Áp dụng định mức chưa phù hợp làm tăng tổng mức đầu tư
Tiểu dự án TP. Long Xuyên được Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ theo Hiệp định ký ngày 29/6/2018 giữa Việt Nam và Hiệp hội Phát triển Quốc tế với khoản vay tương đương 40 triệu USD. KTNN đánh giá chủ đầu tư, Ban Quản lý Dự án (QLDA) nâng cấp đô thị TP. Long Xuyên… đã có nhiều cố gắng trong thực hiện Dự án; cơ bản đáp ứng trình tự, thủ tục và các quy định liên quan của Nhà nước, của Dự án và nhà tài trợ WB.
Tuy nhiên, qua kiểm toán, KTNN đã có nhiều phát hiện liên quan đến việc chấp hành chế độ quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình của Dự án này. Trong đó, Quyết định điều chỉnh Dự án số 2251/QĐ-UBND ngày 14/9/2018 của Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh An Giang thay đổi giải pháp thiết kế công trình kè rạch Cái Sơn, Ông Mạnh, Bà Bầu từ cọc bê tông cốt thép kết hợp với cọc neo, giằng bê tông cốt thép và tấm đan chắn đất bê tông cốt thép thành cừ nhựa nhưng chủ đầu tư, đơn vị thẩm tra, cơ quan thẩm định, phê duyệt không làm rõ nguyên nhân thay đổi, không tính toán và so sánh hiệu quả kinh tế, kỹ thuật để làm căn cứ phê duyệt thay đổi giải pháp thiết kế hạng mục chính, quan trọng của công trình là chưa tuân thủ Luật Xây dựng.
Thông qua lựa chọn nhà thầu theo hình thức đấu thầu cạnh tranh, nhiều gói thầu xây lắp của Dự án đạt được tỷ lệ tiết kiệm lớn: Gói thầu LX-PW-3-1: Thi công nâng cấp cơ sở hạ tầng tái định cư là 18%; Gói thầu LX-PW-1-1: Thi công nâng cấp khu LIA 3, LIA 5 tiết kiệm được 19,4%; Gói thầu LX-PW-1-2: Thi công nâng cấp khu LIA 6 tiết kiệm được 14,6%. |
Tổng mức đầu tư được duyệt tại Quyết định điều chỉnh Dự án số 2251 là 1.287,322 tỷ đồng. Đáng chú ý, công tác lập, thẩm định phê duyệt dự toán còn bất cập làm tăng dự toán 7,436 tỷ đồng. Trong đó do sai khối lượng 5,656 tỷ đồng; sai định mức, đơn giá 1,78 tỷ đồng (qua kiểm toán kiến nghị giảm trừ giá trị hợp đồng còn lại 2,962 tỷ đồng do sai khối lượng). Công tác lập tổng mức đầu tư còn sai sót do áp dụng định mức đóng cọc cừ nhựa chưa phù hợp làm tăng tổng mức đầu tư 44,779 tỷ đồng. Theo KTNN, trách nhiệm của những bất cập nêu trên thuộc về đơn vị tư vấn lập Dự án, đơn vị tư vấn lập thiết kế bản vẽ thi công - dự toán, Sở Xây dựng (cơ quan thẩm định và trình UBND tỉnh) và UBND tỉnh An Giang (cơ quan phê duyệt Dự án).
KTNN còn chỉ ra Hợp đồng các gói thầu xây lắp (Gói thầu nâng cấp khu LIA 3, LIA 5; gói thầu nâng cấp khu LIA 6; gói thầu cải tạo rạch Cái Sơn, Ông Mạnh, Bà Bầu) áp dụng hình thức hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh, áp dụng hệ số điều chỉnh giá nhưng lại chưa xác định cụ thể phương pháp tính toán hệ số theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng. Vì thế, đến thời điểm kiểm toán, các gói thầu xây lắp vẫn chưa nghiệm thu, thanh toán chi phí điều chỉnh giá. Cùng với đó, công tác quản lý chi phí nghiệm thu thanh toán còn sai sót, KTNN kiến nghị thu hồi nộp ngân sách 51,9 triệu đồng do sai khối lượng. Hạn chế, tồn tại này thuộc trách nhiệm của Ban QLDA, các nhà thầu và tư vấn giám sát.
