Kết quả kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công năm 2022 tại Bộ Giáo dục và Đào tạo

(sav.gov.vn) - KTNN vừa phát hành báo cáo kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công năm 2022 tại Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT). Qua kiểm toán, KTNN đã chỉ ra nhiều hạn chế, thiếu sót đồng thời xác định trách nhiệm của các tập thể, cá nhân có liên quan.

Nhiều hạn chế, thiếu sót trong công tác quản lý kinh phí chi đầu tư và chi thường xuyên

Theo kết luận kiểm toán, năm 2022, công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công tại Bộ GD&ĐT và các đơn vị trực thuộc cơ bản đã thực hiện theo quy định của Nhà nước, Luật ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn có liên quan. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý thu, chi, sử dụng ngân sách của Bộ GD&ĐT đặc biệt là công tác quản lý kinh phí chi đầu tư và chi thường xuyên vẫn còn nhiều hạn chế, khuyết điểm. 

Đối với công tác quản lý chi đầu tư phát triển, Bộ GD&ĐT đã phân bổ kế hoạch vốn chậm so với quy định tại khoản 5 Điều 61 Luật Đầu tư công; số vốn trong nước được giao đã phân bổ là 487,1 tỷ đồng/521,9 tỷ đồng (đạt 93%); số vốn chưa phân bổ, phải trả lại là 34,7 tỷ đồng. Theo Bộ GD&ĐT, việc phân bổ vốn chậm là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 kéo dài dẫn đến tiến độ chuẩn bị đầu tư của một số dự án mở mới chậm so với kế hoạch, chưa đủ thủ tục đầu tư để giao vốn.

Bên cạnh đó, kết quả kiểm toán chỉ rõ một số chủ đầu tư chưa tuân thủ việc lập, gửi báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư định kỳ năm theo quy định điểm a khoản 4 Điều 100 Nghị định số 29/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ.

Có 24/26 dự án lập hô sơ trình phê duyệt quyêt toán chậm; 03/26 dự án có thời gian thâm tra, phê duyệt quyêt toán chậm; 21/21 dự án đã hoàn thành chưa nộp hồ sơ quyết toán theo quy định.

Tại báo cáo của Bộ GD&ĐT ghi nhận không có nợ đọng xây dựng cơ bản, tuy nhiên qua kiểm toán tổng hợp cho thấy tại Dự án đầu tư xây dựng Phân hiệu Kiên Giang của Trường Đại học Nha Trang (nay là Trường Đại học Kiên Giang) còn có nợ đọng xây dựng cơ bản số tiền 24 tỷ đồng.

Đặc biệt, qua kiểm toán tại 02 dự án kiếm toán chi tiết cho thấy, tại dự án Trường Đại học Sư phạm TP.HCM, Bộ GD&ĐT đã thẩm định chủ trương, phê duyệt chủ trương đầu tư thiếu nội dung về mục tiêu đầu tư; phê duyệt chủ trương đầu tư, dự án đầu tư chưa phù hợp với quy hoạch được chấp thuận. Tại dự án Trường Đại học Xây dựng tại Hà Nam, Bộ GD&ĐT phê duyệt dự án giảm quy mô đầu tư so với chủ trương đầu tư được Bộ GD&ĐT phê duyệt nhưng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội chưa báo cáo Bộ GD&ĐT sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Xây dựng.

Bên cạnh đó, công tác lập, phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công ban đầu của 02 dự án còn chưa phù hợp, tiên lượng dự toán lập chưa chính xác, thừa thiếu khối lượng dẫn đến trong quá trình thi công phải thực hiện điều chỉnh thay đổi thiết kế, bổ sung phát sinh tăng, giảm dự toán và khối lượng hợp đồng gói thầu.

Bộ đã có Quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu các gói thầu tư vấn nhưng chưa có báo cáo thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu (dự án Trường Đại học Xây dựng tại Hà Nam); khi chấm thầu, nội dung về thời gian tại bảng kê khai kinh nghiệm chuyên môn tại công ty của nhân sự chủ chốt tham gia gói thầu không khớp đúng với thời gian làm việc theo hợp đồng lao động được ký kết nhưng Tổ chuyên gia chấm thầu không thực hiện việc làm rõ với nhà thầu (Gói thầu thi công xây lắp, thiết bị thuộc dự án Trường ĐHSP TPHCM); các bên chưa thực hiện thanh lý hợp đồng tại 04 gói thầu thuộc dự án Trường Đại học Sư phạm TP.HCM.

