Tham dự Hội nghị có Phó Tổng kiểm toán Nhà nước Đặng Thế Vinh; Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Thi; đại diện lãnh đạo KTNN khu vực XI, Vụ Pháp chế, các Ban của HĐND cấp tỉnh, các sở, ban, ngành và huyện thuộc các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình và Thanh Hóa.
Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN được Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 10/3/2023 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/5/2023. Việc kịp thời tuyên truyền, phổ biến những quy định của Pháp lệnh tới các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có ý nghĩa quan trọng nhằm phát huy tốt vai trò của Pháp lệnh trong đời sống xã hội, góp phần nâng cao chất lượng hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm toán của KTNN, tăng cường công tác phối hợp giữa KTNN với HĐND các cấp và các đơn vị được kiểm toán.
Tại Hội nghị, báo cáo viên Lê Thanh Bình - Phó Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, Bộ Tư pháp đã phổ biến, tuyên truyền về sự cần thiết phải ban hành và những nội dung cơ bản của Pháp lệnh, góp phần triển khai thi hành Pháp lệnh kịp thời, đưa tác động của Pháp lệnh đến xã hội, đặc biệt là với các đối tượng kiểm toán nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của KTNN.
Theo đó, Pháp lệnh gồm 5 chương, 21 điều, quy định cụ thể về: đối tượng, hành vi vi phạm hành chính; hình thức, mức xử phạt; biện pháp khắc phục hậu quả; thẩm quyền, thủ tục xử phạt, thi hành quyết định xử phạt và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN; điều khoản thi hành.
Pháp lệnh quy định đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính là những chủ thể có hành vi vi phạm các quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm, điều cấm của Luật KTNN. Các hành vi bao gồm: Vi phạm quy định về các hành vi bị nghiêm cấm; vi phạm quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm của đơn vị được kiểm toán; vi phạm quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động KTNN.
Bên cạnh đó, Pháp lệnh quy định 7 điều, tương ứng với 7 nhóm loại hành vi vi phạm (là các hành vi phổ biến, xảy ra thường xuyên trên thực tế) tương ứng với đó là hình thức, mức phạt tiền và các biện pháp khắc phục hậu quả. Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt hành chính, bao gồm: phạt cảnh cáo; phạt tiền. Trong đó, mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN của cá nhân là 50 triệu đồng, của tổ chức là 100 triệu đồng.
Căn cứ quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và để phù hợp với đặc thù hoạt động KTNN, Pháp lệnh quy định 2 biện pháp khắc phục hậu quả gồm: buộc cải chính thông tin, tài liệu, dữ liệu có nội dung sai lệch, không chính xác hoặc không trung thực; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp (nếu có) do thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN.
Ngoài ra, Pháp lệnh cũng quy định thẩm quyền, thủ tục xử phạt, thi hành quyết định xử phạt và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN.
Tại Hội nghị, đại biểu đến từ các địa phương đã trao đổi nội dung liên quan đến Pháp lệnh, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực thanh tra, kiểm toán, xử phạt vi phạm hành chính.../.
Hải Ly