Nhiều nút thắt cản trở sự phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp qua góc nhìn Kiểm toán nhà nước

(sav.gov.vn) - Qua lăng kính Kiểm toán nhà nước (KTNN), TS. Lê Đình Thăng, Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành II đã phân tích rõ thực trạng, chỉ ra những vấn đề bất cập, đồng thời gợi mở một số giải pháp để mở “nút thắt” cản trở sự phát triển của các khu kinh tế (KKT), khu công nghiệp (KCN) tại Hội thảo “Phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp: Thực trạng, cơ hội, thách thức và vai trò của Kiểm toán nhà nước”, sáng 18/10.

Theo TS. Lê Đình Thăng, qua các cuộc kiểm toán chuyên đề về đánh giá hiệu quả các chính sách ưu đãi đầu tư, các cuộc kiểm toán lồng ghép, hoạt động kiểm toán của KTNN luôn đồng hành với quá trình hình thành, phát triển của các khu kinh tế KKT, KCN. Các kết quả, phát hiện kiểm toán đã chỉ ra các nút thắt trong phát triển KKT, KCN và đề xuất các kiến nghị, giải pháp để góp phần tháo gỡ, tạo động lực phát triển mạnh mẽ cho các KKT, KCN.

8 nút thắt cần tháo gỡ để phát huy hiệu quả, vai trò của các KKT, KCN

TS. Lê Đình Thăng nhận định, trải qua hơn 30 năm phát triển, KKT, KCN trên phạm vi cả nước đã phát triển mạnh mẽ cả về số lượng, quy mô diện tích và vốn đầu tư, đóng góp rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội của từng địa phương, từng vùng. Tuy vậy, quá trình xây dựng và phát triển mô hình KKT, KCN đã bộc lộ những tồn tại nhất định, tạo ra các nút thắt hạn chế sự phát triển của các KKT, KCN.

Thông qua hoạt động kiểm toán, các đánh giá, phát hiện trong quá trình kiểm toán đã phân tích, làm rõ hơn các bất cập, hạn chế này và các ảnh hưởng tới sự phát triển của các KKT, KCN, đồng thời chỉ ra các nút thắt cần tháo gỡ để phát huy hết hiệu quả, vai trò của các KKT, KCN.

Cụ thể, vấn đề về quy hoạch chưa đáp ứng yêu cầu của quá trình phát triển. Tính đồng bộ, gắn kết giữa quy hoạch phát triển KKT, KCN với các quy hoạch hạ tầng xã hội, nguồn nhân lực, sử dụng đất và đô thị và hạ tầng giao thông chưa cao. Việc phát triển các KKT, KCN chưa đáp ứng được tính liên kết vùng, chỉ xuất hiện một số mô hình hợp tác sản xuất đơn lẻ trong KKT, KCN. Nhiều KKT, KCN chú trọng đến vấn đề giải quyết việc làm hơn là tìm kiếm các ngành nghề tiên phong mang tính đột phá, nhưng vấn đề về an sinh lao động lại chưa được chú trọng tương xứng.
 
Cùng với đó, các vấn đề về môi trường, bảo vệ môi trường gần đây đã được chú trọng và cải thiện hơn, tuy nhiên hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường KCN tại một số địa phương chưa đồng bộ. Một số KKT ven biển được định hướng thu hút đầu tư các ngành công nghiệp nặng như lọc hóa dầu, nhiệt điện, luyện cán thép, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, thậm chí đã có sự cố nghiêm trọng trên thực tế. Các vấn đề môi trường nước, môi trường không khí, chất thải nguy hại ngày càng trở nên cấp bách.
 
TS. Lê Đình Thăng tham luận tại Hội thảo. Ảnh: THANH HÀ

Các địa phương và nhà đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KKT, KCN vẫn tập trung phát triển theo “chiều rộng”, thu hút mạnh nhà đầu tư thứ cấp; chưa thực sự chú trọng phát triển theo “chiều sâu” hướng tới cơ cấu ngành nghề có giá trị gia tăng cao, công nghệ hiện đại và bảo vệ môi trường.
 