Ngoài ra, tiến độ thực hiện tại gói thầu số 07 và 08 của dự án Trường Đại học Xây dựng tại Hà Nam chậm so với tiến độ quy định của hợp đồng ban đầu và phải gia hạn thời gian thực hiện (các bên chưa làm rõ nguyên nhân chậm tiến độ, lý do chủ quan, khách quan và xử lý theo quy định của hợp đồng).

Tại dự án Trường ĐH Xây dựng tại Hà Nam còn nợ phải thanh toán cho nhà thầu số tiền 35 tỷ đồng (tính đến tháng 7/2023 là chậm thanh toán 07 tháng so với quy định của hợp đồng).

Công tác quản lý khối lượng thanh, quyết toán tại 02 dự án kiểm toán chi tiết còn một số sai sót. Qua kiểm toán giảm trừ giá trị 876,7 triệu đồng (sai khối lượng 684,8 triệu đồng, sai đơn giá 191,9 triệu đồng).

Đối với công tác quản lý chi thường xuyên, Bộ GD&ĐT đã tổng hợp lập dự toán chậm, lập dự toán chưa đầy đủ căn cứ, thuyết minh, lập một số nội dung chưa đảm bảo theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Thêm vào đó, Bộ GD&ĐT chưa giao dự toán thu hoạt động SXKD dịch vụ cho các đơn vị theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Thông tư số 122/2021/TT-BTC ngày 24/12/2021; điều chỉnh dự toán nhiều lần trong năm (15 lần); giao dự toán một số nội dung chưa đảm bảo theo quy định (giao dự toán chậm, thuyết minh chưa phù hợp); đối với chi sự nghiệp giáo dục đào tạo nội dung thực hiện các chính sách hỗ trợ cho sinh viên, mặc dù đã có điều chỉnh, bổ sung dự toán nhưng thực tế vẫn còn tình trạng cấp thừa và cấp thiếu tại các đơn vị (kinh phí cấp bù miễn giảm học phí cấp thừa 8,4 tỷ đồng, cấp thiếu 15,9 tỷ đồng; kinh phí cấp bù sư phạm cấp thừa 11 tỷ đồng, cấp thiếu 306,7 tỷ đồng;... kinh phí học bổng chính sách cho học sinh dân tộc theo Thông tư liên tịch số 109/2009/TTLT/BTC-BGDĐT cấp thừa 1.9 tỷ đồng, cấp thiếu 485trđ).

Đối với công tác quản lý thu, chi sự nghiệp và hoạt động sản xuất kinh doanh, kết quả kiểm toán cho thấy, Bộ GD&ĐT đã thu học phí vượt theo quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ hoặc thu vượt quy định tại Nghị quyết số 165/NQ-CP ngày 20/12/2022 của Chính phủ.

Đồng thời, bố trí kinh phí học bổng khuyến khích sinh viên chưa đủ tỷ lệ quy định tại điểm b khoản 4 Điều 8 Nghị định số 84/2020/NĐ-CP ngày 17/7/2020 của Chính phủ.

Chưa dành tối thiểu 3% kinh phí từ nguồn thu học phí của cơ sở giáo dục đại học để cho sinh viên và người học hoạt động nghiên cứu khoa học theo quy định tại khoản 5 khoản 6 Điều 12 Nghị định số 99/2014/NĐ-CP ngày 25/10/2014 của Chính phủ.

Báo cáo kiểm toán cũng chỉ rõ một số đơn vị chưa ghi nhận doanh thu kịp thời; xác định thiếu các khoản phải nộp NSNN

Doanh thu, kết quả kinh doanh của các đơn vị còn thấp, chưa hiệu quả, một số đơn vị lỗ luỹ kế,...

