công tác thẩm định giá tại Việt Nam.
Đồng thời, các đại biểu, khách mời cũng sẽ thảo luận sôi nổi, trao đổi thẳng thắn về hai nội dung nổi bật ở 02 phiên Tọa đàm: Những vấn đề tồn tại trong định giá đất hiện nay và giải pháp khắc phục; tháo gỡ nút thắt trong quản lý, sử dụng đất đai phục vụ phát triển kinh tế./.
SONG HỒNG