Khó đảm bảo hoàn thành Dự án đúng tiến độ
Công tác quản lý tiến độ là vấn đề mà KTNN thấy quan ngại nhất khi thực tế cho thấy Dự án có nguy cơ không hoàn thành vào năm 2023 như kế hoạch đã phê duyệt, làm giảm tính hiệu quả trong công tác sử dụng vốn đầu tư của Dự án. Về nguyên nhân, theo KTNN, do chủ đầu tư chưa điều chỉnh lại kế hoạch tiến độ thực hiện các hạng mục theo phân kỳ Giai đoạn 1, Giai đoạn 2 của Dự án cho phù hợp với Quyết định phê duyệt điều chỉnh Dự án để đảm bảo việc lập nhu cầu kế hoạch vốn phù hợp và quản lý tiến độ Dự án hiệu quả, dẫn đến việc lập nhu cầu vốn giai đoạn năm 2016-2020 lớn nhưng tỷ lệ giải ngân thấp so với kế hoạch vốn giao.
Tiến độ thực hiện công tác giải phóng, bàn giao mặt bằng cũng chậm so với kế hoạch, đến nay chưa hoàn thành việc bàn giao mặt bằng thi công; các gói thầu xây lắp nâng cấp kè rạch Cái Sơn, Ông Mạnh, Bà Bầu, khu LIA 3, LIA 5 mới bắt đầu triển khai thi công, chưa có khối lượng nghiệm thu thanh toán; gói thầu cải tạo, nâng cấp khu LIA 6 mới hoàn thành khoảng 20% so với hợp đồng. Giai đoạn 2 của Dự án (bao gồm: Xây dựng bờ kè sông Long Xuyên, đường Hùng Vương, đường Trần Quang Diệu, nâng cấp khu LIA 1) đến thời điểm kiểm toán vẫn chưa phê duyệt phương án giải phóng mặt bằng, chưa thực hiện công tác lựa chọn nhà thầu để triển khai thi công.
Qua kiểm toán, KTNN yêu cầu Ban QLDA xử lý tài chính hơn 3,013 tỷ đồng, trong đó thu hồi nộp ngân sách hơn 51,9 triệu đồng, giảm giá trị hợp đồng còn lại gần 2,962 tỷ đồng; đồng thời đưa ra nhiều kiến nghị chấn chỉnh công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình… |
Theo báo cáo của Ban QLDA, do một số vướng mắc trong việc đền bù, giải tỏa; giá đất thực tế biến động rất lớn so với bảng giá đất của tỉnh tại thời điểm lập phương án đền bù, chưa kể hồ sơ đo đạc diện tích đền bù thực tế có nhiều sai sót khác so với bản đồ địa chính. Ngoài ra, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, việc triển khai công tác đo đạc, lấy ý kiến phương án, chi trả đền bù, giải phóng bàn giao mặt bằng đều bị chậm...
Như trên vừa đề cập, hệ lụy lớn theo sau việc chưa kịp thời điều chỉnh Dự án theo Quyết định phê duyệt điều chỉnh là công tác lập kế hoạch vốn của Ban QLDA, Sở Kế hoạch và Đầu tư chưa phù hợp với tiến độ thực tế thực hiện Dự án, giá trị giải ngân vốn thấp so với kế hoạch, phải điều chỉnh giảm hoặc kéo dài kế hoạch vốn. Cụ thể, vốn đối ứng ngân sách địa phương năm 2017 giao phải hủy bỏ 1,317 tỷ đồng, tương đương 10,9% kế hoạch vốn; năm 2018 điều chỉnh giảm 4,234 tỷ đồng, tương đương 21% kế hoạch vốn giao; năm 2019 kéo dài sang kế hoạch vốn sang năm 2020 là 33,858 tỷ đồng, tương đương 52,4% kế hoạch vốn giao; năm 2020 kéo dài kế hoạch vốn sang năm 2021 là 52,564 tỷ đồng, tương đương 62% kế hoạch vốn giao.
Tương tự với nguồn vốn vay ODA, kế hoạch vốn giao các năm 2018, 2019 lần lượt là 15,792 tỷ đồng và 74,1 tỷ đồng nhưng không có khối lượng thực hiện; năm 2020 vốn giao 154,199 tỷ đồng, tuy nhiên chỉ rút vốn giải ngân 33,404 tỷ đồng, tương đương 21,6% kế hoạch vốn; năm 2021 kế hoạch vốn giao 223,704 tỷ đồng, đến ngày 30/6/2021 mới chỉ rút vốn giải ngân 23,771 tỷ đồng, tương đương 10,6% kế hoạch vốn giao./.
Theo Báo Kiểm toán sô 47/2023