Hành lang pháp lý cho tổ chức và hoạt động của KTNN tiếp tục được hoàn thiện, đồng bộ. Năm 2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN. Cùng với việc tổ chức triển khai thực hiện Pháp lệnh, Tổng Kiểm toán nhà nước quyết liệt chỉ đạo KTNN tiếp tục rà soát, hoàn thiện, ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý, điều hành… nhằm tổ chức thực hiện hiệu quả công tác kiểm toán năm và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm.
Với phương châm “Chất lượng và đạo đức công vụ”, “gọn nhưng chất lượng”, năm 2023, KTNN đã tổ chức thực hiện và hoàn thành 129 nhiệm vụ kiểm toán, giảm 49 nhiệm vụ so với năm 2022.
KTNN tập trung thực hiện kiểm toán báo cáo quyết toán và kiểm toán hoạt động, chuyên đề theo Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030. Kế hoạch kiểm toán đã lựa chọn kiểm toán các chủ đề được Quốc hội, dư luận xã hội quan tâm và để phục vụ công tác giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Đồng thời, KTNN tổ chức thực hiện một số cuộc theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực và của Thủ tướng Chính phủ.
Trong quá trình thực hiện kiểm toán, Tổng Kiểm toán nhà nước thường xuyên chỉ đạo tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ; chú trọng kiểm soát chất lượng kiểm toán và thanh tra công vụ, góp phần nâng cao chất lượng kiểm toán.
Qua kiểm toán, KTNN kiến nghị xử lý 30.245 tỷ đồng, trong đó kiến nghị tăng thu NSNN 4.099,1 tỷ đồng, giảm chi NSNN 7.392,5 tỷ đồng; kiến nghị khác 18.753,4 tỷ đồng; đồng thời kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới 133 văn bản. Kết quả kiểm toán cũng đã cung cấp được nhiều tài liệu phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát; cung cấp nhiều báo cáo phục vụ hoạt động giám sát của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021; phục vụ cho các đoàn giám sát của Quốc hội.
Năm 2023, lần đầu tiên, Tổng Kiểm toán nhà nước báo cáo trước Lãnh đạo Quốc hội và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán. Từ đó mang lại hiệu ứng tích cực, tác động mạnh mẽ đến các cơ quan, Bộ, ngành, địa phương.
Được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo KTNN và quyết tâm của toàn ngành, đến ngày 15/12/2023, số thực hiện kiến nghị kiểm toán năm 2022 về xử lý tài chính là đạt 79,76%, cao hơn 9% so với cùng kỳ năm trước; các cơ quan đã sửa đổi, bổ sung và ban hành mới 33 văn bản thay thế các văn bản không phù hợp.
Ngoài ra, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung cho biết: Năm 2023, công tác phối hợp trong tổ chức hoạt động giữa KTNN và các cơ quan trung ương, địa phương ngày một chặt chẽ. Công tác tổ chức cán bộ, công tác đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học cũng là điểm sáng trong năm 2023. KTNN tiếp tục tham gia tích cực và là thành viên có trách nhiệm đối với các tổ chức kiểm toán quốc tế.
Chia sẻ tại buổi gặp mặt, nguyên Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Cao Tấn Khổng cùng các cán bộ hưu trí đã bày tỏ sự xúc động, phấn khởi trước những thành quả mà KTNN đạt được trong năm 2023, đặc biệt, tính kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ, chất lượng kiểm toán được nâng lên; công tác hoàn thiện thể chế, công tác tổ chức cán bộ, đào tạo, bồi dưỡng… đều có những bước tiến mới.
Các cán bộ hưu trí mong rằng thời gian tới, phát huy truyền thống tốt đẹp của Ngành trong 30 năm qua, KTNN sẽ ngày càng trí tuệ, chuyên nghiệp, phục sự đắc lực cho Tổ quốc, cho Nhân dân.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn nhấn mạnh thêm: Năm qua, KTNN đã hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao với chất lượng tốt hơn, được Quốc hội đánh giá cao hơn.
Trong đó, thành công nổi bật là KTNN đã hoàn thành cơ bản nhiệm vụ kiểm toán của năm 2023 theo đúng chức năng, nhiệm vụ và Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 với tinh thần “gọn nhưng chất lượng”, gắn đạo đức công vụ với phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Tiếng nói của KTNN ngày càng quan trọng hơn, hiệu quả hơn, chất lượng hơn. Hoạt động kiểm toán của KTNN được người dân, xã hội ngày càng đánh giá giao, Đảng và Nhà nước ghi nhận.
KTNN cũng đã làm tốt việc đôn đốc thực hiện kết luận kiến nghị kiểm toán. Lần đầu tiên, Tổng Kiểm toán nhà nước trả lời chất vất trước Quốc hội, điều đó chứng tỏ sự công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong hoạt động kiểm toán. KTNN cũng đã làm tốt việc phục vụ giám sát tối cao của Quốc hội, HĐND và đạt được nhiều kết quả tích cực trên các mặt công tác khác.
“Có được thành quả đáng tự hào trong năm 2023 và trong gần 30 năm qua, bên cạnh sự nỗ lực, cố gắng không ngừng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đang công tác, KTNN đã luôn nhận được sự quan tâm, theo dõi, góp ý của các đồng chí nguyên lãnh đạo KTNN và cán bộ hưu trí qua các thời kỳ” - Tổng Kiểm toán nhà nước bày tỏ sự trân trọng, tri ân.
Thay mặt lãnh đạo KTNN, Tổng Kiểm toán nhà nước khẳng định, toàn Ngành sẽ tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, củng cố vai trò, vị thế của KTNN trong lòng dân, nhận được sự coi trọng của Đảng Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương.
Nhân dịp chuẩn bị bước sang năm mới Giáp Thìn 2024, thay mặt Ban cán sự đảng, lãnh đạo KTNN, Tổng Kiểm toán nhà nước đã gửi lời chúc Tết tới các đồng chí nguyên lãnh đạo KTNN, các cán bộ hưu trí một năm mới sức khoẻ, hạnh phúc.
Trước đó, ngày 11/01, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung đã tới thăm và chúc Tết nguyên Tổng Kiểm toán nhà nước Vương Hữu Nhơn.
Tại buổi gặp mặt, nguyên Tổng Kiểm toán nhà nước Vương Hữu Nhơn đã bày tỏ sự vui mừng trước sự phát triển, lớn mạnh của Ngành, đồng thời mong rằng toàn Ngành sẽ làm tốt việc chống tham nhũng, tiêu cực trong Ngành, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và mong muốn KTNN sẽ ngày càng phát triển, có thêm chức năng, nhiệm vụ mới đảm bảo phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế./.
THÀNH ĐỨC - HUY THÀNH