Kết quả kiểm toán còn chỉ ra, việc chấp hành quy hoạch của một số KKT, KCN chưa phù hợp quy định, làm giảm hiệu quả chính sách như: Điều chỉnh, mở rộng KKT khi chưa đáp ứng đủ điều kiện, chưa lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chi tiết trong KKT, chưa phê duyệt quy hoạch chi tiết một số khu chức năng trong KKT, phê duyệt quy hoạch chi tiết một số khu chức năng không phù hợp…

Tỷ lệ lấp đầy của các KCN chỉ ở mức 57,2% (năm 2022), tỷ suất thu hút đầu tư trung bình của dự án đầu tư trong KCN (đến tháng 12/2021) là 4,61 triệu USD/ha đất công nghiệp đã cho thuê. Tỷ lệ này tuy có gia tăng qua các thời kỳ nhưng vẫn tương đối thấp.
 
Qua kết quả kiểm toán cho thấy, một số KKT, KCN gặp khó khăn trong thu hút dự án đầu tư thứ cấp tại phần đất đã xây dựng hạ tầng; một số địa phương chưa quyết liệt trong việc thu hồi diện tích đất chưa sử dụng hoặc dự án không thực hiện đúng cam kết, dẫn đến lãng phí nguồn lực đất đai; một số địa phương giao đất, cho thuê đất không đúng quy định; một số dự án bị thu hồi đất do chậm thực hiện, không thực hiện; xác định tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cho một số dự án không đúng quy định.

Việc triển khai thực hiện và việc tuân thủ trong thực thi chính sách cũng có những hạn chế nhất định.

Kết quả kiểm toán cho thấy, tính hiệu quả của các KKT chưa đạt được mục tiêu Đề án thành lập KKT, KCN, các mục tiêu hầu hết ở mức thấp như: Thu NSNN đạt 24,7%; giải quyết việc làm phi nông nghiệp đạt 22%; kim ngạch xuất khẩu đạt 72%...; điều chỉnh, mở rộng KKT khi chưa đáp ứng đủ điều kiện, chưa lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chi tiết trong KKT, quy hoạch tổng thể chưa đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với quy hoạch chung, nhiều dự án chậm tiến độ nhưng chưa được gia hạn thời gian thực hiện hoặc thu hồi, giao đất, cho thuê đất không đúng quy định, gia hạn tiến độ thực hiện dự án không phù hợp quy định...

Nguyên nhân dẫn đến các bất cập trong phát triển KKT, KCN

Về cơ sở pháp lý: Thiếu hành lang pháp lý đầy đủ, vững chắc cho việc phát triển của các KKT. Hiện nay, để quản lý các KKT chỉ có nghị định của Chính phủ là văn bản quy phạm pháp luật cao nhất, trong khi các chính sách ưu đãi đầu tư về thuế, về đầu tư, đất đai, công tác bảo vệ môi trường được quy định tại các luật chuyên ngành, dẫn đến bất cập giữa các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh các hoạt động quản lý tại các KKT.
 
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: THANH HÀ

Về nguồn vốn đầu tư hạ tầng: Các KKT chủ yếu vẫn dựa vào nguồn ngân sách trung ương để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Do nguồn ngân sách trung ương hạn chế, trong khi đó nhu cầu đầu tư phát triển của các KKT rất lớn nên nhiều KKT như hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc triển khai xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, đạt chất lượng theo quy hoạch và thu hút đầu tư. Ngoài ra, tiến độ đầu tư hạ tầng chưa đạt yêu cầu còn do nguyên nhân các địa phương chưa thực sự chủ động trong tìm kiếm, huy động các nguồn lực ngoài ngân sách trung ương.

Về quy hoạch: quy hoạch KKT chưa được xem xét một cách tổng thể hài hòa lợi ích của địa phương, của vùng gắn với lợi ích của quốc gia, quy hoạch, thành lập KKT của một số địa phương chưa thực sự phù hợp với điều kiện, tiềm năng phát triển của địa phương, của vùng mà mang tính cục bộ, vì lợi ích ngắn hạn của địa phương.

