Nhiều doanh nghiệp có giao dịch liên kết nhưng không kê khai

(sav.gov.vn) - Trong khi số doanh nghiệp (DN) chấp hành kê khai giao dịch liên kết còn quá ít so với thực tế mà công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan thuế chưa thể kiểm soát hết, cũng như cơ sở pháp lý cho hoạt động thanh tra, kiểm tra chưa được ngành thuế hoàn thiện đã ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách địa phương, như tại tỉnh Long An là một minh chứng cụ thể khi Kiểm toán nhà nước (KTNN) phát hiện và yêu cầu DN phải nộp bổ sung hàng tỷ đồng thuế Thu nhập DN.

Kiểm toán phát hiện tỷ lệ doanh nghiệp không kê khai rất cao

Theo báo cáo của Cục Thuế tỉnh Long An, năm 2020, chỉ có 320/9.985 DN trên địa bàn tỉnh đã chấp hành kê khai phụ lục thông tin về giá giao dịch liên kết; còn nhiều công ty con, công ty liên kết của các tập đoàn, tổng công ty, DN có vốn đầu tư nước ngoài chưa kê khai có giao dịch liên kết.

Qua kiểm tra đối chiếu 34 hồ sơ DN, trong đó có 19 DN nằm trong danh sách 320 DN có kê khai giao dịch liên kết do Cục Thuế cấp. Đoàn kiểm toán đã phát hiện 11 DN có phát sinh giao dịch với các bên có quan hệ liên kết nhưng không kê khai phụ lục thông tin theo quy định. Trong đó, Công ty Cổ phần (CP) Khu công nghiệp Đồng Tâm có ký hợp đồng cho công ty con - Công ty TNHH MTV Hệ thống Cung ứng toàn cầu DOKO vay 120 tỷ đồng; cho cá nhân là Chủ tịch HĐTV, Giám đốc điều hành vay tiền dưới hình thức ứng vốn hoặc ủy thác kinh doanh để tránh kê khai giao dịch liên kết, với số tiền 700 tỷ đồng. KTNN kết luận Công ty đã phát sinh giao dịch liên kết với bên có quan hệ liên kết theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 5 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP (một DN nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp ít nhất 25% vốn góp của chủ sở hữu của DN kia).

Đoàn kiểm toán cũng chỉ ra Công ty CP IMG Phước Đông cho cá nhân là Chủ tịch HĐTV vay 119 tỷ đồng từ ngày 01/01/2017 đến ngày 31/12/2020 với lãi suất 0% - thuộc diện DN có phát sinh giao dịch vay, cho vay ít nhất 10% vốn góp của chủ sở hữu tại thời điểm phát sinh giao dịch trong kỳ tính thuế với cá nhân điều hành, kiểm soát DN. Cùng với đó là hàng loạt DN cũng phát sinh giao dịch liên kết nhưng không kê khai, như Công ty: Màng châu Âu; TKC Kraft; Đầu tư Tân Đức; Thanh Yến, Hóa nhựa Đệ Nhất, Bất động sản An Thịnh Phát L.A; Tập đoàn Trần Anh Long An.

KTNN còn phát hiện 1 DN có dấu hiệu phát sinh giao dịch liên kết. Cụ thể, ngày 08/10/2012, Công ty CP Đồng Thuận cho ông Châu Văn Huỳnh - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cảng Long An - vay 200 tỷ đồng. Ngày 01/6/2016, hai bên ký biên bản thỏa thuận có nội dung ông Huỳnh đã trả tiền gốc vay 200 tỷ đồng, còn tiền lãi vay 28,6 tỷ đồng gia hạn đến ngày 31/12/2018. Tuy nhiên, đến ngày 31/12/2020, ông Huỳnh vẫn không trả số tiền này và Công ty Đồng Thuận phải trích lập dự phòng. Năm 2017, Công ty có kê khai quan hệ liên kết với Công ty CP Cảng Long An. Tuy nhiên, trong các năm: 2018, 2019, 2020, Công ty Đồng Thuận không kê khai có giao dịch liên kết. Trong khi đó, theo Giấy phép kinh doanh thay đổi lần thứ 8 ngày 08/8/2017, vốn điều lệ của Công ty là 126 tỷ đồng, nhưng theo báo cáo tài chính tại ngày 31/12/2020, Công ty có khoản phải thu của ông Bùi Văn Hiếu - Chủ tịch HĐQT Công ty - là 140 tỷ đồng.