Đối với công tác quản lý, sử dụng các nguồn kinh phí, kết quả kiểm toán cho thấy, một số đơn vị quyết toán kinh phí chi chế độ chính sách cho học sinh, sinh viên chưa phù hợp như một số trường đã thu hồi kinh phí phải bồi hoàn của sinh viên nhưng chưa nộp NSNN; quyết toán kinh phí NSNN cấp năm 2022 cho sinh viên thôi học hoặc bảo lưu; quyết toán với NSNN kinh phí các địa phương phải trả cho các hợp đồng đặt hàng, quyết toán kinh phí cấp bù học phí sư phạm cho sinh viên vượt quy định và quyết toán kinh phí hỗ trợ sinh hoạt phí cho sinh viên ngoài chỉ tiêu của Bộ GD&ĐT.

Thực hiện quy định tại Điều 2 Nghị quyết số 165/NQ-CP ngày 20/12/2022 của Chính phủ về học phí đối với cơ sở giáo dục và đào tạo công lập năm học 2022-2023, mức học phí năm học 2022-2023 được giữ ổn định bàng mức học phí năm học 2021-2022 dẫn đến chênh lệch kinh phí quyết toán đối với nguồn kinh phí miễn giảm học phí và cấp bù sư phạm tại một số đơn vị: Nguồn kinh phí miễn giảm học phí theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP: 1,3 tỷ đồng, nguồn kinh phí cấp bù sư phạm: 12,5 tỷ đồng.

 Bộ đã quyết toán kinh phí biên soạn chương trình đào tạo, biên soạn tài liệu chi tiền công vượt định mức ngày công nghiên cứu so với Thông tư liên tịch số 55/2015/TTLT-BKHCN-BTC ngày 22/4/2015.

 Văn phòng Bộ không thu lệ phí tuyển sinh nhưng quyết toán chi từ nguồn kinh phí dịch vụ tuyên sinh tồn các năm trước chuyển sang, triển khai thành nhiêu gói thầu nhỏ lẻ đối với cùng nội dung mua sắm, sửa chữa của cùng một nhà thầu, thời gian thực hiện.

Về công tác quản lý, sử dụng nguồn vốn viện trợ, vốn vay nợ nước ngoài, kết quả kiểm toán cho thấy, Bộ GD&ĐT chưa thực hiện thẩm tra quyết toán và lập báo cáo quyết toán vốn NSNN nguôn viện trợ, nguồn vốn vay năm 2022.

Một số Trường đã tiếp nhận, sử dụng kinh phí của các dự án viện trợ không hoàn lại, tuy nhiên chưa kịp thời báo cáo Bộ GD&ĐT về nhu cầu dự toán, do vậy đến nay chưa được bố trí dự toán, làm thủ tục ghi thu - ghi chi, quyết toán.

Một số đơn vị tổng hợp và đề nghị Bộ Tài chính ghi thu, ghi chi tạm ứng kinh phí trùng.

Trường Đại học Quy Nhơn chưa tiếp nhận kinh phí viện trợ nhưng tạm ứng quỹ cơ quan để sử dụng và đưa vào quyêt toán kinh phí trong năm, đến thời điểm kiểm toán dự án đã kết thúc nhưng nhà tài trợ chưa chuyển tiền.

Nguồn vay nợ chưa được nhà tài trợ chuyển tiền theo thỏa thuận; thực hiện ghi thu, ghi chi cả phần vay lại.

Đối với công tác quản lý và sử dụng tài sản công, năm 2022, Bộ đã theo dõi và quản lý công nợ chưa chặt chẽ; chưa xử lý dứt điểm một số khoản công nợ, tạm ứng kéo dài.

Các đơn vị chưa xây dựng tiêu chuẩn định mức sử dụng trụ sở làm việc và máy móc, thiết bị trình Bộ GD&ĐT thẩm định phê duyệt; việc nhập dữ liệu, theo dõi số liệu vê TSCĐ chưa kịp thời, đây đủ; chưa xử lý đôi với các tài sản đủ điều kiện thanh lý.

Các đơn vị sự nghiệp công lập chưa thực hiện việc kê khai và nộp tiền thuê đất theo quy định.