Về quản lý sử dụng đất: Chưa đặt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất làm nền tảng cho tất cả các nội dung quy hoạch khác mà vẫn trên cơ sở quy hoạch ngành (quy hoạch chung xây dựng; quy hoạch phân khu chức năng; quy hoạch chi tiết xây dựng...). Mặt khác, kinh phí dành cho việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong KKT còn hạn chế. Luật Đất đai năm 2013 nhưng đến nay các văn bản hướng dẫn thi hành Luật như Nghị định 43/2014/NĐ-CP, các thông tư hướng dẫn về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất vẫn chưa có hướng dẫn chi tiết lập kế hoạch sử dụng đất trong quy hoạch chi tiết xây dựng và việc các KKT phải lập kế hoạch sử dụng đất hàng năm của KKT để làm cơ sở giao đất, cho thuê đất và chuyển mục đích.

Về ưu đãi đầu tư: Chính sách ưu đãi đầu tư cho các KKT đã được quan tâm nhưng chưa thực sự hấp dẫn. Cụ thể: các KKT được hưởng cơ chế ưu đãi về thuế TNDN, thuế nhập khẩu, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, tín dụng đầu tư; các ưu đãi đầu tư này đều nằm trong khung pháp luật cho phép đối với các doanh nghiệp hoạt động trong và ngoài KKT.

Về môi trường: Sản xuất trong KKT tạo ra các nguy cơ ô nhiễm môi trường từ các chất thải công nghiệp (khí, nước, rác thải), ảnh hưởng đến môi trường sống xung quanh của cộng đồng.

5 nhóm giải pháp để tháo gỡ các nút thắt phát triển các KKT, KCN

Từ những bất cập, hạn chế và những nguyên nhân phân tích nêu trên, TS. Lê Đình Thăng cho rằng, cần thực hiện một số giải pháp để tháo gỡ các nút thắt, phát triển các KKT, KCN.

Trong đó, cần hoàn thiện khung pháp lý, giải quyết các vướng mắc trong hoạt động đầu tư phát triển KKT, KCN đảm bảo các mục tiêu: Tạo dựng khung pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất về KKT, KCN. Có thể xem xét, ban hành luật chuyên ngành quy định về hoạt động của các KKT, KCN.

Quy hoạch và phát triển KKT, KCN phải bảo đảm nguyên tắc tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai, gắn với khả năng thu hút đầu tư, gắn với liên kết vùng, hình thành các vùng công nghiệp trọng điểm, bảo tồn hệ sinh thái, phát triển bền vững. Chú trọng đầu tư nhiều hơn cho khâu quy hoạch; xem xét quy hoạch phát triển các KKT, KCN đồng bộ với quy hoạch tổng thể, đặc biệt là quy hoạch sử dụng đất.

Ưu đãi đầu tư phù hợp, đẩy mạnh thu hút đầu tư; trong đó các chính sách thúc đẩy sự phát triển của các loại hình KKT, KCN mới; hỗ trợ các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn xây dựng, phát triển các KKT, KCN và hỗ trợ các doanh nghiệp thuộc đối tượng được ưu đãi có thể tiếp cận nguồn lực đất đai dễ dàng hơn với chi phí thấp hơn. Cần đa dạng hóa, linh hoạt và sáng tạo trong ban hành các chính sách ưu đãi đầu tư đối với các KKT, KCN.
Hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về KKT, KCN theo nguyên tắc “một cửa, tại chỗ”. Cùng với đó, hiện nay, ban quản lý KKT, KCN không có chức năng thanh tra, xử lý vi phạm nên công tác theo dõi, giám sát, xử lý vi phạm hành chính trong KKT, KCN còn gặp nhiều vướng mắc; có sự chồng chéo về chức năng quản lý của cơ quan quản lý hành chính trên địa bàn với cơ quan quản lý nhà nước đối với KKT, KCN. Theo đó, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách và việc thực thi pháp luật để tránh hạn chế vai trò và hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp đối với KKT, KCN tại địa phương.

Tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của KKT, KCN theo hướng tinh gọn, hiệu quả, tập trung phát hiện và chấn chỉnh kịp thời các sai sót, ngăn ngừa các rủi ro sai sót ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của các KKT, KCN./.