Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu 8 nội dung trọng tâm với Kiểm toán nhà nước năm 2024

(sav.gov.vn) - Tại Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ và công tác Đảng năm 2024 của Kiểm toán nhà nước (KTNN), diễn ra sáng 04/01, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, với những kết quả nổi bật trên các mặt công tác, KTNN ngày càng khẳng định vị thế của mình, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, năm 2023, đất nước đối diện với nhiều khó khăn, thách thức nhiều hơn cơ hội; bối cảnh đó đã có tác động nhất định đến hoạt động kiểm toán, song toàn ngành KTNN đã tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đổi mới toàn diện, làm việc với tinh thần trách nhiệm cao đạt nhiều kết quả tích cực.

Qua đó đã góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đồng thời kết quả kiểm toán cũng đã cung cấp nhiều thông tin phục vụ tốt cho các hoạt động của Quốc hội về lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Biểu dương và đánh giá cao thành tích KTNN đã đạt được trong năm 2023, Phó Chủ tịch Quốc hội đã nhấn mạnh về một số kết quả nổi bật.

Trước hết, Tổng Kiểm toán nhà nước, Ban cán sự Đảng KTNN, tập thể lãnh đạo KTNN đã có nhiều chỉ đạo, điều hành để thể chế hóa các nghị quyết của Đảng, nghị quyết của Quốc hội, chính sách pháp luật của Nhà nước vào hoạt động kiểm toán.

Với phương châm hành động lấy chất lượng kiểm toán làm phương hướng, mục tiêu và thước đo hoạt động, KTNN đã quyết tâm đổi mới từ xây dựng kế hoạch kiểm toán, đến thực hiện kiểm toán, phát hành báo cáo kiểm toán, kiểm tra việc thực hiện kết luận kiểm toán, do đó chất lượng kiểm toán tiếp tục được nâng lên.

Hoạt động kiểm toán năm 2023 đã giải quyết tối đa sự chồng chéo với thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; giảm thiểu sự phiền hà cho các đơn vị được kiểm toán.

Toàn ngành KTNN cơ bản đã hoàn thành kế hoạch đã đề ra. Đến 15/12/2023, tổng hợp kết quả kiểm toán của các báo cáo kiểm toán đã phát hành, KTNN kiến nghị xử lý 30.245 tỷ đồng, trong đó tăng thu NSNN 4.099,1 tỷ đồng, giảm chi ngân sách nhà nước 7.392,5 tỷ đồng. Đặc biệt là đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ mới 133 văn bản để hoàn thiện hệ thống pháp luật về tài chính, ngân sách… Những kết quả trên được sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
 
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: N.LỘC

Bên cạnh đó, công tác phối hợp tiếp tục được đẩy mạnh, nâng cao vị thế, vai trò của KTNN và góp phần vào thành công trong hoạt động của KTNN năm 2023. KTNN đã phối hợp rất chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong thực thi nhiệm vụ.

Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý cũng đã được KTNN quan tâm thực hiện, KTNN đã cung cấp nhiều kiến nghị về xử lý các văn bản mâu thuẫn, chồng chéo, góp phần quan trọng giúp các cơ quan của Quốc hội thực hiện rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật.

Đặc biệt, năm 2023, KTNN đã phối hợp với các cơ quan có liên quan trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN, tạo cơ sở pháp lý cho việc xử phạt các hành vi vi phạm pháp luật về kiểm toán nhà nước, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của KTNN, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Công tác công khai kết quả kiểm toán tiếp tục được đẩy mạnh. Bên cạnh việc công khai Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2022, kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán năm 2021, KTNN đã thực hiện tổng hợp những nội dung, phát hiện trọng yếu đối với các cuộc kiểm toán đăng ký chất lượng vàng, các cuộc kiểm toán đề nghị khen thưởng đột xuất để công khai trên Cổng thông tin điện tử của KTNN, Báo Kiểm toán.

Cũng trong năm 2023, lần đầu tiên, KTNN công khai danh sách đơn vị chưa thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán; số hóa toàn bộ các báo cáo kiểm toán đã phát hành gửi Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội. KTNN cũng có nhiều giải pháp để quyết tâm giải quyết các kết luận, kiến nghị kiểm toán tồn đọng…

“Thay mặt lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tôi đánh giá cao và biểu dương kết quả, thành tích mà KTNN đã đạt được trong năm 2023” - Phó Chủ tịch Quốc hội nói.

Đánh giá cao KTNN đã thẳng thắn nhìn nhận, cầu thị trong việc nêu ra những hạn chế, tồn tại, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị KTNN chủ động, tập trung đề ra giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Bước sang năm 2024, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn; điều hành chính sách tài chính, tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng trên cơ sở ổn định vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế đối mặt với nhiều thách thức; cân đối ngân sách dự báo khó khăn, các chỉ tiêu nợ công cần phải quan tâm nhất là chỉ tiểu khả năng trả nợ; nhiều nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, các dự án quan trọng quốc gia được triển khai. Bối cảnh đó đặt ra yêu cầu đối với KTNN là nặng nề và thách thức.

Tán thành với phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp mà ngành KTNN đã đề ra, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban cán sự Đảng, Đảng ủy KTNN và toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động của KTNN tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, chủ động, sáng tạo, giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương để hoàn thành toàn diện kế hoạch công tác đề ra.

Đồng thời, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý KTNN cần tập trung triển khai 8 nội dung trọng tâm. Theo đó, KTNN cần bám sát chủ trương của Đảng, Nhà nước, Nghị quyết của Quốc hội, Chiến lược Phát triển KTNN để thực hiện nhiệm vụ năm 2024; tiếp tục đổi mới phương thức kiểm toán; tăng cường giáo dục về đạo đức, văn hóa ứng xử, trách nhiệm và lòng tự tôn nghề nghiệp; đẩy mạnh việc công khai kết quả kiểm toán, công khai danh sách các tổ chức, cá nhân không thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN; rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật; tăng cường năng lực chuyên môn đối ngoại, mở rộng hợp tác quốc tế; xây dựng Đảng bộ, các cấp ủy, tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh...

Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, kỳ vọng của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Nhân dân vào KTNN ngày càng cao, đòi hỏi KTNN phải thường xuyên đổi mới, không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả để đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị đối với việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công một cách kịp thời, minh bạch.
 
Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn phát biểu tiếp thu ý kiến chỉ đạo. Ảnh: N.LỘC

Phát biểu đáp từ chỉ đạo của Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn nhấn mạnh, để đạt được những kết quả công tác nổi bật trong năm 2023, KTNN luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, trong đó có cá nhân đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải với tư cách là người theo dõi trực tiếp hoạt động của KTNN. Những ý kiến phát biểu, chỉ đạo của đồng chí đã ghi nhận, đánh giá đầy đủ những nỗ lực, cố gắng của KTNN trong năm 2023; đồng thời thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế mà Ngành cần khắc phục để thực hiện tốt hơn trong thời gian tới.

Về 8 nội dung trọng tâm, những nhiệm vụ, giải pháp và định hướng cho KTNN năm 2024 và những năm tiếp theo mà Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề ra tại Hội nghị, thay mặt cho tập thể lãnh đạo và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức của KTNN, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn xin tiếp thu toàn bộ ý kiến chỉ đạo. Tổng Kiểm toán nhà nước cho biết, KTNN sẽ đưa những ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Quốc hội vào kế hoạch công tác, chương trình hành động năm 2024 và những năm tiếp theo. KTNN sẽ quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao, xứng đáng với kỳ vọng của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Nhân dân./.

Hồng Thoan - Diệu Thiện - Nguyễn Lộc