Cơ sở pháp lý chưa đồng bộ cho hoạt động thanh tra, kiểm tra

Cùng với đó, KTNN còn chỉ rõ tình trạng hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết không dẫn chiếu được nguồn dữ liệu, tên cụ thể của các DN; các DN không tương đồng được sử dụng để so sánh. Hơn nữa, một số DN xác định giá giao dịch liên kết theo phương pháp tỷ suất lợi nhuận chưa phù hợp, không lập hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết. Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP; khoản 2 Điều 2 Thông tư số 41/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính và bộ dữ liệu do cơ quan thuế cung cấp, Đoàn kiểm toán phát hiện tỷ suất lợi nhuận của người nộp thuế không thuộc khoảng giá trị giao dịch độc lập của các đối tượng so sánh độc lập tương đồng, dẫn đến phải điều chỉnh lại tỷ suất lợi nhuận theo giá trị trung vị của khoảng giá trị giao dịch độc lập chuẩn.

Đơn cử như Công ty TNHH Chutex International (Long An) đã kê khai tỷ suất lợi nhuận trên tổng chi phí sản suất kinh doanh của năm 2017 là 0,9%; năm 2019 là 0,64%. Nhưng Đoàn kiểm toán xác định lại tỷ suất lợi nhuận theo giá trị trung vị năm 2017 là 2,63%; năm 2019 là 1,16%, do đó Công ty cần phải nộp bổ sung thuế Thu nhập DN là 404 triệu đồng.

Đồng thời, qua đối chiếu thuế các DN có giao dịch liên kết, KTNN phát hiện tình trạng không kê khai thuế Giá trị gia tăng (GTGT) đầu ra đối với khoản tiền nhận trước của hoạt động chuyển nhượng bất động sản; xác định tiền đất được trừ để tính thuế GTGT không theo số năm cho thuê còn lại kể từ thời điểm ký hợp đồng thuê đất, xác định tiền đất được trừ để tính thuế GTGT không căn cứ vào quyết định phê duyệt tiền bồi thường giải phóng mặt bằng; xác định thu nhập của lĩnh vực được hưởng ưu đãi đầu tư không chính xác, phân bổ khấu hao tài sản cố định chưa đúng quy định, không kê khai thuế Thu nhập DN tạm nộp đối với khoản tiền nhận trước của hoạt động chuyển nhượng bất động sản.

Ngoài ra, còn có hàng loạt những vấn đề tồn tại được phát hiện qua kiểm toán như: DN chưa hạch toán lãi đối với khoản cho vay, không kê khai nhà thầu nước ngoài đối với hợp đồng mua máy móc thiết bị nhập khẩu có kèm theo dịch vụ tiến hành tại Việt Nam; có phát sinh giao dịch liên kết nhưng không loại trừ khoản lãi vay vượt mức khống chế theo quy định.

Cùng với những sai sót nêu trên, KTNN cũng chỉ ra những bất cập trong trong cơ chế, chính sách quản lý thu đối với các DN có giao dịch liên kết. Cụ thể là Quy trình chung về thanh tra, kiểm tra DN có giao dịch liên kết do Tổng cục Thuế ban hành chưa được cập nhật, bổ sung theo quy định của Luật Quản lý thuế (đã bổ sung nội dung, nguyên tắc kê khai, xác định giá giao dịch liên kết nhằm tăng cường cơ sở pháp lý của công tác quản lý thuế đối với DN có giao dịch liên kết), Nghị định của Chính phủ về quản lý thuế đối với DN có giao dịch liên kết; chưa có quy định cụ thể, rõ nét cho hoạt động thanh, kiểm tra giá giao dịch liên kết để khắc phục các khó khăn, vướng mắc trong việc quản lý nhà nước về chống chuyển giá.

KTNN kết luận, những bất cập này đã làm giảm hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý điều hành thu thuế đối với các DN có giao dịch liên kết./.
 

Công ty CP Greenfeed Việt Nam đã kê khai tỷ suất lợi nhuận trên tổng chi phí sản xuất kinh doanh năm 2019 là 7,8%. Đoàn kiểm toán xác định lại tỷ suất lợi nhuận theo trung vị năm 2019 là 7,89%, nên Công ty cần phải nộp bổ sung thuế Thu nhập DN là 1,032 tỷ đồng.



Theo Báo Kiểm toán số 45/2023