Quản lý môi trường tại khu kinh tế, khu công nghiệp

Từ năm 2016 đến nay, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã triển khai trên 10 cuộc kiểm toán hoạt động chuyên sâu về các vấn đề môi trường, trong đó có nhiều cuộc kiểm toán hoạt động quản lý môi trường tại các khu kinh tế (KKT) và khu công nghiệp (KCN). Qua kiểm toán, KTNN đã khuyến nghị các cấp chính quyền phải dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác bảo vệ môi trường tại KKT, KCN nhằm tạo ra môi trường đầu tư xanh, phát triển kinh tế bền vững, gắn với bảo vệ môi trường…

Những tồn tại trong quản lý môi trường tại các KKT, KCN

Đến nay, KTNN đã triển khai 6 cuộc kiểm toán môi trường đối với các KKT, KCN trên địa bàn các tỉnh: Bắc Ninh, Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Phú Thọ, Lào Cai. Qua kiểm toán cho thấy nhiều tồn tại, bất cập lớn.

Thứ nhất, về cơ chế, chính sách, hệ thống quy định pháp luật về bảo vệ môi trường cơ bản đầy đủ về nội dung, phạm vi từ môi trường nước, không khí đến quản lý chất thải rắn… nhưng vẫn còn những nội dung chưa phù hợp, thống nhất, gây khó khăn trong quá trình thực hiện, như: Luật Bảo vệ môi trường và Luật Đầu tư năm 2014 quy định khác nhau về sự cần thiết của quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Bên cạnh đó, một số địa phương chưa chủ động, kịp thời xây dựng, ban hành và cập nhật văn bản, quy định về quy hoạch tài nguyên nước, bảo vệ môi trường…  

Thứ hai, việc phân công, phân cấp về quản lý môi trường đối với KCN, KKT chưa cụ thể, chồng chéo, nhất là giữa các ban quản lý KKT, KCN với các cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh, huyện. Việc ủy quyền cho các ban quản lý KKT, KCN thực hiện các nhiệm vụ về bảo vệ môi trường chưa thống nhất giữa các địa phương. Công tác phối hợp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra còn hạn chế, dẫn đến khó xác định trách nhiệm khi xảy ra các vấn đề về môi trường.

Thứ ba, công tác thẩm định, phê duyệt hồ sơ môi trường đối với một số dự án tại các KKT, KCN chưa đáp ứng đầy đủ các nội dung theo yêu cầu của Luật Bảo vệ môi trường, như: Không đánh giá, dự báo đầy đủ khối lượng chất thải phát sinh, tác động tới môi trường… Điều này có thể làm giảm hiệu quả, hiệu lực trong công tác bảo vệ môi trường.

Thứ tư, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định về bảo vệ môi trường, việc xử lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ vi phạm quy định về bảo vệ môi trường tại các KKT, KCN còn hạn chế. Công tác giám sát việc thực hiện các biện pháp khắc phục tồn tại, hạn chế theo kết luận thanh tra, kiểm tra chưa kịp thời…

Thứ năm, công tác bảo vệ môi trường tại các cơ sở kinh doanh, sản xuất, dịch vụ tại KKT, KCN cho thấy, nhiều cơ sở sản xuất chưa tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường, chưa có đầy đủ hồ sơ môi trường; không xử lý nước thải đảm bảo tiêu chuẩn…

Cần hoàn thiện quy định, hướng dẫn về bảo vệ môi trường

Qua kiểm toán, KTNN kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) và Ủy ban nhân dân (UBND) các cấp khẩn trương xây dựng, ban hành, hoàn thiện hệ thống các quy định, hướng dẫn về bảo vệ môi trường nói chung và môi trường KKT, KCN nói riêng theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường và tổ chức các đợt tập huấn, nâng cao năng lực trong việc thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường cho các cơ quan quản lý tại địa phương; nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường KKT, KCN cho chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KKT, KCN, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nằm trong KKT, KCN.

"Cần quan tâm đến việc cân đối nguồn lực để hỗ trợ nhà đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài KCN; có chính sách khuyến khích nhà đầu tư, xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư xây dựng hạ tầng KCN, trong đó có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Nghiên cứu, tổ chức triển khai thực hiện chính sách phát triển KCN sinh thái tại địa phương; giám sát chặt chẽ việc phát sinh chất thải từ các KKT, KCN và các nguồn thải có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao từ các KKT, KCN.' - Kiểm toán nhà nước

Đồng thời, phải chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong công tác thẩm định hồ sơ môi trường, có biện pháp quản lý, giám sát chặt chẽ đối với các dự án có nhiều phân kỳ đầu tư, hạng mục độc lập, tránh tình trạng các cơ sở hoạt động nhưng không được xác nhận hoàn thành đầy đủ cho các công trình bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, KTNN yêu cầu các cơ sở, doanh nghiệp trong KKT, KCN chấp hành nghiêm túc quy định về việc thông báo vận hành thử nghiệm các công trình bảo vệ môi trường để quản lý chặt chẽ.

KTNN cũng kiến nghị lãnh đạo UBND các tỉnh cần chỉ đạo Sở TNMT khẩn trương rà soát, hoàn thành việc kết nối, vận hành và tiếp nhận đầy đủ dữ liệu quan trắc tự động nước thải từ các KCN; đồng thời, đôn đốc các KCN hoàn thành việc lắp đặt, kết nối với Sở TNMT nhằm phục vụ công tác giám sát chất lượng nước thải.

Đáng chú ý, KTNN yêu cầu các cơ quan quản lý môi trường từ trung ương đến địa phương cần giám sát chặt chẽ việc thu hút đầu tư các ngành nghề phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt, các dự án có công nghệ sản xuất hiện đại, thuộc các ngành nghề thân thiện với môi trường; từng bước rà soát, di dời các nhà máy có công nghệ lạc hậu, phát thải lớn, tiềm ẩn rủi ro ô nhiễm môi trường.

Từ thực trạng phản ánh qua kết quả kiểm toán, KTNN nhấn mạnh, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định pháp luật về bảo vệ môi trường tại các KKT, KCN, tập trung vào công tác giám sát việc vận hành các công trình, thiết bị bảo vệ môi trường tại các KKT, KCN. Xử lý nghiêm các cơ sở, doanh nghiệp trong KKT, KCN vi phạm về bảo vệ môi trường theo đúng quy định.

Cùng với đó, phải quan tâm đến việc cân đối nguồn lực để hỗ trợ nhà đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài KCN; có chính sách khuyến khích nhà đầu tư, xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư xây dựng hạ tầng KCN, trong đó có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Nghiên cứu, tổ chức triển khai thực hiện chính sách phát triển KCN sinh thái tại địa phương; giám sát chặt chẽ việc phát sinh chất thải từ các KKT, KCN và các nguồn thải có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao từ các KKT, KCN.

Hơn nữa, cần tăng cường vai trò giám sát của cộng đồng trong công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường KKT, KCN; xây dựng cơ chế huy động sự tham gia của cộng đồng trong việc giám sát xả thải của các KKT, KCN. Ngoài ra, cần phải thực hiện tổng kết, đánh giá và chấn chỉnh công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong quản lý môi trường như: Thẩm định, phê duyệt hồ sơ môi trường; công tác thanh tra, kiểm tra; công tác chia sẻ dữ liệu, giám sát, quản lý chất lượng môi trường./.

Theo Báo Kiểm toán số 42/2023