Tập trung triển khai 8 nội dung trọng tâm

(sav.gov.vn) - Trên nền tảng những kết quả tích cực mà Kiểm toán nhà nước (KTNN) đạt được trong năm 2023, cũng như những khó khăn, thách thức cần khắc phục, tại Hội nghị trực tuyến Triển khai nhiệm vụ và công tác Đảng năm 2024 của KTNN diễn ra mới đây, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải yêu cầu KTNN tập trung triển khai 8 nội dung trọng tâm trong thời gian tới.

Chất lượng kiểm toán ngày càng được nâng cao

Năm 2023, KTNN đã cơ bản hoàn thành toàn diện kế hoạch công tác với nhiều kết quả nổi bật. Đặc biệt, trong hoạt động kiểm toán, KTNN đã kết thúc 171 cuộc kiểm toán, phát hành 173 báo cáo kiểm toán; kiến nghị xử lý 30.245 tỷ đồng, trong đó kiến nghị tăng thu ngân sách nhà nước (NSNN) 4.099,1 tỷ đồng, giảm chi NSNN 7.392,5 tỷ đồng và kiến nghị khác 18.753,4 tỷ đồng. Đồng thời, KTNN đã kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới 133 văn bản không phù hợp; kiến nghị điều tra dấu hiệu vi phạm pháp luật tại 1 dự án; cung cấp 299 báo cáo, tài liệu để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát. Qua đó góp phần quan trọng vào việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, sử dụng hiệu quả nguồn lực quốc gia, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực.

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, qua theo dõi của KTNN trong khoảng 10 năm qua, mỗi năm KTNN thường kiến nghị xử lý khoảng 70.000 tỷ đồng, trong đó tăng thu khoảng trên 10.000 tỷ đồng, giảm chi khoảng 20.000 tỷ đồng. Lý giải về kết quả kiến nghị xử lý tài chính năm 2023 thấp hơn mọi năm, Tổng Kiểm toán nhà nước nêu rõ, có 3 nguyên nhân.

Thứ nhất, hệ thống pháp luật, quá trình tổ chức triển khai quản lý tài chính công, tài sản công ngày càng đi vào nền nếp, kết quả thực hiện đạt tốt hơn, đặc biệt trong bối cảnh Đảng, Nhà nước đẩy mạnh công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thì sai sót càng giảm bớt.

Thứ hai, thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ảnh hưởng của xung đột quốc tế làm cho các chuỗi giá trị kinh tế toàn cầu gặp khó khăn. Năm 2019, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 7,02%; năm 2020 tăng trưởng 2,91%; năm 2021 tăng trưởng 2,58%...; năm 2023 tăng trưởng 5,05%, đã tác động đến hoạt động tài chính của cả nước.

Để hoàn thành nhiệm vụ chính trị, xứng đáng với kỳ vọng của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Nhân dân, trong thời gian tới, KTNN tiếp tục đi theo hướng “gọn nhưng chất lượng”, tập trung thực hiện các quy định trong Luật KTNN, Chiến lược phát triển KTNN, làm sao phục vụ tốt nhất cho hoạt động giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng quốc gia của Quốc hội, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn

Thứ ba, do trọng tâm của KTNN thay đổi, thực hiện theo đúng Luật KTNN, Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 và theo đúng bản ngã của Ngành. Trong năm 2023, KTNN đã có một quyết định mang tính đột phá, đó là chấm dứt việc đối chiếu thuế với các doanh nghiệp và tập trung vào việc đánh giá công tác hành thu, quản lý thu của cơ quan thuế. Những năm trước, số thu nhiều nhất mà KTNN phát hiện là từ đối chiếu thuế trực tiếp. Bắt đầu từ năm 2023, KTNN đã chuyển công việc đó cho ngành tài chính, để KTNN tập trung đánh giá công tác hành thu của ngành thuế.

“Một kết quả nổi bật của KTNN được Bộ Tài chính đánh giá rất cao đó là thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã phát hiện ra những vướng mắc, bất cập trong cơ chế, chính sách liên quan đến tài chính, ngân sách để ngành tài chính kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc thực hiện sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền” - Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi đánh giá. Đồng thời, thông qua hoạt động kiểm toán đã góp phần giúp tăng cường thực hiện kỷ luật, kỷ cương ngân sách ở tất cả các cơ quan, đơn vị thụ hưởng NSNN, cũng như nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của các đơn vị, Bộ, ngành, địa phương.