Chưa tuân thủ đúng quy định của pháp luật đấu thâu mua săm tài sản công (Văn phòng Bộ).

Còn đơn vị sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê không có đề án hoặc có đề án chưa được phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền (Trường ĐHSP Nghệ thuật TW, Trường ĐH Hà Nội, Trường ĐH Vinh); chưa thực hiện đấu giá sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê theo quy định (Trường ĐHSP Nghệ thuật TW).

Về việc thực hiện Nghị định số 84/2020/NĐ-CP ngày 17/7/2020 của Chính phủ: Qua kiểm toán cho thấy còn bất cập như tại điểm b khoản 4 Điều 8 Chương IV quy định “Đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học: Học bống khuyến khích học tập được bố trí tối thiếu bằng 8% nguồn thu học phí đối với trường công lập Tuy nhiên đối tượng xét, cấp học bổng khuyến khích học tập chỉ có sinh viên hệ chính quy theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 8 Thông tư số lO/2016/TT-BGDĐT ngày 05/4/2016 của Bộ GD&ĐT. Do vậy việc phải bố trí học bổng trên toàn bộ số thu học phí bao gồm cả đối tượng sinh viên không phải hệ chính quy song chỉ để xét, cấp học bổng cho đối tượng sinh viên chính quy là chưa phù hợp.

Đối với việc triển khai Thông tư số 14/2019/TT-BGDĐT ngày 30/8/2019: Bộ GD&ĐT chưa xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật cấp Bộ và mới có 03/52 cơ sở đào tạo thuộc Bộ ban hành định mức kinh tế kỹ thuật về giá dịch vụ đào tạo theo quy định tại Thông tư số 14/2019/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT. Theo báo cáo của các đơn vị, việc triển khai xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật gặp một số khó khăn vướng mắc như:

Một số văn bản áp dụng để xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật đều đã hết hiệu lực (Thông tư 47/2014/TT-BGDĐT, Thông tư liên tịch 06/2011/TTLT-BNV-BGDĐT ... Nghị định số 145/2018/NĐ-CP ngày 16/10/2018 của Chính phủ).

Quy định về quy mô lớp chuẩn 40 sinh viên theo Thông tư số 47/2014/TT-BGDĐT không phù hợp với nhiều ngành nghề đào tạo liên quan đến nghệ thuật, ngôn ngữ.

Một số hướng dẫn xây dựng định mức chi đặc thù chưa cụ thể như chi phí tuyển sinh, chi phí phát triển chương trình đào tạo, kiểm định chương trình đào tạo.

Đối với việc triển khai thực hiện Nghị định số 116/2021/NĐ-CP của Chính phủ: Kết quả kiểm toán nêu rõ, kể từ khi Nghị định số 116/2021/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, số lượng sinh viên tuyển sinh của các đơn vị thông qua hình thức đặt hàng từ các tỉnh, thành phố rất hạn chế (Trường ĐHSP Hà Nội chỉ có 02 địa phương ký hợp đồng 13 chỉ tiêu cho 04 ngành đào tạo, năm học 2022-2023 có 02 địa phương đặt hàng nhưng công văn gửi đến chậm (tháng 01/2023) nên không thể triển khai cho sinh viên đăng ký; Trường Đại học Quy Nhơn, Trường Đại học sư phạm Nghệ thuật TW không có đơn đặt hàng).

Kiến nghị chấn chỉnh, rút kinh nghiệm, khắc phục các tồn tại, hạn chế

Từ những bất cập phát hiện qua công tác kiểm toán, KTNN kiến nghị Bộ GD&ĐT xử lý tài chính 25,6 tỷ đồng gồm: Tăng thu NSNN 14,1 tỷ đồng; Thu hồi, nộp NSNN các khoản chi thường xuyên sai quy định 10,6 tỷ đồng; Giảm dự toán, giảm thanh toán năm sau 71 triệu đồng và xử lý tài chính khác 872 triệu đồng.