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Đức Chi, Bộ Tài chính nhận thấy chất lượng công tác kiểm toán ngày càng được nâng lên và rất chuyên nghiệp. Thể hiện là, kế hoạch kiểm toán và các công việc trong kế hoạch được xây dựng một cách khoa học, rõ ràng, trên cơ sở các quy định, chuẩn mực của KTNN. Các kết luận, kiến nghị kiểm toán đều phản ánh tương đối chính xác những kết quả tích cực, những điểm còn tồn tại, hạn chế của ngành tài chính trong việc thực hiện nhiệm vụ, qua đó giúp ngành tài chính hoàn thành tốt hơn những nhiệm vụ chính trị được giao.

Ghi nhận thêm dấu ấn của KTNN trong năm qua, Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang nhấn mạnh, KTNN đã phối hợp trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN, tạo cơ sở pháp lý cho việc xử phạt các hành vi vi phạm pháp luật về KTNN, qua đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động kiểm toán, cũng như góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Ông Nguyễn Trường Giang lưu ý, trong quá trình triển khai hoạt động kiểm toán năm 2024, nếu phát hiện các hành vi vi phạm quy định tại Pháp lệnh thì cần kịp thời tiến hành xử phạt theo đúng quy định để đưa Pháp lệnh đi vào thực tế.
 

Các đơn vị trực thuộc KTNN ký giao ước thi đua năm 2024


8 nội dung trọng tâm cần tập trung triển khai

Định hướng để KTNN hoàn thành tốt nhiệm vụ trong năm 2024, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải yêu cầu KTNN tập trung triển khai 8 nội dung trọng tâm.

Thứ nhất, bám sát chủ trương của Đảng, Nhà nước, Nghị quyết của Quốc hội, Chiến lược phát triển KTNN để thực hiện nhiệm vụ đảm bảo tiến độ, chất lượng và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hiệu quả. Tăng cường kiểm toán để đánh giá, kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách của Nhà nước, đặc biệt là các chính sách có phạm vi rộng, ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế - xã hội; kịp thời phát hiện các bất cập, vướng mắc để kiến nghị hoàn thiện, khắc phục lỗ hổng tránh thất thoát, lãng phí từ cơ chế, chính sách.

Thứ hai, tiếp tục đổi mới phương thức kiểm toán từ kế hoạch kiểm toán đến triển khai hoạt động kiểm toán để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động kiểm toán và kiến nghị kiểm toán; lồng ghép các đoàn, nội dung kiểm toán hợp lý, hiệu quả tại các đơn vị, đầu mối đảm bảo tránh trùng lặp, chồng chéo.

Thứ ba, tăng cường giáo dục về đạo đức, văn hóa ứng xử, trách nhiệm và lòng tự tôn nghề nghiệp cho đội ngũ kiểm toán viên nhà nước, thực hiện nghiêm Quy định số 131-QĐ/TW của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán.

Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh việc công khai kết quả kiểm toán, công khai danh sách các tổ chức, cá nhân không thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN theo quy định; tăng cường phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương trong hoạt động kiểm toán; cung cấp kịp thời các thông tin phát hiện kiểm toán quan trọng phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, hoạt động giám sát, kiểm tra, điều tra, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Thứ năm, rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý có liên quan phù hợp với Luật sửa đổi, bổ sung Luật KTNN, Quy định số 131-QĐ/TW của Bộ Chính trị.

Thứ sáu, lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, đào tạo đội ngũ công chức, kiểm toán viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, năng lực chuyên môn tốt, có tinh thần trách nhiệm trong công việc, tính chiến đấu cao; đề cao trách nhiệm của đảng viên, người đứng đầu...

Thứ bảy, tăng cường năng lực chuyên môn đối ngoại, mở rộng hợp tác quốc tế để tìm hiểu kiến thức và kinh nghiệm kiểm toán, nhất là các lĩnh vực kiểm toán mới nhằm nâng cao vị thế, hình ảnh của KTNN.

Thứ tám, xây dựng Đảng bộ, các cấp ủy, tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh; chấp hành nghiêm nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên; chủ động nắm tình hình, phát hiện sớm dấu hiệu vi phạm để kiểm tra, phòng ngừa./.

Theo Báo Kiểm toán số 2/2024