Đồng thời, KTNN kiến nghị xử lý khác số tiền 62,7 tỷ đồng gồm: Giảm chi phí, quyết toán, thanh toán 1 tỷ đồng; Hoàn trả người học các khoản thu vượt quy định, trong trường hợp không hoàn trả được thì thu hồi nộp NSNN 49,7 tỷ đồng; thu hồi hoàn trả lại chủ đầu tư 536 triệu đồng; kiến nghị khác 11,4  tỷ đồng.

Đối với chi đầu tư phát triển, KTNN kiến nghị Bộ GD&ĐT chấn chỉnh, khắc phục các tồn tại, hạn chế trong công tác lập, thẩm định, phân bổ vốn; lập, gửi báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư; lập, trình, thẩm tra, phê duyệt quyết toán; Rà soát nợ đọng tại các dự án báo cáo Kiểm toán nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền; giải quyết dứt điểm tình trạng nợ đọng tại dự án đầu tư xây dựng Phân hiệu Kiên Giang của Trường Đại học Kiên Giang; Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xử lý dứt điểm một số nội dung tồn tại, hạn chế trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương, quyết định đầu tư dự án; lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế - dự toán; lựa chọn nhà thầu và hợp đồng kinh tế; quản lý tiến độ dự án, nghiệm thu, thanh toán; công tác kế hoạch vốn và giải ngân vốn. Chỉ đạo Trường Đại học Xây dựng Hà Nội bố trí đủ vốn để thanh toán các khối lượng công việc đã được nghiệm thu hoàn thành quyết toán để tránh xảy ra nợ đọng xây dựng cơ bản; phối hợp với nhà thầu và các đơn vị có liên quan, xác định nguyên nhân chậm tiến độ và xử lý theo quy định của hợp đồng đối với Gói thầu số 7, gói thầu số 8; Công khai danh sách các dự án do các chủ đâu tư, ban quản lý dự án vi phạm thời gian lập báo cáo quyêt toán dự án hoàn thành theo quy định của Điều 52 Nghị định số 99/2021/NĐ- CP ngày 11/11/2021.

Kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân đối với việc để xảy ra nợ đọng xây dựng cơ bản tại Dự án đầu tư xây dựng Phân hiệu Kiên Giang của Trường Đại học Kiên Giang.

Đối với chi thường xuyên, KTNN kiến nghị Bộ GD&ĐT chấn chỉnh khắc phục các tồn tại, hạn chế trong công tác lập phân bổ, giao dự toán kinh phí chưa bảo đảm các chế độ quy định. Giao, điều chỉnh dự toán nhiều lần trong năm và chưa thuyết minh đây đủ cơ sở. Phê duyệt các dự án sửa chữa tài sản, nhưng trong dự án cỏn bao gồm hoạt động cải tạo.

Kiểm tra, rà soát kinh phí cấp cho học sinh, sinh viên thực hiện các chế độ, chính sách để kịp thời đảm bảo chế độ cho học sinh, sinh viên, khắc phục tình trạng kinh phí thừa, thiếu giữa các đơn vị.

Tăng cường kiểm tra, rà soát, yêu cầu các chủ dự án nguồn viện trợ thực hiện lập dự toán, quản lý, sử dụng vốn viện trợ đảm bảo đúng quy định.

Thẩm định, phê duyệt phương án tự chủ tài chính giai đoạn 2023-2025 theo quy định của Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ làm căn cứ để đơn vị triển khai thực hiện.

Tập trung rà soát sắp xếp lại nhà đất theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017.
            
Khẩn trương tham mưu cho Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nội dung quy định tại Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ đảm bảo chặt chẽ, phù hợp với thực tiễn, khắc phục các vướng mắc tồn tại.
      
Kiến nghị sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách

KTNN kiến nghị Bộ GD&ĐT rà soát, tham mưu cho Chính phủ sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 4 Điều 8 chương IV Nghị định số 84/2020/NĐ-CP theo hướng quy định học bổng khuyến khích học tập chi cho sinh viên được bố trí tối thiểu bằng 8% nguồn thu học phí chính quy đối với trường công lập.
      
Rà soát sửa đối, bổ sung đối với các văn bản hết hiệu lực, những nội dung cần hướng dẫn chi tiết trong quá trình xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật quy định tại Thông tư số 14/2019/TT-BGDĐT.
 
Hà Linh